Văn học dân gian còn được coi là một thể loại của văn học bình dân. Một thể loại văn học không cần đến những “khuôn vàng, thước ngọc”, những quy tắc những điển tích, điển cố sâu xa. Một trong những thể loại nắm giữ vị trí quan trọng trong văn học dân gian chính là những câu hát dân ca và những bài đồng dao được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Những bài dân ca, đồng dao với lời ca giản dị, chân thành đã phản ánh chân thực đời sống vật chất và đời sống tinh thần của ông cha ta thời xưa. Đặc biệt trong số đó chính là những bài đồng dao dành cho trẻ chăn trâu, cắt cỏ. Tiêu biểu chính là bài ca dao “Bao giờ cho tới tháng ba”.

Mở đầu bài đồng dao là một câu hỏi, thể hiện sự mong ngóng và có tác dụng gây hứng thú, sự tò mò cho người đọc. Tháng ba không biết có điều gì đặc biệt khiến người ta mong chờ đến vậy. Những câu thơ tiếp theo đã giải thích cho câu hỏi trên. Đó là những hiện tượng bất ngờ, thú vị của đời sống tự nhiên cũng như của con người:
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Những hiện tượng hết sức ngược đời vốn chẳng bao giờ thấy trong thực tế. Vốn chúng ta biết rằng rắn là một loài động vật rất nguy hiểm, loài ăn thịt. Chúng có hàm răng sắc nhọn và có loài thì có nọc độc đáng sợ. Còn ếch là loài động vật hiền lành. Thông thường thì người ta chỉ thấy ếch bị rắn cắn vì ếch là thức ăn khoái khẩu của rắn. Tương tự như vậy với hùm và lợn thì chẳng ai ngờ đến tình huống là lợn lại cả gan dám liếm lông của hùm cả.

Có lẽ với mọi người thì tháng ba như là dịp mà những loài động vật thấp cấp có dịp trả mối thù truyền kiếp. Có thể nói trong câu đồng dao như có sự “thay bậc đổi ngôi” tạo nên sự thú vị, hài hước cho bài. Tuy nhiên không chỉ vậy mà tác giả còn nhắc về thế giới loài người:
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười
Con gà be rượu nuốt người lao đao
Hồng là một loại quả nhỏ nhắn, món quà mà con cháu thường tặng ông bà nhân dịp mừng thọ với ý nghĩa là sự chúc tụng thể hiện sự hiếu thảo, kính yêu đối với bề trên. Trái lại nắm xôi là thức quà hấp dẫn đối với trẻ con nhưng cả hai thứ đó lại được đảo vị trí vốn có của nó. Vốn nó là những thứ quà được con người thưởng thức nay lại trở thành cái mà có thể “nuốt” được con người. Sự đảo nghịch hài hước tạo nên những tiếng cười vui vẻ, sảng khoái cho người đọc, người nghe. Cuộc sống không chỉ có những người những tình cảm tốt đẹp, trong sáng mà nó còn chứa đựng những mặt trái khác. Những người “lao đao” chính là những người say rượu, bị men rượu khiến cho bước chân không vững vàng, tâm trí không còn thực sự tỉnh táo. Đó chính là những thói hư, tật xấu cần phải phê phán trong xã hội.

Đến những câu thơ cuối, tác giả dân gian vẫn giữ nguyên lối chơi chữ kiểu nói ngược:
Lươn nằm cho trúm bò vào
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô
Lúa mạ nhảy lên ăn bò
Cỏ non, cỏ lác rình mò bắt trâu
Gà con đuổi đánh diều hâu
Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông
Tiếp tục là những hình ảnh về các loài vật quen thuộc với người sống ở vùng nông thôn Việt Nam. Với lối chơi chữ đặc sắc, bài đồng dao đã thành công đem lại tiếng cười sảng khoái cho mọi người. Đó còn mang tâm tư, tình cảm mà nhân dân ta gửi gắm ở đó khi họ sống trong một xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công. Trong xã hội ấy có sự phân biệt giữa người giàu, kẻ nghèo, giữa tầng lớp thống trị với giai cấp bị trị. Họ giống như con ếch, con kiến, con lợn... những con vật nhỏ bé là con mồi cho những loài vật khác. Chính vì thế nhân dân mong chờ một “tháng ba” nào đó để được lật ngược thế cờ, hoán vị, đổi ngôi.

Bài đồng ca chính là bức tranh sinh động về thế giới tự nhiên, về đời sống sinh hoạt của con người. Qua đó còn thể hiện ước mơ và khát vọng được hưởng niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống.