25.00
Thể thơ: Lục bát
Thời kỳ: Hiện đại

Đăng bởi Vodanhthi vào 09/03/2010 17:44

Lại tôi được thấy tỏ tường,
Một thời Phật ngự trong vườn Cấp Cô,
Dưới cây thái tử Kỳ-đà,
Bốn mùa cây cỏ ra hoa cúng dường.
Sáng kia Xá-vệ thành sương,
Cửa ngoài nở mặt trời hường sáng soi.
Phật mang y, bát rạng ngời
Bước chân tịch mặc trong đời tham mê.
A-nan hiền giả gần kề,
Ôm bình theo giữa bốn bề mây vương.
Trên cành hoa sớm dâng hương,
Gió lay rụng những đóa sương diệu kỳ.
Vào thành, đứng lại phố kia,
Gặp ba tử tội đầm đìa châu sa.
Ngựa dong điệu trước một già,
Giáo gươm tỏa ánh chói lòa rợn oai.
Đàng sau áp dẫn hai trai,
Mẹ con ác tặc đến ngày đầu rơi.
Gặp Phật hóa độ tới nơi,
750.   Quan trên dừng lại nghiêng người nể nang.
Nhác trông rực rỡ y vàng,
Tử tù quì xuống giữa đàng van xin.
Hỏi ra mới rõ tội tình,
Phật xin quan hãy vì mình thả ra.
Vâng lời dạy, vội ân tha,
Giao cho về với đức cha đại hiền.
Mẹ con được thả ra liền,
Quì ôm chân Phật hóa duyên, khóc dài.
Rằng “ơn cứu tử của Ngài,
Sống ghi tạc dạ, chết vùi theo sâu.
Thầy ơi! trăm khổ ngàn sầu,
Con xin sám hối quay đầu quy y.”
Phật rằng “oan trái thân kia,
Gieo nhân, hái quả, mau lìa nghiệp duyên.
Từ nay cố gắng tu chuyên,
Ắt sau hưởng phúc nhân thiên đời đời.
Các con hãy nhớ ghi lời,
Mười điều tu thiện là nơi cậy nhờ.
Duyên nay để chuyển nhân xưa,
Chỉ bây giờ biết bây giờ giới trai.”
Nói xong Phật gọi “Thiện lai!”
Lạ thay tóc phủ ngang vai rụng liền.
Áo gai đang mặc trên mình,
Hào quang tỏa chiếu biến thành cà-sa.
Tham mê gội sạch lòng hoa,
Con thành La-hán, mẹ là Bất lai.
Làu làu trí nhiệm mầu khai,
Tâm như ngọc kết trên đài đau thương.
Theo Phật về tới đạo trường,
Cơ duyên kia thật lạ thường ai hay.
Tôi hầu dưới thềm hoa lay,
Căn xưa, xin Phật khai bày xem sao?
Phật rằng “nhân quả theo nhau,
Xem ngày nay biết ngày sau những là
Thuở xưa vua hiền Lý Nha,
Lân bang kiêng nể, dân nhà cậy trông.
Sinh ba hoàng tử hào hùng,
Người tên Lý Nhã rộng lòng từ bi.
Một hôm vua dẫn con đi
Lên non chọn suối lưu ly ngâm mình.
Anh em vào núi tìm quỳnh,
Lội theo dòng biếc in hình trời cao.
Bỗng đâu gặp dưới cội đào
Mẹ con hổ đói khác nào khung xương.
Mẹ nằm ảo não bi thương,
Hai con nhai sữa bên sườn đét da.
Thương tình, ai ngẩn ngơ hoa,
Nhủ thầm hỏi lấy chi mà cứu đây!
Khổ ơi sao khổ thế này,
800.   Kéo lê một tấm thân gầy vì con.
Thâm tình như núi như non,
Ngàn năm nước chảy vẫn còn uy nghi.
Nghĩ hoài chẳng biết lấy chi,
Cứu ba mạng sống đành thì cho thân.
Hai anh giục giã dời chân,
Trở về kẻo để phụ thân buồn rầu.
Nhã thưa: “em sẽ về sau.”
Hai anh hờn giận kéo nhau vội rời.
Nhịn cọp mẹ sắp tắt hơi,
Thế là tự nguyện tới nơi cọp nằm.
Rã rời chẳng thề vồ ăn,
Nhìn như cảm tạ ân nhân dạt dào.
Hoàng tử liền rút lưỡi dao,
Tự đâm ngập cổ máu đào vọt lên.
Hổ mẹ liếm láp tỉnh dần,
Lần hồi ăn hết xác thân đỏ lòm.
Dắt nhau lủi trốn vào non,
Máu loang xương trắng vẫn còn dưới hoa.
Hai anh về gặp vua cha,
Hoàng hậu thấy vắng hỏi là “em đâu?”
“Nhã còn lội suối về sau.”
Vua rằng “sao để rừng sâu một mình?”
Đập bàn thét gọi vệ binh,
Truyền mau lên núi đón nghinh Nhã về.
Vừa tìm đến cội hoa kia,
Thấy đầu hoàng tử đầm đìa máu loang.
Tin như sét dội kinh hoàng,
Hai thân gieo xuống long sàng lịm hơi.
Bỗng nghe văng vẳng từng trời
“Con xin phụ mẫu kịp rời về kinh.
Vì nguyện cứu độ chúng sinh,
Đem thân nuôi cọp thoát hình đảo điên.
Bây giờ sinh hóa cõi thiên,
Tầng trời Đâu-suất, là miền thảnh thơi.
Lầu cung ngọc sáng vàng ngời,
Thấy cha đau đớn, con vời hạc sang.
Tiếc chi một nắm bụi vàng,
Có hình, có hoại, tiếp đàng tử sanh.
Thiện nhân: sinh hóa cõi lành,
Ác nhân: địa ngục quẩn quanh dãi dầu.
Mẹ cha tinh tấn đạo mầu,
Mốt mai con lại được hầu mẹ cha.”
Trên không cánh hạc la đà,
Song thân vừa cũng tỉnh ra bàng hoàng.
Truyền đem hòm ngọc quách vàng
Thu hài cốt nọ vội mang lên đường.
Tháp xây mấy ngọn cúng dường,
Tạc bia ghi chuyện lạ thường xưa nay.
Lý Nhã nay lại về đây,
850.   Lý Nha vua trước: ngày rày phụ thân.
Ba mẹ con hổ rừng xuân,
Sáng nay, nguyện xả bụi trần xuất gia.
Bây giờ, như cánh chim qua,
Thoát lên từ chốn bạo tà tanh hôi.
Thềm lan Phật vẫy gọi tôi,
Vỗ vai nhắn nhủ đôi lời kể đây.


Phạm Thiên Thư thi hoá tư tưởng Dàmamùka Nidàna Sùtra (Kinh Hiền Ngu), Trần thị Tuệ Mai nhuận sắc.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]