Dưới đây là bài viết của Nguyễn Tuyết Hạnh về bài thơ trên:

Bài thơ Ngũ Lăng niên thiếu của J. Leiba: sự kết hợp tinh tế các bài thơ Đường

J. Leiba là một nhà thơ mới được Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” nhận định “người ta thích những vần thơ có giọng Đưởng rõ rệt mà lại nói được nỗi lòng của thời nay. Trong khuôn khổ xưa, hương vị mới ấy rất dễ say người”. Và Hoài Thanh cũng cho là hai câu thơ sau đây của J. Leiba có thể sánh được với những câu thơ cổ:
Sầu đối gương loan, bóng lạ người
Chàng không lại nữa, đẹp cùng ai?
J. Leiba có kiểu gộp vài bài thơ Đường để viết thành một bài thơ theo kiểu rất riêng mà tôi đã đề cập đến trong quyển Vấn đề dịch thơ Đường ở Việt Nam.

Bài Ngũ Lăng niên thiếu là sự gộp ý các bài Thiếu niên hành của Lý Bạch, Thiếu niên hành của Vương Duy, Trường An đạo của Trừ Quang Hy và mấy câu trong bài Tương tiến tửu của Lý Bạch.

Đầu bài thơ Ngũ Lăng niên thiếu là lấy từ câu đầu trong bài Thiếu niên hành của Lý Bạch:
Ngũ Lăng niên thiếu Kim thị đông,
Ngân yên bạch mã độ xuân phong.
Lạc hoa đạp tận du hà xứ?
Tiếu nhập Hồ cơ tửu tứ trung.
Chàng tuổi trẻ đất Ngũ Lăng đến phía đông chợ Kim, cưỡi ngựa trắng yên bạc đi trong gió xuân. Sau khi giẫm hết những đoá hoa rụng, chàng đi chơi đâu? Chàng mĩm cười, đi vào quán rượu cô gái đẹp họ Hồ.

Câu thơ Gốc liễu vương tôn vừa buộc ngựa là phỏng theo ý của một câu thơ trong bài Thiếu niên hành của Vương Duy:
Tân Phong mỹ tửu đấu thập thiên,
Hàm Dương du hiệp đa thiếu niên.
Tương phùng ý khí vị quân ẩm,
Hệ mã cao lâu thuỳ liễu biên.
Ở Tân Phong rượu ngon cả ngàn đấu. Du hiệp ở Hàm Dương phần nhiều là những ngườì trẻ tuổi. Gặp nhau cảm nhau về ý khí mà cùng nhau uống. Buộc ngựa bên gốc liễu rũ nhau bước lên lầu cao.

Các câu:
Rượu ngon cứ uống đừng lo cạn
Ta có kim bào, tuấn mã đây
Tiệc ngọc nghìn vàng chi xiết kể
Tiếc gì tri kỷ một đêm nay
chịu ảnh hưởng bài Tương tiến tửu của Lý Bạch:
Trần Vương tích thời yến Bình Lạc,
Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước.
Chủ nhân hà vị ngôn thiểu tiền,
Kính tu cô thủ đối quân chước.
Ngũ hoa mã,
Thiên kim cừu,
Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu.
Khi xưa Trần vương mở tiệc ở Bình Lạc, có mười ngàn đấu rượu, phóng túng vui vẻ. Chủ nhân chớ nói thiếu tiền. Hãy nên mua rượu rót cùng các bạn. Ngựa ngũ hoa, áo cừu ngàn vàng, gọi trẻ đem đổi rượu ngon.

Bốn câu cuối:
Rồi mai người khách phong lưu ấy
Túi rỗng đi qua kỹ viện này
Che áo vì chưng e thẹn mặt
Ngậm tình, chẳng nói một ai hay.
chịu ảnh hưởng bài Trường An đạo của Trừ Quang Hy:
Minh tiên quá tửu tứ,
Khứ phục du xướng môn.
Bách vạn nhất thời tận,
Hàm tình vô phiến ngôn.
Quất roi ngựa qua tiệm rượu. Vén tay áo đi đến xóm ca nhi. Trăm muôn xài hết chỉ trong một lúc. Ngậm ngùi không nói lấy một lời.

Mặc dù bài Ngũ Lăng niên thiếu của J. Leiba là sự gộp ý các bài thơ Đường đã đề cập ở trên, nhưng các câu thơ Đường ấy đã tan ra hoà vào bài thơ một cách nhuần nhị, thống nhất. Bài Thiếu niên hành của Vương Duy ca ngợi quan điểm “tứ hải giai huynh đệ”. Hai bài thơ của Lý Bạch, một bài ca ngợi sự phong nhã của các thiếu niên ở đất Ngũ Lăng, bài kia (đoạn bài thơ mượn ý), ca ngợi sự khoáng đạt, hào sảng; nhưng khi kết hợp các bài thơ lại thì bài thơ của J. Leiba thành ra khác hẳn. Các bài thơ đó bổ sung cho nhau để làm thành một bài học tốt cho các thanh niên. Việc phóng túng, hoang phí nơi trà đình, tửu điếm, cuối cùng chỉ đem lại vị bẽ bàng chua chát. Cái hư danh “hào hoa, phong nhã” của lúc rủng rẻng tiền sẽ chỉ còn là sự hổ thẹn không dám nhìn ai của lúc túi rỗng không.

Nguyễn Tuyết Hạnh, Trung tâm nghiên cứu quốc học (Thơ Đường bình chú, Nxb Văn Học, 2009)