Ta được biết Nguyễn Trãi gắn liền với lịch sử trọng đại của dân tộc bằng Bình Ngô đại cáo vừa vĩ đại vừa thiêng liêng, lại được tri âm với ông ở góc độ rất người, số phận người, mơ màng và dân dã trong “Bến đò xuân đầu trại” và lại vô cùng ngạc nhiên khi ta được gặp một con người rất đa tình qua bài thơ Cây chuối.
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu, gượng mở xem..
Nhan đề bài thơ của Nguyễn Trãi rất mộc mạc, tả cây chuối, nhưng quả thực bài thơ lại hàm chứa một ý thơ sâu kín, nhiều tầng. Đến như Xuân Diệu là người sành thơ cũng phải băn khoăn hàng chục năm trời tìm cách giải mã, nêu lên một cách cảm cho ta nhiều thú vị: ‘Tại sao không là “lại tốt thêm”? – “Lại tốt thêm” chẳng qua theo đà, theo thế. theo thời mà thêm tốt, bớt tốt! Còn như Ức Trai viết “tốt lại thêm” để khẳng định: cái tốt vốn là bản chất rồi; từ lúc “bén hơi xuân” thì tốt thêm. Cái thần của câu thơ là ở chữ “bén”. Và chữ “lạ”, chữ “màu” ở câu hai dào dạt, ngạt ngào hơn. Khi đã hiểu sự “lạ” là mùa xuân riêng xuất hiện thì hai câu cuối dính liền một cách thoải mái với hai câu trên.

Tả cây là phải tả lá, tả hoa (ở đây là quả), nhưng Ức Trai không sa đà vào chi tiết, vào dáng cây, thế cây... mà chỉ cốt ghi lấy ấn tượng. Chính vì vậy, ông không tả lá thấp, lá già mà tả lá non. chúm chím, cái đọt chuối màu xanh cẩm thạch đang đung đưa trước làn gió xuân. Ngầm ý là: sức sống, sức xuân của cây chuối đâu đã ở vào giới hạn cuối cùng. Nó đang thừa dư, trữ lượng của nó còn lai láng, đầy ắp. Như một cô gái biết mình đẹp, đang có mối tình đẹp, cây chuối dường như e ấp, ngượng ngập vì duyên may, vì có trong đời mình, trong lòng mình một hạnh phúc lớn lao, trọn vẹn. Tâm trạng ấy được hình tượng lên bằng một bức “tình thư”, một cuốn thư còn niêm phong dán kín. Nguyễn Trãi đã nhận ra dưới góc độ hết sức mộng và thơ, duyên dáng và đa tình. Vừa giãi bày, vừa gói ghém những chuyện động trời nhưng đang ớ dạng ẩn chìm, chưa hé lộ. Kín đáo và tình tứ biết bao! Và cũng biết bao phấp phỏng, hồi hộp, đợi chờ:
Tình như một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem.
Dĩ nhiên, tình lang của cây chỉ có thể là mùa xuân, là ngọn gió. Ngọn gió ấy cũng mỏng manh làm sao.như nỗi đợi chờ kia! Nó sẽ lướt qua để làm cái việc mở bức “tình thư” còn phong kín đó. Bức thư là thực, tình thư là ảo, có mà tưởng như không. Đọc thư tình, mà trước hết là thao tác mở thư phải nhẹ nhàng, phải trân trọng, “một tấm lòng đối với một tấm lòng”, phải gợi mở”. Bởi tình thư có khía cạnh vật chất, nhưng trước hết và chủ yếu, quan trọng hơn là khía cạnh hồn người. Chính vì lẽ đó, trong sự ứng xử không thể suồng sã, thô kệch. “Gió nơi đâu?” – câu hỏi tu từ ở đây rất gợi, như một sự mời mọc, nhưng cũng rất nhã: “gượng mở xem”. Như vậy, mạch cảm xúc chính trong bài thơ được thực hiện bằng thủ pháp ví ngầm để miêu tả cây chuối, rồi từ đó muốn hướng tới ca ngợi vẻ đẹp sung mãn của tuổi trẻ bất gặp tiết xuân về. Ấy là vẻ đẹp xuân sắc, xuân tình của cây cỏ và lòng người mà mùa xuân đem lại.

Với phong cách nghệ thuật tượng trưng kiểu phương Đông, không nhất thiết tả cây chuối cụ thể, Nguyễn Trãi đã gây ấn tượng sâu sắc bởi sự cảm thụ của nhà thơ trước cái đẹp của sức xuân mà người con gái đẹp vốn là biểu tượng ấy.

Sức trẻ ấy toát ra hương thơm, vẻ đẹp thanh tân của cây chuối gặp xuân được chiêm ngưỡng bởi một hồn thơ đa tình, nhạy cảm. về phương diện này, ta thấy Ức Trai tiên sinh người hơn ai hết, đời hơn ai hết, bên cạnh một Nguyễn Trãi thiêng liêng, cao đẹp, hoành tráng với áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo.

Hồ Thị Ánh Quyên