Листопад

Осенью в Москве на бульварах
вывешивают дощечки с надписью
“Осторожно, листопад!“


Осень, осень! Над Москвою
Журавли, туман и дым.
Златосумрачной листвою
Загораются сады.
И дощечки на бульварах
всем прохожим говорят,
одиночкам или парам:
“Осторожно, листопад!”

О, как сердцу одиноко
в переулочке чужом!
Вечер бродит мимо окон,
вздрагивая под дождем.
Для кого же здесь одна я,
кто мне дорог, кто мне рад?
Почему припоминаю:
“Осторожно, листопад”?

Ничего не нужно было,-
значит, нечего терять:
даже близким, даже милым,
даже другом не назвать.
Почему же мне тоскливо,
что прощаемся навек,
Невеселый, несчастливый,
одинокий человек?

Что усмешки, что небрежность?
Перетерпишь, переждешь...
Нет - всего страшнее нежность
на прощание, как дождь.
Темный ливень, теплый ливень
весь - сверкание и дрожь!
Будь веселым, будь счастливым
на прощание, как дождь.

...Я одна пойду к вокзалу,
провожатым откажу.
Я не все тебе сказала,
но теперь уж не скажу.
Переулок полон ночью,
а дощечки говорят
проходящим одиночкам:
“Осторожно, листопад”...

 

Dịch nghĩa

Mùa thu ở Matxcơva
người ta treo những tấm biển nhỏ trên các đại lộ
với dòng chữ: “Coi chừng lá rụng!“


Mùa thu, mùa thu! Trên bầu trời Matxcơva
Những đàn sếu, sương mù, và khói,
Những khu vườn cháy sáng lên
tán lá vàng ẩm tối,
Và những tấm biển nhỏ trên các đại lộ
nói với tất thảy khách bộ hành đi qua,
những kẻ cô đơn hay những cặp đôi:
“Coi chừng lá rụng!”

Ôi, trái tim mới cô độc làm sao
trên ngõ nhỏ xa lạ!
Chiều lang thang lướt qua những khung cửa,
run lên dưới mưa.
Tôi vì ai ở lại một mình,
Tôi thương quý ai, ai mừng vui khi gặp mặt?
Cớ gì tôi cứ nhớ lời thầm nhắc:
“Coi chừng lá rụng”?

Nếu đã từng chẳng tha thiết điều gì,-
thì nghĩa là chẳng có gì để mất:
thậm chí là người thân, thậm chí là người thương,
thậm chí là bạn thôi cũng không thể được.
Thế mà sao tôi cứ thấy buồn,
rằng ta đang rời xa mãi mãi,
Hỡi con người bất hạnh, không vui
và cô độc?

Có là gì đâu sự nhạo cười, có là gì đâu niềm khinh mạn!
Anh sẽ chịu được thôi, anh hãy kiên tâm chờ đợi
để mọi điều qua đi.
Không - đáng sợ hơn cả là nỗi dịu dàng,
giống như mưa, khi mình chia biệt.
Cơn mưa rào tối thẫm, cơn mưa rào ấm áp,
Cả cơn mưa cứ ánh lên lấp lánh và run rẩy!
Hãy vui lên anh, hãy hạnh phúc nhé anh,
giống như mưa, khi mình chia biệt...

Tôi một mình ra ga,
khước từ người đưa tiễn.
Chưa nói thoả cùng anh,
giờ thôi không cần nữa.
Ngõ nhỏ đầy ắp đêm,
trên đường bao tấm biển
nhắc những kẻ độc hành:
“Coi chừng lá rụng”!


1938

Dịch nghĩa của Thuỵ Anh.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 3 trang (27 bài trả lời)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bằng Việt

Mùa thu ở Mátxcơva người ta thường treo những tấm biển trên các đại lộ, với dòng chữ: “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”

Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả.
Matxcơva lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời,
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc đại lộ
Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”

Ôi trái tim, trái tim một mình tôi
Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ
Buổi chiều kéo lang thang mưa giá
Khẽ rung lên bên khung cửa sáng đèn
Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình?
Tôi có thể yêu ai? Ai làm tôi vui sướng?
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng” -
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!

Nếu không có gì ao ước nữa trong tôi
Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất
Anh từng ở đây, từng là người thân nhất
Sao phút này làm người bạn cũng không?
Tôi chẳng hiểu vì sao cứ ngùi ngẫm trong lòng
Rằng sẽ phải xa anh vĩnh viễn
Anh - con người không vui, con người bất hạnh
Con người đi đơn độc quá trong đời
Thiếu cẩn trọng chăng? Hay chỉ đáng nực cười?
Thôi, hãy biết kiên tâm, mọi điều đều phải đợi

Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi!
Mưa thầm thì rơi mãi lúc chia ly
Mưa tối rầm nhưng ấm áp nhường kia
Mưa run rẩy trong ánh trời chớp loá...
Anh hãy cố vui lên dù con đường hai ngả
Tìm hạnh phúc bình yên trong ấm áp cơn mưa!...

Tôi ra ga, lòng lặng lẽ như xưa
Một mình với mình thôi, chẳng cần ai tiễn biệt
Tôi không biết nói cùng anh đến hết
Và bây giờ còn phải nói gì thêm!
Cái ngõ con đã tràn ngập màu đêm
Những tấm biển dọc đường càng thấy trống:
“Tránh đừng động vào cây,
mùa lá rụng...”


Tôi cũng biết một bản dịch khác của bài thơ này, nhưng điệp khúc của nó là xin đừng đụng vào cây mùa lá rụng chứ không phải tránh đụng vào cây mùa lá rụng như bản dịch này, có lẽ không nên so sánh nhưng đúng là chữ xin kia làm người ta thấy bài thơ dịu dàng và tội nghiệp hơn rất nhiều.

Với cả ở câu gần cuối, hình như có thêm câu thơ này thì phải:
Cái ngõ nhỏ con đường đã tràn ngập màu đêm
Những tấm biển treo dọc đại lộ càng thêm trống
Ai đi qua mùa thu
Xin đừng động vào cây, mùa lá rụng...

Các bản dịch khác nhau linh tinh cả lên:(
34.67
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Bằng Việt

Phải nói rằng Bằng Việt đã chuyển đến được độc giả Việt Nam cái hồn của bài thơ, một bài thơ có thể đứng vững mãi với thời gain trong lòng người đọc Việt Nam không chỉ vì nó hay mà vì Bằng Việt dịch quá hay. Nếu so hai tác phẩm - nguyên tác và bản dịch, ta thấy được hai bài thơ. Tuy là bản dịch, nhưng Bằng Việt đã dịch bằng hồn chứ không bằng câu chữ. Vì thế, không thể bắt bẻ được từng từ hay từng ý...
Riêng với câu "Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng" thì theo tôi dùng từ "tránh" là đúng nhất. Nó hợp với nguyên tác là một, cái thứ hai là khi viết câu ấy, Olga không có ý định tự làm cho thơ mình thêm tội nghiệp. Từ "xin" không đúng với ý nghĩa nguyên tác (cẩn thận... tránh..đừng...) và theo tôi cũng không hợp với tác giả, một người đàn bà có trái tim nữ tính nhưng đầy kiêu hãnh.

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
25.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Bằng Việt

Mùa thu ở Mátxcơva
người ta thường treo những tấm biển trên các đại lộ,
với dòng chữ: “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”


Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả.
Matxcơva lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời,
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc đại lộ
Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”

Ôi trái tim, trái tim của một mình tôi
Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ
Buổi chiều kéo lang thang mưa giá
Khẽ rung lên bên khung cửa sáng đèn
Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình?
Tôi có thể yêu ai? Ai làm tôi vui sướng?
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!

Nếu không có gì ao ước nữa trong tôi
Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất
Anh từng ở đây, từng là người thân nhất
Sao phút này làm người bạn cũng không?
Tôi chẳng hiểu sao cứ ngùi ngẫm trong lòng
Rằng sẽ phải xa anh vĩnh viễn
Anh - con người không vui, con người bất hạnh
Con người đi cô độc quá trong đời
Thiếu cẩn trọng chăng? Hay chỉ đáng nực cười?
Thôi, hãy biết kiên tâm, mọi điều đều phải đợi

Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi
Mưa thầm thì rơi mãi lúc chia ly
Mưa tối rầm nhưng ấm áp nhường kia
Mưa run rẩy trong ánh trời chớp loá...
Anh hãy cố vui lên dù con đường hai ngả
Tìm hạnh phúc bình yên trong ấm áp cơn mưa!...

Tôi ra ga, lòng lặng lẽ như xưa
Một mình với mình thôi, chẳng cần ai tiễn biệt
Tôi không biết nói cùng anh đến hết
Nhưng bây giờ còn phải nói gì thêm!
Cái ngõ nhỏ con đã tràn ngập màu đêm
Những tấm biển dọc đường càng thấy trống:
“Tránh đừng động vào cây,
mùa lá rụng...”

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Huyền My

Mùa thu ở Matxcơva, trên đường phố
treo những tấm biển đề dòng chữ
“Mùa rụng lá cây, xin hãy dè chừng!”


Mùa thu! Giữa trời Matxcơva
Những đàn sếu bay về trong sương khói
Những chiếc lá màu vàng sẫm tối
Đang cháy lên trong những khu vườn.
Những tấm biển treo dọc theo con đường
Những tấm biển nhắc nhở cùng tất cả
Dù ai có lứa có đôi, ai người đơn lẻ:
“Mùa rụng lá cây, xin hãy dè chừng!”

Ôi, con tim của tôi sao mà cô đơn
Trên con đường xa lạ!
Buổi chiều lang thang bên những ô cửa sổ
Và khẽ rùng mình dưới những cơn mưa.
Tôi ở đây một mình có phải để cho
Một người mà tôi vui, một người mà tôi quí?
Không hiểu vì sao lòng tôi lại nhớ:
“Mùa rụng lá cây, xin hãy dè chừng!”

Lúc này đây đã không có gì cần
Thì cũng có nghĩa chẳng còn gì để mất
Ngay cả người thân yêu, người gần gũi nhất
Đã không còn có thể gọi bạn thân.
Thì tại vì sao tôi lại cứ buồn
Rằng đến muôn đời tôi đành vĩnh biệt
Một kẻ không vui, một kẻ không hạnh phúc
Một kẻ cô đơn.

Chỉ đáng nực cười hay thiếu cẩn trọng chăng
Hay phải biết đợi chờ, hay chịu đựng…
Không – thật vô cùng khiếp đảm
Vẻ dịu dàng khi vĩnh biệt, như mưa.
Cơn mưa tối sầm, mưa ấm áp nhường kia
Mưa lấp loá và mưa run rẩy thế
Mong anh hạnh phúc và mong anh vui vẻ
Trong phút giây này vĩnh biệt, như mưa.

… Tôi một mình đi bộ ra ga
Một mình thôi, không cần ai tiễn biệt
Tôi chưa nói với anh mọi điều đến hết
Nhưng mà thôi, không nói nữa bây giờ.
Con đường nhỏ tràn đầy trong đêm khuya
Những tấm biển dọc đường như vẫn nói
Với những kẻ cô đơn trên đường qua lại:
“Mùa rụng lá cây, xin hãy dè chừng!”


Thành viên xinbac-tibo gửi lên Thi Viện
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Butgai

Mạc Tư Khoa trời đất đã vào thu
Những cánh vạc bay, khói sương lan toả
Sậm một màu vàng trên từng chiếc lá
Cây trong vườn kia đã sáng rực lên
Những tấm biển trên đại lộ đan xen
Với khách bộ hành không ngừng nhắc nhở
Người cô đơn hay có đôi có lứa
“Xin hãy dè chừng, mùa rụng lá cây”

Ôi trái tim, một trái tim đơn côi
Xa lạ bước một mình trong ngõ nhỏ
Chiều dạo bước qua từng ô cửa sổ
Khe khẽ run lên trong tiếng mưa rơi.
Tôi đang ở đây vì ai, cô đơn ơi
Tôi cần ai, ai làm tôi vui được
Và vì sao tôi cứ luôn hồi tưởng
“Xin hãy dè chừng, mùa rụng lá cây”

Không còn gì khao khát nữa trong tôi,
Thì có nghĩa, chẳng còn gì để mất
Chẳng gần gũi, không phải người thân nhất
Hay đơn thuần chỉ là bạn cũng không
Vậy sao em cứ thổn thức trong lòng
Rằng em phải rời xa anh mãi mãi
Xa con người số phận không ưu ái
Người cô đơn, chẳng mấy khi cườì

Thiếu thận trọng hay chỉ sự nực cười
Đành kiên tâm và thêm lòng chờ đợi
Nhẹ như mưa mà không sao chịu nổi
Sự dịu dàng trong giây phút chia ly
Mưa sầm sập sao ấm áp quá đi
Trong ánh chớp cứ rơi rơi mãi thế!
Vui nhé anh dẫu cách rời non bể
Và hạnh phúc, như mưa, dẫu chia xa

Một mình em sải bước đến sân ga
Cam lòng khước từ những lời tiễn biệt
Em chưa nói cùng anh cho đến hết
Nhưng giờ thì em không nói nữa đâu
Con ngõ nhỏ đã chìm trong đêm thâu
Những tấm biển hai bên đường vẫn nhắc
Với khách bộ hành lại qua đơn độc
“Xin hãy dè chừng, mùa rụng lá cây”...

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Butgai

Thực ra, tấm biển đề "Coi chừng, Lá rụng!" là để cho những người lái tàu điện để ý để khỏi bị trật bánh do giảm ma sát với đường ray, hoặc để khách bộ hành khỏi trơn trượt. Olga đã mượn chuyện này để nhắc nhở  người ta tránh những vấp ngã trong cuộc đời, tình yêu. (Bà làm bài thơ này khi vừa đến Moscow thăm người yêu, nhưng rồi lại chia tay với ông ngay đêm đó)
Nếu dịch là "tránh đụng vào cây, mùa lá rụng" thì nghe như là muốn bảo vệ thiên nhiên vậy. Và như thế, ý nghĩa khác rất nhiều.
Còn nếu hình tượng hoá lên một chút thì người ta sẽ có thể nghĩ là "tôi đang bị tổn thương đây, đừng động vào tôi nũa, lá trong tâm hồn tôi sẽ rụng hết". Nghĩa cũng khác hẵn.
Thiết nghĩ, "tránh" hay "xin đừng đụng vào" thì đều làm ý nghĩa khác với bản gốc. Đơn giản là "Coi chừng lá rụng"
Butgai thường không thích những bản dịch phóng tác và thêm những cụm từ không có trong bài gốc quá nhiều chỉ vì vần điệu.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Gửi bạn butgai

Bài thơ này không phải Olga viết khi đi thăm người yêu. Bà viết tặng một người bạn thân. Nhân vật trữ tình trong bài thơ không nhất thiết là tác giả!

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
12.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Gửi bạn Hoa Xuyên Tuyết

Cám ơn bạn đã nhắc. Rất có thể Butgai nhớ nhầm chi tiết là bạn của Olga đi thăm người yêu và bà viết tặng người bạn đó!?

Có một chi tiết này, bútgai thấy các bản dịch đều có cách hiểu khác bản gốc, làm đoạn tiếp sau đó, thậm chí là cả bài thơ cũng bị ảnh hưởng về ý nghĩa của sự ngậm ngùi chia tay và ý nghĩa nhắc nhở về sự trượt ngã, hụt hẫng:
даже близким, даже милым,
даже другом не назвать.
đúng nghĩa gốc là "không thể coi là người gần gũi, người thân yêu hay đơn thuần là người bạn" vì thế nên cái sự "thổn thức trong lòng rằng sẽ phải chia tay mãi mãi" mới trở nên trái khoáy: đã là gì của nhau đâu mà khi chia tay ta lại ngậm ngùi đến thế? Có vẻ như đây là tình cảm đơn phương của cô gái.
Các bản dịch đều cho rằng: "TỪNG là người gần gũi, TỪNG là người thân yêu nhất, mà nay sao làm bạn cũng không" và vì thế làm cho cái "ngậm ngùi chia tay" này bị nhuốm màu sắc cay đắng, oán trách. Làm cho đối tượng của cô gái giống như một kẻ Sở Khanh, lừa tình, trong khi sự thật có lẽ chưa bao giờ anh ta thể hiện rằng mình yêu cô gái đó cả. (Chính cô gái cũng thừa nhận chưa là gì của nhau kia mà). Như thế, ta cũng dễ hiểu hơn điều mà cô gái "chưa nói hết và sẽ không nói với chàng trai" là thổ lộ tình yêu, cô đã lặng lẽ bỏ đi khi biết anh không yêu mình:
Я не все тебе сказала,
но теперь уж не скажу.
Sự đau khổ, tình cảm trong 2 sự chia ly này có khác nhau: từ bỏ một mối tình đơn phương khác chia tay với người yêu. Như thế, hồn của bài thơ cũng sẽ khác.

23.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bài thơ "Mùa lá rụng"

Có những cái đơn giản, con người ta hay phức tạp hoá nó lên, và ngược lại, có cái phức tạp lại coi là đơn giản. Hai cái đều kông hay! Đừng phức tạp hoá và cũng đừng đơn giản hoá vấn đề. Hãy xem vấn đề đúng như nó hiện hữu. Thử xem khổ thơ đầu của bài thơ "Listopad", nói gì. Đơn giản tác giả nêu địa điểm: Mátcơva, khung cảnh: trên cao có sếu bay qua, có sương mù, có khói. Lại thêm một chi tiết nữa: trên các con lộ có treo bảng “Cẩn thận, lá rụng” (chỉ đơn giản thế thôi, đừng có thêm nào là ”mùa lá rụng”, “ mùa rụng lá cây”, nào là ”tránh đừng động vào cây”, nào là “xin đừng động vào cây” , “xin hãy dè chừng”...? Chiếc bảng treo ”cẩn thận, lá rụng” , không có ý nhắc người ta đừng động vào cây, bởi rằng, có đụng, có dựa, có ngồi lên cây thì cũng chẳng hư hại gì cho cây cả. Điều đó hiển nhiên ai cũng biết. Với lại, các khu vườn ở Matcơva, đi dạo trong vườn còn có các bulva, không mấy ai dại gì mà lại băng lối, đến để chạm cây chạm cối làm gì(?!).
Ý tác giả nói nói:  Ở Matcơva mùa thu rồi! Ngay đầu bài tác giả đã nhắc tới “mùa thu” hai lần, lần sau có dấu than! Cái câu “Cẩn thận,lá rụng” là lấy sự việc thật của khung cảnh mùa thu. Sau này câu này được nhắc đi nhắc lại mấy lần nữa, Có ý của nó. Tiếp theo một chi tiết nữa khi nhắc đến mùa thu không thể thiếu được, đó là: các khu vườn đẫm vàng bởi lá. Nói tới mùa thu không khể không nói tới lá vàng, mà nhất là ở Nga. Mùa thu vàng! “Thu có nhuốm là vàng, mới có màu ly biệt”. Nói tới lá vàng là nói tới mùa thu, nói tới lá rụng, nói tới ly biệt. Vậy đó. Mở đầu bài thơ tác giả đã vẽ lên khung cảnh, địa điểm, thời gian, để rồi sau này nói đến cô gái cô đơn trong cài mùa thu ly biệt đó.
Cô gái, một mình, bước trong hẽm phố lạ! Giống như chiều hôm muộn lang thang trên các ô của sổ, mà lại dưới cơn mưa! Buồn quá, cô đơn quá. Không bạn, không người yêu, không ai an ủi. Thế thì cái bảng nhắc ”cẩn thận lá rụng”  kia, nhắc nhỡ để làm gì. Đối với cô, không cần đến nó. Không cần.
Một mình, cô đơn, không bạn, không người yêu, không cần gì cả vào lúc bấy giờ. Mà không cần thì cũng chẳng gì để mất. Cô đi ra ga là để tiễn một người ra đi mãi mãi. Trong đêm tối, có cơn mưa rào ấm áp. Cô tự nhủ lòng mình, ừ ! dù là đi chia tay nhưng hãy như cơn mưa, hãy vui lên, và hạnh phúc lên! Và cô ta tự nhủ, đúng là mình chưa nói hết, và giờ đây cũng không nói gì nữa. Cô lại trở về trong hẽm phố “đầy ắp đêm”, và lần này chiếc bảng ”cẩn thận lá rụng” lại nói “cho những người cô đơn đi qua”: “cẩn thận, lá rụng”. Tâm trạng của một cô gái đơn côi, ra ga, đi qua phố nhỏ, qua các bulva, của một mùa thu thật sự ở Mátcơva, và chiếc bảng ”cẩn thận, lả rụng” đập vào ý thức của sự đơn côi, của tự sự về nỗi đơn côi, không trách cứ, mà lại có phần tự an ủi, tự vươn lên. Đó nội dung của bài thơ.
Thu có nhốm lá vàng
mới có màu ly biệt.

Thân Thơ

Thân Thơ.
24.50
Trả lời
Ảnh đại diện

Thông tin thêm về hoàn cảnh ra đời của bài thơ Mùa lá rụng

Butgai đã đọc lại và biết thêm một số thông tin như sau, xin chia sẻ cùng các bạn:
Bài thơ này Olga viết về một người bạn cùng giới. Cô gái này thầm yêu một chàng trai cùng quê. Chàng trai này sau đó lên Moscow làm việc và họ chưa hề nói lời hẹn ước. Sau nhiều lần đắn đo, cô gái quyết định đến Moscow để bày tỏ tình yêu của mình với chàng trai. Nhưng khi đến căn hô, nơi chàng trai sinh sống, cô đã nhìn thấy một người bạn gái khác đang vui đùa cùng anh. Cô đã hiểu rằng mình không hề có chỗ đứng trong lòng chàng và lặng lẽ quay lui, trở về quê.
Sự việc đó xảy ra vào mùa thu năm 1938, và những con đường cô gái đi qua với những tấm biển cảnh báo, những khu vườn vàng sậm đều là bối cảnh thật. Olga đã mượn tất cả những điều đó để nói lên nỗi lòng của cô bạn gái với tình yêu đơn phương. Việc ấn tượng những tấm biển cảnh báo cũng là có thật, vì ở quê cô gái không có tàu điện nên không ai cảnh báo lá rụng làm gì cả. (Cô gái đó đã thắc mắc là sao lại có nhiều biển đề như vậy). Và Olga cũng đã mượn ấn tượng đó để mô tả sự hụt hẫng khi mang trong mình một tình yêu đơn phương không thể bày tỏ.
(Bút gai đọc được tư liệu này trong Luận văn tốt nghiệp được đánh giá xuất sắc của một cựu SV Văn học Nga về đề tài Olga Bergons)

Chưa có đánh giá nào
Trả lời

Trang trong tổng số 3 trang (27 bài trả lời)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối