Đaria Vlasievna, hàng xóm cùng nhà tôi,
ngồi xuống đây cô, hai người mình trò chuyện nhé.
Cô biết không, về hòa bình ta sẽ nói, và về
một thế giới ước mơ, thế giới của mình ta.

Cô cháu mình đã sống gần trọn nửa năm qua
một trăm rưởi ngày kéo dài trận đánh
Nỗi đau đớn của dân ta sao nặng gánh -
nỗi khổ cực đau buồn của chúng mình, cô Đaria...

Ôi bầu trời đêm gầm rú đạn bom xa
rung chuyển đất và sạt lở quanh ta đâu đấy
Mẩu bánh mì thành Len tội nghiệp -
gần như nhẹ bỗng trên tay.

Để sống được trong phong tỏa vòng vây,
từng ngày nghe tiếng rít gào chết chóc
mình cần biết bao nhiêu sức lực,
cần biết bao tình yêu quý, nỗi căm hờn.

Đến nỗi bao phút giây rối loạn điên cuồng
cô không còn nhận ra mình được nữa:
“Mình chịu đựng được chăng? Kiên nhẫn có đủ vừa?”
Sẽ chịu được. Sẽ kiên cường. Cô sẽ sống

Đaria Vlasievna, chỉ còn chút nữa thôi
sẽ đến ngày trên đầu ta còi báo động
Lần cuối sẽ vụt qua. Và vang động
tiếng kèn hiệu báo yên cuối cùng.

Rồi cô cháu mình trong khoảnh khắc vui mừng
sẽ cảm giác như chiến tranh xa, xa lắc
khi mình dùng tay đẩy khung cửa chắc,
giật tung những chiếc rèm màu đen.

Để phòng ở mình được thở và sáng lên,
được đầy ắp bình yên và xuân mới...
Khóc khẽ thôi, cười cũng khe khẽ với,
mình cùng tận hưởng lặng im này.

Ta sẽ bẻ bánh mì tươi mới bằng tay
chiếc bánh mì đen và chiếc bánh màu vàng sậm
Sẽ uống từng ngụm lớn chảy trôi chầm chậm
rượu vang đỏ ửng hồng

Còn cô, cô Đaria – họ sẽ dựng tượng đồng
đài tưởng niệm trên quảng trường hùng vĩ,
bằng bất tử chất hợp kim không bao giờ hoen rỉ
họ khắc chạm hình ảnh cô bình dị

Đấy như bây giờ đây: dũng cảm, hao gầy
trong chiếc khăn choàng buộc qua loa vội vã,
giống như lúc dưới làn đạn bom nghiệt ngã
Cô bước đi, cầm chiếc giỏ trên tay

Đaria Vlasievna, bằng sức mạnh cô đây
cả mảnh đất này sẽ hồi sinh mới lạ
Sức sống ấy có tên gọi - Nước Nga.
Hãy như Người, can trường lên và đứng vững, cô Đaria…

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."