Trong văn chương từ xưa đến nay, không hiếm những nhầm lẫn về tác giả, tác phẩm mà chúng ta vẫn hay gọi là kỳ án hay nghi án văn chương.

Ở bài viết này, tôi xin nói đến trường hợp một số bài thơ đã và đang được gắn liền với tên tuổi của nữ sĩ Nga Olga Berggoltz. Là một người hâm mộ nhà thơ và có cất công tìm hiểu một phần di cảo thơ văn của bà, tôi muốn góp chút ý kiến nhằm cải chính một vài “nghi án” liên quan đến những thi phẩm rất quen thuộc, vốn được coi là của bà.

1. Đầu tiên là về hai bài thơ, được rất nhiều bạn đọc - trong số đó, có những thành viên nhiều diễn đàn thơ văn - cho rằng tác giả của chúng là Olga Berggoltz. Thậm chí, một trong hai bài thơ đó còn được in trang trọng một cuốn niên giám về Phụ nữ nào đó dưới tên của Olga. Đó là bài Anh đi tìm em trên bán đảo Bancăng của tác giả Khổng Văn Đương, một lưu học sinh Việt Nam từng học tập tại Romania. Điều này, về sau đã được làm rõ trên báo chí. (*)

Tuy vậy, không ít địa chỉ trên mạng, các bạn trẻ vẫn tiếp tục nhầm lẫn.

Đến hôm nay, đọc bài thơ này, tôi chợt nhớ có lần trên diễn đàn 3M, có bạn đã tự tin phán rằng, đó là sáng tác của Olga Berggoltz.

Thông tin trên mạng lan rất nhanh, gần như ít ai nghĩ đến chuyện kiểm chứng nó, khiến một lần nữa, nữ sĩ Olga lại “được” đứng tên một tác phẩm “chưa chắc” đã phải của bà. Sở dĩ ở đây tôi nói “chưa chắc”, vì chưa dám khẳng định rằng mình thuộc nằm lòng hết các tác phẩm của nữ sĩ này. Song, có rất nhiều điều khiến tôi cảm nhận rằng, đó không phải là hơi thơ của Olga, kể cả là qua một bản dịch:

NHỮNG NGƯỜI ĐÃI CÁT TÌM VÀNG

Trên những dòng sông thế giới
có những kẻ đãi cát tìm vàng
năm tháng dài kiên nhẫn bền gan
nhặt từng mười phần một
người đãi vàng không bao giờ nóng ruột
năm tháng không hề nghiền nát niềm tin

tôi không tìm vàng, tôi chỉ tìm tình em
vất vả gấp trăm nghìn lần đãi cát
cát ở bờ sông lấy bao nhiêu chẳng được
người ở thế gian chẳng của riêng mình

tìm được một người yêu xây một mối tình
rung động, yêu thương, giận hờn, nung nấu
lúc điên cuồng như nước biển trào dâng
lúc âm thầm như sương đọng long lanh
không dám động sợ tan thành giọt nước

người đãi vàng quý chút vàng tìm được
anh thương em, anh quý mỗi nụ cười
gom góp bao nhiêu để có một cuộc đời
có giây phút rạng ngời hạnh phúc

đời quá chua cay
anh biến chua cay thành sức mạnh
cho đường đi dài rộng thênh thang
đời éo le nhiều ngõ dọc đường ngang
anh kiêu hãnh vững vàng bước tới
vì bên anh có tay em đón đợi
bàn chân anh không mỏi bao giờ

tôi từng lọc từng ý nghĩ vần thơ
trăn trở suốt đêm dài thao thức
để ca ngợi một mối tình đẹp nhất
mà khó khăn hơn đãi cát tìm vàng.
Đọc những tập thơ, ký, kịch bản của Olga Berggoltz xuất bản trong nhiều năm, tôi chưa một lần bắt gặp bài thơ nào bà viết đứng ở vị trí người con trai. Có thể tôi chưa được đọc hết, nhưng theo tôi được biết, nhân vật “tôi” trữ tình trong thơ Olga luôn luôn là nữ. Thơ tình của bà không nhiều. Những bài thơ viết trước khi bà bị rơi vào vòng oan ức thường mê đắm say sưa, nhưng không hề đơn giản. Chúng có tầng, có lớp, có thấp thoáng hình ảnh người con gái Nga đôi bím tóc vàng, có dòng Neva, ánh sao băng, những con đường mòn đầy hoa cỏ dại của rừng Nga, có tiếng lau sậy bên đầm lầy, những sân ga cô quạnh buổi chiều tà, v. v.

Những thi phẩm sáng tác sau năm 1938 mang nối đau âm thầm, tuy vẫn trong trẻo và sôi nổi, kể cả những bài thơ sau này được nhiều người gọi là “thơ công dân”, thơ “khẩu hiệu”. Không bài nào thiếu hình ảnh đặc trưng cho nước Nga như những cánh rừng thân trắng lá xanh, chiếc gàu bạch dương, rặng anh đào, cây thuỳ dương…

Vì những lý do ấy, bài thơ trên - hoàn toàn không có một hình ảnh, ý tứ nào gần gũi với tâm hồn Nga của Olga - cho tôi cảm nhận rõ rệt rằng, đó không phải là thơ viết ra từ ngòi bút sôi nổi yêu đời nhưng cũng mang nỗi đau day dứt trong tâm của nữ sĩ người Nga này.

2. Hai “nghi án” khác gián tiếp liên quan đến tên tuổi của Olga Berggoltz.

VỀ “BÀI THƠ CUỘC ĐỜI”
(được coi là do Bằng Việt dịch)

Đừng nhắc nữa em ơi
Lỗi lầm thời quá khứ.
Ngôi sao bùng đốm lửa
Đâu còn nữa màu xanh.

Con chim nhỏ chuyền cành
Cũng bay theo tiếng hát,
Tìm một chiều giá buốt
Hoa sặc sỡ lo âu.

Dòng sông trôi về đâu
Nói làm chi cho khổ
Tình yêu con thuyền nhỏ
Buồm trôi nơi xa khơi.

Gặp gỡ, rồi chia phôi
Yêu thương rồi oán trách
Bây giờ đã xa cách
Nhắc lại mà làm chi.

Thời gian mãi trôi đi
Buồn vui thành kỷ niệm
Bài thơ là câu chuyện
Của ban đầu tình yêu.
Bài thơ này cũng được “phát tán” qua mạng, xuất phát từ một vài bản chép trong sổ tay của những người yêu thơ từ thập kỷ 70, trong đó có dòng chú thích: “Bài thơ Kornilov gửi Olga Berggoltz để đáp lại bài Bài thơ cuộc đời của bà”. Thế nhưng, xét theo năm mất của nhà thơ Kornilov (1938) và năm Olga viết bài Gửi Kornilov mà nhà thơ Bằng Việt đặt tên là Bài thơ cuộc đời (1940) thì câu trả lời cho “nghi án” này đã quá rõ ràng: tác phẩm ấy không phải do ngòi bút của nhà thơ tài danh và bạc mệnh ấy viết, đơn giản vì khi ấy ông đã qua đời!

Vì thế, cho dù trong bài thơ Về “Bài thơ cuộc đời” trên có nhắc đến rất nhiều những chi tiết quen thuộc từng xuất hiện trong thơ Olga (“ngôi sao bùng đốm lửa…”, “hoa sặc sỡ lo âu”) thì đó cũng không phải là cơ sở để nói rằng đây là thi phẩm của nhà thơ.

Rất tiếc, thông tin phát tán trên mạng, chẳng có gì kiểm chứng được. Trong cuốn Thơ trữ tình thế giới do nhà thơ Bằng Việt dịch và giới thiệu (Nhà xuất bản Văn học, 2005), tôi cũng không thấy có mặt bài thơ này, mặc dù ở những nơi khác mà nó xuất hiện, người ta vẫn ghi bên cạnh bài thơ dòng chữ: “Người dịch: Bằng Việt”!

Một bài thơ khác cũng gây nên những hoài nghi về nguồn gốc của nó, là bài Chuyện mười năm trước:

CHUYỆN MƯỜI NĂM TRƯỚC
(Người dịch: chưa rõ)

Chỉ có một lần thôi,
Em hỏi anh im lặng,
Thế mà em hờn giận,
Để chúng mình xa nhau.

Biết đi đâu về đâu,
Con thuyền không bến đợi?
Ôi cây xanh tình đời,
Có nghe lòng ta gọi?

Những mùa xuân đã qua,
Tiếng ve về thổn thức,
Gió thổi vào đêm hè,
Kể chuyện mười năm trước.

Chỉ có một lần thôi,
Em hỏi anh im lặng,
Thế mà em hờn giận,
Để chúng mình xa nhau.

Nơi tình yêu bắt đầu,
Cũng là điều khó nhất!
Trái tim dù biết hát,
Nhưng tình đời dễ đâu!

Những đôi lứa yêu nhau,
Có nghe tôi kể lại,
Chỉ một lần trót dại,
Thế mà thành chia phôi.

Chỉ có một lần thôi,
Em hỏi, anh im lặng...
Trên nhiều diễn đàn, thậm chí tuyển thơ, người ta thường ghi chú rằng đó là tác phẩm của một tác giả Bessonov nào đó, người yêu Olga! Nhưng thông tin này cũng có cơ sở để bác bỏ, vì trong tất cả các ghi chép, hồi ký của Olga và của những người đương thời, chưa ai nhắc đến nhân vật kỳ lạ này. Rất có thể do một sự nhầm lẫn nào đó từ phía người Việt. Người Nga hẳn không thể ngờ rằng nhà thơ nữ Olga Berggoltz của họ đã có thêm một mối tình nữa, mối tình do những người yêu quý Olga ở Việt Nam “thêu dệt” nên! Cho đến khi, một số người lại gán bài thơ ấy cho Kornilov, người chồng đầu tiên của Olga.

Âm hưởng bài thơ, theo tôi, rất gần gũi với cách viết của người Việt Nam: những “con thuyền không bến đợi”, những “tiếng ve”, “đêm hè”… khiến tôi chạnh nghĩ, phải chăng đây là thi phẩm của người Việt?

Thêm nữa, văn phong và giọng thơ của cả hai bài thơ trên (Về “Bài thơ cuộc đời”Chuyện mười năm trước) hoàn toàn không phải của Kornilov! Boris Kornilov (1907-1938) là một nhà thơ sớm nổi danh, hồn thơ phóng khoáng, chịu ảnh hưởng rất lớn của Yesenin, song vẫn có những đột phá riêng, gần như không theo khuôn mẫu nào cả, nhất là về vần điệu. Những bài viết về Olga sau khi họ chia tay, tình cảm nồng nàn bị nén giữa những giận hờn, day dứt:

... Thôi thế là xong.
      Khi người đã lên đường
Anh chạnh nghĩ,
      chỉ có điều không nói
Anh nghĩ về dòng sông,
      về sân ga anh đã tới
Và về miền đất của mình giống hệt một nhà ga….
(trích Que diêm nhỏ cháy bùng rồi tắt lịm... *)
giữa những hằn học, bất cần:

Tôi sẽ im, không còn tin nữa
Vào tình yêu. Cô ấy đã đi rồi
Theo bông tuyết đầu mùa.. Chao, diệu vợi
Những nhảm nhí tràn vào óc tối hoang mang
...

Chia tay em, tôi sẽ cúi đầu chào
Thoải mái nhé em, được một mình một bóng
Tặng lại tôi chai dầu thơm mùi nóng
Kỷ niệm tôi cả những thỏi son môi

Bóng đèn cong quầng sáng mặt bàn tôi
Giường tôi nằm trên tầng ba cô độc
Còn cần gì nữa đâu? Hai lăm xuân lộc ngộc
Giờ tôi đã vui và dễ chịu lắm rồi.
(Tôi sẽ im, không còn tin nữa, 1933)
và cả những ghen tuông, giận dỗi:

Người thương ơi, em tìm được ai rồi?
Mà ngân nga bài ca trong trẻo
Thủ thỉ tâm tình, thay thế cho kẻ
U uẩn một thời… là tôi
Em đã hôn ai rồi
Bên dòng Dunai, bên dòng Oka nước mát?

(trích Tôi từng có người thương, 1935)
Trích dẫn những câu thơ trên để thấy rằng, giọng thơ của Boris Kornilov không êm ả như những gì ta đọc được trong Về “Bài thơ cuộc đời”Chuyện mười năm trước. Cái lý “gặp gỡ, chia phôi… nhắc lại làm chi”… không nằm trong “logic thơ” của ngòi bút sắc sảo này. Hơn nữa, cũng để thấy rằng, Olga Berggoltz và Boris Kornilov có thời gian sống chung rất ngắn ngủi, nhưng chuyện hai người chia tay không đơn giản là “một lần trót dại: anh hỏi, em yên lặng”. Lý do họ chia tay, cho đến tận bây giờ vẫn được những nhà nghiên cứu tiểu sử phân tích và phỏng đoán. Một trong những giả thiết đặt ra, đó là sự khó hoà hợp giữa hai con người tài hoa, nhạy cảm trong khi cuộc sống sinh hoạt khi ấy đầy rẫy những khó khăn…

Qua những “nghi án” vừa nêu trên đây, tôi nghĩ: chúng ta may mắn được sống trong một thời đại “mở” về thông tin, có điều kiện tiếp xúc với thông tin nhiều chiều. Song, nếu không có bản lĩnh tiếp nhận và xử lý thông tin, không sàng lọc, so sánh, đã vội tin theo, và, thậm chí còn tiếp tục góp phần “dĩ ngoa truyền ngoa” thì thật là nguy hiểm.

Như trong trường hợp này, còn thật đắc tội với hai nhà thơ mà chúng ta yêu mến! (***)

Thuỵ Anh

(*) “Nhà thơ Khổng Văn Đương và mối tình đẹp trong ký ức” (VnExpress ngày 23-1-2005)

(**) Các bản dịch trong bài không đề tên dịch giả, là của người viết bài này.

(***) Để có thêm thông tin và “rộng đường dư luận”, người viết bài này đã xin thỉnh giáo nhà thơ, dịch giả Bằng Việt về những dịch phẩm được coi là của ông kể trên. Ông cho biết: hai bài thơ trên chắc chắn không phải của Olga Berggoltz và cũng không phải của một Bessonov nào cả. Và, cũng không phải ông đã dịch các bài đó.