Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại
Từ khoá: nụ cười (27)

Đăng bởi Lilia vào 28/03/2011 00:49

Quê hương thông thường của mọi nụ cười là nơi tiếp giáp giữa một cơ chế tạo hơi hướng nội thuần túy và một hình ảnh ngoại lai gây hứng thú. Quá trình sinh ra nụ cười, bởi vậy, là một quá trình có tính tương tác, thường được minh họa chính xác qua hai bức tranh, một, là bức tranh “em Thuý” của Trần Văn Cẩn, và hai, là bức tranh “Mona Lisa” của Leonardo Da Vinci.

*

Ở bức tranh đầu tiên, khi quan sát các hành vi đậm vẻ kỳ khôi của họa sĩ, đó là; nhìn, ngắm, nheo mắt, lấy rọi đo, ngẫm nghĩ, rút tẩu đốt thuốc, etc.– nói cách khác, khi trong vai trò là một cá nhân, một chủ thể chính danh chủ động quan sát tiến trình bản-thân-mình-chầm-chậm-bị-khách-thể-hóa, bị xóa nhòa, bị tước đi hiện hữu thực, để thay vào đó là một đống lòa nhòa bất động của các sắc đỏ tía, nâu đất, xanh lơ nhạt, etc., và một tư thế bất động, vĩnh-viễn-thu-lại-trong-chật-chội, Thúy đã nở một nụ cười lạ lùng, nụ cười bất bình của kẻ ngay vào chính giây phút lìa đời, chợt thấu rõ tuyệt đối về việc bản thân rồi sẽ chìm vào quên lãng đời đời bởi một sự định nghĩa và diễn giải sai lạc tàn bạo.

Như ngay chính nụ cười đó của Thuý, sau rốt, khi quá trình bị khách thể hóa kết thúc, đã chẳng chỉ còn lại như một cú mím môi ơ hờ vĩnh cửu đó sao?

*

Song, ở bức tranh thứ hai, những gì xảy ra lại hoàn toàn khác. Chính ngay khi Leonardo Da Vinci hoàn tất bức vẽ, Mona Lisa - bởi là một mệnh phụ phương Tây thuần tuý của thời Phục Hưng, người ý thức trọn vẹn về thế tay ba giữa họa sĩ, người mẫu/bức tranh và công chúng- ra đời khi ý niệm nghệ thuật phương Tây, được khởi sinh 107 năm trước, thậm chí ý thức này còn được nhấn mạnh thêm sau khi nàng được đọc cuốn “Đời sống của nghệ sỹ” do Giorgio Vasari viết – đã chủ động yêu cầu Leonardo Da Vinci tìm cách xóa nhòa đi ranh giới cụ thể giữa hai hành vi, cười và suy tư – thông qua đó, tìm cách duy trì thế lưỡng động bất phân thắng bại của hai quá trình ngược chiều, vừa (bị) khách thể hóa, vừa (chủ động) chủ thể hóa, vừa bị diễn giải, vừa tìm cách tái diễn giải, vừa bị bạch hóa thành một câu trả lời, vừa quyết liệt đặt ra một câu đố.
Chẳng phải bắt đầu ngay từ giây phút Leonardo Da Vinci ký tên ông lên bức tranh, cho mãi tới tận bây giờ, chưa từng một ai trên trái đất này, dám khẳng định về nụ cười Mona Lisa, và rồi qua đó, kết thúc nổi quá trình khách thể hóa cô vợ yêu của doanh nhân thành đạt Francesco del Giocondo đó sao.

*

Thế nhưng, với cả anh và em, nụ-cười, bất chấp cơ chế của nó ra sao đi nữa, bất chấp hình dạng của nó ra sao đi nữa, bất chấp âm thanh của nó ra sao đi nữa, bất chấp nội dung của nó ra sao đi nữa, bất chấp mục đích của nó ra sao đi nữa, rốt cục, cũng chỉ là nỗ lực đến kiệt sức, nhằm-duy-trì-khả-năng-hài-hước của chúng ta mà thôi, người ạ!