Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại

Đăng bởi Lilia vào 30/03/2011 01:01

Cuộc đi chơi thứ nhất của K+H là cuộc đi chơi tới nhóm đọc sách. Nhóm đọc sách là cái tên gọi đặt cho một nhóm trung niên. Sở dĩ gọi nhóm này là nhóm trung niên không phải bởi tuổi tác giống nhau thuộc về giai đoạn nửa-đời-người của nhóm ấy –mà bởi, so với mọi lịch sử, nhóm ấy luôn tồn tại ở khoảng trung-niên-lịch-sử. Tuy nhiên, cũng không nên đồng nghĩa thuật ngữ trung-niên này với thuật ngữ trung-niên trong nhóm từ trung-niên-thi-sỹ. Thật sự là hai thuật ngữ đó, dù về ngữ pháp, từ vựng, là giống nhau triệt để, song mùi & vị của chúng lại triệt để khác nhau. Nếu như mùi của thuật ngữ trung -niên nằm trong cấu trúc trung-niên-thi-sỹ là hoàn toàn đạm lạnh, song vị của nó lại cay đắng đến mức không một ai-khi có dịp may, được nếm một chút mà không lên cơn ói mửa đến ba ngày sau; thì trái lại, mùi của thuật ngữ trung-niên nằm trong cấu trúc trung- niên-đọc-sách lại vô cùng thơm tho, và vị của nó lại vô cùng thanh tao.

Như vậy là K+H đã đến chơi tại nhóm trung-niên-đọc-sách. Câu đầu tiên của cuộc trao đổi giữa K+H với đại diện của nhóm trung-niên-đọc-sách không tạo ấn tượng gì cho cả hai phía. Và thậm chí cho tới tận bữa-lẩu trước cuộc dã ngoại hàng tuần của nhóm, mà trong đó, K+H được mời làm người khách danh dự, và sau khi đã có vài ly rượu nếp cái hoa vàng do dì S, dì thứ 18 của nhóm trung niên đọc sách khai quật từ mả-rượu lên, thì các câu chuyện giữa nhóm trung-niên-đọc-sách và K+ H vẫn cứ rời rạc đến không thể tin nổi.

Chỉ đến khi tất cả cùng nhau chơi trò chụp ảnh – tức vào lúc mà cơ thể của toàn bộ nhóm trung-niên-đọc-sách và cơ thể của K+H bị kỷ-nguyên-tái-sản-cơ-giới-nhờ-vào-máy-ảnh đưa vào một khung ngắm vuông vắn đến mức miễn bình luận, và do đó, từ-từ-tan-rã vào nhau, một đối thoại nào đó mới bắt đầu xuất hiện. Khởi đầu, nó chỉ chầm chậm và rụt rè, song ngay sau đó, hai đầu mút của từ ngữ-trong quá trình dò dẫm đấu nối vào nhau đã tích cực hoạt động như hai cái máy-đóng-nút-chai, để rồi thỉnh thoảng phóng trượt qua nhau, song lập tức quặt ngược lại chiếu vào nhau như hai đầu rắn hổ gầm ghè với cái hai cái lưởi chẽ đối diện nhau vừa-vẩy-vừa-thụt-ra-thụt-vào nhanh-tăm-tắp đến mức nếu ai nhìn bằng mắt thường sẽ tưởng như chúng đang –bất-động.

*

Cuộc đi chơi thứ hai của K+H là cuộc đi chơi tới nhóm yêu nước. Trái hẳn lại với nhóm trung-niên-đọc-sách, nhóm yêu nước là một tập hợp vô hạn về số lượng trong một vẻ dạng hữu hạn về đặc điểm. Đó là một khuôn mặt Ki-Tô, với râu quai nón, chiếc miệng đỏ bởi cả lợi lẫn môi và lưỡi, cùng một đôi tay dài theo kiểu Lưu Bị. Dĩ nhiên ta đã biết rằng mọi mô tả chỉ là những mô tả về một-khoảnh-khắc, và ngay khoảnh khắc sau-tất cả những gì được mô tả trước đó có thể tan chảy lập tức thành một thực tại khác – ví dụ, chiếc môi, vành lợi, hay súc lưỡi có thể trở nên tàn úa như lau héo, điều này thì không ai có thể biết được, và vì thế, cũng không cần đi sâu vào làm gì cho khổ.

Cuộc đối thoại của K+H với nhóm yêu nước, không thể ngờ được, lại diễn ra dễ dàng hơn điều mà bất kỳ trí tưởng tượng nào - dù điên khùng nhất đi chăng nữa-có thể nghĩ ra

*

Cuộc đi chơi thứ ba của K+H là cuộc đi chơi với nhóm triết-học-gia. Dẫu trong thời điểm này, sự phân biệt giữa triết-gia và triết-học-gia đã bị giải hủy, và vì thế, gọi một điều gì là triết-học-gia thì cũng đồng nghĩa với việc gọi điều ấy là triết-gia, K+H vẫn không thể không bị quyết rũ vào cấu trúc triết-học-gia hơn là cấu trúc triết-gia. Điều ấy là bất khả với một thực thể như K+H, bởi một tập hợp các đặc tính tạo nên K+H, trong đó có hai đặc tính là; kết-hợp và khoa-học, mà rồi thực thể K+H đã tìm đến một kếp-hợp-theo-kiểu- khoa-học của cái danh xưng triết-học-gia, chứ không tìm đến một sự thuần-chủng- hóa theo kiểu thần bí của cái danh xưng triết-gia.

Trái với hai nhóm trên, không có đối thoại gì trong cuộc đi chơi của K+H với nhóm triết- học-gia. Ở đây, chỉ có sự vui chơi thuần túy, tức sự vui-chơi-tự-thân. Cũng có nghĩa rằng, với nhóm triết-học-gia, sự tham dự của K+H vào không gian của nhóm ấy chỉ như thể một trò chơi được phái sinh thêm từ các-quy-luật-đã-tận-kiệt của các trò chơi nối tiếp nhau trước đó, và vì thế, kết cục của mỗi trò chơi này thì lại chính là sự mở thêm của một trò chơi khác, cứ thế, cứ thế, miên viễn biến-hình y như một cú-xoay-ru-bic vào vô tận và không bao giờ kết thúc.

Nhìn một cách nào đó, bản thân K+H và nhóm triết-học-gia là những thực-thể-tuyệt-đối- biệt-lập, song, ở một góc độ khác, cả K+H lẫn nhóm triết-học-gia lại cũng chỉ là những dị- bản-tuyệt-đối-của-nhau, mà ở đó, tận cùng của điều này lại chính là khởi đầu của một điều khác. Chính vì lẽ đó, dẫu không bao giờ gặp được nhau trong một không gian-trò chơi chung, mỗi không gian-trò chơi riêng biệt của K+H và nhóm triết-học-gia lại luôn luôn mở ra một khả-thể-mỏng-manh của cơ-hội-thuộc-về-nhau.