Giữa lúc người ta xuôi về thành phố, thì Phạm Công Trứ lại ngược ra ngoại ô, trở về làng quê, và rồi anh cứ đi mãi, đi hút mãi về xứ dân gian. Ở đó anh gặp Nguyễn Bính, và ngay lập tức, anh đã bị ông thi sĩ đồng hương này bắt mất hồn! Bởi vậy, có một nhà thơ ở bậc đàn anh, đọc xong Trứ bảo: Đời đã có một Nguyễn Bính rồi. Có nên cần thêm một Nguyễn Bính hạng hai, hạng ba nữa không?

Nói thế thì oan cho Trứ quá. Anh đâu phải Nguyễn Bính. Dù có khoác tấm áo the, có đội cái khăn xếp xưa của Nguyễn Bính cũng đâu đã phải là Nguyễn Bính. Hãy xem cô gái nhà quê ra tỉnh này về thì rõ. Cái áo chẽn, cái quần bò đã khác xa cái áo the quần lĩnh cổ cài khuy bấm ngày xưa, chí ít cũng là sự khác biệt về mốt trang phục của thiếu nữ ở hai thời.

Dẫu có khác thế, người đọc Phạm Công Trứ vẫn cứ nhớ đến Nguyễn Bính. Giá không có Nguyễn Bính, có lẽ Phạm Công Trứ đã có một cái chiếu trải giữa làng văn rồi. Nhưng cái chiếu Trứ đang ngồi hiện nay, Nguyễn Bính đã ngả bóng mình xuống đó cách đây nửa thế kỷ. Bởi thế, thơ Trứ có chỗ quả cũng cớm nắng, xanh xao. Thiết tưởng, Trứ cũng có thể bắt chước người xưa, ngửa mặt lên trời mà than rằng: Trời đã sinh ra Trứ sao trước đó còn sinh ra Bính?

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]