Sau Chầm chậm tới mình (*), Trúc Thông bắt đầu chạy Maratông (*). Có lẽ do mặc cảm, lại lo ngại đường xa, nên anh chạy quá nhanh. Nhanh đến mức tất cả thành loà nhoà. Anh chẳng còn nhìn thấy ai, và cũng chẳng để cho ai nhìn rõ anh. Có điều, cái đích mà anh cần tới lại nằm xa dần ở phía... sau lưng: Bờ sông vẫn gió...

Áy là nơi mẹ anh vẫn thường đi về. Bây giờ, Bờ sông vẫn gió, nghĩa là cảnh vật vẫn thế, chỉ vắng mẹ thôi. Vốn là người con hiếu thảo, nhớ thương mẹ, Trúc Thông trở về, đi thập thững trên con đường xưa mẹ đi, anh quên mất mình là nhà cách tân. Và vì thế, anh đã cho chúng ta một bài thơ khá hay. Đây là bài thơ hay nhất trong đời Trúc Thông. Và bài thơ lại viết theo lối cổ điển, chả cách... một tý nào. Lời chắt. Ý sâu. Câu chữ như rút ruột mà thành.

Bài thơ vừa ra đời, bạn đọc đã đón nhận nồng nhiệt. Và ngay lập tức, người ta sẵn sàng quên đi những chỗ còn khiếm khuyết của nó, và đồng thời cũng quên luôn cả những bài thơ được gọi là cách tân của anh.
BỜ SÔNG VẪN GIÓ
Chị em con kính dâng hương hồn mẹ

Lá ngô lay ở bờ sông
bờ sông vẫn gió
người không thấy về
xin người hãy trở về quê
một lần cuối... một lần về cuối thôi
về thương lại bến sông trôi
về buồn lại đã một đời tóc xanh
lệ xin giọt cuối để dành
trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha
cây cau cũ, giại (**) hiên nhà
còn nghe gió thổi sông xa một lần

con xin ngắn lại đường gần
một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi...

(*) Tên hai tập thơ của Trúc Thông.
(**) Giại: cái giại, một thứ bình phong đan bằng tre dựng trước hiên nhà ở những vùng quê Bắc Bộ.
Chữ “đời” in đậm trong bài thơ để so sánh với chữ “thời” ở bản do bạn Vanachi cung cấp ở trên.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]