Đọc những lời trong thư cha dụ dỗ,
Dòng lệ con hoen ố mảnh nhung y.
Nhớ ngày nào ôm chí lớn ra đi,
Trong quá khứ cha ghi nhiều kiêu hãnh.
Kìa mũi kiếm máu kẻ thù còn dính,
Bỗng anh hùng tim lạnh bởi hư vinh.
Ngoài phong ba vùng vẫy bóng nghê kình,
Tham mồi béo nộp mình cho ngư phủ.
Trong rừng xanh tung hoành oai mãnh hổ,
Hám mồi ngon ủ rũ chốn chuồng con.
Bả vinh hoa làm chết cả tâm hồn,
Nhưng nào chuyển kẻ lòng son dạ sắt.
Mây Nùng Lĩnh còn mịt mờ u uất,
Sóng Nhị Hà còn chứa chất căm hờn.
Thì đời con là của cả giang sơn,
Dù thịt nát, xương tan đâu dám kể.
Rồi những lúc cha vui vầy vị kỷ,
Là khi con rầu rĩ khóc non sông...
Đêm canh trường cha nệm gấm chăn bông,
Nơi rừng thẳm con nằm chông nếm mật.
Cha hít thở hương trầm bay bát ngát,
Pha lẫn mùi máu thịt của lê dân.
Thì mũi con ngạt thở, cổ khô khan,
Tai vẳng tiếng hồn oan trong thảm cảnh.
Cha ngực đầy "mề đay", "kim khánh"
Con bên sườn lóng lánh kiếm "tiêm cừu".
Cha say mê bên thiếu nữ yêu kiều,
Con tận tuỵ với tình yêu... Tổ quốc.
Nghĩa là cha đem tài năng trí óc,
Mưu vinh thân làm mục đích cuối cùng.
Thì con đem xương trắng máu hồng,
Để cứu vớt non sông làm chí nguyện.
Cha với con, là hai trận tuyến,
Cha một đường... con tiến một đường.
Thôi, từ nay hai chữ "cương thường",
Con mở rộng để dâng thờ đất nước.
Buổi đoàn viên cha đừng mơ ước,
Cuộc hội đàm là đại bác, thần công.
Bức thư đây là bức cuối cùng,
Mà cha chỉ là cha trong dĩ vãng.
Thôi, hạ bút cho thâm tình gián đoạn,
Để nghe lời kết án kẻ gian phi.
Thanh kiếm thần ta tuốt sẵn chờ mi...


Nhà tù Sơn La, thu 1943

Về hoàn cảnh ra đời bài thơ này, bấy giờ tác giả đang bị giam ở nhà tù Sơn La, được tin con ông cậu ở nhà phản bội cách mạng. Tác giả mượn chuyện Đề Thám trả lời thư cha nuôi là Bá Phức dụ hàng Pháp, để nói lên quan niệm của mình: cha con nghĩa nặng tình sâu, nhưng nếu phản bội Tổ quốc thì cũng xem là kẻ thù huống nữa là em.

Đây là một trong những tác phẩm về đề tài lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp, anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám, là người chỉ huy dũng cảm, mưu lược, có tinh thần yêu nước không thể lay chuyển và ý chí chiến đấu đến cùng. Phẩm cách, khí tiết ngời sáng ấy đã thành đề tài sáng tác, khơi dậy cảm hứng cho các tác giả văn, thơ, sân khấu… Bài thơ này trong chùm bản thảo 7 bài: Chống đế quốc chiến tranh, Tù xuân phú, Câu đối Tết, Đôi ngả, Danh vọng, Văn tế sống Cút-xô, Gáo dừa đức tụng rút trong tập Bút phong trần, tác giả Nguyễn Văn Từ trao cho nhóm biên soạn năm người là các ông Nguyễn Văn Huyền (chủ biên), Phan Công, Vũ Văn Đảm, Phạm Thiện Sĩ, Đoàn Tùng đưa vào tuyển tập và do nhà văn Chu Văn, chủ tịch Hội đồng Tủ sách Quê hương Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh chịu trách nhiệm xuất bản.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]