1. Tiết mạnh hạ hiên nam ngồi mát;
Chuyện Thăng Long điển mạt kể ra.
Bao nhiêu nông nỗi tỉnh Hà,
Hai lần phân nhiễu biết là làm sao?

5. Năm Quý Dậu tàu vào vừa tới,
Người Bắc Kỳ rằng mới biết Tây.
Rủ nhau xem sóc đêm ngày,
Đem quân về đóng ở rày trường thi.

Tờ niêm yết Ngạc-nhi Yên-nghiệp,
10. Đường giao thông tiến tiếp lại qua.
Xa nghe đồn tỉnh Bắc Hà,
Giặc Tàu quấy rối, vậy mà đến chi?
Các quan tỉnh nghi nghi hoặc hoặc,
Những bàn riêng rằng giặc đến chân.

15. Tháng mười mồng một giờ Dần,
Ầm ầm hạ tỉnh là lần ngày xưa.
Khi ấy có khâm thừa họ Nguyễn,
Cha con đều ngộ biến thất cơ,
Phò Lâm mắc nạn bấy giờ,
20. Cha già tuyệt thực còn chờ quyên sinh.
Các quan sau quyết tình lên Thứ,
Ông Tham Tôn tức sự khởi hành.
Đem quân về đóng Diễn, Canh,
Nhơn nhơn thu phục tỉnh thành về ta.

25. Chốn Thăng Long thật là thượng đẳng,
Xui tướng Tây quyết thẳng tiến truy.
Thất cơ phải chú Hắc kỳ,
Ngoại ô một trận, Ngạc-nhi qua đời.

Khách các hiệu rụng rời giáo giác,
30. Dọn vần tay đồ đạc xuống tàu.
Giữa dòng chiếc trước, chiếc sau,
Ra ngoài Ninh, Hải để hầu về Nam.

Quan thừa thắng diện bàn tướng sĩ,
Bất thình lình có chỉ kinh ra.
30. Chuộc thành mà lại giảng hoà,
Định, An-Ninh-Hải với Hà Nội đây:
Quan Hoàng thống nghe rầy bứt rứt.
Lưu Hắc kỳ kéo phứt lên Ngâu.
Phả ngang việc ấy bởi đâu?
40. Nhà công xế bóng, cửa chầu long then.
Sai quan Nguyễn Văn Tường, chánh sứ,
Hoắc-đạo-sinh thử thứ là đây.
Quan nam với lại quan Tây,
Sửa sang khi ấy, dân rày được yên.
45. Việc xong cả, chỉ truyền về bộ,
Quan Nguyễn Tường thăng Hộ thượng thư.
Qua năm Giáp Tuất tháng tư,
Thấy quan Nguyễn chánh phụng từ kinh ra.
Điều niêm yết mới: hoà ước đó;
50. Ngẫm kỹ xem thật khó nghe thay.
Non sông cao rộng thế này,
Nào người trí dũng, nào tay anh hùng?

Quan Tăng Doãn rằng: vâng thánh chỉ,
Tỉnh Hải Dương lãnh ý phải ra;
55. Quan Tư với lại Quan Ba,
Tìm nơi Hà Nội lập toà Trường Tây.
Thấy phố xá người dầy đất hẹp,
Nhà thứ dân rộn rịp chỉn khôn.
Thênh thênh sẵn chốn Thuỷ đồn,
60. Làm nhà ở cạnh Ô Môn Trường Tiền.
Khai thương chánh thu biền thuế thuỷ,
Cùng quan ta quản lý thâu chung.
Rồi sau mới lại ngoại sông,
Nhà cao ngất nghểu bên sông Nhị hà.
65. Quan Thượng tỉnh tên là Đình Túc,
Nghĩ tuổi già nhẫn nhục là xong.
Oán kia xếp để bên lòng,
Nói cười leo lẻo như dòng nước xuôi.
Ngoài thất thập, sớ đòi trí chức,
70. Quan quân đều thổn thức tiễn đưa.
Về nhà được mấy nắng mưa?
Câu thơ xuân nhật, cuộc cờ hạ thiên.

Đất Hà Nội là miền trọng yếu,
Lại sai ông Hoàng Diệu ra thay.
75. Vốn người nóng tánh lòng ngay,
Dũng cương chẳng biết đãi Tây như Trần.
Việc tỉnh vụ đương phần dóng dả,
Đánh thông ngôn làm hả nộ uy:
Mi là người ở nước ni?
80. Mần răng, chẳng giữ lễ nghi ngôn từ?

Nỗi nhà nước rối như mắc cửi,
Chừng gió Tây tầm gửi lấn ngành.
Lẽ đâu biết cũng làm thinh,
Dốc lòng ái quốc, nặng tình sự quân.
85. Từ Canh Thìn bước lần năm ngoái,
Sớ xây thành bên trại Vũ sinh.
Tập rèn lính tráng cho tinh,
Để khi sự bất thình lình làm sao.
Các cửa thành truyền rao cấm cách,
90. Giữ người Tây với khách vào ra.
Khi nào có việc nước nhà,
Đem đơn bẩm trước mới là được vô.
Lăng-sa thấy cơ đồ biết ý,
Mới hầm hầm thịnh khỉ kéo ra.
95. Giờ Thìn mồng tám tháng ba,
Hạ thành này nữa, ấy là thứ hai.
Quan Hoàng tổng quyết bài nhất chiến.
Lãnh binh Đường xử biến hoả công.
Đang khi súng bắn đùng đùng.
100. Lãnh binh, quan bố thế cùng trút ra.
Quan đốc bộ đường xa ngó thấy,
Cả tức mình vào lậy hành cung.
Rồi sau ra miếu Vũ công,
Buộc khăn tự tử vào vòng quyên sinh.
105. Quan Tuần phủ thất kinh khi nớ,
Đau lăng nhăng ba bữa lại lành.
Các quan tếch cả ra thành,
Lên đoài sang bắc tanh bành chạy tan.

Kể ngoài thành những quan nho nhỏ,
110. Tri phủ Hoài, huyện Thọ là ai?
Thọ Xương tếch những khi mai,
Đến trưa hôm ấy phủ Hoài cũng bon.

Quan đi cả mà còn thành luỹ,
Chạnh lòng người ngẫm nghĩ mà thương.
115. Kính thiên ngai ngự thiệp vàng,
Tây ngồi đánh chén với đoàn thanh lâu.
Các chùa miếu đâu đâu đấy tả;
Can gì Tây cũng phá tan tành?
Các pho trượng cũng chẳng linh,
120. Để Tây đem đốt ra hình true ngươi.
Kể chi hắn hại người đến thế,
Hạ thành rồi chẳng để cho xây.
Có người rằng: “Lũ Tây này
Khác Tây Quý Dậu nên rầy lăng nhăng.”

125. Dân xiêu bạt hỏi săn hỏi đón:
“Về đánh Tây có bọn nào không?”
Đồn quan Thống chế Hoàng công,
Hắc kỳ hợp với Sơn, Hưng cũng đồng.
Đang sắm sửa hoà công khí giới,
130. Tế cờ rồi ngài mới cất quân.
Người ta tấp tểnh nghe dần,
Bữa mai bữa mốt đại thần về đây.
Đỏ như mắt cá chày mong mỏi,
Tính ngón tay đã ngoại tháng ba.
135. Bỗng đâu có chỉ kinh ra,
Tỉnh biên Đình Túc giảng hoà với Tây.
Được hai bữa kéo ngay vào tỉnh,
Thấy kho tàng đinh sảnh sạch không.
Bàn nhau sớ tấu cửu trùng,
140. Thấy sao nói vậy đủ trong tình hình.

Kìa những kẻ học sinh của thánh,
Hễ làm trai phải gánh cương thường,
Ngán cho Tổng đốc họ Hoàng,
Đan tâm có một, cương thường không hai.
145. Hỡi những kẻ van hoài xuất thú,
Với những người mặt ủ hờn cơm,

Vì ai cũng dựa tiếng thơm,
Tiếc gì xuân nữa mà sờm sỡ ai?
Được mấy kẻ anh tài phải đạo,
150. Đều ăn cơm mặc áo trên đời.
Đến khi có việc tầy trời,
Trơ trơ chỉ thấy một người tận trung.

Trông thế cuộc não nùng đến thế,
Nỗi phố phường mới kể mà nghe.
155. Bằng nay xuân đã sang hè,
Thân này đóng cửa mà nghe sự đời.
Tỉnh Hà Nội những người phố, xá.
Chạy loạn Tây vất vả nghĩ thương.
Xách già ôm trẻ vội vàng,
160. Về quê ăn tuyệt tư lương sạch rồi.
Ở cũng cực ra thời cũng bực,
Tưởng bán buôn mà bức mọi bề.
Bằng ai có chợ có quê,
Tiện phương thương mại, tiện nghề diễn viên.
165. Cũng có kẻ quen miền phố xá,
Thói quê mùa bỡ ngỡ xưa nay;
Ra hài vào hán thế này,
Bây giờ lại phải dãi dầy tuyết sương.

Xưa chạy loạn nay đương chạy loạn,
170. Khúc ngày xưa, khác đoạn ngày nay;
Có quan đi giữ dẹp Tây,
Nay quan chẳng thấy, loạn này bao yên?
Rạng nghe đóng trên miền Day, Kẻ,
Mai lại nghe ở Vẽ ở Vòng.

175. Lại nghe mới bước đến Phùng,
Lại nghe ngài đóng về vùng Thanh Oai.
Nghe đồn tiếng rằng ngài Phủ Lý,
Huyện Nam Xang quan thuỷ đóng thuyền.
Đồn rằng ngài ở Tam Tuyên,
180. Hắc kỳ vừa tới, Thanh biền vừa qua.
Thôi thôi hẳn ngài đà đãi chí,
Hễ mà nghe thánh chỉ mần răng.

Cho nên việc phải dùng dằng,
Hết ngồi mà sợ, hết nằm mà lo.
185. Quan ta chứa các kho tiền thóc,
Mong làm hoà dở khóc dở van.
Sớ ra giục giã các quan.
Tây thì khảng khái biết bàn tính sao.
Thành thất thủ, xiềng trao già toả.
190. Phải lai kinh tra đả không tha,
Loanh quanh - ta lại với ta,
Kinh thiên Tây ở thế mà điềm nhiên.
Đồn Tàu khách sang miền Tây Bắc,
Làm rọ nhiều hẳn bắt đoan Tây.
195. Mấy mươi đinh kéo đến đây,
Những là mong mỏi mà rầy thấy đâu.
Hay các chú phá tàu Đông Hải,
Còn quay về đóng lại mới sang?
Mau mau cứu lấy Đại Nam,
200. Gạo đong hầu hết, khoai lang chẳng còn.
Lúa, ngô, gạo nếp bòn vơ sạch,
Vận Bắc Kỳ có bách hay không?
Sự hoà còn nói viển vông,
Một nhà ba chủ biết trông chủ nào?

205. Chuyện lúng túng làm sao thế ấy,
Mãi thế này những thấy bét be
Nực cười kể chuyện lè nhè,
Người cùng tìm chốn chở che qua ngày.
Đàn bà phải lấy Tây cũng bức,
210. Dẫu rậm râu mạnh sức cũng liều.
Người Nam lớn bé bao nhiêu,
Ở hầu làm thiếp cũng đều làm ăn.
Thống sát, Thông năm vô số.
Vợ quan Tây, bà cố tran tran.
215. Võng đào chỉ thắm nghênh ngang,
Mới hôm nọ, đã ba quan tềnh tàng.
Phường bồi bếp nghênh ngang rạo phố,
Áo quần Tây tảng lố thông ngôn.

Chở tàu lên Hạc lập đồn,
220. Làm thêm thương chánh bán buôn cho nhiều.

Mảng nghe tiếng thiên triều đến quản,
Do Vân Nam mấy vạn kéo sang.
Bắc Ninh với lại Tuyên Quang,
Quảng Yên, Thái, Lạng vô vàn Thanh quân.
225. Xin cứu lấy nước Nam đành báo,
Có tờ tư thu gạo cho nhiều,
Thuận mua vừa bán thiên triều trả cho.
Sơn, Hưng phải làm kho chứa sẵn,
Lưỡng biên giang cứ thẳng kéo về.
230. Tỉnh thành cho chí chợ quê,
Những lo chết đói mà mê mẩn người.
Còn dũng tráng trêu người bặng nhặng,
Đời làm công thẳng thẳng lưng sơi.

Nghĩ buồn Nam Việt sự đời,
235. Những ăn hà tiện, để thời cho ai.
Nay Tây cậy có tài thiện thuỷ.
Đường sơn lâm hẳn bí kế thôi.
Tàu bè ngược ngược xuôi xuôi,
Hết Sơn, Hưng lại trở hồi Trường Tây.
240. Chú Khách cậy quán này thiện hộ,
Dòng Nhị hà hẳn đố dám qua.
Đi đâu quanh quẩn vậy mà?
Hết Lâm, Đoan lại Bảo Hà sông Ngân.
Hai bên cứ giữ nhau thế mãi.
Hay sợ hơi có phải hay không?
245. Bên lo trái phá, thần công,
Bên e cờ úp, thúng chồng đâm quay.
Hay đợi để tháng này tháng nữa,
Chờ bao giờ gặp gỡ mới hay.
Sao mà giữ mãi thế này?
250. Tây thì Hà Nội, Ngô rầy Sơn, Hưng.

Tính thấm thoát qua chừng nửa tháng,
Quít đỏ trôn còn nhẫn bao lâu.
Sao Cờ mọc đã ngang đầu,
Hồng mao với khách quan Tàu đi đâu?
255. Hãy nhất quyết đánh nhau một trận,
Để thử làm cho tận tình dân.
Đã hầu ngũ liệt tam phân,
Tam cương còn thiếu chữ quân trên đầu.
Lại một hẹn rằng sau tháng chín,
260. Quan Tàu về chẳng nhịn nữa đâu;
Chuyện như khất nợ với nhau,
Mấy mươi tháng nữa mới hầu được yên?…


Tình hình nước ta, từ năm 1873 đến năm 1882, thành Hà Nội trong vòng 10 năm mà bị thất thủ đến 2 lần. Lần thứ nhất vào ngày mồng 1 tháng 10 năm Quý Dậu (tức 19-11-1873). Sau khi nuốt xong các tỉnh Nam Kỳ, quân Pháp do Francis Garnier chỉ huy, từ Sài Gòn được phái ra, mượn cớ can thiệp về vụ J. Dupuis không được nhà cầm quyền ta ở Hà Nội cho phép chở hàng lên Vân Nam bằng đường sông Hồng, để xâm chiếm Bắc Kỳ. Quan trấn thủ thành Hà Nội lúc đó là Nguyễn Tri Phương không chịu cho điều đình trực tiếp mà bắt phải qua triều đình Huế. Francis Garnier không chịu, mới tức giận và gửi tối hậu thư đòi quân ta phải giải giới quân đội và bắt buộc các quan văn võ phải tuân lệnh của y.

Với đề nghị ăn cướp này, lẽ tất nhiên các quan ta không thể nào nhận được. Chiến tranh bùng nổ, Garnier hạ lệnh đánh thành. Quân ta chống cự lại, Nguyễn Tri Phương và con là Phò mã Lâm chống giữ cửa đông nam. Phò mã Lâm tử trận, còn cụ thì bị thương ở đùi. Quân sĩ thấy thế liền tan, cụ lên ngựa toan chạy, nhưng có tên thông ngôn tố giác nên cụ bị quân Pháp bắt được. Cụ không chịu cho băng bó chỗ bị thương, rồi nhịn ăn hơn một tháng mà chết.

Sau đó, các đạo quân của triều đình do bọn Hoàng Kế Viêm, Tôn Thất Thuyết cùng họp với đạo quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc từ miền Sơn Tây kéo về gần Hà Nội, và tháng Giêng năm 1874, Garnier bị quân Cờ đen phục kích giết chết ở ngoại ô Hà Nội. Phần thắng lúc đó đang lúc mới thuộc về phía ta, các quan văn vũ đang bàn định một cuộc thừa thắng để đánh chiếm lại thành thì có tin triều đình đã cử ông Nguyễn Văn Tường làm chánh sứ cùng đi với đại diện Pháp là Philastre từ Sài Gòn ra Huế để điều đình, dẫn tới Hoà ước 1874, về phía Pháp thì giao trả Hà Nội và các tỉnh đã chiếm ở ngoài Bắc cho ta, còn phía ta thì nhìn nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, cam đoan theo chính sách ngoại giao của Pháp, nhường khoảng đất dọc theo bờ sông Hồng cho Pháp được thu thuế thương chính, và tự do đi buôn bán khắp miền Trung, Bắc.

Trước tình trạng đó, vua Tự Đức nhận biết là nguy cơ đã đến, nên tuy ký Hoà ước, vua vẫn một mặt giao thiệp với các nước bên ngoài, phái thanh niên đi học ở các trường Anh, và sai các sứ bộ sang Tàu để viện binh nhà Thanh. Thấy tình hình thế, Pháp ở Sài Gòn liền sai Henri Riviève đem binh ra đóng ở Hà Nội, Hải Phòng, và mượn cớ vì quân Tàu ngăn cản sự thông thương. Lúc đó, quan Tổng đốc Hà Nội là Trần Đình Túc vì sợ quá nên dâng sớ xin cáo lão về nhà. Ông Hoàng Diệu, một vị quan có tiếng trung trực được cử ra thay thế.

Khi ra trấn, ông Hoàng Diệu thấy quân Pháp tới nhiều, nên dâng sớ xin xây thêm công thự, và chiêu mộ thêm lính. Ông cho canh phòng rất cẩn mật, bất kỳ người ngoại quốc nào muốn vào thành cũng phải xin phép trước. Henri Riviève lúc đó đóng ở vùng nhượng địa Đồn Thuỷ, thấy đã làm gay mắt. Lại một hôm tên thông ngôn của y vào thành vì vô lễ nên bị ông Hoàng Diệu sai nọc ra để đánh cho một trận. Y sợ bên ta thế nào cũng đánh úp, nên ngày 25-4-1882 (tức ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Ngọ) mới gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu, yêu cầu bên ta phải giải giới quân sĩ, dâng thành nộp súng và kho tàng, đúng 8 giờ sáng quan Tổng đốc thành phải dẫn các quan văn võ đến nộp mình ở khu nhượng địa Pháp, quân Pháp sẽ vào thành kiểm soát rồi sau sẽ trả lại.

Khi nhận được thư, ông Hoàng Diệu sai án sát Tôn Thất Bá ra điều đình với Pháp cho gia hạn một ngày. Song Bá vừa ra khỏi thành, Henri Riviève đã hạ lệnh tấn công. Quân ta chống lại rất cương quyết. Nhưng một lúc, kho súng ở trong thành bốc cháy do một tên Việt gian chủ mưu, Bố chánh Phan Văn Tuyền, đề đốc Lê Văn Trinh và các phó lãnh binh thấy thế đều trụt thành, mạnh ai nấy chạy. Còn Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng thì trốn vào hành cung, phải nhịn đói ba hôm thành bịnh, rồi sau khi thành về tay Pháp mới lóp ngóp bò ra. Thấy tình cảnh diễn ra như vậy, ông Hoàng Diệu biết thế không chống nổi, mới lên voi đi vào hành cung, vừa khóc vừa bái vọng nhà vua, rồi ra trước cửa Vũ miếu lấy khăn chít đầu treo cổ vào cành cây tự tử. Sau khi thành bị hạ, xác ông được đem về an táng bên cạnh mộ Nguyễn Tri Phương, nơi gần miếu Trung Liệt. Sau đó được triều đình đưa về an táng tại quê hương và làm lễ quốc táng.

Khi chiếm xong thành, giặc Pháp lại giao trả cho ta do hai người đứng ra nhận lãnh là Tôn Thất Bá và Hoàng Hữu Xứng. Tuy vậy, quân Pháp vẫn còn ở lại trong thành và đóng tại hành cung, không phải rút ra như kỳ tấn công trước. Cách ít ngày, triều đình sai Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hiệp ra nghị hoà. Vua xuống chỉ đòi bọn Xứng, Bá, Trinh, Tuyển phải đeo gông về kinh để luận tội, nhưng sau cả bọn lại đều được miễn nghị, cho đái công thục tội, chỉ riêng Phan Văn Tuyển phải cách chức đuổi về làm thường dân…

Bài thơ này tục truyền do Ba Giai sáng tác, nội dung kể lại những biến cố trên và tình cảnh nhân dân sau kỳ thất thủ lần thứ hai với những hành động của các đạo quân triều đình và của đám quân cứu viện từ nhà Thanh đưa sang.

GS. Hoàng Xuân Hãn đã phân đoạn nội dung bài này như sau:
- Câu 1-4: Dẫn nhập
- Câu 5-20: Hà Nội mất năm 1873
- Câu 21-40: Cờ Đen phản công
- Câu 41-72: Hoà ước 1874
- Câu 73-92: Hoàng Diệu ra trấn Hà Nội
- Câu 93-124: Hà Nội thất thủ năm 1882
- Câu 125-140: Giảng hoà
- Câu 141-152: Khen, chê
- Câu 153-168: Cảnh chạy loạn
- Câu 169-192: Mong quan quân
- Câu 192-204: Mong quân thanh
- Câu 205-220: Cảnh Hà Nội bị chiếm
- Câu 221-262: Nóng đợi phản công

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]