Tiễn anh Tạo ra sân bay JFK (New York) trở về, tôi chui vào chăn ngủ vùi một giấc đến tận chiều tối. Một tuần đi liên tục trên đường, tôi còn mệt thế, chắc chắn anh Tạo còn mệt hơn. Cũng may anh còn có 24 giờ bay để nghỉ ngơi, trước khi bước vào một "cuộc rượu" mới với bạn bè trong nước.

Mặc dù được anh Tạo ký tặng bốn cuốn thơ, nhưng phải đến khi anh Tạo về rồi tôi mới có thời gian mở ra đọc. Tập thơ "Em đàn bà" đã được anh đọc và giới thiệu một số bài nên không còn ở vị trí "ưu tiên số một". Tôi chọn cuốn "36 bài thơ" để tìm hiểu thêm về nhà thơ mà tôi đã có ấn tượng từ đầu thập kỷ tám mươi thế kỷ trước với "Tản mạn thời tôi sống". Ngày ấy, thơ anh Tạo được chép vào sổ thơ của sinh viên không phải vì những áng thơ tình mượt mà, lãng mạn theo kiểu Xuân Diệu hay Hàn Mạc Tử. Chúng tôi truyền tay nhau những bài thơ của anh bởi những ý nghĩ độc đáo hay đột phá theo kiểu:

Như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng
Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá
(Tản mạn thời tôi sống)

Hoặc:
Và đôi khi đến vô tình
Chẳng hình dung nổi dáng hình người xa
(Thơ tình của người đứng tuổi)

Bẵng đi nhiều năm với gánh nặng áo cơm, tôi không có nhiều thời gian cho thơ nói chung và thơ anh Tạo nói riêng. Có một dạo, người ta thích đọc báo An ninh hơn báo Văn nghệ... Cách đây hai năm, nhân bắt gặp bài phỏng vấn anh trên Talawas khi anh in cuốn "Thế giới không còn trăng", tôi đã nhờ nhà văn Bùi Ngọc Tấn xin anh một cuốn có lời đề tặng. Chẳng gì thì tôi đã từng là độc giả của anh hơn hai mươi năm về trước. Bây giờ "viện cớ" xa Tổ quốc, chắc chắn là anh cũng không nỡ chối từ.

Trở lại với tập "36 bài thơ", bài đầu tiên là chân dung "tự hoạ":

Vẽ tôi rượu mực giấy trời

Nếu có bản soft copy tất cả các bài thơ của anh, chắc chắn tôi sẽ dùng công cụ đếm từ trong Word để thống kê xem anh đã bao nhiêu lần đưa "rượu" vào thơ. Biết anh Tạo sang, Bọ Nguyễn Quang Vinh hỏi nhà tôi có đủ rượu để tiếp anh Tạo không. Nhà văn Văn Công Hùng cảm nhận "kể về chuyến đi của anh Tạo mà không nói chuyện uống rượu thật rõ chán". Anh Tạo không tự vẽ mình bằng chất liệu bột màu hay sơn dầu. Chắc bây giờ chẳng còn mấy còn dùng "mực" để vẽ ngoài những nhà thư pháp. Đọc câu thơ này, tôi liên tưởng đến những nét chấm phá bằng mực tàu, một hình dáng phiêu du hắt bóng lên bầu trời. Vẽ bằng "rượu" nhưng anh Tạo không ngật ngưỡng như những đồ đệ trung thành của "lưu linh".

Vẽ tôi rượu mực giấy trời
Nửa say nửa tỉnh, nửa cười nửa đau.

Anh Tạo uống nhiều, nhưng tôi không biết khi nào anh say. Tối hôm uống rượu với anh Thế (làm ở Ngân hàng Thế Giới) ở Washington DC, tôi không nhớ khi mình nhận xét về một tác giả nào đó, anh Tạo nâng ly với anh Thế và nói: "Em thông minh thế thì thật 'khốn nạn' cho thằng nào cưới phải em làm vợ. Tôi và anh Thế phải uống mừng vì mình may mắn hơn thằng cha đó". Phụ nữ được khen xinh vẫn thích hơn là được khen thông minh. Nhưng nếu không có gì đáng để khen nhau thì câu nói của anh cũng là một lời "an ủi". Chỉ cho đến tận hôm sau khi anh thú nhận, tôi mới biết lúc đó rượu nói chứ không phải anh nói. Cũng may tôi thường dị ứng với mọi lời khen nên không bị "thương tích" gì khi rơi xuống từ chín tầng mây. Có lẽ tại anh chỉ say một "nửa", nên "nửa tỉnh" kia vẫn giữ được cho anh cái thần thái của nhà thơ khi "rượu vào lời ra".

Vẽ tôi thấy đẹp là mê
Thấy ghen là sợ, thấy quê là nhà.

Có một thời, để chứng tỏ mình "đứng đắn" người ta không dám thú nhận mình "háo sắc" - "thấy đẹp là mê". Nhưng anh Tạo không ngại ngần khi tự hoạ con người mình như vậy. Dưới bài thơ không đề năm sáng tác, nhưng tôi đoán ít nhất nó cũng được ra đời cách đây gần hai chục năm, khi anh Tạo chỉ có "bốn mươi chín ký thấp cao chân mình". Người "quê choa" là thế. "Bọ chỉ rứa thôi!". Nếu không mê mẩn với cái đẹp thì làm sao thi sĩ có thể viết được những áng thơ tình nóng bỏng như:

Nghìn sau gặp lại... em hăm mốt
Môi ngực vòng tay vẫn thiên thần
(Thiên thần)

Mê mẩn thế, nhưng nhà thơ cũng còn biết sợ. Sợ ai đó ghen với các bóng hồng thấp thoáng sau những câu thơ. Sợ các bóng hồng ghen với nhau khi bất chợt nhiều em cùng nhìn anh bằng đôi mắt say. Hoặc khi rượu đã ngà ngà, thi sĩ của chúng ta lại thấy em nào cũng đẹp. Thôi thì cứ để cho các "bóng hồng" "nướng" nhà thơ trên ngọn lửa "ghen tuông". Biết đâu lại chẳng có những bài thơ tình bất hủ về ghen.

Vẽ tôi lặng nhớ mưa xa
Tiếu lâm đời thực, khóc oà chiêm bao

Cười cợt, vui vẻ giữa đám đông, bạn bè. Nhưng khi chỉ còn lại mình với mình trong giấc chiêm bao, nhà thơ lại đau đớn vì những trớ trêu, trái ngang của đời. Thêm một lần nữa, nhà thơ khẳng định cho nét khái quát chung nhất về mình - "Nửa say nửa tỉnh, nửa cười nửa đau".

Vẽ tôi con Lợn cầm tinh
Con Gà cầm tháng con Tình cầm tay

Các nhà tử vi tướng số chắc cũng phải chào thua, khi phải  thêm vào một "con Tình" trong 12 con giáp. Có phải tại "con Tình" này mà đi đến đâu thi sĩ của chúng ta cũng làm cho nhiều em "nghiêng ngả" và cũng "nghiêng ngả" vào nhiều em? Anh Tạo nói, ai cũng nghĩ anh là người có những mối tình "lông gà lông vịt", nhưng thực ra anh rất chung tình. Nhà thơ Tố Hữu khi yêu chỉ dám chia cho người mình yêu chưa đến một phần ba trái tim: "Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều - phần cho thơ và phần để em yêu". Nguyễn Trọng Tạo khi đã yêu thì dâng hiến trọn vẹn:

"Chia cho em một đời thơ
Một lênh đênh - một dại khờ - một tôi".
(Chia)

Tôi chỉ là một người thích thơ, đôi khi có thời gian rảnh rỗi thì đọc dăm ba cuốn sách. Gặp một bài thơ hay cũng muốn tìm người chia sẻ, nhưng không dám có ý định bình thơ anh Tạo. Chắc gì tôi đã hiểu được ý tứ sâu xa phía sau ngôn từ của anh. Một tuần làm "tour-guide" không chuyên đưa anh đi thăm hai tiểu bang của nước Mỹ, tôi bỗng muốn viết một điều gì đó về anh. Và bài thơ "Tự hoạ" đã tạo cho tôi nguồn cảm hứng để viết. Tôi xin lấy bốn câu trong bài "Ảo ảnh" của mình để kết thúc bài viết này, thay cho lời chia sẻ với "Em - Đàn bà"  của anh:

"Tôi là kẻ lang thang, phiêu dạt giữa cuộc đời
Từng lạc chân qua nhiều miền ảo ảnh
Chỉ mong em gắng giữ cho ngọn lửa tình yêu đừng bao giờ tắt
Để trái tim tôi đừng lạc lối - quay về".

New York, 10.12.2008