Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Tản văn
Thời kỳ: Hiện đại

Đăng bởi nguyễn thanh hiện (quinhon) vào 26/10/2016 10:35, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 09/05/2018 09:43

Lần này thì lũ các người
hãy thử dùng sức mạnh của thi ca
(LỜI GHI TRÊN VÁCH ĐỀN APHRODITE)


Cuộc hành trình lần này ta đã có em, ta đã gặp em, ngẫu nhiên và định mệnh, như thể là em đã chờ ta ở đó những nghìn năm trước để đi cùng ta, cuộc hành trình gian truân nơi mặt đất gian truân,

Lần này thì cứ thử đem tình yêu của chúng ta đặt lên những ngọn sóng, những ngọn sóng màu lam chiều réo gọi nơi eo biển Bosphorus, giữa lúc nữ thần Aphrodite buông lời thách thức, trần thế có phải là chốn để những kẻ đang yêu quấn quít bên nhau, hỡi những kẻ muốn đem trái tim mình đặt lên cuộc biến động khôn lường, lời của nữ thần tình yêu như âm vang cơn lũ, cơn lũ khởi lên từ eo biển Bosphorus, tràn tận đỉnh Ararat.

***

Ai đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, những nghìn năm trước để thốt ra lời ngàn năm, tận tình và thống thiết. Tất cả là nước. Lời nói tựa thách thức xuyên qua những thế kỷ thách thức luôn có lũ người ngu ngốc đi tìm những thứ chẳng bao giờ có. Tất cả là nước. Dáng dấp thuở ban đầu. Con chim sải cánh, bầu trời nguyên sơ lộng gió. Ai đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, thốt ra lời nguyên sơ như thách thức xuyên qua những tiết tấu thời gian vẫn gõ lên những bụi bặm trần thế,

Những phác thảo về tồn tại tựa lời trẻ thơ. Con dế ca bài ca của đất rồi đi tìm chú ngựa non trong ngôi nhà của chuột. Tiếng hát trẻ thơ. Và những phác thảo về tồn tại,

Ai đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, những nghìn năm trước để hô hoán rằng thuở ban đầu là chẳng có con đường nào vào cõi miên trường ảo ảnh, dùng dằng người đi kẻ ở, treo lơ lửng trước lối mòn vô vọng, nước mắt chảy giữa gió mây vô vọng, ai ngờ một ngày có kẻ đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, để hô hoán rằng thuở ban đầu là sắc hoàng hôn nguyệt bạch, treo lơ lửng trước đời lối đi về vô tận, chẳng có bàn tay ai nâng đỡ, tất cả là lơ lửng giữa bất định hư không, vào một ngày có kẻ đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, hô hoán lên rằng, sở dĩ được treo lơ lửng giữa bất định hư không là nhờ luôn trai trẻ và luôn giữ được những xa cách ngang bằng nhau giữa muôn ngàn sự thế,

Cũng chẳng ai ngờ một ngày có kẻ đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, để bảo với mọi người rằng thuở ban đầu là hơi thở miên mang bất tận, dòng sinh hoá từ đó mà ra, ai ban cho ta hơi thở ban đầu mà biến hoá khôn cùng, khi tụ tập thành những hình hài kỳ tuyệt, lúc gĩan ra thành cõi trống trải hư không, co lại và giãn ra là để cho muôn vạn hình hài, ta đã có, ta đang có, và ta sẽ có, là có cả những vị thần cùng những hình hài cốt cách của những vị thần, cái ta không nhìn được là các vị thần, cái ta nhìn được là hình hài cốt cách của những vị thần, chẳng ai ngờ có ngày có kẻ đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, để làm cho hình dáng ban đầu của tồn tại trở nên lung linh quyến rủ,

Là Thales, là Pittacus, Bias, Solon, hay Chilon, Cleobulus, Myson, hay Anacharsis, Phytagoras, hay Anaximandre, Anximene, là bảy vị, hay mười bảy vị, hay là hai mươi bảy vị, chuyện có bao nhiêu vị hiền triết chỉ là chuyện về con số, chuyện về cái bóng của hình, những nghìn năm trước những hình hài minh triết vẫn tiếp tục đi lại nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, vẫn nối bước nhau bước lên những hòn đảo minh triết ở Mediterranean, biển Giữa, vẫn không ngừng nghĩ ngợi dưới bầu trời Anatolia, để thốt lên lời nghìn năm,

Buổi chiều, đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, ta và em hóng mắt về phía ban đầu, hóng mắt về phía lung linh quyến rủ, những lời của kẻ yêu nhau thuở ban đầu trở thành lời ngàn năm, con dế ca bài ca của đất rồi đi tìm chú ngựa non trong ngôi nhà của chuột, tiếng hát trẻ thơ, và những phác thảo về hình dáng của tồn tại.

***

Ephesus mùa thu. Ta và em đến Ephesus vào một ngày mùa thu. Chẳng còn nghe thấy tiếng cung bạc leng keng của nữ thần Artemis trên bầu trời Ephesus lặng gió. Lũ ruồi có vẻ chán nản nơi mi mắt thiêu ngủ của lão tư tế đang chán nản canh giữ ngôi đền đổ nát chỉ còn như thứ âm vang già nua trong tâm tưởng con người. Nhưng các người từ phương đông đến cũng nghe thấy những gì đang diễn ra dưới bầu trời đương đại, lão tư tế nói, như thể đã thoát ra khỏi cơn thiu ngủ ngàn năm, cơn thiu ngủ hình thành từ pháp điển hiến chương về tồn tại những nghìn năm trước, thứ pháp điển hiếu chiến vẫn được coi như sở thích con người của thuở ban đầu. Nhưng cuộc chiến thành Troa đã kết thúc tự những nghìn năm trước sao nữ thần chiến tranh vẫn vắng bóng nơi ngôi đền cổ kính, ta nói lời ấy với lão tư tế đền thần Artemis trong lúc lão mệt mỏi xua tay đuổi lũ ruồi đi khỏi sự mệt mỏi của mình, còn em thì đăm mắt về phía những hoang tàn như thể đang cố nhìn lại những tháng năm lừng lẫy của người con gái của Zeus thần thánh, người con gái vẫn cùng với con người và muông thú trên rừng nhảy múa hát ca, nhưng vẫn ra tay giết chóc con người và muông thú theo thứ pháp điển hiến chương mông muội,

Tồn tại là gươm đao. Thứ pháp điển hiếu chiến vẫn được các nhà kiến thiết tài ba thuở ban đầu diễn dịch thành ngôi đền Artemis lộng lẫy dưới bầu trời Ephesus lộng lẫy, những Chersiphon, Pheidias, những Polycleitus, Kresilas, Pheadmo vẫn còn ghi trong sử cũ, những nhà kiến thiết tài ba đã tạo nên chốn ngự trị của vị nữ thần chinh chiến. Nhưng có phải vào cái đêm hăm mốt tháng bảy hơn hai nghìn năm trước chàng trai trẻ có tên Herostratus đã muốn xoá bỏ biểu tượng của hiếu chiến, xoá bỏ những định kiến man rợ, ta và em đều cố nghĩ thế về Herostratus, nhưng lão tư tế đền thần Artemis bảo Herotratus còn hiếu chiến hơn cả nữ thần Artemis, Herotratus đốt đền nữ thần chiến tranh là cốt để cho loài người chỉ còn nhớ đến mình, lão tư tế mệt mỏi nói ra những ý nghĩ mệt mỏi của mình,

Nhưng là các người từ phương đông đến chẳng nghe thấy những gì diễn ra dưới bầu trời đương đại, lão tư tế đền thần Artemis nói, như thể đã ra khỏi hẳn cơn thiu ngủ nghìn năm, ta và em đều nói là rất vui khi không còn nhìn thấy bóng dáng nữ thần chiến tranh dưới bầu trời Ephesus, nhưng lão tư tế bảo là ta với em đã lầm, một sự lầm lẫn nghiêm trọng, các cuộc chiến của con người còn diễn ra trên mặt đất thì thần chiến tranh vẫn còn đó, và thứ pháp điển hiến chương mông muội vẫn còn chỗ trú ngụ dưới bầu trời đương đại, tồn tại vẫn là gươm đao, lão tư tế nói như thể là lời tuyên ngôn về tồn tại,

Vào cái buổi chiều mùa thu đặt chân đến Ephesus, miền đất cổ kính bên bờ Mediterranean, biển Giữa, ta và em đã hiểu ra sự hoang tàn của khu đền nữ thần chiến tranh Artemis như một cách thức biểu hiện về cách nhìn thế giới của con người đã được chuyển đổi, chẳng còn ai muốn nói tồn tại là gươm đao, chẳng còn ai muốn nhìn thấy sự có mặt của vị nữ thần chiến tranh, thực ra thì cách nhìn thế giới của con người đã được chuyển đổi tự hôm con người có tên Heraclitus đã được sinh ra dưới bầu trời Ephesus để nói ra những lời tâm huyết những ngàn năm qua vẫn được coi như một thứ pháp điển hiến chương của thời ngược với thời mông muội,

Đấy là ngọn lửa đang bùng cháy trong tâm can chúng ta. Nói là lửa, hay nói là tình yêu, đều là nói về nó, nói nó là con đường đi lên, hay nói nó là con đường đi xuống, hay con đường đi xuống là con đường đi lên, nói cách nào cũng đều là nói về nó, bỡi mọi sự biến đổi là đều của nó, biến đổi là để thành nó, và nó là biến đổi, bỡi nó là tất cả, nhưng nó cũng là một, bỡi vì một là tất cả, và tất cả là một,

Những pháp điển hiến chương của tồn tại đã được Heraclitus hát lên tự những nghìn năm trước. Chẳng ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Buổi chiều mùa thu đặt chân đến miền đất cổ kính Ephesus, ta và em đã hiểu ra lời tự tình ngàn năm của kẻ đa tình có tên Heraclitus. Nó là ngọn lửa nung nấu máu thịt con người. Cháy lên và lụi tàn là cứ thay nhau trong lịch sử con người. Khi sự cháy lên được lặp lại là con người sẽ nhìn thấy những gương mặt rạng rỡ, đáng yêu. Nhưng khi sự lụi tàn được lặp lại thì có thể đó là những hài hước, kệch cỡm, là những giả dối, hèn hạ, dường chẳng phải là thuộc về gương mặt con người,

Buổi chiều, đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, ta và em như nghe thấy được tiếng ca bất tuyệt của Heraclitus, con dế ca bài ca của đất rồi đi tìm chú ngựa non trong ngôi nhà của chuột, tiếng hát trẻ thơ, và những phác thảo về pháp điển hiến chương của tồn tại.

***

Aphrodisias cuối thu. Mùi sữa và mùi hoa hồng như cố ấp ủ cho cổ kính không tàn phai theo năm tháng. Và tự nơi cuối trời như có ai đó đang vẫy tay về phía cổ xưa, gào thét. Aphrodite, ta cứ muốn sờ lên từng hơi thở của em, ta cứ muốn chính mắt mình nhìn thấy thịt da em. Tiếng gào như thể ai đó là chẳng còn chịu đựng được trước vẻ đẹp con người chỉ còn được ghi lại như một thứ dấu vết của trí tuệ. Và ta thì cứ cố lục lọi trong ký ức từ chương xem thử có lời nào thốt ra từ cửa miệng của vị nữ thần sắc đẹp ấy hay không, nhưng chẳng tìm thấy, nhưng ta biết có tìm thấy chăng thì cũng đã được diễn dịch theo niềm cảm hứng khôn cùng của các thi gia sử gia Homeros (Homer) hay Hesiodos (Hesiod) hay Herodotos (Herodote). Và, trong ngày đầu tiên đặt chân đến miền đất Aphrodisias cổ kính ấy, thậm chí lời ghi trên vách đền Aphrodite cũng chỉ là sự tưởng tượng của ta và em,

Khi ta và em đặt chân lên miền đất cổ kính Aphrodisias bên bờ Mediterranean, biển Giữa, nơi có đền nữ thần tình yêu Aphrodite, thì khái niệm tình yêu đã trải qua bao thiên niên kỷ, dường thời gian có làm cho thứ khái niệm vốn vô cùng nhiêu khê rối rắm ấy trở nên nhiêu khê rối rắm,

Aphrodite, tóc em là con sông bằng vàng, da thịt em là hương hoa là mùi sữa, và mắt em là vì sao trên trời, Aphrodite, em là tất cả đất trời. Ai đã đứng phía bên kia bờ ngôn từ để thốt lên những lời vô ngôn,

Khi ta và em đặt chân lên miền đất có cái tên đáng yêu diễn dịch từ tên thần tình yêu Aphrodite ở bên bờ Mediterranean, biển Giữa, thì khái niệm về tình yêu đã trải qua những thiên niên kỷ nhọc nhằn, dường như những khi con người mãi tranh nhau chỗ đứng nơi mặt đất thì quên đi thứ khái niệm còn quí hơn da thịt của mình,

Thì chẳng phải một thời thần chiến tranh Ares, vị thần hiếu chiến và cuồng loạn, cũng say đắm nhan sắc của nàng hay sao, chẳng phải cái tên Aphrodite như một thứ khái niệm về phía khác của chết chóc, phía của tình yêu, một thứ khái niệm về luật lệ của cuộc sống,


Hôm ta và em đặt chân lên miền đất cổ kính ấy cứ nghe như đang vang lên tiếng hát của kẻ đang yêu. Mùi sữa với hương hoa hồng. Và tiếng hát của kẻ đang yêu. Con dế ca bài ca của đất rồi đi tìm chú ngựa non trong ngôi nhà của chuột. Tiếng hát trẻ thơ. Và phác thảo về luật lệ của tồn tại.

Trên những mảnh đất nung đào được ở Nineveh nơi bờ sông Tigris người ta đã đọc được thiên sử thi về vị vua anh hùng Gilgamesh của thành Uruk cổ kính, vị vua đã được nghe một người đàn ông có tên Utanapixtim kể về cơn đại hồng thuỷ do thần Enlin gây ra, người đàn ông đã thoát khỏi sự trừng phạt của các thần, và trở thành kẻ duy nhất có cuộc sống trường sinh bất tử,

Sách cựu ước nói chúa trời đã làm ra cơn lũ bốn mươi ngày đêm để tiêu diệt loài người tội lỗi, ta đã ân hận tạo ra con người, và nay thì chỉ mỗi nhà ngươi là còn được sống để gầy dựng lại loài người, dường như chúa trời đã nói với ông Noah như thế,

Các ông William Ryan, Walter Pitman, những người làm công việc khảo cứu của nước Mỹ bảo, một trận đại hồng thuỷ đã diễn ra dưới bầu trời Anatolia, thuở ấy, mặt đất nóng lên, băng tan, nước ở các biển lớn đầy lên, nước ở Mediterranean, biển Giữa, cũng đầy lên, và bắt đầu tràn vào biển Đen cho đến lúc dâng lên tận ngọn núi phía đông Anatolia, ngọn Ararat,

Dường những ký ức về trận lũ kinh hoàng trong quá khứ đã được con người khắc hoạ thành niềm mong mỏi thiêng liêng về một sự hoàn thiện nào đó, em nói,

Dẫu là Utanapixtim trong sử thi Gilgamesh hay Noah trong cựu ước, có trở thành bất tử, hay được quyền sống sót sau cơn lũ lớn, thì các vị cũng chỉ làm mỗi công việc gầy dựng lại loài người, ta nói,

Những đám mây không mấy sáng sủa là đang kéo về bầu trời Anatolia. Ta và em là đang đi trên mảnh đất Anatolia chẳng mấy bình yên, và đang nghĩ về cơn đại hồng thuỷ đã diễn ra trong quá khứ. Cơn lũ lớn xảy ra dưới bầu trời Anatolia là có thật. Và dường các bộ óc lớn của loài người nhân có lũ lớn muốn làm lại một loài người khác, hoàn chỉnh hơn. Ta và em là đang đi dưới bầu trời Antolia sắp có lũ lớn. Và đang nghĩ về các ông Noah và Utanapixtim, những kẻ sống sót sau cơn đại hồng thuỷ,

Những đám mây mưa là đang kéo về bầu trời Anatolia. Ta và em là đang đi trong sự báo động về một mùa lũ lớn. Nhưng chẳng dám nói ra là sẽ xảy ra lũ lớn. Cũng như chẳng dám nói ra là các bộ óc lớn của loài người đã thất bại thảm hại trong mưu toan điều chỉnh loài người. Bỡi đám nhân loại được các ông Noah và Utanapixtim gầy dựng lại vẫn giống y đám nhân loại đã chết trong đại hồng thuỷ.

***

Bên kia sông Halys những giấc mơ.

Những giấc mơ cứ lập đi lập lại như ai đó cứ gỡ xuống dán lên bầu trời lịch sử bức tranh về nỗi băn khoăn của lũ phù du về sự vĩnh hằng và sự quyến rủ của quyền lực,

Ur, Eridu, hay Uruk, hay Lagooh, đều là những giấc mơ, những giấc của thời Mesopotamia son trẻ. Giấc mơ của vua người Amorite muốn biến thành những luật lệ vàng khắc lên đá, ta, Hammurabi, ta là sự thật, Nineveh, Nimrud trên bờ sông Tigris và Mari trên thượng nguồn Euphrate là của ta, Mesopotamia là của ta, những lời vua Hammurabi rắn như đá vẫn vang lên nơi thành cổ Babylon và tắt hẳn vào một ngày có người chiến binh Mursili I của đất nước Hitite vượt qua sông Halys tiến về miền Mesopotamia son trẻ,

Nhưng Mursili I là một giấc mơ khác. Giấc mơ của kẻ vừa mới bước ra từ niềm cảm hứng sáng tạo. Người ta nói khi thứ kim loại có tên là sắt được con người lấy lên khỏi mặt đất thì loài người đã bước sang một thời khác. Thời văn minh sắt. Mursili I là người của văn minh sắt. Vì vua trẻ của vương quốc Hitite với đoàn quân có chiến xa bánh sắt và những vũ khí bằng sắt đã vượt sông Halys san bằng các thành trì ở Mesopotamia. Và cứ tưởng vương quốc được gầy dựng bằng sắt của mình là còn mãi nơi mặt đất. Nhưng tro than đã phủ lên niềm vinh quang chiến thắng khi một vương quốc khác, vương quốc Phrygia nổi lên ở bên bờ sông Halys,

Và Lydia lại là một giấc mơ khác. Croesus, vị vua cuối cùng của nước Lydia giàu có đến mức những nghìn năm sau tên của vua vẫn là thứ thành ngữ để chỉ cho sự giàu có. “Một khi ngươi vượt sông Halys là ngươi huỷ diệt một quốc gia hùng mạnh”. Nhà tiên tri ở đền Delphi nói khi Croesus sửa soạn đi đánh nước Ba Tư ở phía bên kia sông Halys. Và cuối cùng thì Cyrus II, vua nước Ba Tư, đã tiêu diệt nước Lydia, bỡi Croesus đã hiểu khác đi lời nhà tiên tri ở đền Delphi,

Ở Anatolia, sông Meander chảy vào Mediterranean, biển Giữa, còn sông Halys chảy vào biển Đen. Ta và em là đang đi trên bờ sông Halys. Những nghìn năm qua con sông Halys vẫn chảy vào biển Đen. Và như ai đó cứ gỡ xuống dán lên bầu trời lịch sử bức tranh về sự quyến rủ của quyền lực,

Cuộc hành trình của ta và em như mang thêm màu sắc bi tráng khi dừng chân nơi bờ sông Halys định mệnh. Buổi trưa, tự phía trời cao thẳm như đang lần lượt đổ ập xuống dòng nước đang trôi những hình thù của nghìn năm sông núi. Ta thì như đang nhìn thấy những thành quách nhìn thấy những ngai vàng cùng những áo mũ cân đai rơi rụng. Nhưng em bảo đấy chỉ là những mộng mị của con người làm bằng những vật thể có những tên gọi mơ hồ như ánh lửa ma trơi của những đêm trăng sao chết chóc,

Cuộc hành trình của ta và em như thêm phần bi tráng khi dừng chân nơi bờ sông Halys định mệnh. Những nghìn năm qua con sông Halys vẫn như một thứ ranh giới mong manh giữa tồn tại và không tồn tại.

***

Vào những tháng năm con người vừa bước ra khỏi sự mông muội, cuộc thể nghiệm vĩ đại nhất của tồn tại là đã diễn ra bên bờ Mediterranean, biển Giữa,

Buổi chiều dừng chân nơi dấu tích thành Troa bên bờ Mediterradian, biển Giữa, ta và em cứ nghe như đang vang lên tiếng hát của những kẻ hát rong thời Odysseus và Iliat,

Ca lên đi, hãy bắt đầu bằng cơn thịnh nộ của con trai nữ thần Thetis và Peleus, vua của quốc đảo Aegina. Homeros (Homer), người khởi xướng cuộc thể nghiệm của tồn tại là đang xướng lên bài ca về cuộc thể nghiệm,

Hãy bắt đầu đi những cuộc tình và những cuộc chiến. Các vị thần trên núi Olympus, kẻ tạo ra những giấc mơ ngu xuẩn cho loài người là đang phủ lên mặt đất trần thế những ảo ảnh khôn cùng,

Homeros (Homer), người khởi xướng cuộc thể nghiệm, như đang nằm dài ra trước toà lâu đài thi ca nhân loại mà hát, những khúc hát dường không bao giờ cũ,

Hỡi nàng Helen, chuyện tày đình xảy ra là do trái tim quyến rủ của em, hay là do sự ngu si đa cảm của những chàng trai ngu si đa cảm, những nghìn năm qua con người nơi mặt đất vẫn đi tìm lời giải đáp, có quả thật là vẻ đẹp của em đã gây nên những cơn giận dữ,

Hay cơn giận dữ thành Troa cũng chỉ là cái cớ để những kẻ hoang tưởng nơi mặt đất hoang tưởng thoã mãn lòng tham muốn vô bờ bến của mình,

Helen của Spart và Parix của Troa. Hay nữ hoàng của biển Aegean và vị vua trẻ dưới bầu trời Anatolia. Hay cuộc tình đã lỡ buột nói ra của nhà thơ nhà chép sử Homeros (Homer), cuộc tình dẫn đến những bất trắc khôn lường nơi mặt đất,

Buổi chiều dừng chân nơi dấu tích thành Troa, ta và em nghe thấy có tiếng gì như tiếng thở dài vọng lại tự những nghìn năm trước,

Chẳng thể nào sửa lại được những gì xảy ra ngày ấy. Khi Homeros (Homer), kẻ đề xuất cuộc tình, chẳng thể dẫn dắt cuộc tình mình đề xuất, và khi nữ hoàng Helen đã rời Spart để lên giường nằm với vị vua trẻ thành Troa, thì lũ chim có thể bắt đầu thay đổi những lời ngợi ca, lũ ong hút mật có thể bắt đầu thay đổi cách đi tìm hoa, con người có thể bắt đầu thay đổi cách nhìn thế giới, và các vị thần trên núi Olympus có thể bắt đầu thay đổi cách nhìn loài giống con người, có nghĩa, cái không thể trở thành có thể,

Không còn là niềm hận thù của ông hoàng thành Spart đối với vị vua trẻ thành Troa, hay là niềm hận thù của Menelaus đối với Parix, mà bỗng trở thành mối hận thù giữa các quốc gia Spart và Troa, bỗng trở thành cuộc chiến có tính cách toàn thế giới, Spart bỗng kéo theo cả Agamenon vua của Mycene, kéo theo cả Odysseus vua của Ithaca, kéo theo cả Achille vua của Aegina, kéo theo cả các vị thần trên núi Olympus, cái không thể đã trở thành có thể,

Và đánh nhau bằng cả chân tay, bằng cả gươm đao, bằng cả phép màu, chia phe mà đánh, con người chia phe nhau, các vị thần chia phe nhau, bầu trời Anatolia như nơi thể nghiệm một cuộc chiến chưa hề diễn ra trong cuộc tồn tại, cái không thể đã trở thành có thể,

Và không có gì là không xảy ra dưới bầu trời Anatolia. Niềm hoan lạc. Cái chết. Nỗi sợ hãi. Cơn giận dữ. Những tráo trở, lừa lọc. Con người tráo trở, lừa lọc. Các vị thần tráo trở, lừa lọc. Các ông vua nơi mặt đất hoang mang. Các vị thần trên núi Olympus hoang mang. Zeus, thần của các thần, khóc. Apollon, Aphrodite, Hera, Athena, Hadet, Podeiong, các vị thần dưới trướng của Zeus, cũng khóc,

Và những con người ưu tú nhất nơi mặt đất đã lần lượt ngã xuống. Hector, và Patrocloc, và Achille, và Parix, và các anh em của Parix, những đứa con trai của Priam vua của thành Troa. Hằng vạn trai trẻ đã lần lượt ngã xuống trong suốt mười năm binh đao. Những cái chết nơi mặt đất đã khiến cho Hadet, thần cai quản thế giới của chết, cũng cảm thấy hoảng hốt,

Buổi chiều dừng chân nơi dấu tích thành Troa, ta và em đã nhìn thấy vua Priam khóc con, và vua Agamenon ngỡ ngàng trước sự phản bội của người vợ thân yêu. Sau mười năm của cuộc tình và cuộc chiến, người ta đã nhìn thấy những giọt nước mắt và những nỗi đắng cay trên gương mặt con người,

Vậy thì tồn tại là thuộc về tình yêu hay chiến tranh. Buổi chiều dừng chân nơi dấu tích thành Troa, em đã buột nói ra lời ấy,

Ta nói dường như Homeros (Homer) đã cố tình để cho vua thành Troa và vua Mycene khóc thay mình. Dường như nhà thơ vĩ đại của chúng ta đã nhìn thấy trước sự thất bại của mình trong cuộc thể nghiệm tồn tại.

***

Đêm Anatolia như có ai đó gác mắt lên bầu trời sao nhìn về phía ta và em. Ta nói là Zeus, thần của các vị thần. Nhưng em bảo không phải Zeus, mà là con trai Zeus, thần Apollon,

Trên đường đến cội nguồn trí khôn của con người, lũ các người đã nhìn thấy trong những tro than nơi mặt đất có cả xác của khôn ngoan minh triết,

Lời thần Apollon như lời chào thân thiết.