Không con cháu nối nghiệp là ông Nguyễn Quí Luân.

Tôi đã chứng kiến một cảnh thương tâm không sao quên được:

Năm 1929, như trên đã nói, tôi đi sưu tầm thơ Nôm Bình Định. Nghe tiếng thầy Bảy Phồn ở Phú Văn (thuộc làng Phú Phong, quận Bình Khê) [1] thuộc được nhiều thơ cũ, tôi tìm đến, và được đón tiếp ân cần. Thầy nói rất nhiều về Nguyễn gia phụ tử và cho biết rằng thầy là học trò của ông Nguyễn Quí Luân. Sau khi đọc cho tôi chép một ít thơ của cụ tú Khuê, cụ nghè Trì, ông Nguyễn Bá Huân, thầy đọc cho nghe bài MẠ BẦN của ông Nguyễn Quí Luân mà thầy thích nhất:

Tám kiếp cha ông cái vận nghèo
Đã đi trốn nó nó còn theo
Vãi ba hột cải không thèm mọc
Trồng một dây bầu chẳng muốn leo
Bài xạo bát bồng lên cả cặp
Me tam chú khách mở ra yêu
Như vầy nghĩ thật đã vô vận
Tết nhất gần đây hết ngõ tiêu.
Thầy ngâm một cách thích thú, tiếng ngâm sang sảng.

Nhận thấy văn chương chất phác, tôi hỏi:
- Ông cụ chắc hiền lành lắm?

- Vâng, tuổi còn trẻ mà tánh tình thuần hậu như người sáu bảy mươi. Có lẽ vì vậy mà không thọ.

Thầy trầm ngâm giây lâu rồi nói tiếp:
- Thầy tôi tuyệt tự. Đệ tử hiện còn một mình tôi. Tôi đã tưởng thầy tôi không còn ai nhắc nhở đến khi tôi tạ thế. Không ngờ lại gặp cậu lo bảo tồn di sản tinh thần của tiền nhân. Tôi sung sướng quá! Thơ Nôm thơ chữ của thầy tôi, tôi chép thành tập có trên vài trăm bài. Để tôi lấy trao cho cậu.

Đoạn bắc thang leo lên lá mái lấy xuống một cuộn giấy gói thật kỹ trong một mo cau, bụi và váng nhện đóng đầy. Thầy trịnh trọng mở ra thì, than ôi! Giấy bị mối ăn nát hết!! Thầy bưng mặt khóc:
- Sao mà vô mệnh thế này! Con trên đời đã không có, chỉ có chút sự nghiệp lưu thế mà trời cũng nhẫn tâm làm tan nát thế này! Thật đau lòng quá!

Than rồi, đem mớ giấy tàn ra giữa sân, đốt hương khấn vái. Đoạn chân lửa đốt lấy tro bỏ lên đầu hàng rào dúi ở trước ngõ, và lau nước mắt than:
- Thế là hết!!

Tôi bị xúc động mạnh! Lòng yêu kính thầy học và quí trọng văn chương như thầy Bảy Phồn thật là hiếm! Tôi hỏi:
- Thầy có thuộc được nhiều chăng?

Thầy bệu bạo đáp:
- Làm gì thuộc được, vì nhiều quá. Thêm nữa thầy tôi mất lúc tôi mới hai mươi tuổi, nay đã gần ngũ tuần rồi, dù lúc nhỏ có thuộc, lúc này cũng quên. Bài thơ MẠ BẦN vì hợp cảnh hợp tình với tôi nên tôi mới nhớ kỹ.

Tôi toan hỏi, song chưa kịp hỏi vì sao lại để cho tập thơ bị mối ăn mà không biết, thì thầy nói tiếp dường như đón được ý tôi:
- Tôi cất quyển thơ của thầy tôi gần 30 năm này. Năm nào tôi cũng đem ra phơi. Hai năm nay trong nhà túng bấn quá, tâm trí dồn vào cả việc chạy ăn từng bữa nên quên lửng tập thơ! Rõ là “vạn tội bất như bần”!

Từ ấy hình ảnh của thầy bảy Phồn in sâu vào tâm khảm tôi và sự kiện kia làm cho tôi thêm quí trọng những di cảo của người trước. Hễ nghe được một bài thơ xưa dù không hay lắm tôi cũng chép lại với tấm lòng thành.


[1] Tên chữ là Trần Hoàng, nhưng tên này ít người biết. Tên tộc là Bích, còn Phồn là tên con. (Ở Bình Định thường lấy tên đứa con đầu lòng mà gọi cha mẹ).

Nguồn: Quách Tấn, Hương vườn cũ, NXB Hội nhà văn, 2007
tửu tận tình do tại