1.
Tiếng hát ngư ông giữa sông Bành Lệ
Tiếng kêu hàn nhạn giữa ánh Hoành Dương
Một mình em đứng giữa sông Hương
Tiếng ca du nữ đoạn trường ai nghe

2.
Ước áo xanh luỵ tình Tư mã
Khách Thiên nhai vẫn lạ mà quen
Nước non ai kẻ bạn hiền
Biết ai ly phụ giữa miền sông Hương

3.
Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược
Nước chảy ngược con cá vược lội ngang
Thuyền em xuống bến Thuận An
Thuyền anh lại trẩy lên ngàn anh ơi!

4.
Biết ở đâu là cầu Ô Thước
Mênh mông nguyện ước, dưới nước trên trời
Đêm khuya ngớt tạnh mù khơi
Khúc sông quạnh vắng có người sầu riêng

5.
Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn
Chèo qua Ngọc Trản đến vạn Kim Long
Sương sa gió thổi lạnh lùng
Sóng xao trăng lặn gây lòng nhớ thương

6.
Bên chợ Đông Ba tiếng gà gáy sáng
Bên làng Thọ Lộc tiếng trống sang canh
Giữa sông Hương tiếng sóng khuynh thành
Đêm khuya một chiếc thuyền tình ngửa nghiêng

7.
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non

8.
Đục với trong mười hai bến nước
Gió xuôi rồi ngược chèo chẳng đến nơi
Động đào cũng muốn vô chơi
Biết đâu cho gặp ông chài hỏi thăm

9.
Thương thời thương, chẳng thương thời chớ
Làm chi lở dở như hẹn nợ thêm buồn
Bên chùa đã dộng tiếng chuông
Gà Thượng Thôn đã gáy, chim nguồn đã kêu

10.
Một vũng nước trong, mười dòng nước đục
Một trăm người tục, một chục người thanh
Biết đâu gan ruột gửi mình
Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân



[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược

Cách đây hơn nửa thế kỷ, hồi còn ở Huế, một buổi sáng chủ nhật, tôi ngồi uống trà với ba tôi. Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện gia đình, một điệu ru con từ nhà láng giềng vọng lại:
À... ơ...
Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược
Nước chảy ngược con cá vược lội ngang
Thuyền em xuống bến Thuận An
Thuyền anh lại trẩy lên ngàn anh ơi!


Thấy tôi có vẻ trầm ngâm suy nghĩ, ba tôi nói:
- Con có biết câu ấy của ai và có ý nghĩa gì không?

Tôi thưa:
- Xin ba chỉ giáo.

- Cụ Thúc Giạ Ưng Bình đã sáng tác câu hò ấy để nói đến cuộc khởi nghĩa chống Pháp của vua Duy Tân năm 1916.

Rồi ba tôi chậm rãi kể:
"Sau khi phế truất vua Thành Thái, thực dân Pháp đưa hoàng tử Vĩnh San mới 8 tuổi lên nối ngôi cha, lấy hiệu là Duy Tân. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng vua Duy Tân đã có một tinh thần yêu nước rất nồng nàn. Năm 13 tuổi, vua giao cho Thượng thư bộ Lễ Huỳnh Côn một bức thư gửi cho Pháp để trách về việc nhà cầm quyền Pháp không thi hành đúng hòa ước 1884 và yêu cầu duyệt lại những điều khoản bất bình đẳng trong hòa ước ấy.

Thấy người Pháp không thành thực, vua Duy Tân rất phẫn uất. Tương truyền, có lần đang ngự câu, nhà vua bỗng than rằng: Ngồi trên nước không ngăn được nước/ Trót buông câu nên lỡ phải lần.

Năm 1915, thừa cơ hội Pháp đang có chiến tranh với Đức, Việt Nam Quang Phục Hội ủy cho Trần Cao Vân và Thái Phiên phụ trách việc tiếp xúc với vua Duy Tân để mời vua tham gia cuộc khởi nghĩa giành lại chủ quyền.

Vào khoảng tháng 3 âm lịch năm 1916, Trần Cao Vân và Thái Phiên giả làm người đi câu đến gặp vua Duy Tân trên Ngự hà để cùng bàn về cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Trong những lần hội kiến, nhà vua đã cùng các nhà cách mạng hoạch định chương trình với hai điểm chính yếu:

1) Chiếm 3 tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi để làm căn cứ.
2) Tổng phát động khởi nghĩa khắp các tỉnh Trung kỳ.

Cuộc khởi nghĩa mới đầu định vào nửa giờ trưa (giờ Ngọ) ngày Ngọ và tháng Ngọ tức mồng 2 tháng 5 năm Bính Thìn (1916). Hiệu lịnh được ban ra theo bài thơ của Trần Cao Vân nhan đề "Hỏa xa Huế - Hàn".

Nhưng sau, theo quyết nghị chung vì gặp trường hợp khẩn cấp, phải khởi nghĩa trước một tháng vào đêm mồng 2 tháng 4 năm Bính Thìn (tức ngày 3-5-1916). Tuy nhiên, từ chiều mồng 1, cơ mưu đã bại lộ, nên người Pháp áp dụng các biện pháp đề phòng rất gắt gao.

Võ Văn Trứ (cũng gọi là Phán Trứ), làm thông phán tại tòa Khâm Huế, cũng là một tay cốt cán trong phong trào khởi nghĩa, biết việc khó thành, liền đầu thú với Khâm sứ Trung kỳ. Vì thế, Pháp đề phòng nghiêm ngặt, ra lệnh thu hồi súng đạn và giữ hết binh lính ở trong đồn trại.

Vua Duy Tân, Trần Cao Vân và Thái Phiên không hay biết gì cả. Đến lúc được tin chẳng lành, nhà vua cùng vài người tùy tùng lẻn ra khỏi hoàng thành, rồi bị bắt gần Nam Giao. Trần Cao Vân bị bắt tại làng Hà Trung (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên).

Sau đó, thực dân Pháp đày vua Duy Tân ra đảo Réunion, lúc ấy vua mới 16 tuổi. Trần Cao Vân, Thái Phiên cùng một số đồng chí bị đưa ra chém tại An Hòa (phía tây bắc thành nội Huế).

Cụ Thúc Giạ đau buồn, thương tiếc cho vua Duy Tân và các nhân sĩ yêu nước đã hy sinh ngôi báu và tính mạng của mình để giải phóng dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, nhưng việc lớn không thành, cuộc khởi nghĩa đã thất bại vô cùng bi thảm. Cụ đã áp dụng phép tỷ và hứng trong Kinh Thi để sáng tác câu hò dẫn trên, tức là dùng phép ẩn dụ để nói ra một cách kín đáo và bóng bẩy một chuyện gì. Cụ dùng những từ anhem để xưng hô giữa vua tôi, cho ta thấy lòng tin yêu và tình tri kỷ của vua Duy Tân đối với Trần Cao Vân. Câu hò này này đã trở thành câu ca dao và phổ biến trong dân chúng ở cố đô Huế".

Nghe đến đó, tôi cúi đầu yên lặng.

Ba tôi ái ngại nhìn tôi:
- Ba đã làm con xúc động!

Tôi ngẩng lên và nói:
- Con xin cảm ơn ba đã cho con một bài học lịch sử vô cùng quý giá. Con sẽ kể lại cho con cháu nghe để chúng biết yêu nước và ngưỡng mộ tôn sùng các bậc chí sĩ tiền bối hơn nữa.

GS Bửu Cầm
(Trích tham luận nhân 120 năm ngày sinh Ưng Bình Thúc Giạ Thị được tổ chức trên sông Hương ngày 22-8-1997)

Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Chữ ai trong hai câu hò

Tôi không thể nào quên được buổi chiều mùa thu năm 1954, khi nhà in Khánh Quỳnh (Huế) vừa in xong quyển "Bán buồn mua vui". Hôm ấy thầy tôi bảo tôi đọc lại những phần viết về sự bắt nguồn của ca Huế, ca trù, hò khoan giã gạo, hò mái nhì và hát tuồng. Sau đó tôi hò hát vài câu hầu thầy tôi nghe.

Khi tôi hò đến câu:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non


Bỗng thầy tôi chợt hỏi: "Con có biết chữ ai trong câu hò này là ai không?". Tôi chưa kịp thưa, mà có lẽ Người cũng hiểu là tôi không thể nào biết được, nên Người bỗng hạ thấp giọng thong thả nói, với vẻ mặt trầm tư, mà tôi nghe gần như một lời tâm sự: "Thuở ấy, có tin vua Duy Tân giả dạng thường dân ra ngồi câu cá ở Phu Văn Lâu, chờ gặp Trần Cao Vân để mật bàn chuyện quốc sự". Tôi nghĩ cái tin này đã làm cho thầy tôi vô cùng xúc động nên mới có thể viết thành câu hò bất hủ ấy.

Buổi chiều đó tính đến nay đã gần 40 năm, mà tôi còn mơ hồ tưởng như mới đâu đây - một buổi chiều thu gió se lạnh, tại thư phòng của thầy tôi, hình ảnh yêu quý của thầy tôi và giọng nói êm ấm, dịu dàng của Người mà suốt cả cuộc đời tôi, tôi không bao giờ có thể quên được.

Một lần khác, trong lúc vui câu chuyện giữa hai cha con thầy tôi còn nói cho tôi biết, người đã dùng chữ ai trong một khúc hát để chỉ một nhân vật lịch sử khác; đó là Đào Duy Từ:

Khi trông lên đò Trạm, khi ngó xuống Lũy Thầy
Đố ai có biết dạ này thương ai?


Tôn Nữ Hỷ Khương
(Trích Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị, 1996)

Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê
Chưa có đánh giá nào
Trả lời