Khoan đọc hai chữ “Mẹ ơi!” nhan đề bài thơ. Khoan nói đến tình mẹ con…

Vấp vào câu thơ “Xưa hai đôi đũa một mâm”, tôi bâng khuâng nghĩ tưởng nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng đang nói đến tấn thảm kịch của người vừa… mồ côi vợ, trung niên táng thê, gà trống nuôi con… Nhưng vấp vào chữ “con” ở câu thơ thứ hai “Giở hai đôi đũa… con cầm một đôi” thì tôi bừng tỉnh.

Sức sáng tạo của Nguyễn Ngọc Hưng thật kỳ lạ: nhà thơ khéo dùng hình tượng “mâm vàng kia, đũa ngọc đây” (Bích Khê) để nói đến tình mẹ con.

Khi nhận ra sức sáng tạo ấy cũng là lúc chúng ta thấy ngay tấm thảm kịch nhà thơ đã từng chịu đựng. Nếu tính giới hạn đời người là “trăm năm trong cõi…”  thì gần nửa đời người, Hưng đã phải sông nhờ vào mẹ. “ xôi nếp một, chuối ba hương, đường mía lau” là mẹ, mà “gừng cay muối mặn” cũng là mẹ…

Thế mà mẹ đã ra đi… Tuổi tác, mệnh trời, nghiệp lực… đã không cho phép mẹ ở lại bên anh chọn đời…

Nhưng tại sao lại “còn một đôi đũa mồ côi” ? Đôi đũa yên vị trên mâm là đôi đũa nhà thơ dành cho mẹ, tưởng nhớ mẹ. Đôi đũa “con cầm một đôi”  trên tay kia mới thật sự là đôi mồ côi. Chính đôi đũa ấy mới giúp “con nuốt cho trôi chén buồn”.

Chén buồn là chén cơm, chén ngọc nhà trời, với nỗi đau vắng mẹ nó trở thành hạt lệ nuốt ngược vào lòng.

Khóc mẹ, nhớ thương mẹ mà tạo được bài thơ như “Mẹ ơi!” của Hưng quả thuộc loại thơ hiếm. Đã là hiếm thì thực đáng quý, đáng trân trọng.

Hạnh Phương
(Rút từ tập thơ 'Những khúc ca trên cỏ')

"Điên để trắng và đen không đảo ngược
Điên để tình và hận mãi song đôi"
(Đoàn Thị Lam Luyến)