74.14
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
17 bài thơ
3 bình luận
3 người thích
Tạo ngày 26/10/2006 20:40 bởi Vanachi, đã sửa 3 lần, lần cuối ngày 22/01/2014 08:51 bởi hongha83
Nguyễn Mỹ (21/2/1935 - 16/5/1971) sinh tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp; huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nguyễn Mỹ gia nhập quân đội từ khi mới 16 tuổi, chiến đấu tại chiến trường Nam Trung bộ. Năm 1954 tập kết ra Bắc, làm nhạc công trong đoàn văn công Tây Nguyên, đi học trường báo chí rồi về làm biên tập sách ở NXB Phổ Thông. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Mỹ có bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ nổi tiếng trước khi trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu. Về Nam năm 1968, ông là phóng viên mặt trận báo Cờ Giải phóng Trung Trung bộ hoạt động ở Ban Tuyên truyền Văn nghệ khu V và hy sinh trên bờ sông Đakta, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Nguyễn Mỹ viết văn từ kháng chiến chống Pháp. Anh đã in tập ký Trận Quán Cau (1954), Cuộc chia ly màu đỏ (thơ in chung, 1980), Thơ Nguyễn Mỹ (32 bài, có 17 bài di cảo, 1993).

Giải thưởng văn học: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2007.

 

Tuyển tập chung

 

 

Ảnh đại diện

Chuyện bi tráng về nhà thơ Nguyễn Mỹ

Trong chiến tranh chống Mỹ, Quảng Nam là vùng đất được coi vào loại ác liệt nhất nước. Đấy là một vùng đất chết, một bên trắng xoá cát biển, một phía lúp xúp đồi. Bom đạn cày xới đến từng cen-ti-mét. Nơi đấy một loạt các nhà văn đã hy sinh mà hai người nổi tiếng nhất, đến giờ vẫn còn để lại những đau xót trong lòng mọi người là nhà văn Dương Thị Xuân Quý và nhà thơ Nguyễn Mỹ.

Tôi vừa được cùng một số nhà văn Khu Năm cũ về thăm căn cứ Khu uỷ khu V xưa ở Trà My, căn cứ địa Nước Oa - “Thủ đô kháng chiến Khu Năm” thời chống Mỹ, nơi hiện đang có phần mộ liệt sĩ Nguyễn Mỹ.

Có nhiều chuyện về Nguyễn Mỹ, nhà thơ của Như chưa hề có cuộc chia ly nổi tiếng mà có lẽ không ai không biết vì nó được đưa vào sách giáo khoa, vả lại bài thơ này cũng hay thực sự, ít nhất là cho đến bây giờ. Ông quê ở Tuy An, Phú Yên, là em ruột nhạc sĩ Nhật Lai với bài hát Hà Tây quê lụa nổi tiếng. Câu chuyện về sự hy sinh của Nguyễn Mỹ đầy éo le mà tôi được nghe từ các đồng đội của ông kể ngay tại mộ ông khiến rưng rưng quặn thắt.

Trước đó, năm 1964, Nguyễn Mỹ làm bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ như một sự tự khẳng định tài năng của mình trên văn đàn. Bài thơ là một trong những áng thơ tình hay nhất thời ấy, đồng thời cũng rất lạc quan thời đại, nó vừa có yêu đương, có chia ly lại rực rỡ sắc màu, nhờ thế mà nó được phổ biến và hầu như thanh niên ai cũng thuộc. Lục trong google, thấy Wikipedia ghi vẻn vẹn: “Nguyễn Mỹ sinh ngày 21 tháng 2 năm 1935, tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. 16 tuổi vào bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ. Năm 1954, tập kết ra Bắc, công tác ở đoàn văn công Tây Nguyên (nơi anh ruột mình là trưởng đoàn - VCH). Học xong lớp báo chí của Trường Tuyên huấn Trung ương thì về công tác ở Nhà xuất bản Phổ Thông. Năm 1968, ông trở lại chiến trường miền Nam, làm phóng viên báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ, thuộc Ban Tuyên truyền văn nghệ khu V. Hi sinh ngày 16 tháng 5 năm 197l ở huyện Trà My, Quảng Nam”.

Nhưng những gì tôi nghe các nhà văn là đồng đội của ông kể thì bi tráng và đau đớn hơn nhiều. Nó khiến tôi ngẩn ngơ suốt cả tháng. Thì ra phía sau mỗi cuộc đời, phía sau những vần thơ đẹp, phía sau tưởng tượng và hiểu biết của ta, lại là những sự thật, phần lớn là đau lòng...

... Vào những ngày cuối đời của nhà thơ Nguyễn Mỹ, ông gần như bị cách ly với cuộc chiến đấu và với cả đồng đội. Sau ngày giải phóng, phải thẩm tra mãi, cách đây mấy năm, nhà thơ mới được công nhận là liệt sĩ. Số là ở quê tại Phú Yên, ông có một bà mẹ, bà rất nông dân, một hôm bị bắt trộm con gà, mà người bắt chính là mấy anh... du kích xã. Hồi ấy các anh du kích trẻ đói nên việc ấy cũng thường xảy ra. Tiếc gà, bà chửi như tất cả những người nông dân mất gà khác. Bà chửi liền mấy ngày đêm thì bị chính mấy anh du kích này bắn chết, nhưng họ lại báo lên trên rằng bà là Thiên Nga. Trên báo lên trên tiếp... Thế là Nguyễn Mỹ tự nhiên bị cách ly, được phân ra rẫy ở một mình đuổi khỉ và chim, tự túc lương thực thực phẩm. Một người bình thường cô đơn đã khổ, huống gì đây lại là nhà thơ của “Cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/ Tươi như cánh nhạn lai hồng... Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/ Như chia hề có cuộc chia ly...”, nhà thơ mỏng manh nhạy cảm và có thể cả yếu đuối nữa, thế mà một mình một khu rừng trong nỗi mặc cảm dày vò khắc khoải không được giải thích và có thể là cả ân hận nữa thì nỗi cô đơn đau khổ nhân lên gấp mấy lần? Ở lâu như thế, hoàn toàn mù tịt với tình hình và cả cách đánh của địch, một hôm ông gặp một tốp biệt kích nhưng lại hoá trang mặc quân phục giải phóng. Mừng quá, ông nhào ra vẫy rối rít: “Các đồng chí ơi, tôi đây...”. Bảy ngày sau thì đồng đội mới biết ông đã bị bắn chết. Nhưng lúc này thì xác đã trương lên và có biểu hiện có lựu đạn ở dưới xác. Thường bọn biệt kích hay cài lựu đạn dưới xác liệt sĩ để nó sẽ phát nổ tiêu diệt tiếp khi đồng đội đi tìm. Thế là mọi người để nguyên ông nằm trên mặt đất, lấy đá xếp vòng xung quanh rồi đứng xa hắt đất vào chôn. Đấy là một nỗi đau, là bi kịch cứa mãi trong lòng đồng đội của ông, nhưng bi kịch hơn là sau đấy khi quay lại quy tập hài cốt thì... toàn bộ hài cốt đã không còn. Chỉ còn lại các dụng cụ cá nhân mà khi bị bắn chết ông vẫn mang trên người như quần áo, dép, vỏ đạn, bi đông... những thứ này bây giờ đang nằm dưới ngôi mộ có tên liệt sĩ nhà thơ Nguyễn Mỹ lúc nào cũng đỏ thắm hoa mười giờ do nhà văn Nguyễn Bá Thâm trồng và hôm nay thì rực đỏ hoa hồng do chúng tôi mang đến. Nhà văn Cao Duy Thảo, nhà thơ Thanh Quế và nhà văn Nguyễn Bá Thâm là người sống, chiến đấu cùng Nguyễn Mỹ thời ấy, đồng cam cộng khổ và hiện nay cũng là người siêng năng đi thăm và lo lắng cho mộ Nguyễn Mỹ nhiều nhất, khi kể chuyện này đều buồn rười rượi và các ông đều cho rằng, khả năng lớn nhất là xác nhà thơ Nguyễn Mỹ đã bị thú dữ đào lên ăn thịt. Nhà văn Cao Duy Thảo lặng lẽ ngồi bệt sát mộ Nguyễn Mỹ và kể cho tôi nghe câu chuyện trên. Ông giờ ở Nha Trang, để đến được với Nguyễn Mỹ hôm nay, ông đã vượt năm trăm cây số. Rồi ông kết luận: “Chiến tranh mà. Trong chiến tranh không có chuyện gì không thể xảy ra. Nhiều chuyện còn bi kịch và kinh khủng hơn nhiều, nhiều chuyện cố tin cũng không thể tin nổi, dù đấy là sự thật”. Ông kể thêm chuyện tìm mộ nhà văn Chu Cẩm Phong. Những người chôn Chu Cẩm Phong vẫn còn cả đấy, nhưng đào nát cả thửa ruộng đã chôn anh rồi mà vẫn không thấy hài cốt đâu. Cuối cùng bà mẹ anh xuất hiện. Bà thắp nhang vái rồi sẵn chai rượu mang theo, bà ngậm trong miệng phun khắp xung quanh. Và điều kỳ lạ xảy ra: Một đám cỏ chuyển màu có hình người. Đào lên thì đấy đúng là di cốt Chu Cẩm Phong...

Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ, để nhớ và hiểu thêm một thời hào hùng và bi tráng của dân tộc. Trên nắp mộ nhà thơ Nguyễn Mỹ, đồng đội ông cũng khắc mấy câu thơ rực đỏ ấy...


Văn Công Hùng
(Báo Sức khoẻ và Đời sống, 2009)
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Mỹ và những vần thơ đỏ

Nhân dịp được theo Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm lại căn cứ Khu uỷ Khu 5 xưa ở Trà My (tỉnh Quảng Nam), căn cứ địa Nước Oa – “Thủ đô kháng chiến Khu 5” thời chống Mỹ, tôi được đến thăm và thắp nén hương trên phần mộ của nhà thơ – liệt sĩ Nguyễn Mỹ tại nghĩa trang liệt sĩ Bắc Trà My. Giữa núi rừng Trà My xanh thẳm, phần mộ của nhà thơ vẫn luôn thắm tươi sắc đỏ của những đoá hoa.

Nhà thơ Nguyễn Mỹ sinh ngày 21-2-1935 tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; hy sinh ngày 16-5-1971. Ông bắt đầu có thơ đăng trên Văn nghệ quân đội từ năm 1957. Một đời ngắn ngủi, vừa làm lính, vừa làm báo, làm thơ... mặc dù tác phẩm ông để lại không nhiều nhưng chỉ với bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ (năm 1964), Nguyễn Mỹ đã được nhiều thế hệ độc giả yêu mến, ngưỡng mộ. Đó là một bài thơ dù viết về chuyện chia tay ra trận giữa lúc cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của dân tộc đang đến hồi ác liệt nhưng không hề cương mà vẫn nhuần nhị, tinh tế một tình yêu quê hương, đất nước rất thuần khiết và một cảm xúc tin yêu dạt dào. “Những cánh hoa đỏ vẫn ngời rung nhè nhẹ/ Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào/ “Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau” /Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy/ Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy/ Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi/ Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người/ Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp/ Một làng xa giữa đêm gió rét... / Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/ Như không hề có cuộc chia ly...”. Màu đỏ của cuộc chia ly trong thơ Nguyễn Mỹ đã trở thành điều cao cả, thiêng liêng mà một thời vạn vạn người trẻ đã làm được và hoàn tất sứ mệnh vinh quang – chiến đấu để giành lại nền độc lập cho non sông, đất nước, hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn.

Bản thân nhà thơ Nguyễn Mỹ cũng đã lên đường theo tiếng gọi ấy. Là một người con của miền Nam tập kết ra Bắc, năm 1968, Nguyễn Mỹ trở lại chiến trường miền Nam làm phóng viên mặt trận của Báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ với mong muốn cháy bỏng là sớm có được những trang viết hay về miền Nam ruột thịt – tiền tuyến lớn của cả nước đang từng ngày, từng giờ diễn ra bao sự kiện lịch sử. Những đồng đội từng công tác tại Ban Tuyên huấn Khu 5 và Báo Cờ giải phóng những năm chiến tranh gian khổ, ác liệt nhất vẫn còn nhớ rất nhiều kỷ niệm về Nguyễn Mỹ, một con người nhiều nét tài hoa, nổi tiếng không chỉ về làm thơ, viết báo mà còn rất thiện xạ nhưng thân phận lại mong manh quá đỗi. Sự hy sinh của Nguyễn Mỹ, đến bây giờ mỗi lần kể lại đồng đội của ông vẫn cứ rưng rưng quặn thắt khôn nguôi...

Nhà văn Cao Duy Thảo là người đã từng sống, chiến đấu với Nguyễn Mỹ thời ấy kể lại: Những ngày cuối đời, nhà thơ Nguyễn Mỹ gần như bị cách ly với cuộc chiến đấu và đồng đội mà nguyên nhân xuất phát từ một sự hiểu lầm ở quê nhà Phú Yên. Ông bị phân công ra rừng ở một mình đuổi khỉ, đuổi chim canh rẫy. Một hồn thơ mong manh nhạy cảm, một chiến sĩ đang khát khao được cống hiến, được hy sinh mà bị cách li với đồng đội, với thời cuộc, một mình với một nỗi cô đơn, mặc cảm, khắc khoải giày vò... thì nỗi đớn đau dằn vặt mà ông phải thấu chịu trong những ngày tháng cuối đời nặng nề biết bao nhiêu! Và, cũng bởi bị cách li lâu ngày, hoàn toàn mù tịt với tình hình chiến sự nên một hôm, ông gặp một tốp biệt kích địch mặc quân phục giải phóng; ngỡ là anh em, đồng đội nên quá sung sướng, quá hạnh phúc, ông nhào ra vẫy chào rốt rít: Các đồng chí ơi, tôi đây!... Bảy ngày sau, đồng đội mới biết ông đã bị bắn chết. Nhà thơ Nguyễn Mỹ đã nằm xuống đầy đau xót, nhưng đồng đội của ông còn đau đớn, dằn vặt hơn bởi không thể đắp cho ông một ngôi mộ vì kẻ thù đã hèn hạ cài mìn dưới xác ông nhằm tiêu diệt tiếp những người đồng đội đi tìm xác. Mọi người đành để ông nằm nguyên trên mặt đất, lấy đá xếp vòng xung quanh rồi đứng từ xa hắt đất vào chôn. Ngôi mộ của nhà thơ nhiều năm liền chỉ là một đống đất đá im lặng dưới bóng rừng già.

Chiến tranh cuốn đi với những diễn biến dồn dập trên chiến trường, rồi thời gian mưa gió... khi đồng đội ông quay trở lại tìm thì hài cốt của nhà thơ Nguyễn Mỹ đã không còn. Năm 1993, anh em văn nghệ sĩ đã cùng đồng bào địa phương tổ chức khai quật khu vực đồi Dơn, xã Trà Dơn – nơi Nguyễn Mỹ đã hy sinh nhưng cũng chỉ tìm được các dụng cụ cá nhân mà khi bị bắn chết ông vẫn mang theo người như quần áo, đôi dép cao su, vỏ đạn, bi đông, chai dầu “Vạn linh”... Những vật dụng này giờ đây đang nằm yên dưới ngôi mộ có tên Liệt sĩ – Nhà thơ Nguyễn Mỹ lúc nào cũng đỏ thắm màu hoa và khói nhang không tạnh trong nghĩa trang liệt sĩ huyện Bắc Trà My. Trên mộ là tấm đá hoa cương được lấy từ Ngũ Hành Sơn có khắc hoạ chân dung của ông và 4 câu thơ đầu trong bài thơ bất tử: “Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/Tươi như cánh nhạn lai hồng/ Trưa một ngày sắp ngả sang đông/ Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ...”. Nhiều người yêu thơ và những đồng đội cũ của nhà thơ thỉnh thoảng tìm đến, thắp nhang và đọc lại những vần thơ ấy và lặng lẽ rơi nước mắt. Những giọt nước mắt như thể vừa bắt gặp lại kỷ niệm trong sâu thẳm tâm hồn ngày nào và những giọt nước mắt tiếc thương, đau xót cho cuộc đời, số phận của một nhà thơ tài hoa mà cho đến bây giờ, cả phần hồn và phần xác vẫn còn lẩn khuất đâu đó nơi những cánh rừng già Trà My. Chỉ còn lại với đời những vần thơ đỏ như lửa, gần nửa thế kỷ trôi qua vẫn cháy mãi khôn nguôi.

36 năm sau ngày Nguyễn Mỹ hy sinh, sự mất mát đau thương của những người yêu quý ông phần nào được bù đắp bởi Nguyễn Mỹ là một trong những người được truy tặng đợt đầu “Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” và “Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật” vào năm 2007 với các tác phẩm: “Trận Quán Cau”, “Thơ Nguyễn Mỹ”, “Nguyễn Mỹ, nhà thơ chiến sĩ”...


Hà Xuyên Khê
(Tạp chí Thương nghiệp)
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đâu là sự thật về cái chết của nhà thơ Nguyễn Mỹ?

Vừa qua, trong quá trình tìm kiếm tư liệu về nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Mỹ (1935-1971), tôi đã rất bất ngờ khi đọc thấy trên mạng nhiều tình tiết khác nhau về cuộc đời cũng như việc tác giả bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ bị giặc sát hại, trong đó có những tình tiết cho thấy sự việc diễn ra hết sức thê thảm. Mặc dù bàng hoàng xa xót cho số phận của một tài danh, song trong tôi không thể không nảy chút phân vân. Bởi chí ít thì với tư cách là người tham gia biên soạn tập thơ riêng đầu tiên của Nguyễn Mỹ (cuốn Thơ Nguyễn Mỹ - Hội Văn nghệ Hà Nội và Sở Văn hoá Thông tin Phú Yên phối hợp xuất bản năm 1993), tôi từng được nghe người thân của nhà thơ kể lại sự việc không giống như trong một số bài viết nhắc tới trên.

Trong bài viết có tên gọi “Chuyện bi tráng về nhà thơ Nguyễn Mỹ” được in trên Báo Sức khoẻ & đời sống, một tác giả đã xúc động kể rằng: “hoàn toàn mù tịt với tình hình và cả cách đánh của địch, một hôm ông (tức Nguyễn Mỹ - PK) gặp một tốp biệt kích nhưng lại hoá trang mặc quân phục giải phóng. Mừng quá, ông nhào ra vẫy rối rít: “Các đồng chí ơi, tôi đây...”. Bảy ngày sau thì đồng đội mới biết ông bị bắn chết. Nhưng lúc này thì xác đã trương lên và có biểu hiện có lựu đạn ở dưới xác. Thường bọn biệt kích hay cài lựu đạn dưới xác liệt sĩ để nó sẽ phát nổ tiêu diệt tiếp khi đồng đội đi tìm. Thế là mọi người để nguyên ông nằm trên mặt đất, lấy đá xếp vòng xung quanh rồi đứng đằng xa hắt đất vào chôn. Đấy là một nỗi đau, là bi kịch cứa mãi trong lòng đồng đội của ông, nhưng bi kịch hơn là sau đấy khi quay lại quy tập hài cốt thì... toàn bộ hài cốt đã không còn. Chỉ còn lại các dụng cụ cá nhân mà khi bị bắn chết ông vẫn mang trên người như quần áo, dép, vỏ đạn, bi đông... những thứ này bây giờ đang nằm dưới ngôi mộ có tên liệt sĩ nhà thơ Nguyễn Mỹ”.

Tôi nhớ, năm 1993, trong những lần tiếp xúc với Giáo sư Nguyễn Viết Tựu (bấy giờ ông đang công tác tại phân viện Dược liệu TP Hồ Chí Minh), là người đại diện cho gia đình nhà thơ đang phối hợp với chúng tôi làm cuốn Thơ Nguyễn Mỹ, tôi đã tranh thủ hỏi ông về phút Nguyễn Mỹ hy sinh. Cụ thể là Nguyễn Mỹ mất trong hoàn cảnh nào và người chứng kiến giây phút cuối cùng của ông là ai? Giáo sư Nguyễn Viết Tựu cho tôi hay: “Người biết rõ sự việc ấy là anh Hoàng Trà, hiện là Tổng biên tập Báo Quảng Nam - Đà Nẵng. Theo như anh Trà kể lại, hôm ấy (ngày 16-5-1971), Ban Tuyên huấn Liên khu V phân công Nguyễn Mỹ và Hoàng Trà tham gia sản xuất tại trại ở Trà Mi. Sáng ra, nghe tiếng pháo dập và tiếng máy bay, anh em biết là địch đi càn. Chờ im tiếng súng, các anh lần ra nắm bắt tình hình. Đường hẻm núi, Nguyễn Mỹ phát hiện có một thanh niên người dân tộc từ xa đi lại. Nguyễn Mỹ đứng lại gọi, ý muốn hỏi tình hình địch đổ quân thế nào, ở đâu? Bất ngờ một loạt đạn xổ ra. Thì ra, địch cho toán biệt kích luồn rừng đánh tập hậu. Người thanh niên mà Nguyễn Mỹ gặp chính là người bị biệt kích bắt, đưa đi dẫn đường, còn chúng ẩn phía sau. Hoàng Trà đi sau nên chạy thoát, còn Nguyễn Mỹ thì vĩnh viễn nằm xuống sau loạt đạn ấy”.

Tất nhiên, Giáo sư Nguyễn Viết Tựu cũng chỉ là người nghe kể lại sự việc từ một người khác. Nhưng người kể cho ông lại là một nhân chứng trực tiếp của vụ việc, và sau này lại giữ cương vị đứng đầu một cơ quan báo chí, nên những thông tin của ông chắc chắn đủ độ tin cậy, thuyết phục được người đọc hơn. Vả chăng, cứ theo lôgic mà suy, thì việc Nguyễn Mỹ gặp địch kiểu trên nghe không được hợp lý cho lắm. Làm sao một người dày dạn chiến trường (từng tham gia đánh Pháp) như Nguyễn Mỹ, trước những người lạ ở một địa bàn chiến tranh khắc nghiệt lại hồn nhiên đến độ nhào ra vẫy rối rít: “Các đồng chí ơi, tôi đây...”.

Hơn nữa, việc tác giả bài báo nói trên cho biết “Nhà văn Cao Duy Thảo, nhà thơ Thanh Quế và nhà văn Nguyễn Bá Thâm là người sống, chiến đấu cùng Nguyễn Mỹ thời ấy, đồng cam cộng khổ và hiện nay cũng là người siêng năng đi thăm và lo lắng cho mộ Nguyễn Mỹ nhiều nhất, khi kể chuyện này đều buồn rười rượi...”, có nghĩa họ đều là những người rành về việc Nguyễn Mỹ hy sinh. Vậy khi Nguyễn Mỹ bị sát hại, họ ở đâu, có phải cùng ở bên như ông Hoàng Trà không? Không biết với các nhà văn Cao Duy Thảo, Nguyễn Bá Thâm, thực tế thế nào, chứ với nhà thơ Thanh Quế - ông đã trả lời rõ câu hỏi này qua bài “Lần cuối cùng gặp nhà thơ Nguyễn Mỹ” in trên báo Đà Nẵng cuối tuần. Theo bài báo đó, sau lần cuối cùng Thanh Quế gặp Nguyễn Mỹ thì “Mấy tháng sau, chúng tôi nghe tin anh ngã xuống ở Nước Ta, nơi anh đang sản xuất, vào ngày 16-5-1971”. Nghĩa là, nhà thơ Thanh Quế không hề chứng kiến phút hy sinh của Nguyễn Mỹ.

Thật ra, về cái chết của nhà thơ Nguyễn Mỹ, trước đây tôi cũng được nghe một giai thoại: Vốn bản tính gan dạ, lại ở một cơ quan chuyên chăm lo tăng gia sản xuất, chưa hề giáp mặt địch lần nào nên lúc nghe tin địch đi càn, Nguyễn Mỹ hiếu kỳ lần ra xem, chẳng may gặp đạn lạc. Vì thế mà việc công nhận ông là liệt sĩ suốt một thời gian dài gặp rắc rối. Tôi đã kể cho Giáo sư Nguyễn Viết Tựu nghe giai thoại này. Giáo sư Nguyễn Viết Tựu phản bác ngay: “Không, không thể như vậy. Nguyễn Mỹ mất trong khi làm nhiệm vụ, việc đó sáng rõ như ban ngày. Vả lại, Nguyễn Mỹ từng là lính bộ binh, chiến đấu đến hai chục trận trong kháng chiến chống Pháp, sao lại nói là chưa thấy địch bao giờ”. Giáo sư Tựu cũng giải thích về việc chậm trễ làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho Nguyễn Mỹ (ông được truy tặng danh hiệu này sau khi hy sinh tới hơn hai chục năm): “Theo lệ thường, cơ quan có người hy sinh phải đứng ra lập bảng kê khai, với sự chứng nhận của hai người chứng kiến sự việc đó. Nhưng ở trường hợp Nguyễn Mỹ, không phải không có ai chứng kiến, mà thoạt đầu không ai đứng ra làm. Lâu quá, gia đình thắc mắc, anh em kiến nghị, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội xác minh, tỉnh mới xúc tiến làm quyết định công nhận...”

Về việc sau khi Nguyễn Mỹ bị địch sát hại, thi thể mãi mấy ngày không được chôn cất vì mọi người sợ địch ém lại hoặc cài lựu đạn bên trong, tôi cũng có nghe Giáo sư Nguyễn Viết Tựu kể. Song việc chôn cất như cách bài báo “Chuyện bi tráng về nhà thơ Nguyễn Mỹ” cho biết “mọi người để nguyên ông nằm trên mặt đất, lấy đá xếp vòng xung quanh rồi đứng xa hắt đất vào chôn”, quả là có gì đó không được thuyết phục. Nếu chôn theo kiểu ấy thì hiệu quả đến đâu, và người đứng, phải đứng xa đến đâu để nếu lựu đạn (giả dụ là địch có cài lại) nổ thì mới không bị ảnh hưởng. Chưa kể, chôn theo kiểu ấy (lựu đạn nếu có, vẫn nằm ở dưới xác) thì liệu người tham gia chôn cất có yên lòng không? Nói chung, tôi từng nghe nhiều chuyện kể về những sự thật hãi hùng của chiến tranh, nhưng có lẽ chưa thấy ở đâu cách chôn cất đồng đội như vậy.

Về việc mộ của nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ hiện không có hài cốt, trong buổi trò chuyện với Giáo sư Nguyễn Viết Tựu, tôi cũng từng được ông cho biết: Ngay sau giải phóng, nhà báo Hoàng Trà trong lần công tác ở Trà Mi đã tranh thủ đi tìm mộ Nguyễn Mỹ, song không thấy dấu vết đâu nữa. Chị vợ ông Chủ tịch xã cho biết mộ người ta tập trung hết rồi. Mười năm sau, nhà thơ Hoài Anh một thân một mình lên bờ sông Dakta tìm mộ bạn, nhưng không tìm được, đã có mấy câu thơ sau: “Không thấy mồ mày đâu/ Chỉ có rừng và suối/ Rừng sâu gai mọc dày/ Biết có ai mà hỏi?”.

Nhân đây cũng cần phải nói thêm là, không chỉ trong bài viết “Chuyện bi tráng về nhà thơ Nguyễn Mỹ”, mà ở một đôi bài báo khác, các tác giả đã có đề cập ít nhiều về việc bà mẹ đẻ của Nguyễn Mỹ, vì có mắc mớ gì đó với du kích địa phương, bị nghi là “chỉ điểm” và bị xử lý, để rồi điều tiếng ấy khiến Nguyễn Mỹ gặp phải những hệ luỵ. Tuy nhiên, xung quanh việc này, đã có những thông tin khác nhau. Như trong bài báo nhắc tới trên, tác giả cho biết: vì bị mất trộm gà, bà cụ quay ra chửi các anh du kích trẻ; còn trong bài báo của nhà thơ Thanh Quế thì bà cụ lại chửi ai đó đào khoai non của cụ, khiến địch đoán là có du kích nên rình mò tiêu diệt, vì thế bà cụ bị phía ta nghi là “chỉ điểm”. Sự việc không rõ thực hư thế nào, và trong hai bài báo nói trên, chi tiết nào đúng, chi tiết nào sai, chỉ có một điều chắc chắn là không phải vì thế mà Nguyễn Mỹ “bị cách ly, được phân ra rẫy ở một mình đuổi khỉ” như tác giả bài báo “Chuyện bi tráng về nhà thơ Nguyễn Mỹ” cho biết. Xem bài báo của Thanh Quế, chúng ta có thể thấy Nguyễn Mỹ không hề cô độc. Dù khác cơ quan, song bạn bè văn nghệ vẫn tìm đến thăm ông, trao đổi với nhau việc sáng tác rất rộn rã. Thơ Nguyễn Mỹ vẫn xuất hiện trên báo Cờ giải phóng Khu chứng tỏ ông đâu có bị nghi kị?

Dẫu sao, người viết bài này cũng thuộc thế hệ hậu sinh, chắc chắn cuộc chiến khốc liệt mà Nguyễn Mỹ và đồng đội ông tham gia sẽ có những tình huống bất ngờ mà thế hệ chúng tôi không thể hình dung nổi. Song chí ít, bằng vào những tình tiết ghi lại được từ một số nhân chứng, cũng như các nguồn tin trên sách báo, xin cứ trình bày một đôi ý kiến như vậy. Rất mong những người hiểu sâu hơn vụ việc này cho ý kiến chỉ giáo.


Phạm Khải
(Báo Văn nghệ Công an, 26/04/2010)
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook