Đăng bởi Nguyễn Đông Ngạn vào 30/07/2010 20:29, đã sửa 4 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 08/07/2017 12:43

山茶

春來客贈我山茶,
醉裏曚曨不辨花。
白髮蒼顏吾老矣,
紅袍金帶子真耶。
尋常細雨驚穿葉,
蕭瑟晨風怨落茄。
近日相看惟以鼻,
了無香氣一呵呵。

 

Sơn trà

Xuân lai khách tặng ngã sơn trà,
Tuý lý mông lung bất biện hoa.
Bạch phát thương nhan, ngô lão hĩ,
Hồng bào kim đới, tử chân da?
Tầm thường tế vũ kinh xuyên diệp,
Tiêu sắt thần phong oán lạc già.
Cận nhật tương khan duy dĩ tỵ,
Liễu vô hương khí nhất ha ha!

 

Dịch nghĩa

Xuân đến có người cho ta một cây sơn trà,
Trong cơn say, mắt lờ mờ chẳng nhận rõ là hoa gì.
Tóc bạc, mặt xanh, ta đã già rồi!
Áo đỏ đai vàng, quả thật là người đó a?
Mưa nhỏ tầm thường cũng sợ xuyên qua lá,
Gió sớm hiu hắt càng oán nó làm rụng mất đài hoa.
Gần đây ta chỉ xem bằng mũi,
Chẳng thấy một chút hơi thơm nào, phì cười khà khà.


Rút từ Quế Sơn Tam nguyên thi tập (A.3160), Quế Sơn thi tập (A.469), Nam âm thảo (VHv.2381).

Giai thoại kể rằng trong cuộc thi vịnh Kiều vào mùa xuân năm Ất Tị (1905) ở Hưng Yên, trong đó Chu Mạnh Trinh được giải nhất về thơ Nôm. Nguyễn Khuyến được mời làm chủ khảo, khi đọc bài vịnh đoạn Kiều mắc lận Sở Khanh của Chu đến câu: “Làng Nho người cũng coi ra vẻ, Tổ bợm ai ngờ mắc phải tay” Nguyễn Khuyến đã phê: “Rằng hay thì thật là hay, Nho đối với bợm lão này không ưa.” Chu Mạnh Trinh không bằng lòng, nên nhân ngày tết gửi tặng Nguyễn Khuyến một chậu trà với dụng ý bảo Nguyễn Khuyến đau mắt không thấy sắc đẹp. Nguyễn Khuyến làm bài thơ này gửi lại Chu Mạnh Trinh để mỉa mai.

Tuy nhiên trong sách Chu Mạnh Trinh - Thơ và giai thoại (NXB Văn hoá Thông tin, 2000), tác giả Lê Văn Ba đã đưa ra những cứ liệu thuyết phục để khẳng định rằng Chu Mạnh Trinh không phải là người tặng hoa trà cho Nguyễn Khuyến. Cũng có thuyết nói người tặng hoa trà là Dương Lâm, em Dương Khuê. Vì Nguyễn Khuyến không ưa Dương Lâm nên Dương cố ý tặng một chậu hoa hữu sắc vô hương để chơi xỏ, ý nói Nguyễn Khuyến không có mắt để nhìn người.

[Thông tin 4 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Giai thoại: Tạ người cho hoa trà

Tương truyền khi Lê Hoan là tuần phủ Hưng Yên đứng ra tổ chức cuộc thi thơ vịnh Kiều ở Tao đàn Hưng Yên năm 1905, hắn có mời Nguyễn Khuyến vào ban chấm thi.

Khi ấy, khách văn chương ở các tỉnh gửi bài về rất nhiều; riêng Chu Mạnh Trinh gửi hai chục bài đến dự thi và đoạt giải nhất. Nguyễn Khuyến chấm thơ Chu Mạnh Trinh cho là khá; nhưng đọc đến hai câu trong bài vịnh Sở Khanh:

Làng nho người cũng coi ra vẻ,
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay!
Nguyễn Khuyến tỏ vẻ không bằng lòng, phê ngay vào bên cạnh rằng:

Rằng hay thì thực là hay,
Đem “nho” đối “xỏ” lão này không ưa.
Chẳng mấy chốc, chuyện ấy lọt ra ngoài rồi lan khắp trong làng nho, ai nghe cũng lấy đó làm một giai thoại để giễu họ Chu.

Chu Mạnh Trinh từ đấy giận Nguyễn Khuyến. Khi làm án sát Hưng Yên, nhân ngày Tết, Chu cho người mang đến biếu Nguyễn Khuyến một chậu hoa trà với dụng ý cũng khá thâm: Nguyễn Khuyến lúc ấy đã bị loà cả hai mắt, mà họ Chu lại tặng hoa chỉ có sắc, không có hương, như thế là có ý xỏ lá. Hiểu thâm ý của Chu, Nguyễn Khuyến bèn làm bài thơ mỉa như sau gửi lại cho Chu Mạnh Trinh:
Tết đến người cho một chậu trà
Đương say còn biết cóc đâu hoa!
Da mồi tóc bạc, ta già nhỉ,
Áo tía đai vàng, bác đó a?
Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá (1)
Gió to luống sợ lúc rơi già! (2)
Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi,
Đếch thấy hơi thơm, một tiếng khà! (3)
Chu Mạnh Trinh đọc xong thơ vừa thẹn vừa ân hận.

Người ta nói đùa rằng một phần chính vì bài thơ này, nhất là hai câu 3, 4 mà Chu Mạnh Trinh đã phải xin từ chức án sát, không làm quan nữa. Cố nhiên lý do không phải là như vậy.


Hoàng Ngọc Phách, Kiều Thu Hoạch

(1) Xỏ lá: còn có nghĩa là nguy hại; do câu thơ chữ Hán “Tầm thường vi vũ kinh xuyên diệp” (Những hạt mưa nhỏ dần dà cũng có thể xuyên thủng lá).
(2) Rơi già: rơi rụng quả, gẫy mầm; do câu thơ chữ Hán “Tiêu sắt thời phong khủng lạc già” (Gió mùa khô, mạnh, làm cho quả rụng, mầm rơi).
(3) Khà: tiếng cười khà: mắt loà không thấy sắc đẹp nên phải ngửi, ngửi cũng “đếch thấy hơi thơm” nên đành phải cười khà.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Mùi thơm? Hơi hương?

Mình nhớ hồi bé đọc bài này.. thuộc là: "Đếch thấy mùi thơm.. một tiếng "khà""
Hì, không hiểu là thế nào.

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Khuyến

Tết đến người cho một chậu trà,
Đương say ta chẳng biết rằng hoa.
Da mồi tóc bạc ta già nhỉ,
Áo tía đai vàng, bác đấy a!
Mưa bụi những kinh phường xỏ lá,
Gió to, lại sơ nó rơi già.
Xem hoa ta vẫn xem bằng mũi,
Chẳng thấy mùi hương, một tiếng khà.


Bản dịch của chính tác giả, chép trong Nam âm thảo (VHv.2381), Quốc văn tùng ký (AB.383), Quế Sơn Tam nguyên thi tập (A.3160).

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Văn Nhĩ

Xuân sang có khách tặng sơn trà,
Măt loá say rồi chẳng thấy hoa.
Tóc bạc da mồi mình lão nhỉ!
Đai vàng áo tía bác đây à?
Gớm phường xỏ lá, kinh mưa bụi,
Sợ gió lộng mai, oán rớt hoa.
Cũng muốn xem hoa đành cậy mũi,
Hơi hương đếch thấy, chỉ cười khà!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trương Việt Linh

Xuân về người tặng chậu trà
Đương say đâu biết rằng hoa thế nào
Da mồi tóc bạc, ta sao?
Đai vàng áo tía phần người đấy a!
Gió to sợ lúc rơi già
Tầm thường xỏ lá mưa sa chẳng ngờ
Gần đây dùng mũi xem hoa
Mùi hương đếch thấy cũng khà một hơi

12.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Xuân đến người cho một chậu trà,
Cơn say, ta chẳng nhận là hoa.
Da nhăn tóc bạc ta già nhỉ!
Áo đỏ đai vàng, bác đấy a?
Mưa bụi tầm thường kinh xỏ lá,
Hắt hiu gió sớm oán rơi già.
Gần đây ta chỉ xem bằng mũi,
Chẳng thấy hương thơm chỉ tiếng khà.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời