Nguyễn Cao sinh năm 1828 ở Bắc Ninh. Ông thi đỗ giải nguyên khoa Đinh Mão 1867. Đất nước đang lúc khẩn trương cả trong lẫn ngoài. Trong thì giặc giã lầm than, tham quan ô lại. Ngoài thì giặc Pháp ồ ạt xâm chiếm miền Nam, và đang lăm le miền Bắc. Vinh dự giải nguyên không đem đến cho Nguyễn Cao sự hăng hái đền ơn nhà nợ nước, mà làm chàng trai 40 ngán ngẩm ngại ngùng. Ông chưa trực tiếp nhìn thấy cảnh người Tây tàn sát người Việt, mà chỉ thấy trước mắt quan Nam sa đoạ, mua danh bán tước, bóc lột dân lành. Vì không muốn đem thân vào chốn quan trường mua bán ấy, lại thương dân đói khổ lầm than không được mở mang trí óc, Nguyễn Cao về làng mở trường dạy học. Trước là giữ được thanh cao, sau là bồi đắp dân trí, đào tạo nhân tài. Đây là tư tưởng ẩn dật của nhiều sĩ phu trước đảo điên thế cuộc.

Nhưng ý định của Nguyễn Cao không thành. Thực dân Pháp sau khi nuốt trọn miền Nam, đã tham tàn tiến vào đất Bắc (1873-1883). Tiếng súng bùng nổ tâm tình yêu nước chống thù của sĩ phu Bắc Hà. Ngay khi Pháp tấn công lần thứ nhất, Nguyễn Cao đã dứt khoát đứng lên chiêu mộ nghĩa dũng, một lòng cứu nước, diệt Tây. Ông đã đứng hẳn về phía những người đồng cảnh là dân chúng Việt Nam trước họạ ngoại xâm, và nội thù. Suốt mười năm trời đó, sát cánh với Nguyễn Thiện Thuật, tham chính với triều đình, ông chiến đấu hăng say, nghiêm chỉnh, để cuối cùng bị thương vào năm 1883, cũng là năm Pháp chiếm được Bắc Hà. Một lần nữa, ông rút về dạy học với dân quê.

Năm Ất Dậu 1885, hưởng ứng hịch Cần Vương, Nguyễn Cao lại cùng Nguyễn Thiên Thuật lập chiến khu qui mô chống Pháp. Những cuộc chiến đấu oanh liệt đã không thay đổi được cục diện trước mắt, mà Nguyễn Cao còn bị bắt giải giam vào hoả lò Hà Nội. Bấy giờ ông giữ chức Tán Tướng Quân Vụ Bắc Kỳ.

Bọn thực dân Pháp phối hợp với bọn Việt gian bán nước tìm cách mua chuộc, khai thác Nguyễn Cao. Nhưng ông là một sĩ phu không khuất phục trước danh vọng và bạo lực. Chúng dụ dỗ không được, đánh đập tra khảo cũng không xong, trước sau ông chỉ có một tấm lòng yêu nước. Chúng không tin, ông liền cấu ruột rút ra trước mặt chúng: “Lòng tôi đây! Rất thẳng!” Hành đông của ông làm chúng xanh mặt kính sợ. Chúng xúm lại băng bó cứu thương. Nhưng ý ông đã định, ông không chịu ăn uống thuốc thang, và đến ngày 14 tháng 4 năm Quí Hợi 1887, ông cắn nốt cái lưỡi để tự kết liễu mạng mình.

Nguyễn Cao mồ côi cha rất sớm, lúc mới có 7 tháng. Cha ông là Nguyễn Hanh, làm tri huyện huyện Thuỷ Đường, Bắc Ninh. Mẹ ông là hoa khôi Bắc Ninh, lúc đó mới 22 tuổi, ở vậy nuôi con. Đúng như thơ Phan Khôi:
Nuôi con cho lớn cho khôn
Rồi ra tắm máu mà chôn cái thù
Bởi vì cuộc đời bà là một cuộc đời anh hùng. Mẹ anh hùng sinh con hào kiệt. Bà được liệt vào hàng nữ lưu quốc sắc trinh liệt và can đảm phi thường. Nguyên gần làng bà có tên lý trưởng thế lực và giầu. Y rất tham lam hiếu sắc, tìm cách mua bà. Nhưng tiền bạc và thế lực của y không làm bà động tâm. Bà đã nguyện thủ tiết thờ chồng và nuôi con. Nhưng y là một thứ heo độc thèm khát, đã liều lĩnh đón đường toan cưỡng hiếp bà. Bà hết sức chống cự. Tuy thoát khỏi sự cưỡng hiếp, nhưng ngực bà đã bị tên lý trưởng kia làm hoen ố. Bà nuốt nhục sống để nuôi con. Họ hàng không hiểu, cứ tiếp tục khuyên bà tái giá, lấy tên lý trưởng. Cực chẳng đã bà phải hứa suông khi mãn tang chồng. Bà đã có chủ ý, đợi con đủ tuổi lớn khôn. Ngày tháng vẫn trôi đi trong sự ẩn nhẫn căm thù. Bà thì cứ hoãn, tên lý trưởng cứ giục giã. Cho đến khi không còn trì hoãn được nữa, bà đành thực hiện ý định sớm, lúc ấy Nguyễn Cao mới gần 10 tuổi. Bà cho mời làng trên xóm dưới, quan viên hai họ, và tên lý trưởng kia đến dự cuộc tế chồng, và... lấy chồng mới! Khi đã đông đủ, bà đứng ra kể lại đầu đuôi câu chuyện đời. Rồi không đợi ai kịp phản ứng, bà cầm dao thản nhiên cắt hai cái vú ném trước mặt mọi người: “Bàn tay cường hào ác bá của tên kia đã làm hoen ố cặp vú này, nay tôi cắt bỏ, để chồng tôi không vì thế mà thương tâm.” Rồi bà nắm tay Nguyễn Cao nói: “Mẹ đau đớn phải xa con. Con hãy ở lại, cố gắng lập thân. Giòng máu nhà ta là giòng máu trung trinh tiết liệt.” Máu và nước mắt, và cái chết ấy đã theo suốt đời Nguyễn Cao. Có lẽ trước khi cấu bụng rút ruột, qua bài “Tự phận ca”, ông hẳn phải thương nhớ mẹ ông biết chừng nào!

Nguyễn Cao có người vợ rất hiền. Bà đã tự trầm dưới sông để khuyên con. Trong bài Tự Phận Ca, ông thật sự nghĩ đến bà như một liệt nữ.

Cuộc đời khí phách và tư tưởng hào hùng, bi tráng của Nguyễn Cao, phần lớn là ảnh hưởng của mẹ. Những kẻ thường than thở: “Trời đất mênh mông mà không chỗ dung thân” sẽ phải khiếp vía cúi mặt khi đọc câu thơ này của ông:
Thiên địa hứa đa dung tử sở
Trùng trùng thuỷ bích dữ sơn thanh
(Trời đất thật nhiều nơi để ở
Ngút ngàn nước biếc với non xanh)
Phải chăng Nguyễn Cao còn muốn nói về nước non Việt Nam, hồn thiêng sông núi Việt Nam, dưới gầm trời này, đâu đâu ta cũng có thể sống mà xây dựng đất nước, sống mà bảo tồn được quê hương.

Cuộc đời Nguyễn Cao là cuộc đời dứt khoát. Ông đã chọn cho mình một thế đứng, một hướng đi. Thế đứng của những người đồng cảnh. Và hướng đi chiến đấu xây dựng quê hương (nói theo hiện ngữ là cứu nước và dựng nước). Vì thế năm 40 ông không làm quan mà về làng dạy học. Năm 45, thôi dạy học đi khởi nghĩa diệt thù. Năm 59 ông đứng về phía sĩ phu trọng khí tiết không gục ngã trước ngoại thù và nội thù.

Tự Phận Ca được làm trước ngày ông rút ruột giơ ra cho quân thù xem. Đó là thiên bi hùng ca viết cho người nằm xuống, là tiếng hát ruột gan của kẻ sĩ chí trai cuối thế kỷ 19, được cất lên giữa khói lửa chập chùng. Trong đó thân phận con người nhập một với ơn nhà nợ nước. Nối kết được tư tưởng dân tộc đã từng thể hiện từ cuộc cách mạng khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào thế kỷ thứ nhất, bừng trải suốt chiều dài lịch sử gần 2000 năm (40-1887)
Thiên bi hùng ca lồng lộng của Nguyễn Cao mà chúng tôi chuyển ý thành lời Việt sau đây, ước mong sẽ thức tỉnh được những tâm tình gian dối, thức tỉnh được những tay đầu cơ tham vọng cõng rắn cắn gà nhà, thức tỉnh được những nỗi lòng uỷ mị buông xuôi, để bừng lên theo khí thế thanh niên lên đường dựng nước yêu đời.

Cuộc đời, tác phẩm, và cái chết của Nguyễn Cao cũng sẽ là điều mà những kẻ loay hoay luẩn quẩn giữa sống và viết, không dám sống điều mình viết, phải cụp đuôi cúi đầu.

Bài thơ có ghi chú: “thử công tựu Hà Nội thời tuyệt bút thiên” (thiên tuyệt bút làm khi tới Hà Nội). Và một tiểu chú khác về giấc mộng ngồi uống rượu với Khuất Nguyên. Khuất Nguyên nói:” đời như sân khấu kịch trường, ta thì muốn bỏ mười điều chia buồn lấy mười điều góp vui; còn thiên hạ bỏ mười điều góp vui lấy mười điều chia buồn” (Nhân sinh tại thế như khối lỗi nhất trường, tòng ngã giả, khứ thập điếu tựu thập hạ, tòng tha giả, khứ thập hạ tựu thập điếu). Khuất Nguyên là một kẻ sĩ bậc nhất của Trung Hoa thời chiến quốc. Ông có tư cách thanh cao và tấm lòng yêu nước Sở. Câu nói bất hủ của ông: đời đục mình ta trong, đời say mình ta tỉnh. Nguyễn Cao lấy điểm này để bày tỏ chí ông. Hỡi ơi tạo hoá đã sinh ra ta, sinh ra con người, nhưng lại bỏ hắn vào những sự bất toàn sống thác, vào những cõi thị phi điên đảo, vào những hải đảo cô liêu giữa đại dương sóng dữ. Thân phận con người đã là nỗi ám ảnh không rời từ Nguyễn Trãi – Nguyễn Du – Cao Bá Quát – Nguyễn Cao. Nhưng hình như Nguyễn Cao đã tìm được lối thoát khác, trực tiếp hơn và hãi hung hơn.

Tường Vũ Anh Thy, San Jose, 1986
(Trích tạp chí Truyền thông, số 24/bộ mới, tháng 3/1988)

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]