Bài này ông làm lúc còn thanh xuân.

Nguyên trong thời Tự Đức, Hàm Nghi, ở thành Bình Định có nuôi mấy con voi. Trong số voi này có một con to lớn và rất hung dữ, gọi là Thú Đú. Ai thấy cũng sợ. Sợ voi sợ cả tên nài chăn voi.

Lúc bấy giờ ở vùng Kim Châu gần thành Bình Định có một thầy đồ dạy học trò khá đông. Thầy có cô con gái có nhan sắc. Nhiều người học trò gấp ghé muốn làm rể thầy. Nhưng không hiểu vì sao thầy đồ lại đem con gái gả cho tên nài chăn voi! Các văn nhân hay tin rủ nhau làm thơ “phúng điếu”. Bài của ông Nguyễn Bá Huân được nhiều người hoan nghênh.

Bài này lời văn cổ kính. Khí thơ mạnh nhưng đằm. Câu trạng thích thực đầu đề thật sít sao, mà còn ngậm được cái ý “thầy đồ gả con gái”. Vế trên mượn ý trong câu ca dao:

Có con chẳng gả cho voi
Để voi lên xuống cuốn vòi bẻ măng.
Vế dưới lấy tích đức Khổng Tử đứng gả chồng cho đứa con gái goá.

Câu thứ bảy có thể nghĩ vì sợ oai tên nài chăn voi thú đú (thố đố) mà đành kết duyên cùng “bành vố”, hoặc vì thích vóc lớn sức mạnh của voi thú đú mà đem thân trao cho nài chăn voi.

Lời chê bai tuy nặng, nhưng không có ác ý. Đó không phải vì không rõ nguyên nhân của cuộc gả bán, mà chính vì không muốn đem những bí mật của người phơi bày ra giữa thập mục, mà chỉ nói đến những gì thiên hạ đều thấy rõ ràng. Nói để trêu ghẹo cho vui vậy thôi. Đó là do tác giả không phải người khinh bạc như phần đông các nhà thơ châm phúng.


Nguồn: Quách Tấn, Hương vườn cũ, NXB Hội nhà văn, 2007
tửu tận tình do tại