Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ mới sáu chữ
Thời kỳ: Hiện đại
3 bài trả lời: 3 thảo luận

Đăng bởi Kim Diệu Hương vào 16/07/2007 10:12, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Kim Diệu Hương vào 27/04/2008 04:41

Trước nhà: rạo rực vầng đông
Sau nhà: dòng sông thao thiết
Khóm tre xôn xao, khúc khích
Mái hiên kết nụ tầm xuân.

Vườn ta - một lồng tiếng chim
Sân ta - một vườn bọn trẻ
Nhà ta - chiếc chòi thế kỷ
Hương đồng gió nội thoảng đưa.

Con ta - Hai thằng quỷ sứ
Chọc nhau chí chóe suốt ngày
Học hành được chăng hay chớ
Chơi bời bát ngát cung mây.

Vợ ta - vốn cô thôn nữ
Thương chồng con ít ai bằng
Lam làm sớm hôm tất bật
Quên hết mặt trời mặt trăng.

Riêng ta - đi xa biền biệt
Tháng năm mải miết, đam mê
Về nhà, từ vầng trăng lạ
Một năm được mấy trung thu.


1995

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Góp ý của nhà văn Đỗ Xuân Thu ( Phú Thọ)

Bài thơ "Nhà ta" hay quá tìm chỗ ghi vài lời mà chẳng biết ghi vào chỗ nào đành "oánh" vào đây vậy. Khung cảnh hạnh phúc gia đình như thế thì còn gì bằng. Nhà thơ tha hồ tung hoành giao du vì có cơ sở hậu phương vững chắc. Anh túm được cái tứ này chứng tỏ một l9ongf một dạ với vợ con ghê. Chúc mừng và cảm phục anh.
Viết bởi xuan thu 23 Oct 2008, 05:41
Nguồn:
http://binhphuong.vnweblo...m/post/3191/100979#419769

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Trả lời nhà văn Đỗ Xuân Thu

Cảm ơn anh đã có nhời khen. Bài này N viết trong một lần " bực mình" bị bà xã quở trách rất sát sườn là: " Thơ anh toàn hoa lá ong bướm chim muông anh và em mà chẳng thấy anh viết về vợ và con gì..." bực mình N viết một lèo dăm bài nghe cũng được, ví dụ như bài: Nhà ta, Nghe tiếng chim hót trong vườn nhà mình, Chuyện lạ, Nhổ mạ, vườn cò nhà ngoại...he he, hóa ra, sửa sai, thành tâm, thành khẩn... mà thành thơ, anh Xuân Thu nhỉ? He he...
Viết bởi Nguyễn Anh Nông 23 Oct 2008, 10:49
Viết bởi kt 23 Oct 2008, 12:35
Nguồn:
http://binhphuong.vnweblo...m/post/3191/100979#419769

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

VTS. ĐỖ THỊ THU HUYỀN :VẦNG TRĂNG LẠ TRONG NHÀ TA

NHÀ TA
  NGUYỄN ANH NÔNG

Trước nhà: rạo rực vầng đông
Sau nhà: dòng sông thao thiết
Khóm tre xôn xao, khúc khích
Mái hiên kết nụ tầm xuân.

Vườn ta - một lồng tiếng chim
Sân ta - một vườn bọn trẻ
Nhà ta - chiếc chòi thế kỷ
Hương đồng gió nội thoảng đưa.

Con ta - Hai thằng quỷ sứ
Chọc nhau chí chóe suốt ngày
Học hành được chăng hay chớ
Chơi bời bát ngát cung mây.

Vợ ta - vốn cô thôn nữ
Thương chồng con ít ai bằng
Lam làm sớm hôm tất bật
Quên hết mặt trời mặt trăng.

Riêng ta - đi xa biền biệt
Tháng năm mải miết, đam mê
Về nhà, từ vầng trăng lạ
Một năm được mấy trung thu.

                      Hùng Dũng, Hưng Hà, Thái Bình, 1995
NGUỒN:
http://www.thivien.net/vi...ID=tmHnN9m0RfzN2vU4jqaBzg

VẦNG TRĂNG LẠ TRONG NHÀ TA

    TS. Đỗ Thị Thu Huyền

Nguyễn Anh Nông ít viết thơ tình nhưng không hẳn là không có những bài hay. Đặc biệt, tình yêu với người vợ Tâm Băng, với gia đình bé nhỏ nơi anh gọi bằng một cái tên đầy hình tượng là “chiếc chòi thế kỷ”.
Nhà ta là một bài thơ xuất sắc trong chặng đường sáng tác đầu của Nguyễn Anh Nông và có lẽ tập trung rõ nhất, nổi bật nhất bút pháp thơ anh. Sau này, anh ngày càng trau dồi hơn cái tinh tế và khả năng biểu đạt bằng hình tượng thơ trong những trang viết của mình. Bài thơ ấn tượng bởi những vẻ đẹp giản dị của hình ảnh thơ:
Trước nhà: rạo rực vầng đông
Sau nhà: dòng sông thao thiết
Khóm tre xôn xao, khúc khích
Mái hiên kết nụ tầm xuân.
Một không gian thơ được tái hiện trong sự giao hòa với thiên nhiên trời đất. Tất cả sự vật hiện lên trong sự gắn kết tự nhiên như chính tình cảm gia đình:
Vườn ta - một lồng tiếng chim
Sân ta - một vườn bọn trẻ
Nhà ta - chiếc chòi thế kỷ
Hương đồng gió nội thoảng đưa.
Từ “nhà” chuyển thành “nhà ta, sân ta, vườn ta” là một cách nói sở hữu đầy yêu thương, tự "hào của nhà thơ với những “tài sản” vô giá mình có được. Nếu như chỉ dừng lại ở sự “khoe” ấy, bài thơ của anh nhàn nhạt, nhưng càng đọc những khổ thơ sau, cái điều mà thực ra anh muốn hướng tới lại càng rõ. Khước từ những mỹ từ làm màu ở đoạn thơ trước, đến hai khổ thơ ba và bốn nổi bật với ngôn ngữ đời thường có phần suồng sã phát huy tác dụng trong cách thể hiện tình cảm gần gụi giữa các thành viên trong một gia đình:
Con ta - Hai thằng quỷ sứ
Chọc nhau chí chóe suốt ngày
Học hành được chăng hay chớ
Chơi bời bát ngát cung mây.
Vợ ta - vốn cô thôn nữ
Thương chồng con ít ai bằng
Lam làm sớm hôm tất bật
Quên hết mặt trời mặt trăng.
Nếu chỉ đến thế này thì Nhà ta chưa hẳn là một bài thơ hay. Nguyễn Anh Nông là một thi sĩ luôn thể hiện những tìm tòi và dụng công trong biểu đạt. Chất thơ của Nhà ta chỉ thực sự vút lên ở những dòng cuối cùng. Khi bài thơ khép lại, người đọc mới kịp đắn đo rằng anh viết về gia đình hay về chính anh, về một kẻ tha hương luôn lênh đênh nay đây mai đó? Càng tái hiện hình ảnh của gia đình, tác giả lại càng tự thấy mình có lỗi. Giọng thơ vì thế chùng lại những khúc cuối. Kết thúc bài thơ vẫn giọng điệu tâm tình nhưng sắc thái có phần khác đi, đấy là sự day dứt và tự trách:
Riêng ta - đi xa biền biệt
Tháng năm mải miết, đam mê
Về nhà, từ vầng trăng lạ
Một năm được mấy trung thu.
Ta về nhà từ vầng trăng lạ - sự xa cách biền biệt sau những tháng năm mải miết đã khiến người chồng/cha thành xa lạ hay những trở về sum họp trong gia đình là một chuyện lạ lẫm? Cái hay của bài thơ khiến người đọc trầm ngâm chỉ nổi lên ở những câu chữ cuối cùng. Vầng trăng - trung thu là một ẩn ngữ nhiều tầng nghĩa.
Ngay từ đầu bài thơ tác giả đã nói đến mặt trời (vầng đông), rồi đến những khúc giữa khi miêu tả sự lam làm của người vợ (quên hết mặt trời mặt trăng) nhưng đó là những hình ảnh thực. Đến cuối bài thơ, vầng trăng trở thành biểu tượng. Nó tượng trưng cho hạnh phúc gia đình, và viên mãn nhất khi trăng tròn trung thu.
Những con người nơi chiếc chòi thế kỉ ấy dù không ở khoảng cách gần nhưng vẫn gắn kết bền bỉ. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Anh Nông sử dụng nhiều từ láy để diễn tả cái ấm áp, hồn hậu và âm điệu thiết tha của tình cảm gia đình: rạo rực, thao thiết, xôn xao, khúc khích, bát ngát, biền biệt, mải miết... Và cũng không phải ngẫu nhiên mà bài thơ toàn một giọng kể nhưng đan xen nhiều tâm trạng. Trong nhiều bài thơ khác của mình, Nguyễn Anh Nông ví bản thân như con thuyền lênh đênh, bôn ba khắp phương trời nhưng cuối cùng cái níu giữ cho thuyền neo đậu chính là gia đình. Ở Nhà ta, sự khẳng định chân lý ấy lại được sáng lên một lần nữa bằng những biểu đạt kín đáo mà tinh tế của Nguyễn Anh Nông.

      T.H


Sửa lỗi chính tả"Vầng trăng"
Chưa có đánh giá nào
Trả lời