Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại
15 bài trả lời: 15 thảo luận

Đăng bởi Kim Diệu Hương vào 09/05/2008 05:05, đã sửa 7 lần, lần cuối bởi Kim Diệu Hương vào 08/03/2011 23:54

(Theo cách gọi thân thiện của người nông dân quê tôi)

Bin Ghết (Bill Gates)
Cậu khoẻ không?
Tớ với cậu chưa gặp nhau
Nhưng tớ biết cậu
Cậu giỏi thế, ai mà chẳng biết
Chỉ có người mù và điếc không nghe, không thấy
Người chưa sinh ra và người chết khi cậu chưa sinh ra thì không biết
Người ngoài hành tinh thì họ chẳng cần biết
Tớ và cậu đang suy nghĩ gì và đang làm gì?

Bin Ghết
Cậu đã sang Việt Nam
Bạn bè tớ đón cậu trên mức một người bạn
Tớ nhiều lần nhìn cậu qua ti vi
Tớ khâm phục cách bạn nói và làm việc
Tớ ngưỡng mộ cách bạn sử dụng tiền
Tớ học cậu cách cậu làm - đăng đàn và đi đứng
Tất nhiên cậu học tớ cách làm thơ, thì cũng còn lâu
(Dẫu khiêm tốn thì vẫn còn khiêm tốn)
Nếu thơ tớ mà đổi ra đô la, vàng, bạc, kim cương
Thì trái đất nặng thêm nhiều trọng lực
Cái ấy giống tư duy của cậu cũng nhiều trọng lực
Thế mà thế giới mấy người biết?
Thiên hạ dễ đánh đồng tiền bạc với nhân văn?

Nước tớ và nước cậu
Hai lịch sử
Hai văn hoá
Hai sự kiêu hãnh
mấy ai có được?
Chẳng nói
thiên hạ ai cũng biết
Tớ và cậu cũng chẳng mù chẳng điếc
Nên chẳng ai làm ngơ
Trước lịch sử và văn hoá, của nhau
Một thời đạn bom
Máu
Nước mắt
thành sông thành suối
Nỗi đau chồng nỗi đau
Căm giận và thù hận
Đâu là thiện là ác?
Phi nghĩa và chính nghĩa?
Ôi, cái ngày hôm qua?

Tớ nghèo kiết xác
Cậu giàu nứt đố đổ vách
Ấy là theo cách nói Việt Nam

Theo cách nói Việt Nam
Bạn là bạn mà thù là thù

(Bạn chưa hẳn đã bạn
Thù chưa hẳn đã thù
Ấy là nói theo cách nói Trung Hoa)

Còn nước Mỹ coi quyền lợi là trên hết
(Kể cả "nồi lẩu" của mình đã ninh nhừ và ăn chẳng hết
Chỉ có người Mỹ có quyền sống và chết
Theo cách của mình
Còn người khác thì không thể được...)

Bin Ghết
Rõ ràng cậu chẳng biết tớ
Mà biết để làm gì?
Tớ chỉ là một nông dân xoàng
Của xứ sở hiền hoà, nhân hậu
Mưa và nắng và gió và bão
Vẫn đồng hành
qua những thương đau...


Hà Nội, 29/4/2008

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 2 trang (15 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]

Ảnh đại diện

"GỬI BILL GATES & TRỜI XANH" MỘT THÔNG ĐIỆP VĂN HOÁ

“GỬI BILL GATE VÀ TRỜI XANH”
MỘT THÔNG ĐIỆP VĂN HÓA THỜI KỸ TRỊ.

Không có những thi ảnh lộng lẫy, những ẩn dụ thanh tao hay những phép tu từ cầu kỳ, tinh xảo. “Gửi Bin-Ghết và trời xanh” là lời tự sự của một chàng thi sĩ nông dân, đại diện cho nền văn hóa nông canh phương đông, với Binll Gate, chàng  hiệp sĩ IT (Information Techlonogi) hiển hách, đại diện cho nền văn minh kỹ trị tây phương. Xuất phát từ ý hướng này, quả nhiên Nguyễn Anh Nông đã chọn được cái sườn tự sự - trữ tình khá vững trãi cho trường ca của mình.
Bin Ghết- đó là theo cách gọi thân thiện của người nông dân quê tôi.  
Bin Ghết- chứ không phải Biu-ghết hay Biu-ghết-tơ (Bill Ghate)
Lời đề từ như ngầm giao ước với chủ thể tiếp nhận rằng: các vị đừng tầm cầu ở đây những biểu tượng, huyền hoặc, cũng sẽ không có những thượng tầng ý tưởng to tát, cao siêu, không có những phép tu từ cầu kỳ , tinh xảo…mà giản dị chỉ là lời tự sự của một bác nông thuần phác. Trong một cuộc tự sự văn hóa, nhà thơ-nông canh có những gì để nói, phải chăng là chuyện “con cá –lá rau”, về cái không gian thân thiện ngập tràn cỏ cây hoa lá? Chính vì đã chọn được giọng điệu đậm chất khẩu ngữ Pha-mờ (famer), trên nền trữ tình dân gian đặc trưng châu thổ bắc bộ, nên tác giả cứ thỏa sức thung dung, nhẩn nha, túc tắc, như một bác nông dân khề khà nhả khói thuốc lào bên bát nước chè xanh kể lại chuyện trong làng, ngoài xóm. Ở đây, nhà thơ cũng nhẩn nha dạo chơi qua cánh đồng thi ca, khi  “bắt bướm” lúc “hái hoa”. Tiện đâu bàn đó, chẳng nệ gì đến cấu tứ, khúc thức, đoạn, chương. Tuy nhiên, có lẽ dưới ánh mặt trời này, chẳng có cái gì tồn tại, mà không hàm chứa chút nghĩa lý. Giản dị có sự hiền minh của giản dị. Khát vọng về cái đẹp, cái thiện và hòa bình thì vị học giả cũng bình đẳng với kẻ không biết chữ.  Dường như chính bản thân sự rườm rà về ý tứ, luộm thuộm về câu từ kia mới tạo nên sức mạnh của thông điệp..
Bin Ghết)  
Cậu khoẻ không?  
Tớ với cậu chưa gặp nhau  
Nhưng tớ biết cậu  
 Rõ ràng đó không phải thứ ngôn ngữ giao tế, phát ra từ những bộ Comple  hồ cứng, nức mùi băng phiến. Cũng không phải thứ ngôn ngữ trưởng giả đại ngôn, cầu kỳ và thiếu vắng sự thành thật. Đó chính là ngôn ngữ của đời sống, thứ ngôn ngữ chân mộc thơm mùi hoa lá cỏ cây và ấm áp tình bằng hữu.  Với thứ ngôn ngữ này nhà thơ đã vượt qua mọi khác biệt,  tước bỏ mọi giao đãi tầm thường,  để ngài tỷ phú và bác nông dân tương giao    như  chỗ bạn bè thanh khí. Họ đã cởi lòng để bộc bạch tất cả mọi nỗi niềm:
Tớ khâm phục cách cậu nói và làm việc  
Tớ ngưỡng mộ cách cậu sử dụng tiền  
và  sự kiêu hãnh đến hồn nhiên cũng đậm chất …nông dân.

Tất nhiên cậu học tớ cách làm thơ, thì cũng còn lâu  
Nếu thơ tớ mà đổi ra đô la, vàng, bạc, kim cương  
Thì trái đất nặng thêm nhiều trọng lực  
Sau màn chào hỏi bộc trực và hồn nhiên, là câu chuyện lan man “từ trong nhà ra ngoài ngõ” đậm chất khẩu ngữ, với đặc trưng phi tuyến tính, phi khúc triết, phởn phơ, tự tại, nghĩ sao nói vậy, tiện đâu bàn đấy..Song quan trọng là họ đã nói lên được những điều cần nói.
Cách nói có thể mộc mạc, thô sơ, song ngẫm ra, mới thấy nhìn đâu cũng thấy  những vấn đề mang hơi thở thời đại. Là kí ức  lịch sử, với những vết thương vừa liền miệng.
Nỗi đau chồng nỗi đau  
Căm giận và thù hận   
Ôi, cái ngày hôm qua?  
Là những dự cảm xót xa về chiến tranh và hòa bình, với hình ảnh  Chim Câu bị vây khốn trong nanh vuốt của con mèo mặt Hổ, khi lại lâm nguy giữa ngùn ngụt khói giếng dầu.
mặt trời sặc sụa nhỏ những giọt nước mắt- a -xít xuống các châu lục.  
Chim câu đang vừa bay vừa khóc...     
Là những tự vấn bản thể mà phàm đã là con người mấy ai không có lúc tự hỏi mình:
Tớ là ai? Đến tớ cũng... phân vân?  
Một làn mây hờ hững, phiêu bồng?  
Một làn gió vô tư và ngỗ nghịch?  
Một bông cúc xanh?  
Một đoá hoa hồng?  
Trong vô thức sáng tạo, nhà thơ đã bộc lộ căn cước văn hóa của dân tộc, qua cái phân vân bản thể ấy, đã hé lộ cội nguồn văn hóa Việt, nơi tam giáo đồng nguyên,  nơi Phật đà quan niệm, sự hiện hữu của mỗi cá nhân chẳng qua là sự kết tập trùng trùng duyên khởi của dòng sinh lực vô cùng, đang chuyển lưu trong vũ trụ.  “Ta là ai?” đó không phải là một câu hỏi bi quan,  mà một tự vấn xao xuyến nỗi niềm bản thể. Tự vấn để tin mến yêu cuộc sống này hơn.
Trịnh Công Sơn cũng từng tự hỏi:
“Ta là ai, mà yêu quá cuộc đời này?”.
Thì đây nhà thơ đã hồn nhiên bộc bạch:
Bin Ghết này, mình nói thật:  
Chúng - mình - là  -  hạt - cát - biết - yêu đương.
Vâng! ẩn dụ hạt cát –con người tuy không mới. Tố Hữu ví “mỗi chúng ta như những hạt cát lộng lẫy của Đảng”, Trịnh Công Sơn cũng so sánh phận người với Cát bụi rong chơi, ở đây tác giả đã đóng góp một ý mới: Hạt cát biết yêu đương. Hay quá,  một hạt cát biết yêu thương có thể sẽ dẫn đến những vị hiền giả, còn một hạt cát biết yêu đương thì khiến cuộc sống nảy lộc mãi không thôi.Màn tự vấn vân còn tiếp tục đâu đó, xem lẫn với cảm thức thiên nhiên. Như một màn trữ tình ngoại đề đầy hứng khởi. Tác giả, mặc sức chồng chất vào thi phẩm hằng hà những: Kiến, Cóc, Muỗi, Còng Gió, Cỏ, Hoa… Cứ thung thăng, lãng đãng như gió thổi mây bay như thế, nhưng ngẫm ra không phải không có những ngẫu luận chạm đến tầm « tạo vật huyền đồng » của Lão-Trang.
Bọc hổ phách tái tạo sự hồi sinh kỳ diệu chỉ có trời đất biết  
Mây trắng thủơ hồng hoang hội tụ để hoài thai?  
Biết đâu tao với mi cùng chung nguồn gốc?  
Cùng sinh ra từ vụ nổ Big- bang?  
Ở đây, rõ ràng nhà thơ đã rất có ý thức để thi ca biểu hiện sự hòa nhập trọn vẹn trong mối tương giao giữa con người và vạn vật.
Chọn hình thức, độc thoại thô mộc dạng này, quả nhiên tác giả đã biết lượng sức. Bởi nếu không. đương nhiên, trong một cuộc đối thoại văn hóa, nó sẽ đòi hỏi một vốn văn  hóa-lịch sử-triêt học khá uyên thâm, mới có thể đáp ứng . Tuy nhiên, « thái quá thường bất cập », việc lạm dụng khẩu ngữ và phát triển quá nhiều mà « trữ tình ngoại đề » cùng với các ngẫu luận đầy « ngẫu hứng » kiểu như  khúc IV, khúc tự bạch chất phác của  anh chàng tiểu nông  nhẽ  ra với :
Bin Ghết ơi!  
Tớ  
thân cò  
phận vạc...  
Bước thấp bước cao  
Bước hư bước thực .
………………………..
...đến.. Vụng và vụng về tay ngoắc vào tay  
Lấn ba lấn bấn trăm mối tơ vò .
Trong khoảng 20 câu thơ liên tuc, như thế đã khá đủ. Nếu không chuyển ý, ít ra cũng phải thay đổi cách tạo hình. Nhưng không, liền tiếp vẫn là màn “trữ tình ngoại đề”,  xối xả như “đại liên bắn phá tung thâm” với khoảng gần trăm câu dạng:
……………………………………………
Cây phượng lên đồng, cây mai đỏm dáng?  
Bảng la bảng lảng sương chiều giăng giăng  
Thung tha thung thăng mấy chàng ế vợ  
Tở ma tở mở mai mối được mùa  
Tua la tua lua thợ kèn thợ trống  
Đi bộ đánh võng mấy chàng thất tình  
Lình xà lình xình dây cà dây muống .
………………………………………
Mặc dù có thể vẫn có sự nhất quán thi pháp, ở đây là sự tiếp biến thi pháp vần vè dân gian. Đương nhiên điều này ít nhiều cũng sẽ phục vụ cho màn tự bạch-tiểu nông-kia. Song, có lẽ “thuốc bổ dù uống nhiều cũng shock’. Ngôn ngữ thi ca nói như Roman Jacobson là “ngôn ngữ trong chức năng thẩm mỹ của nó”. Nói để nói cái gì với ai đơn thuần, là chức năng thông tin. Nhưng, nói để nói cái gì với ai bằng lời nói đẹp, là chức năng thẩm mỹ. Chức năng thẩm mỹ lộng lẫy che phủ chức năng thông tin đó là thi ca. Cầm bằng, ngược lại thi ca sẽ bị đẩy lùi, thế chỗ nó là thể loại vần vè hoặc khẩu ngữ dân gian. Ở đây, dường như, khẩu ngữ không được sử dụng như một thủ pháp mà như một quan niệm nhất quán về ngôn ngữ thi ca. Ở một số thi đoạn giàu tính thơ hơn cả như: Miền tuyết bỏng; Phân thân…tiếc thay, dường như lại chẳng liên lạc gì mấy, đến cuộc thoại của nhà thơ với Bin-Ghết và trời xanh. Sự ngẫu hứng có khi cũng khiến tác giả “bỏ quên” nguyên tắc hoán dụ, phép tu từ thiết cốt trong sườn tự sự-trữ tình này. Đối thoại (hay độc thoại) với Bill Ghate ở đây, về mặt thi pháp, cũng tương tự như cuộc đối thoại của Krishna với Ajruna trong Chí Tôn Ca đâu chỉ đơn giản là cuộc trò chuyện giữa một gã đánh xe với chàng dũng sĩ hoặc với ý hướng tương tự Con Quạ cũng chỉ là biểu tượng cho cái vĩnh cửu để Edgar Poe bộc bạch những triết luận về cuộc nhân sinh. Ở đây, Nếu chỉ là  ngài tỷ phú IT Bill Ghate chứ không phải là một biểu tượng của nền văn minh kỹ trị, thì có lẽ đâu cần phải dài lời đến thế. Tuy nhiên, việc sa  đà vào các màn “trữ tình ngoại đề” đầy  ngẫu hứng kia. Khiến nhà thơ, rời xa cái sườn tự sự trữ tình với cuộc đối thoại văn hóa Đông –Tây ngầm định kia mà sa vào mô tả chi tiết vụn vặt trong đời sống trữ tình của cái Tôi cụ thể. Như:
Bin Ghết(Bill Gates)
Chẳng nhẽ cậu không thường xuyên vào google để tìm tên mình? …………….
hoặc:
Bin Ghết
Bà lão  của hai cậu con trai tớ đêm nay ngủ một mình
Không chỉ đêm nay mà gần 20 năm nay ( gần như thôi nhé) đêm nào cũng thế
………………………………………………………………………………………
 Khó có thể nói, những điều này không ít nhiều phục vụ cho ý hướng trường ca. Song, điều cần bàn là, việc cụ tượng hóa các biểu tượng văn hóa giàu tính khát quát, phải chăng không ít nhiều khiến cho trường ca vuột khỏi tầm vóc phải có của mình? Và phải chăng, chính sự phóng túng trong ngôn ngữ và cấu trúc đã khiến cho những ưu điểm mà có người nhận xét là::
cách tư duy táo bạo
ngôn ngữ trào lộng- nghiêm túc trong mối quan hệ xã hội…
đã  bị giảm thiểu đi rất nhiều.
Tuy nhiên. Xét từ bình diện văn hóa, với các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba vào cuối thế kỷ 20, đặc biệt cách mạng viễn thông - tin học (télématique), sử dụng điện tử thay thế con người xử lý những thông số, giải phóng trí óc, tự động hóa sản xuất. Từ đó đẻ ra nền văn minh kỹ trị, con người bị “máy móc hóa”, coi sức mạnh công nghệ là thống soái. Tuy nhiên, tính chất vật chất - máy móc, mạnh mẽ, quyết liệt của nó, đã khiến cho nền văn minh này tha hóa trong sự ngạo mạn của khoa học tự nhiên với những hệ lụy thật khủng khiếp như: chiến tranh, ác bệnh, thảm họa thiên nhiên, Ô nhiễm môi trường...Mặt khác, nó cũng khiến cho con người bị hoen gỉ tâm hồn trong tư thế của những Robot đã được lập trình. Nhà thơ với trực giác ngôn ngữ và tri giác lịch sử, văn hóa vô cùng mẫn cảm, nói như Breton là người tiền trạm của tương lai. Đã “rung chuông” báo thức nhân loại bằng những thi phẩm của mình. Tuy khó có thể nói, đây là một trường ca trọn vẹn xét từ ý nghĩa thể loại. Song, rõ ràng  chỉ với cảm thức thời đại mãnh liệt đến thế nào, mới có thể khiến nhà thơ ngồi vào bàn để sáng tạo nên bức thông điệp “gửi Bin-Ghết và trời xanh” đầy ý nghĩa. Và phải chăng, đây không phải là một nỗ lực đáng ghi nhận trên hành trình xa thẳm của một thi nhân.
                                                                                                      Trần Sáng


NGUON: HOINHAVANVIETNAM.VN
http://hoinhavanvietnam.v...hoi-ky-tri/32/0/3340.star

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bùi Đình Đức thảo luận thêm

Bui Dinh Duc lúc 09-05-2011 06:37:41 PM


Chúc mừng nhà thơ Nguyễn Anh Nông. Trường ca " Gửi bill Gates và Trời xanh" quả thực rất độc đáo, đã thổi vào làng thơ Việt Nam một luồng gió mới. Tôi đã mất hàng giờ để đọc nó nhưng có lẽ sẽ còn mất rất nhiều thời gian để chiêm nghiệm nó.
http://vanvn.net/news/8/2...nh---nguyen-anh-nong.html

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Lê Khánh Mai thảo luận thêm

BẠN ĐỌC CHIA SẺ:
Viết 3 trường ca về 3 vấn đề hoàn toàn khác nhau nhưng liên kết lại trở thành một chỉnh thể. Đây là ý tưởng nghệ thuật độc đáo của nhà thơ Nguyễn Anh Nông. Cám ơn nhà văn Nguyễn Tiến Hải đã giới thiệu
Viết bởi Lê Khánh Mai 30 Jul 2011, 07:31
http://nguyentienhai.vnwe...logs.com/post/1988/313722

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Nguyễn Bao: Một thông điệp khẩn thiết

QĐND - Trong cái “thế giới phẳng” mà cả nhân loại đang cư ngụ hôm nay, những ai cùng yêu cái Đẹp và Hòa bình đều dễ dàng hiểu nhau, gặp nhau và cảm thông vì trái tim họ cùng có một mẫu số chung, năng lượng và sức mạnh mà họ có đều bắt nguồn từ một “động cơ đốt trong” là trái tim giàu nhân ái: Trái tim CON NGƯỜI!



Tỉ phú Bin-ghết (Bill Gates) và nhà thơ Nguyễn Anh Nông, tác giả của tập trường ca “Gửi Bill Gates & trời xanh” (NXB văn học-2011) chắc chắn chưa quen nhau! Ở hai đầu trái đất, họ có những tâm tư riêng nhưng có một cái chung lớn: Đó là tình yêu cái Đẹp và Hòa bình trú ngụ dưới một mái nhà chung có tên là lòng nhân ái.

Chính năng lượng đó là cội nguồn thôi thúc một nhà thơ Việt Nam có thể kết nối tâm giao với một “hiệp sĩ thông tin” người Mỹ vì trái tim họ có một nhịp đập chung trong tình nhân loại với những ước vọng cao cả và thánh thiện nhất của con người. Chỉ với lý do duy nhất ấy khiến ta hiểu được họ, giải thích được nguồn gốc sâu xa của sự đồng cảm và giao lưu của hai người tưởng như xa lạ!

Lòng nhân ái bao dung và trí tuệ trác việt của Bin-ghết khiến hàng tỉ người trên trái đất khâm phục và tự hào. Là một trong hàng tỉ người ấy, nhà thơ Việt Nam mặc nhiên thấy mình gần gũi và đơn phương kết thân với “hạt-cát-biết-yêu-đương”, một sự tôn vinh mà tác giả Nguyễn Anh Nông tự cho là cao quý nhất trong cõi người, trong cái nhân loại đang cài xen ánh sáng và bóng tối, quằn quại trong máu và nước mắt, nơi mà đạn bom và rốc-két đang gầm rú trên hành tinh này.

Tưởng như Nguyễn Anh Nông sẽ đuối sức trước một đề tài quá lớn, một vấn đề chung của con người và thời đại, một bước phát triển vừa thoát khỏi thứ hồng hoang mông muội lại đến một thứ hồng hoang hiện đại. Sự chạy đua vơ vét tài nguyên, tình trạng cá lớn nuốt cá bé, sự ngang ngược của triết lý sức mạnh hiện còn là vết hằn trên vầng trán nhân loại… tất cả làm sôi sục lương tri và trái tim của những người như Bin-ghết, cày xới trên những trang trường ca của Nguyễn Anh Nông.

Làm sao có thể yên ổn dưới trời xanh, khi: Đạn bom mang gương mặt nhân từ/Đạo đức phết sơn xanh đỏ”. Những kẻ nhân danh lẽ phải đã che đậy lòng tham không đáy của tên cướp ngày, chúng muốn sắp xếp lại một thứ trật tự-hỗn độn, muốn minh bạch dưới mặt trời bằng một thứ “lô-gích-mờ-nhòe”!

Thực tế đời sống nhân loại trước và sau khi trường ca của Nguyễn Anh Nông ra đời đã và đang chứng minh: Lương tri nằm trên thớt/Dư luận giãy đành đạch trên chảo rang”. Huy động sức mạnh ngôn ngữ dân tộc, nhưng hình tượng và phong cách dân gian trong đồng dao, ca dao, vận dụng những thủ pháp nói ngược, ẩn dụ và cường điệu trong truyền thống thể hiện của ngôn ngữ người Việt… tác giả Nguyễn Anh Nông tạo được sự đổi gió trong khí quyển ngột ngạt của một nội dung đang đề cập vốn khá nặng nề, căng thẳng. Qua trường ca “Gửi Bill Gates & trời xanh”, ta thấy tác giả xới lên bề bộn những vấn đề mà cả nhân loại đang phải xử lý từng giờ, từng phút. Cái Đẹp và Hòa bình đang đứng trước những đe dọa và thách thức lớn, khi mà: Những tổ hợp nhả khí độc lên trời/Từng đám mây a-xít lặc lè bay quanh trái đất…Và: Trái đất như con người bị moi dần tim, gan, lá lách” thì mỗi công dân trên trái đất không cảm thấy được yên ổn: Mỗi ngày sống ta như người mắc nợ/Với trái đất này, bạn ơi!

Hai câu thơ cuối của trường ca mà tác giả kiên nhẫn gửi tới Bin-ghết và mỗi con người dưới mái nhà chung, nơi mà tầng ô-zôn đang từng giờ, từng phút bị hủy hoại, đe dọa sự tồn vong của nhân loại là thông điệp khẩn cấp của người bạn, nhà thơ Việt Nam, gửi hiệp sĩ thông tin hàng đầu thế giới. Sức sống và sức mạnh của trường ca dồn nén ở đây. Đó chính là tính thời sự, thời đại mà bản trường ca chuyển tải và nhắn gửi khẩn thiết tới cộng đồng nhân loại hôm nay.

Nhà thơ Nguyễn Bao
Nguồn: bài đã đăng báo Quân đội nhân dân cuối tuần

http://www.baomoi.com/Hom...ep-khan-thiet/6494747.epi

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

PGS,TS Đỗ Ngọc Thống: Tâm sự, chia sẻ

Cảm ơn anh Nguyễn Anh Nông đã gửi Trường ca. Tôi bận quá nên thỉnh thoảng đọc để giải tỏa căng thẳng thôi. Thật khó có thời gian để suy nghĩ và viết nhận xét được cho anh. Nhất là với một tác phẩm có nhiều điểm mới. Hơn nữa tôi vốn không thích thơ dài. Tôi vẫn nghĩ dù đó là trường ca, truyện thơ hay bài thơ dài đi nữa thì cuối cùng đọng lại với người đọc, để họ nhớ và suy ngẫm vẫn là những hình ảnh, cách biểu đạt, cách nói cùng ý tưởng sâu lắng ( tứ thơ) ....Tôi cho rằng đơn vị hay của thơ vẫn là những câu thơ hay, lớn hơn là đoạn thơ hay, tứ thơ hay và rất ít có bài thơ hay hoàn chỉnh. Những trường ca đã được khẳng định một thời của nhiều tác giả nổi tiếng, tôi thấy cuối cùng vãn đọng lại ở tôi một số câu thơ/ đoạn thơ hay mà thôi. Thành ra nhiều khi cả một trường ca rất dài, chưa chắc đã hay và sống lâu hơn vài ba câu thơ thật hay. Ví như cách đây không lâu tôi sang dự Hội Lim nghe hát quan họ, học được 2 câu này: " Chơi cho con ốc có sừng - Con lươn có vảy mới ngừng cuộc chơi". Tôi thích những bài thơ nhỏ và xinh của anh hơn. Nhưng dù sao cũng xin chúc mừng anh có được những thể nghiệm ở nhiều thể loại phong phú khác nhau với một bút lực dồi dào. Chúc a nh gặt hái được nhiều thành công hơn
PGS, TS Đỗ Ngọc Thống
(VIỆN KHOA HOC-GIÁO DỤC VIỆT NAM)

http://www.tamtay.vn/home

Chưa có đánh giá nào
Trả lời

Trang trong tổng số 2 trang (15 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]