VỀ BÀI THƠ NẤM MỘ VÀ CÂY TRẦM

             Mới thế mà bài thơ Nấm mộ và cây trầm tôi viết đã được gần 40 năm. Hồi đó, tôi còn rất trẻ: 22 tuổi, là lính ở trung đoàn 165 , thuộc sư đoàn 312. Trung đoàn tôi nhận nhiệm vụ chiến đấu ở Cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng, nước Lào. Mới vào thử lửa được mấy tháng, quân số trung đoàn đã bị thương vong khá nhiều. Người chết vì sốt rét, chết vì bom mìn, người chết vì quần nhau với giặc. Tôi có người bạn thân, hy sinh trong trận đánh ở đồi Mâm Xôi ( tên do lính trung đoàn tự đặt ), nằm cạnh thị xã Xiêng Khoảng.
      Tôi còn nhớ vào một đêm mùa đông năm 1969. Ở nghĩa trang biên giới, bọn giặc trời thả đèn dù, ném bom. Ánh sáng đèn dù treo lơ lửng, lúc nhập nhoạng, lúc bùng lên trên các lùm cây, ngọn đồi. Những cây thông bị cháy đen chĩa thẳng lên trời như những cây nhang lớn. Dưới ánh sáng đèn dù, tôi cùng một số người trong tổ vận tải, tranh thủ đào huyệt và chôn xác đồng đội. Trước khung cảnh đầy chất bi tráng đó, tôi có được cái tứ để viết bài thơ Nấm mộ và cây trầm:

Đất đắp mộ Hùng bom trộn lấn
Cây trầm cháy dở thay nén nhang
Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm..

Hùng ơi! Mai gió mùa đông bắc
Võng bạt, canh khuya lại nhớ Hùng
Nhớ đêm hai đứa xong phiên gác
Bao gạo gối đầu, chăn đắp chung

Nhớ khi mình ốm giữa rừng
Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi
Quả khế rừng nấu con cá suối
Thương Hùng, mình hoá trẻ đi câu...
Trong bài thơ, cây thông ở nghĩa trang biên giới được thay thế bằng hình tượng cây trầm- một loài cây quý thay cho nén nhang thắp lên mộ bạn mình. Bài thơ được viết ở hang đá rừng Lào, dưới ánh đèn được làm từ vỏ đồ hộp. Viết sau khi chôn xác bạn trở về, viết trong tâm trạng sa xót, thương tiếc. Có tứ, có cảm xúc nhưng còn bút pháp thể hiện, một khâu rất quan trọng trong sáng tác? Phải nói hồi đó tôi chưa phải là người viết có tay nghề, thi thoảng may mắn lắm mới có được một bài thơ in báo. Nhưng trong sáng tác mọi yếu tố thường bổ sung cho nhau. Có lẽ do tứ bài thơ vững, do cảm xúc mạnh đã tạo đà cho cách diễn đạt liền mạch. Bài thơ được viết nhanh, câu nọ nối câu kia, đoạn này nối đoạn khác. Từ trường hợp hy sinh của bạn mình, tôi có được những đoạn thơ khái quát về sự hy sinh lớn lao của người chiến sĩ.
        Viết xong bài thơ, tôi có đọc cho một số người nghe. Sau, tôi sửa chữa và chép vào sổ tay. Chừng vài năm, khi có dịp ra Hà Nội, tôi mới gửi bài thơ Nấm mộ và cây trầm in ở Tạp chí Tác phẩm mới của Hội nhà văn. Tôi không ngờ, bài thơ của tôi được dư luận khen, được Hội nhà văn và Bộ Lao động thương binh xã hội trao giải chính thức về đề tài thương binh liệt sĩ.
   Lại nhớ có lần cách đây chừng hơn hai mươi năm, tôi có về công tác tại Hải Phòng. Nhà thơ Thanh Tùng đẫn tôi đến nhà một bác công nhân già.Qua lời tâm sự, tôi được biết bác có người con trai tên là Hùng hy sinh ở mặt trận phía Nam. Bác còn lưu giữ bài thơ Nấm mộ và cây trầm của tôi, lưu giữ và học thuộc. Bác bảo bác biết nhân vật Hùng trong bài thơ không phải là con trai bác, bởi bài thơ tôi viết trước khi con trai bác hy sinh chừng ba năm. Tuy thế, bác vẫn lưu giữ bài thơ và mong gặp tác giả. Gặp tôi, bác thoáng mừng nhưng lại buồn ngay. Buồn  vì người con trai của bác đã ra đi vĩnh viễn.
Ngoài những lời thăm hỏi chung chung, tôi không có cách gì an ủi được bác.
   Gần bốn mươi năm, từ khi bài thơ Nấm mộ và cây trầm của tôi ra đời  đến nay đã quá lâu, thời gian tưởng như xoá nhoà mọi chuyện. Nhiều bài thơ tôi viết, có bài tôi quên cả xuất xứ, cảnh ngộ. Riêng bài thơ Nấm mộ và cây trầm, thường gợi lại cho tôi những kỷ niệm nhức nhối, khó quên với một người đồng đội đã hy sinh trên chiến trường đất bạn..

                                                                     Nguyễn Đức Mậu