15.00
Thể thơ: Lục bát
Thời kỳ: Nguyễn

Đăng bởi Vanachi vào 11/11/2005 18:03

2515. Ngư rằng: Xin hỏi tiểu nhi.
Một hai ba tuổi mạch đi chưa đầy.
Đau thời coi Hổ khẩu tay,
Trong ngón thực chỉ vằn bày chứng cai.
Phép coi hữu gái, tả trai,
Ngón trỏ ba lóng chia bày ba quan.
Lóng gốc làm ải phong quan,
Lóng nhì ải khí, ba bàn mệnh quan.
Vằn xanh ngang thẳng gió can,
Vắn điều đỏ ấy nóng ran trong mình.
2525. Vằn xanh đỏ loạn, chứng kinh,
Vằn hồng nhợt nhạt, ấm mình bụng đau.
Vằn còn lóng gốc trị mau,
Vằn qua lóng giữa bệnh lâu hơi tà.
Vằn to chạy tới ải ba,
2530. Bắn lên trảo giáp, ấy là chứng nguy.
Vằn đen như mực loạn bì,
Xâm vào ba ải, lương y chạy rồi.
Phép coi chừng ấy mà thôi,
Còn phương nào nữa vốn tôi chưa rành.
2535. Môn rằng: Con nít mới sinh,
Máu hơi chưa đủ, mạch hình khó coi.
Giáp năm có biến chưng rồi,
Gân xương mạch lạc lần hồi mở ra.
Nhân Sư rành trị nhi khoa,
2540. Trước coi khí sắc, sau là mạch kinh.
Tướng xem trên huyệt Tình minh,
Thấy trong tạng phủ bệnh tình vạy ngay.
Mạch thời chẩn một ngón tay,
Chuyên coi một mạch Sác rày có không.
2345. Sác cùng chẳng sác coi ròng,
Sác nhiều thời nhiệt, Sác không thời hàn.
Sác trong Phù, ấy phong truyền,
Sác trong Trầm, Hoãn, thấp hàn chứng pha.
Sác trong thấy Sắc bệnh tà,
2550. Sác trong thấy Hoạt, ấy là đàm lung.
Phép coi chừng ấy cũng xong,
Chẳng còn bộ vị ngoài trong nhộn nhàng.

Tướng tiểu nhi bí pháp ca
Trung chính tình minh huyệt tại tỷ
Thượng mục chuỷ hoành giao xứ
(bài ca về phương pháp bí truyền xem bệnh trẻ con.
Chỗ chính giữa huyệt Tình minh trên mũi,
nơi hai đầu mắt giao nhau)
Dịch nghĩa:
Nơi đầu sống mũi, chỗ hai mắt giao nhau,
Chính là huyệt Tình minh, xem cho kỹ càng.
Sắc đỏ thuộc tim (tâm), sắc trắng thuộc phổi (phế),
Sắc vàng thuộc lá lách (tỳ), sắc xanh thuộc gan (can),
Sắc đen thuộc thận, nên phân biệt rõ;
Hoặc chạy ngang, hoặc chạy dọc, đó là những đường gân.
Gân đỏ hiện lên, đó là bệnh tâm nhiệt,
Gân xanh nổi, đó là bệnh phong (can phong),
Gân vàng phần nhiều là bệnh tỳ vị,
Gân đờm là đờm tích tụ lại, gân đen là bị lạnh.
Gân chạy dọc là bệnh từ dưới lên, chạy ngang là bệnh từ trên xuống.
Manh mối của căn bệnh bộc lộ ở chỗ đó.

Tiểu nhi mạch ca
(Bài ca về mạch trẻ con)
Dịch nghĩa:
Trẻ con có bệnh phải xem mạch,
Một ngón tay ấn ba bộ mạch, giữ hơi thở cho điều hoà.
Mạch đi Trì là lạnh, đi Sác là nóng; xưa nay vẫn truyền,
Đi Phù là bệnh phong, đi Trầm là bệnh tích; nên biết như thế.
Huyệt Nhân nghênh tay trái chủ chứng ngoài,
Huyệt Khí khẩu tay phải chủ bệnh trong.
Ngoài thì xem các chứng phong, hàn, thử, thấp.
Trong thì xem ăn và bú bị đờm tích không trôi.
Mạch đi Hồng và Khẩn, không có mồ hôi là bệnh thương hàn,
Đi Phù và Hoãn, có mồ hôi là bệnh thương phong,
Đi Phù và Hồng, phần lớn là bị bệnh phong nhiệt,
Đi Trầm và Tế là cơm sữa không tiêu,
Đi Trầm và Khẩn là trong bụng đau không ngớt,
Đi Huyền và Khẩn là bị đau trong cổ họng,
Đi Khẩn và Xúc là sắp lên sởi, đậu,
Đi Khẩn và Sác là bệnh kinh phong,
Đi Hư và Nhuyễn là bị mạn kinh, co giật nhẹ,
Đi Khẩn và Thực là bị phong giản, co giật gấp,
Đi Nhuyễn và Tế là bị chứng cam và giun sán.
Đi Lao và Thực là bị bí đại tiện và tiểu tiện,
Đi Khâu thì đại tiểu tiện có máu,
Đi Hư và Nhu thì bị bệnh khí và chứng giật mình,
Đi Hoạt là bị lạnh, cảm sương, cảmnắng,
Đi Huyền và Cấp là bị “phải vía”.
Mạch lớn nhỏ không đều là mạch xấu,
Trong một hơi thở đến hai lần là thoát, ba lần là thốt,
Bốn lần là tổn, năm lần gọi là hư,
Sáu lần là bình thường, gọi là không bệnh,
Đến bảy, tám lần bệnh còn nhẹ,
Đến chín mười lần là bệnh đã nặng, sốt dữ,
Đến mười một, mười hai lần thì chắc là chết.
Phép này xem cả vạn lần không sai một.