Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Lục bát
Thời kỳ: Nguyễn

Đăng bởi Vanachi vào 11/11/2005 17:36

Ngâm rồi thoạt thấy Tiều, Ngư,
Vội vàng Đạo Dẫn truỵ lư cười ngầm.
Chào rằng: này kẻ tri âm!
Ngày nay lại đến Y lâm cầu gì?
265. Ngư rằng: Đem bạn cố tri,
Đồng lòng tìm đến Nhân Sư học hành.
Dẫn rằng: Hai chữ “phù sinh”
Người non, kẻ nước, phận đành tiều, ngư.
Bấy lâu sao chẳng tầm sư,
270. Đến nay lại có công dư học nghề?
Tiều rằng: Thời vận bất tề,
Thêm lầm thầy thuốc làm bê việc nhà.
Ngư rằng: Ta nghĩ giận ta,
Bởi thương con vợ mới ra hết tiền.
275. Dẫn rằng: Trong cõi trần duyên,
Hay người chưa trả rồi tiền nợ vay.
Người xưa ba chuyến gãy tay,
Tức mình học thuốc, mới hay làm thầy,
Tiều rằng: Mấy cụm rừng y,
Đều noi đường cái Hiên Kỳ trổ ra.
285. Một ngày suối chảy một xa
Rốt dòng lại có chính tà khác nhau.
Ngư rằng: Cách trở bấy lâu,
Đường đi ngày trước lạc đâu khôn tầm.
Dẫn rằng: Đây thật Y lâm,
290. Nhân khu ải khỏi, nào lầm chớ e!
Ngư rằng: Dặm cũ vắng hoe,
Mình tuy có thấy, không nghe biết gì.
Dẫn rằng: Đó chớ vội đi,
Ngày nay chưa gặp Tôn Sư ở nhà.
295. Đến am Bảo Dưỡng theo ta,
Nghỉ chơi vài bữa, rồi qua Đan Kỳ.
Ngư, Tiều theo Đạo Dẫn đi,
Ở am Bảo Dưỡng một khi vui vầy.
Ba người kết bạn đông tây,
300. Chuyện trò sách thuốc, lối này hỏi nhau.
Ngư rằng: Trước ải Nhân Khu,
Mười hai kinh lạc, cạn sâu chưa tường,
Dẫn rằng: Ba âm, ba dương,
Ba ba số bội, chia đường hai bên,
305. Tay chân tả hữu hai bên,
Âm dương đều sáu, dưới trên buộc ràng.

Thập nhị kinh lạc ca (Bài ca về mười hai kinh lạc)
Dịch nghĩa:
Kinh Thủ Thái dương thông với ruột non,
Kinh Túc Thái dương thông với bọng đái,
Kinh Thủ Dương minh thông với ruột già,
Kinh Túc Dương minh thông với dạ dày,
Kinh Thủ Thiếu dương thông với tam tiêu,
Kinh Túc Thiếu dương thông với mật,
Kinh Thủ Thái âm thông với phổi,
Kinh Túc Thái âm thông với lá lách,
Kinh Thủ Thiếu âm thông với trái tim,
Kinh Túc Thiếu âm thông với thận,
Kinh Thủ Quyết âm thông với màng tim,
Kinh Túc Quyết âm thông với gan.

Hựu hữu ca (Lại có bài ca rằng)
Dịch nghĩa:
Kinh Thái dương thuộc thuỷ, úng với Thìn, Tuất,
thông với ruột non, bọng đái,
Kinh Dương minh thuộc kim, ứng với Mão, Dậu,
thông với ruột già, dạ dày,
Kinh Thiếu dương thuộc hoả, ứng với Dần, Thân,
thông với tam tiêu và mật,
Kinh Thái âm thuộc thổ, ứng với Sửu, Mùi,
thông với phổi và lá lách,
Kinh Thiếu âm thuộc hoả, ứng với Tý, Ngọ,
thông với tim và thận,
Kinh Quyết âm thuộc mộc, ứng với Tỵ, Hợi,
thông với màng tim và gan.

Ngư rằng: Kinh lạc là tiêu,
Chỗ nào khí huyết ít nhiều biết đâu.
Dẫn rằng: Khí huyết nhân khu,
310. Ta từng coi sách, thấy câu ca rằng:

Thập nhị kinh lạc khí huyết đa thiểu ca
(Bài ca về khí huyết nhiều ít của mười hai kinh lạc)
Dịch nghĩa:
Nhiều khí, nhiều huyết, anh nên nhớ:
Kinh Thủ Dương minh tức ruột già, và
Kinh Túc Dương minh tức dạ dày.
Ít huyết, nhiều khi, có sáu kinh:
Tam tiêu, mật, thận, tim, lá lách, và phổi.
Nhiều huyết, ít khí chia ra bốn kinh:
Bọng đái, ruột non, màng, tim và gan.