164.38
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
14 bài thơ, 222 bài dịch
2 bình luận
2 người thích
Tạo ngày 15/05/2009 17:52 bởi Nguyệt Thu, đã sửa 2 lần, lần cuối ngày 22/11/2020 14:44 bởi tôn tiền tử
Nguyễn Xuân Sanh (16/11/1920 - 22/11/2020) là nhà thơ, dịch giả, sinh tại Đà Lạt. Cha ông là một nhà nho ở Quảng Bình, sau di cư vào Đà Lạt, nên ông Sanh đã ra đời nơi ấy. Ông học trung học và đại học ở Hà Nội, làm thơ sớm, năm 16 tuổi đã có truyện thơ Lạc loài đăng nhiều kỳ trên báo.

Năm 1939, ông cùng với các văn nghệ sĩ cùng chí hướng sáng tạo, gồm các nhà văn, nhà thơ Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Lương Ngọc, hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập. Đến tháng 6-1942, thì nhóm ấy xuất được một tập sách có cùng tên là Xuân Thu nhã tập (do Xuân Thu thư lâu xuất bản), gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lý và tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm.

Trước Cách mạng tháng Tám (1945), ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Sau…

 

Tuyển tập chung

Thơ dịch tác giả khác

  1. “Em yêu ơi, ta với nhau...” “Mein Liebchen, wir saßen beisammen...” (Heinrich Heine)
    2
  2. 1 (Petőfi Sándor)
    1
  3. 10 (Petőfi Sándor)
    1
  4. 11 (Petőfi Sándor)
    1
  5. 12 (Petőfi Sándor)
    1
  6. 13 (Petőfi Sándor)
    1
  7. 14 (Petőfi Sándor)
    1
  8. 15 (Petőfi Sándor)
    1
  9. 16 (Petőfi Sándor)
    1
  10. 17 (Petőfi Sándor)
    1
  11. 18 (Petőfi Sándor)
    1
  12. 19 (Petőfi Sándor)
    1
  13. 2 (Petőfi Sándor)
    1
  14. 20 (Petőfi Sándor)
    1
  15. 21 (Petőfi Sándor)
    1
  16. 22 (Petőfi Sándor)
    1
  17. 23 (Petőfi Sándor)
    1
  18. 24 (Petőfi Sándor)
    1
  19. 25 (Petőfi Sándor)
    1
  20. 26 (Petőfi Sándor)
    1
  21. 27 (Petőfi Sándor)
    1
  22. 3 (Petőfi Sándor)
    1
  23. 4 (Petőfi Sándor)
    1
  24. 5 (Petőfi Sándor)
    1
  25. 6 (Petőfi Sándor)
    1
  26. 7 (Petőfi Sándor)
    1
  27. 8 (Petőfi Sándor)
    1
  28. 9 (Petőfi Sándor)
    1
  29. Anh hùng ca Химн (Vapzarov Nicola)
    1
  30. Anh mộng thấy chiến tranh Háborúval álmodám (Petőfi Sándor)
    1
  31. Bài ca Sång (Tomas Tranströmer)
    1
  32. Bài ca chiến trận Csatadal (Petőfi Sándor)
    1
  33. Bài ca dân tộc Nemzeti dal (Petőfi Sándor)
    3
  34. Bài ca gửi người đồng chí Песен на другаря (Vapzarov Nicola)
    1
  35. Bài ca người du kích Хайдушка (Vapzarov Nicola)
    1
  36. Bài hát Песен (Vapzarov Nicola)
    1
  37. Bài hát một đêm mưa Chanson pour un soir de pluie (Edmond Jabès)
    1
  38. Bài hát người đàn bà ngồi Chanson de la femme assise (Edmond Jabès)
    1
  39. Bài hát Tây Ban Nha Испанская песня (Mikhail Svetlov)
    1
  40. Bài hát tình yêu Любовна (Vapzarov Nicola)
    1
  41. Bài thánh ca Химн (Vapzarov Nicola)
    1
  42. Bài thơ một khuya 1970 (Dahlia Ravikovitch)
    1
  43. Ban đêm những đám mây qua La nuit passent des nuages (Dimitri Tsakanikas Analis)
    1
  44. Ban ngày (Tahar Ben Jelloun)
    1
  45. Ban ngày sụp đổ Dygnkantring (Tomas Tranströmer)
    1
  46. Bản tin khí tượng Vädertavla (Tomas Tranströmer)
    1
  47. Bão táp Storm (Tomas Tranströmer)
    2
  48. Bầu trời một nửa đã xong Den halvfärdiga himlen (Tomas Tranströmer)
    1
  49. Biển động Föltámadott a tenger (Petőfi Sándor)
    1
  50. Bình minh Aube (Monchoachi)
    1
  51. Bình minh anh yêu em L’aube je t’aime (Paul Éluard)
    1
  52. Bóng một người bơi âm thầm En simmande mörk gestalt (Tomas Tranströmer)
    1
  53. Bốn tính tình De fyra temperamenten (Tomas Tranströmer)
    1
  54. Buổi chiều - buổi sớm Kväll – Morgon (Tomas Tranströmer)
    1
  55. Ca-chiu-sa Катюша (Mikhail Isakovsky)
    3
  56. Các biến khúc haiku Variasi haiku (M. H. Lukman Njoto)
    1
  57. Các bờ sông tuổi đương thì Les rives adolescentes (Mohammed Dib)
    1
  58. Các không gian đóng và mở Öppna och slutna rum (Tomas Tranströmer)
    1
  59. Cái cây và bầu trời Trädet och skyn (Tomas Tranströmer)
    2
  60. Cái chết đến (trích) Jött a halál (Petőfi Sándor)
    2
  61. Cái mãi mãi xanh tươi (Jean Pérol)
    1
  62. Cánh đồng mùa hè Sommarslätt (Tomas Tranströmer)
    1
  63. Cánh rừng thân Le bois amical (Paul Valéry)
    4
  64. Cặp vợ chồng Paret (Tomas Tranströmer)
    2
  65. Cây hướng dương Floarea Soarelui (Demostene Botez)
    1
  66. Chân dung và bình luận Porträtt med kommentar (Tomas Tranströmer)
    1
  67. Chiếc xe bốn con bò kéo A négyökrös szekér (Petőfi Sándor)
    1
  68. Chim bồ câu gù Пролет (Vapzarov Nicola)
    2
  69. Chim buổi sớm Morgonfåglar (Tomas Tranströmer)
    1
  70. Chớ sợ các con ơi Не бойте се деца (Vapzarov Nicola)
    1
  71. Chúng ta sẽ xây một nhà máy lớn Ще строим завод (Vapzarov Nicola)
    1
  72. Có một người trai nào trong chúng ta Van-e mostan olyan legény (Petőfi Sándor)
    1
  73. Con đường cuộc sống (Marcel Breslaşu)
    1
  74. Cô đơn Ensamhet (Tomas Tranströmer)
    1
  75. Cốc nước chè... (Tahar Ben Jelloun)
    1
  76. Công thức những mùa đông Vinterns formler (Tomas Tranströmer)
    1
  77. Cơn mưa đã từng nói (Gerald Felix Tchicaya U Tam'si)
    1
  78. Cung điện Palatset (Tomas Tranströmer)
    1
  79. Cuộc du hành Resan (Tomas Tranströmer)
    1
  80. Cuối cùng của lao động I arbetets utkanter (Tomas Tranströmer)
    1
  81. Cuối thu Късна есен (Bagriana Elisaveta)
    1
  82. Dạo chơi Promenade (Paul Éluard)
    1
  83. Dạo đầu Preludium (Tomas Tranströmer)
    2
  84. Dấu ấn Spår (Tomas Tranströmer)
    1
  85. Dấu hiệu mùa xuân Приметы весны (Maxim Fadeevich Rylsky)
    1
  86. Dưới sức ép Under tryck (Tomas Tranströmer)
    1
  87. Đại bác nổ bốn ngày liên tiếp Négy nap dörgött az ágyu (Petőfi Sándor)
    2
  88. Đàn sếu Журавли (Rasul Gamzatov)
    14
  89. Đảo Ile (Jacques Rabemananjara)
    1
  90. Đất nghèo (Tahar Ben Jelloun)
    1
  91. Đất nước tôi tươi đẹp (Gédéon Jacques)
    1
  92. Đây là một con chim Вот птица - нет ее свежей (Nikolai Tikhonov)
    1
  93. Đây là ngày Voici le jour (Jean Pérol)
    2
  94. Điệu ca ai oán Lamento (Tomas Tranströmer)
    1
  95. Đỏ thắm Merah Kesumba (M. H. Lukman Njoto)
    1
  96. Đoá hoa xanh Floare-albastră (Mihai Eminescu)
    1
  97. Đời sống dân chài Рибарски живот (Vapzarov Nicola)
    1
  98. Em làm gì đó, em may gì đó? Mit csinálsz, mit varrogatsz ott? (Petőfi Sándor)
    1
  99. Giấc mơ Balakirev (1905) Balakirevs dröm (1905) (Tomas Tranströmer)
    1
  100. Gió biển (Gédéon Jacques)
    1
  101. Gió buồn mùa thu nói với cây Beszél a fákkal a bús őszi szél (Petőfi Sándor)
    1
  102. Giọt mưa La goutte de pluie (Jules Supervielle)
    1
  103. Gogol (Tomas Tranströmer)
    1
  104. Grenada Гренада (Mikhail Svetlov)
    1
  105. Gửi các nhà thơ thế kỷ XIX A XIX század költői (Petőfi Sándor)
    1
  106. Gửi đất nước tôi (Victor Tulbure)
    1
  107. Gửi Lôra Do Laury (Adam Bernard Mickiewicz)
    2
  108. Gửi nghị viện A Nemzetgyűléshez (Petőfi Sándor)
    1
  109. Gửi rạng đông A l'aurore (Paul Valéry)
    1
  110. Gửi sự tự do A szabadsághoz (Petőfi Sándor)
    1
  111. Hát ru trẻ em trong chiến tranh (Maria Banuş)
    1
  112. Hãy gửi tin tức cho tôi Envoyez-moi des nouvelles (Paul Dakeyo)
    1
  113. Hoà bình trị vì trên sống mũi tàu sôi sục I den forsande stäven vila (Tomas Tranströmer)
    1
  114. Hoa hồng đen (Amilcar Cabral)
    1
  115. Hội ngộ với mát lành Rendez-vous de la fraîcheur (Mohammed Dib)
    1
  116. Izmir vào lúc ba giờ Izmir klockan tre (Tomas Tranströmer)
    1
  117. Kamadeva (Mihai Eminescu)
    1
  118. Khi chúng ta từ các đảo xa trở về När vi återsåg öarna (Tomas Tranströmer)
    1
  119. Khí hậu Châu Phi (Hen Khali)
    2
  120. Khóc đi Pleur (David Diop)
    1
  121. Khổ thơ và khổ thơ hồi Strof och motstrof (Tomas Tranströmer)
    1
  122. Khúc bi thương Elegi (Tomas Tranströmer)
    1
  123. Khúc ca Kyrie (Tomas Tranströmer)
    2
  124. Khúc nhạc nhanh Allegro (Tomas Tranströmer)
    1
  125. Khúc tuỳ hứng Caprichos (Tomas Tranströmer)
    1
  126. Len lỏi Insinuant (Paul Valéry)
    1
  127. Lịch sử những thuỷ thủ Skepparhistoria (Tomas Tranströmer)
    1
  128. Lissabon (Tomas Tranströmer)
    1
  129. Lòng cảm phục Hommages (Tomas Tranströmer)
    1
  130. Lời bạt Epilog (Tomas Tranströmer)
    1
  131. Lời kêu gọi (Sophus Claussen)
    1
  132. Lời phán truyền của không khí Dictée de l'air (Mohammed Dib)
    1
  133. Lụt hồng thuỷ trên các vùng đất Skyfall över inlandet (Tomas Tranströmer)
    1
  134. Mạch ngầm và mạch ngầm (Dahlia Ravikovitch)
    1
  135. Mặt nhìn mặt Ansikte mot ansikte (Tomas Tranströmer)
    1
  136. Mặt trời nói thì thầm... Le soleil parle bas... (Jules Supervielle)
    1
  137. Mẫu Modèle (Paul Éluard)
    1
  138. Mọi kẻ chết đều say Tous les morts sont ivres (Oscar Vladislas de Lubicz Milosz)
    1
  139. Một đêm đông En Vinternatt (Tomas Tranströmer)
    2
  140. Một ngày kia Un jour (Albert Memmi)
    1
  141. Một nghệ sĩ phương Bắc En konstnär i norr (Tomas Tranströmer)
    1
  142. Một người nước Benin En man från Benin (Tomas Tranströmer)
    1
  143. Một rễ cây phát biểu (Mihai Beniuc)
    1
  144. Mùa thu Automne (Guillaume Apollinaire)
    4
  145. Mùa xuân trong nhà máy Пролет в завода (Vapzarov Nicola)
    1
  146. Mưa Pluie (Momoe Von Reiche)
    1
  147. Nàng Thu ốm Automne malade (Guillaume Apollinaire)
    4
  148. Năm khúc thơ cho Thoreau Fem strofer till Thoreau (Tomas Tranströmer)
    1
  149. Ngày 15 tháng ba năm 1848 15 - dik március, 1848 (Petőfi Sándor)
    1
  150. Ngủ trưa Siesta (Tomas Tranströmer)
    1
  151. Người dân Hung đã lại như ngày trước Ismét magyar lett a magyar (Petőfi Sándor)
    1
  152. Người đàn bà đứng trên ngưỡng cửa Женщина в дверях стояла (Nikolai Tikhonov)
    1
  153. Người được các bài hát trên các mái nhà đánh thức Han som vaknade av sång över taken (Tomas Tranströmer)
    2
  154. Người ngủ Dormeur (Paul Éluard)
    1
  155. Nhân nói về lịch sử Om Historien (Tomas Tranströmer)
    1
  156. Nhớ lại Przypomnienie (Adam Bernard Mickiewicz)
    2
  157. Những bí mật trên đường Hemligheter på vägen är från (Tomas Tranströmer)
    1
  158. Những cô gái (Tahar Ben Jelloun)
    1
  159. Những cô gái đang yêu Amoureuses (Paul Éluard)
    1
  160. Những giờ Les heures (David Diop)
    1
  161. Những ngôi nhà đơn chiếc Thuỵ Điển Svenska hus ensligt belägna (Tomas Tranströmer)
    1
  162. Những tảng đá Stenarna (Tomas Tranströmer)
    1
  163. Những thể thức cuộc du hành (Đi đến vùng Balkan năm 55) Resans formler (Fra Balkan '55) (Tomas Tranströmer)
    1
  164. Niềm tin Вяра (Vapzarov Nicola)
    2
  165. Nóc nhà Krön (Tomas Tranströmer)
    1
  166. Nói nhỏ (Rolf Jacobsen)
    1
  167. Nô lệ, lần này anh yêu... Pierwszy raz jam niewolnik... (Adam Bernard Mickiewicz)
    1
  168. Nush (Paul Éluard)
    1
  169. Nữ nghệ sĩ múa (Per Lange)
    1
  170. Oklahoma (Tomas Tranströmer)
    2
  171. Ostinato (Tomas Tranströmer)
    1
  172. Ở phía bắc người ta rét buốt (Dahlia Ravikovitch)
    1
  173. Phnom Penh (Norodom Sihanouk)
    1
  174. Phụ nữ Nga thân thương Милые красавицы России (Yaroslav Smelyakov)
    1
  175. Rama Kam (David Diop)
    2
  176. Sakuntala (Holger Drachmann)
    1
  177. Sau cái chết của ai Efter någons död (Tomas Tranströmer)
    2
  178. Sau cơn bão... (Dimitri Tsakanikas Analis)
    1
  179. Sau cuộc tấn công Efter anfall (Tomas Tranströmer)
    1
  180. Sớm mai Matin (Roger Parsemain)
    1
  181. Sự cố kết Sammanhang (Tomas Tranströmer)
    1
  182. Syros, đảo Hy Lạp Syros (Tomas Tranströmer)
    1
  183. Tâm tình (Johannes Jørgensen)
    1
  184. Tháng mười một, ánh phản chiếu của các bộ áo da lông quý tộc November med skiftningar av ädelt pälsverk (Tomas Tranströmer)
    1
  185. Thảo nguyên Akerman Stepy Akermańskie (Adam Bernard Mickiewicz)
    1
  186. Thắp ngọn nến הדליקו נר (Zelda Schneersohn Mishkovsky)
    1
  187. Thỉnh thoảng De temps en temps (Nabile Farès)
    1
  188. Thời đại Эпоха (Vapzarov Nicola)
    1
  189. Thời gian bị vây trong khói lửa (Dahlia Ravikovitch)
    2
  190. Thời gian của sự sống Ora (Makiuti Tongia)
    1
  191. Thời gian khác (Anise Koltz)
    1
  192. Thời kinh khủng Szörnyű idő (Petőfi Sándor)
    2
  193. Thung lũng của bướm (Inger Christensen)
    1
  194. Thuộc về đêm Nocturne (Tomas Tranströmer)
    1
  195. Thư gửi nhà thơ bạn Giăng A-ra-ny Levél Arany Jánoshoz (Petőfi Sándor)
    1
  196. Tiệc rượu màu tăng gô Dans un cocktail couleur tango (Robert Desnos)
    1
  197. Tiếng chuông Klangen (Tomas Tranströmer)
    1
  198. Tiếng vọng bài ca chiến tranh cổ đại Đan Mạch (Nikolaj Frederik Severin Grundtvig)
    1
  199. Tình cảm Espresso (Tomas Tranströmer)
    1
  200. Tôi chọn một cây phong Je choisis un peuplier (Jules Supervielle)
    1
  201. Tôi có một tổ quốc Имам си родина (Vapzarov Nicola)
    1
  202. Tôi là người Hung Magyar vagyok (Petőfi Sándor)
    1
  203. Tôi tin chắc lần này chúng tôi sẽ thắng Bizony mondom, hogy győz most a magyar (Petőfi Sándor)
    1
  204. Trầm tư phẫn nộ Upprörd meditation (Tomas Tranströmer)
    1
  205. Trên châu thổ sông Nin I Nildeltat (Tomas Tranströmer)
    1
  206. Trên nước trắng và trong Nad wodą wielką i czystą (Adam Bernard Mickiewicz)
    1
  207. Trích nhật ký du lịch Châu Phi Ur en afrikansk dagbok (Tomas Tranströmer)
    1
  208. Trong cô đơn to lớn của tôi בִּבְדִידוּתִי הַגְּדוֹלָה (Bluwstein Sela Rachel)
    1
  209. Trong rừng Genom skogen (Tomas Tranströmer)
    1
  210. Trong tập thơ “Tuyết” (Viggo Stuckenberg)
    1
  211. Tuổi trẻ tháng ba (trích) A márciusi ifjak (Petőfi Sándor)
    2
  212. Tuyết tan ban trưa Dagsmeja (Tomas Tranströmer)
    1
  213. Từ núi cao Från berget (Tomas Tranströmer)
    1
  214. Út trưởng C-dur (Tomas Tranströmer)
    1
  215. Vào sáng sớm Morgon och infart (Tomas Tranströmer)
    1
  216. Về chủ nghĩa lãng mạn романтика (Vapzarov Nicola)
    1
  217. Việc làm của nhà thơ (01) Le travail du poète (I) (Paul Éluard)
    1
  218. Việc làm của nhà thơ (03) Le travail du poète (III) (Paul Éluard)
    1
  219. Việc làm của nhà thơ (04) Le travail du poète (IV) (Paul Éluard)
    1
  220. Vòng hoa diễm phúc Couronne de félicité (Anne Hébert)
    1
  221. Vuốt ve La caresse (Paul Valéry)
    1
  222. Xuân đến Пролет (Vapzarov Nicola)
    1

 

 

Ảnh đại diện

Nhà thơ cuối cùng của phong trào Thơ Mới

Sinh năm 1920. Đến tết năm nay ông tròn 100 tuổi. Có nhẽ thi sỹ Nguyễn Xuân Sanh là người cuối cùng của phong trào Thơ Mới (1930-1945) còn tại vị trên thế gian này.

Trong số 44 người được Hoài Thanh chọn thơ vào Thi nhân Việt Nam (1941) không có Nguyễn Xuân Sanh. Cũng không có tên Nguyễn Xuân Sanh khi xếp 3 dòng thơ. Dòng Pháp. Dòng Đường. Dòng Việt. Cũng không thấy tên ông trong các xóm thơ. Xóm sông Thương. Xóm Huế. Xóm Bình Định. Xóm Hà Tiên… Mặc dầu vậy, bài tổng luận ở đầu sách – Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh đã không quên vị trí của Xuân Sanh, nói về ông đến hai lần trong dòng chảy phát triển của Thơ Mới. Hoài Thanh viết: “Từ Xuân Diệu, Huy Cận, thơ Việt Nam đã có tính cách của thơ Pháp lối tượng trưng nhưng còn dè dặt. Bích Khê và ít nhiều nữa như Xuân Sanh muốn đi đến chỗ người ta thường cho là cao nhất trong thơ tượng trưng: Mallarme, Valéry… Thơ tượng trưng được người ta thích hơn nhất là Baudelaire. Có thể nói hầu hết các nhà thơ vừa kể trên, không ít thì nhiều, đều bị ám ảnh vì Baudelaire.” Sau nhận định này về Xuân Sanh, Hoài Thanh có một chú thích nhỏ dành cho riêng Nguyễn Xuân Sanh rằng “tác phẩm chưa xuất bản nhưng làng thơ thường nhắc đến”. Như thể một lời thanh minh của Thi nhân Việt Nam đã không chọn bài thơ nào của Nguyễn. Kỳ thực, theo Hồi ký Song đôi của Huy Cận thì vào hè năm 1935, chàng Huy và Xuân Sanh đã viết tay được một tập thơ chung khoảng 50 bài gửi cho nhà xuất bản Mai Lĩnh ở Hải Phòng. Khi ấy Xuân Sanh chừng độ 15 tuổi. NXB đã không in tập thơ và theo Huy Cận – Người sau này tự hoạ thơ mình là “Thơ ơi, chiếc võng ta treo, Đầu theo vũ trụ đầu theo loài người, rằng họ đã không thèm trả lời”. Nguyễn Xuân Sanh trước khi nổi tiếng với Buồn xưaBình tàn thu trong Xuân Thu nhã tập (1942), Ông đã có một số bài thơ đăng báo như Xuân ngày (Bút mới, Sài Gòn, 1938). Giường bệnh mùa thu (Bút mới, 9-1938). Xây mơ (Tiếng địch, số 1, 1938). Buồn mơ, Đường xuân (Thanh nghị, số tết 1942) v.v… Trong đó bài thơ Xây mơ viết tặng Chế Lan Viên và được nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc vào năm 1940 là đáng kể hơn cả. Khuynh hướng siêu thực, tượng trưng đã đậm nét trong bài thơ ấy. “Tay sương lam mờ đường buông tơ. Nghe sương lam mờ đường dăng mơ… Chưa thả bờ yêu ra đón má. Môi xa vây người nơi xa xôi.”

Hoài Thanh viết Một thời đại trong thi ca tháng 11-1941. Tháng 6-1942, Xuân Thu nhã tập in thơ của Nguyễn Xuân Sanh mới được ấn hành. Nhưng lý do chính Hoài Thanh không chọn thơ Nguyễn Xuân Sanh vì ông không ủng hộ khuynh hướng đổi mới tìm tòi thi ca của tác giả này. Sau khi nói gần nói xa một chặp, Hoài Thanh bộc lộ Các ông Bích Khê và Xuân Sanh noi theo gương Mallarmé, Valéry không thèm giữ gìn gì hết. Đôi khi hình như họ đã diễn tả được những điều sâu kín. Nhưng lời thơ rắc rối quá… Rồi dư ba ấy cứ kéo dài mãi. Cho đến gần hết thế kỷ 20.

Bây giờ nhìn lại, Xuân Thu nhã tập dội lên như một hướng tìm tòi mới được giới văn chương đương thời coi là một hiện tượng văn học độc đáo, sự tiếp nối của phong trào Thơ Mới ở chặng đường cuối cùng của nó. Ở đây tình yêu, sự cô đơn, nỗi buồn với mọi cung bậc màu sắc đã được khai thác đến vỉa cuối cùng. Hai bài thơ Buồn xưaBình tàn thu, Buồn xưa nổi bật nhất. Nó hiện ra vẻ đẹp toàn bích và kỳ ảo của chủ nghĩa tượng trưng.

Lẵng xuân
Bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
… Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa
… Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời.
Buồn xưa như tiếng nhạc trầm buồn của hoa lá cỏ cây, của nhịp hải hà đầy quyến rũ đưa đẩy người ta vào thế giới của siêu thực trong sáng mà say đắm. Để cuối cùng chợt nhận ra rằng sau những quỳnh hoa và ngọc quế ảo não trong nỗi buồn không sao giũ được, không thể thiếu được bóng dáng của người xưa yêu dấu. Đó là chàng hoàng tử nghiêng mái tóc buồn đượm một làn mưa giữa ngàn mây tràng giang buồn muôn thuở. Tôi mường tượng chàng hoàng tử đó chính là Nguyễn Xuân Sanh. Khi viết bài thơ này ông mới 19 tuổi. Tôi đã xem thủ bút của Nguyễn Xuân Sanh viết hồi mùa hạ năm 2012. Cách đây 7 năm bài Bình tàn thu. Bình tàn thu hay không kém Buồn xưa. Ở đấy mùa thu thật đẹp không chỉ bởi sương mù héo lệ dặm đường hương mà còn là vẻ đẹp kỳ ảo của cung phi dăng bướm buồn nghê thường. Nhưng tôi cứ lấy làm tiếc sao Xuân Sanh không viết bài thơ thần của mình để người đời nhìn ngắm cái run rẩy đầy kiêu sa trong nét chữ của thi nhân một thời vang bóng và tiếng đời u huyền trực tiếp ẩn trong những ký tự mơ hồ của Buồn xưa. Xây mơ, Buồn xưa, Bình tàn thu có lẽ là 3 bài thơ nổi trội nhất của thơ tượng trưng Nguyễn Xuân Sanh.

Trong Xuân Thu nhã tập (1942) có một bài viết của 3 người. Đoàn Phú Tứ. Phạm Văn Hạnh. Nguyễn Xuân Sanh. Đến bây giờ vẫn còn để ta suy ngẫm về sự làm thơ. Thơ như giai nhân. Như đẹp. Như trời – Có rung động là có thơ – Thơ có thể có trong âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc… và cả trong đạo lý – Thơ = Trong = đẹp = thật. Thơ là đạo: Đạo – âm + dương – Sáng tạo – rung động – thơ – đạo. Thơ không cấm lúc nào cũng rõ nghĩa v.v…

Vào năm 1940-1941, Nguyễn Xuân Sanh viết tập Đất thơm – theo thể thơ văn xuôi đã trích đăng trên báo Thanh nghị số 37 ngày 16-5-1943, thể hiện cách tổ chức đặc sắc một bài thơ văn xuôi với những tiêu đề nhỏ và những suy tưởng thơ rộng mở của tác giả. Đây là một buổi chiều giữa xuân: “Chiều nay ta chỉ yêu đồng xanh. Ta mộng cánh đồng vàng… Đồng mọi nơi sắp chín. Sắp gặt vụ mùa. Chùm bông nặng chưa chín nghiêng nhành lúa trong hạt đã gần căng. Hương đặc lùa ra bờ ruộng cỏ… Ta dành buổi chiều nhớ cánh đồng vĩnh viễn.” Những vần thơ tươi sáng và mới lạ. Bằng Đất thơm, Xuân Sanh là nhà thơ đi tiên phong về thơ văn xuôi trên thi đàn Việt Nam hiện đại. Sau này, các nhà thơ tiếp tục con đường khai mở của Nguyễn Xuân Sanh. Năm 1964 ở miền Nam Thanh Tâm Tuyền đã cho ra đời tập thơ văn xuôi: Liên – Đêm – Mặt trời nhìn thấy. Thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu 21, một số nhà thơ trẻ cũng sáng tác thơ văn xuôi như Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh v.v… Thơ văn xuôi tiếp tục hành trình đi tìm cái mới.

Các nhà văn đương thời như Tế Hanh, Trinh Đường, Nguyễn Bao, Mã Giang Lân v.v… không chỉ một lần cho rằng Nguyễn Xuân Sanh là người bắc nhịp cầu đầu tiên từ Thơ Mới sang thơ hiện đại, một hướng đi mới của Thơ Mới ở chặng cuối con đường của nó. Có người tỏ ý nuối tiếc rằng chàng thi sỹ của Buồn xưa lại không đi tiếp con đường đổi mới thi ca vừa mới bắt đầu mà nhường việc ấy cho những người trẻ hơn tiếp tục như Nguyễn Đình Thi. Hồng Nguyên. Chính Hữu… Tôi cho rằng điều ấy cũng phù hợp với logic của sáng tạo văn chương. Sau cách mạng Tháng 8-1945, Xuân Sanh làm chủ bút tuần báo Gió mới của Tổng hội sinh viên cứu quốc. Sau tham gia lãnh đạo văn nghệ kháng chiến liên khu 4. Đến giữa năm 1949 về công tác ở Trung ương Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc. Từ 1954 đến 1989 liên tục tham gia Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. Có khi được giao làm Tổng thư ký. Sự thay đổi nghiệp đời như thế lẽ dĩ nhiên thế giới quan phải thay đổi, có lẽ làm cho ông chuyển từ siêu thực vốn đã bị phê bình sang phản ánh hiện thực cho an toàn hơn. Chuyện hay dở trong văn chương là chuyện của cả một đời người, đôi khi còn chưa dứt. Các tập thơ Tiếng hát quê ta (1947-1954), Sáng thơ (1956-1960), Nghe bước vào xuân (1956-1960), Đất nước và lời ca (1970-1977), Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh (1936-1990) v.v… cả một đường thơ được nhẫn nại đắp nên để đi tới. Rất đáng được người đời trân trọng.

Vậy mà, khi đọc lời giới thiệu Con đường nửa thế kỷ thơ của Nguyễn Xuân Sanh do Tế Hanh viết từ 1987 đến 1991, tôi không sao tránh khỏi bị ngậm ngùi. Nhớ lại hồi 1941, Hoài Thanh đã nhắc nhở Tế Hanh như sau: “Tệ hơn nữa, người muốn hưởng cái thú tàn nhẫn được thấy người yêu ‘đau đớn quằn quại’… sự thành thực của thi nhân không thể ngờ được…” Tế Hanh có khắt khe lắm không khi vào năm 1991 rồi còn hạ một câu: “có một số cái gì dường như còn chưa nhập cuộc, hay có thể nói đúng hơn chưa nhập cuộc hoàn toàn… Có một đôi cái gì do hoàn cảnh nào đó chưa nở rộ hẳn ra đón chúng ta.” Thời bao cấp bảo gì thì bảo mà bảo nhà văn chưa nhập cuộc thì… thôi rồi! Chừng ấy của cả đời thơ Nguyễn Xuân Sanh mà bảo chưa nhập cuộc được chăng?

Nhận xét của Tế Hanh chỉ nên dành cho một số bài thơ đã thuộc về dĩ vãng như Trong sương đêm (1947), Ghi câu chuyện nhỏ (1948), Rừng vui (1949). Từ siêu thực trầm mặc thơ và đạo kết liền nhau đến con đường thơ phản ánh hiện thực là một sự quặn đau dữ dội để phục sinh không dễ dàng chút nào. Dường như đó là con đường chung của nhiều nhà thơ có thành tựu trong phong trào Thơ Mới đi theo Cách mạng, kể cả những thi tài như Huy Cận, Chế Lan Viên. Họ phải mất hàng chục năm để phục sinh. Cả hai người ấy, nhất là với Chế Lan Viên, đến lúc phục sinh thì lập tức nở rộ. Như cuộc diễu hành chiến thắng của nhiều tập thơ hay. Nguyễn Xuân Sanh không có được cái may mắn ấy. Chặng đường phục sinh của thơ ông dài đằng đẵng đến hết thế kỷ 20. Thơ ông không chín lại theo mùa như các bạn thơ cùng thời mà chín từng bài. Đôi khi từng câu một. Đôi khi khoảng cách giữa sự chín ấy lại thật là dài…

Bao nhiêu tình ý của một cuộc đời. Nhưng tôi nhận thấy hễ khi nào Nguyễn Xuân Sanh viết về hoài niệm, về kỷ niệm đã qua, thường có được những câu thơ hay nhất. Và số đó cũng không phải là nhiều, nếu không muốn nói là ít ỏi của lao động vất vả một đời người. Dòng thơ về hoài niệm, kỷ niệm đựng nhiều thơm thảo nhất trong thế giới thơ Nguyễn Xuân Sanh.

Đó là hoài niệm về biển miền Trung sóng vỗ bạc đầu, rạt rào nỗi nhớ quê hương, nghe như bức tranh thiên nhiên đã để lại lâu lắm rồi bên trời Thu. “Mũi Én như bàn tay hứng trăng. Trút ánh đêm Thu bãi cát bằng. Sóng vỗ bạc đầu quanh mỏm đá. Rạt rào nghe rõ tiếng đêm chăng?” – Nhớ biển (2-1961).

Đó là cảnh mùa xuân bâng khuâng ở chùa Hương Tích. “Xuân chưa về, núi chưa mưa. Nhưng bên ta khắp rừng mơ nở rồi” – Trước xuân thăm chùa Hương Tích (12-1962).

Đó là kỷ niệm trên Nậm Tà Lê ở Trường Sơn. Rừng, sông, núi như nói hộ lòng người ra trận mà vằng vặc nỗi niềm với đất nước quê hương. “Tôi cầm dăm cánh lá bay. Thả xuôi con nước rừng ngây ngất chiều… Con sông vằng vặc nhìn ai. Nhìn khuya ngọn núi, nhìn mai con đường.” - Trên một ngả đường đất nước (9-1973).

Đó là ngọn đồi Mái Nhà ở miền Trung nơi con trai nhà thơ đã ngã xuống thời chiến tranh. Khi hoà bình ông đến đây chỉ gặp được gió không gặp được người. “Đá hiện lên gương đồi xanh. Nghe như ngan ngát hương lành cỏ tơ. Ta đi cho đến bao giờ. Mà trời cứ mở gió trưa, gió chiều” – Thăm ngọn đồi nơi con từng chiến đấu (6-1-1976).

Đó là trở lại đường cũ tuổi thơ ở thành phố biển Quy Nhơn khi ông đã về già, những kỷ niệm của đời người tưởng đã rất xa mà lại sẫm màu hiện tại. “Về đây cả một cuộc đời. Tim ta tìm lại bồi hồi ngõ đêm. Trên kí ức một hiên thềm. Biển vui thở sóng dãy đèn ngã tư” – Thăm đường cũ ngày tuổi nhỏ, quãng sau (1980).

Nguyễn Xuân Sanh còn nổi tiếng là một dịch giả thơ có uy tín. Cùng với Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Đào Xuân Quý… Một thế hệ vàng trong việc chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt thơ của các nhà thơ nổi tiếng cả ở 5 châu lục, nhất là các nhà thơ phương Tây. Heinrich Heiner, G.Apollinaire, Paul Éluard, Adam Mikiewicz, Petofi Sándor… Hai trăm bài thơ dịch của Nguyễn Xuân Sanh góp phần vào việc xây dựng nền tảng cho văn học dịch ở lĩnh vực thơ ca. Ông dịch thơ tây mà bình di dễ hiểu. Nhớ mãi cảnh mùa thu thân thuộc chẳng khác gì làng quê Việt Nam trong thơ Apollinaire, khi người nông dân dắt bò đi trong sương mù buổi sớm, nó che nỗi thẹn thùng của thôn xóm nhỏ. Người nông dân vừa bước đi vừa ngâm nga bài ca về tình yêu và lòng bội bạc để kết thúc bằng một câu cảm thán. “Ôi! mùa thu đã giết chết mùa hè. Giữa sương mù hai bóng xám ra đi.”

Nghề làm văn, làm thơ là nghề của ân tình. Nếu không thế thì làm để làm gì nữa. Tôi biết Nguyễn Xuân Sanh là nhờ học thuộc lòng bài thơ Vườn dừa của ông trong sách tập đọc lớp 4 hồi năm 1960. Khi vào đại học năm 1968 biết thêm Buồn xưa. Một trong số ít bài thơ được nhớ vì quá đặc biệt, không giống một ai. Thơ đã đành rằng quý một đằng vì hồn người ở đấy. Nhưng khi tuổi càng già đi với bao trải nghiệm nhiều khi đắng cay ở cuộc đời này thì càng quý trọng tình người, tình đời, tình bạn bè… Càng yêu quý và trân trọng, đồng cảm với Nguyễn Xuân Sanh. Ông quê gốc ở Quảng Bình nhưng sinh ra ở Đà Lạt. Thời đầu những năm 1930, Cụ thân sinh làm thừa phái ở Quy Nhơn. Vì vậy Nguyễn Xuân Sanh học ở trường Quốc học Quy Nhơn. Trường có thầy Tú Thọ, thân phụ nhà thơ Xuân Diệu. Thầy Tú dạy chữ nho vào thứ 5 hàng tuần. Xuân Diệu cũng học ở trường đó trước Nguyễn Xuân Sanh mấy năm. Tình bạn giữa Chế Lan Viên và Nguyễn Xuân Sanh thật cảm động. Trong thư Chế Lan Viên gửi ông ngày 20/4/1988 có viết: “Sanh à, mình có về Bình Định, tìm ra cái nền nhà mình, tức là nhà Sanh bên cạnh”. Nguyễn Xuân Sanh và Chế Lan Viên khi ở Quy Nhơn cũng như khi về nhà bố mẹ ở sát bên nhau, ngoài cửa đông thành cổ Bình Định, thị trấn An Nhơn, thường nói chuyện với nhau về Hàn Mạc Tử. Nhớ lại việc in Điêu tàn, hồi 1957, Chế Lan Viên viết: “Hồi đó Sanh đứng ra xem in Điêu Tàn, và lo cho cả việc đòi nợ của Thái… Thất Lang Nam kỳ bây giờ. Sanh có nhớ bữa hai đứa đi đòi được 20 đồng, Sanh dẫn Hoan đi may brique?”

Năm 1937, Chế Lan Viên gửi Điêu Tàn từ Quy Nhơn ra Hà Nội cho Nguyễn Xuân Sanh. Một buổi chiều, Xuân Sanh liều mạng xông bừa vào nhà in Thuỵ Ký ở phố Hàng Gai. Vì cái liều ấy mà được nhận in Điêu tàn với giá 50đ. Nguyễn Xuân Sanh đã lo sốt vó vì số tiền thật là quá to. Xuân Diệu nhận sắp xếp lại trật tự các bài thơ trong Điêu tàn. In xong, Xuân Sanh gói ghém Điêu tàn gửi vào Quy Nhơn cho Chế Lan Viên để phát hành ở trong Nam, còn ông tự đi phát hành ngoài Hà Nội để có tiền trả cho Thuỵ Ký. Điêu tàn, một trong những tập thơ nổi tiếng nhất thế kỷ 20 đã bước ra cuộc đời một phần nhờ tình bạn như vậy đấy.

Huy Cận trong Hồi ký song đôi có kể một kỷ niệm đáng nhớ của ông và Xuân Sanh, khi họ mới chập chững bước vào nghề văn. Hồi mùa hè 1936, Huy Cận có mấy bài bình văn được đăng báo Sông Hương do Phan Khôi làm chủ bút, Hoài Thanh làm biên tập. Xuân Sanh khuyên Huy Cận đến thăm toà báo. Vào một buổi chiều, hai người tìm đến trụ sở báo ở phố Gia Hội. Hoài Thanh tiếp họ. Nói chuyện văn học hợp gu lắm. Cả hai người rào trước đón sau quanh co mãi rồi cũng hé ra cái chủ ý muốn tiền nhuận bút. Nhưng cả hai ông phải về tay không, vì những bài của Cận chỉ là những bài lai cảo không được trả tiền.

Cuối tháng 5/2019, tôi đi tìm gặp Nguyễn Xuân Sanh, với cái vinh hạnh một kẻ hậu thế được trực tiếp kiến diện người cuối cùng của phong trào Thơ Mới. Nguyễn Xuân Sanh mấy năm nay về nương náu ở phường Khương Trung, đường Tô Vĩnh Diện. Ngõ 102. Ngách 22. Nhà số 3. Tôi đã xem nhiều sách của các cụ nhà ta ngày xưa cũng như các học giả thời hiện đại về kinh thành Thăng Long thấy rất ít nói về làng Khương lắm! Khương Hạ, Khương Trung, Khương Thượng xưa là đất trồng rau, đặc biệt là trồng gừng để phục vụ cho việc làm thuốc trong Hoàng Thành. Ở đây có cả một xóm người Chăm theo quan quân triều đình ra đây lập nghiệp từ hồi thế kỷ 13, 14. Sau này thời thực dân, phát sinh một số gia đình làng Khương làm nghề thợ nguội ở trên phố hàng Thiếc… Cư dân cả 3 làng đều là tầng lớp bình dân cả. Khác với bên kia sông Tô Lịch – bên làng Mọc, làng Quan Nhân… toàn là đất học và đất làm quan. Có nhiều danh sỹ người gốc vùng đấy… Trong cuốn Hà Nội chỉ nam có phụ đề bằng tiếng Pháp Guide de Hanoi được Nghiêm Hàm ấn quán in 1923 thì nếu đi xe điện từ Bờ Hồ qua Hàng Gai, Hàng Bông rồi Thái Hà ấp (sào quật của các cô đào) đến Ngã Tư Sở vào Hà Đông cả hai đường giá vé hạng ngồi đệm da người lớn 7 xu, trẻ con 3 xu. Đến Ngã Tư Sở xuống tàu đi bộ vào Khương Trung. Còn nếu đi xe ngựa cao xu thì phải thuê nửa ngày tại tiệm Maison Tricolore ở 46 Hàng Lọng hết 6 đồng bạc Đông Dương. Xa xôi quá. Tôi làm một tour taxi đến ngõ 102 thì dừng lại xuống xe đi bộ. Đoạn đường từ đầu ngõ 102 vào ngách 22 tìm nhà số 3 không phải thật là dài. Nhưng cũng đủ để tôi ôn lại đường đời đường thơ qua một thế kỷ mà gió mưa đã đưa chàng hoàng tử trong Buồn xưa đến cư ngụ tại nơi xa xôi và hẻo lánh nhất của kinh thành xưa. Tôi đã đi theo chàng qua nhiều địa chỉ ở cuối bài thơ. Đà Lạt. Quy Nhơn. Huế. Hà Nội. Vùng than Quảng Ninh. Việt Bắc. Bungari. Rumani. Paris. Mascơva. Bắc Kinh… và sáng hôm nay tôi đi tiếp đoạn đường có lẽ là đoạn đường cuối cùng của chàng. Đời người ta sao phiêu diêu thế nhỉ? Đến số 3 rồi. Đó là một toà nhà nhỏ mà ở tầng trệt hình thành 5 không gian sống không có vách ngăn đầy đủ. Bước vào nơi để xe đạp, xe máy và lổn nhổn giày dép. Tiếp theo bên trái là nơi đặt 2 chiếc ghế giả da đã cũ dùng để tiếp khách. Một bên là tường. Một bên dựa vào chiếc tủ đứng bằng ván công nghiệp đã cũ. Trong khung kính phía trên tủ đặt ảnh bán thân hai anh em đồng hao Vũ Tú Nam – Nguyễn Xuân Sanh. Đằng sau cái tủ ấy rộng chừng 1m bề ngang đủ kê một chiếc giường một cho nhà văn Nguyễn Cẩm Thạnh. Sinh 1927. Phu nhân của nhà thơ. May mắn diện tích nhỏ này có một khung cửa sổ đón ánh sáng từ bên ngoài vào. Tôi xin phép chị Nguyễn Việt Triều, con gái nhà thơ, cho tôi được vào kiến diện ông. Đi qua một khu bếp nhỏ chừng vài m2 nhiều đồ đạc bước vào ngăn thứ 5 rất hẹp. Đủ kê vừa một chiếc giường một. Màn buông kín và có nhiều cặp nhựa nhỏ kẹp theo mép đỉnh màn. Trong màn là một cụ già đầu tròn, tóc cắt sát da đầu, mắt nhắm, phía trên một góc màn là dây tiếp thuốc. Có 1 dây đưa thẳng vào bụng để truyền thức ăn. Tự dưng tôi ứa nước mắt. Đó là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh – chàng hoàng tử của Buồn xưa, người tôi đã thấy đẹp trai, hào hoa phong nhã trong những bức ảnh hồi kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc và những năm sau hoà bình của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu. Im lặng choán chỗ không gian sống. Tôi không nhớ khi ngồi ở chỗ ghế khách bên ngoài hay ở đây, hay ở ngoài ngõ vắng 102, tôi đã đọc thật to: “Em nhớ trái dừa tròn, Của quê em Bình Định, Lấy ngón tay em tính, Ngày trở lại vườn dừa.” Mắt nhà thơ đương nhắm nghiền chợt mở ra ở phía bên trái. Tôi đọc tiếp thật to: Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà bật ra từ vô thức. Tôi như thấy khoé miệng của người trăm tuổi ấy nở ra một nụ cười khô héo mà thật phong nhã, kiêu sa. Vâng! Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà. Và trong góc chật hẹp của gian phòng nhỏ bé này như vang lên khúc Dạo chơi của Paul Éluard qua lời của người đang im lặng nằm bất động trong cái màn mà đỉnh của nó đính đầy kẹp nhựa định mệnh kia. “Bé hơn một quốc gia. Nhưng đất rộng vô song. Đất thuộc về tôi nơi đây và nơi đó. Ở bất cứ nơi đâu khác nữa…”


Theo Văn nghệ, số 35+36, 2019.
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - người tạo cho thơ sức lôi cuốn kỳ ảo

Nguyễn Xuân Sanh cho rằng “Thơ không phải để hiểu mà là để cảm. Thơ chính là một cách tri thức cao cấp, mang tính hàm súc, u uẩn và huyền ảo.”

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - thi sỹ cuối cùng của phong trào Thơ Mới - đã qua đời sáng ngày 22/11/2020.

Không chỉ là người bắc nhịp cầu đầu tiên từ Thơ mới sang thơ hiện đại, ông còn có đóng góp lớn trong việc cách tân thơ, đào tạo nhiều nhà văn, dịch giả trẻ, giới thiệu nhiều tác gia văn học lớn của thế giới với bạn đọc trong nước.

Lẵng xuân
Bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
(Buồn xưa)
Những câu thơ này đã trở thành câu thơ nằm lòng cùng thời gian, cùng các thế hệ học tập và công chúng yêu văn chương. Và có lẽ cũng chính vì thế mà tên tuổi, văn nghiệp của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - con người nho nhã, khiêm cung - vẫn luôn toả sáng.

Người đón Thơ mới ở cuối con đường

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh ngày 16/11/1920, tại cao nguyên Đà Lạt, trong một gia đình yêu văn chương. Cha ông là một nhà nho ở Quảng Bình, sau vào Đà Lạt sinh sống nên ông ra đời ở đây. Từ nhỏ, ông theo học ở trường Quốc học Quy Nhơn (cũ), sau đó chuyển ra Hà Nội.

Năm 1935, ở tuổi 15, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Sanh đã cho ra mắt trường ca Lạc loài, được nhà phê bình Lê Tràng Kiều - chủ bút Hà Nội báo - trân trọng giới thiệu và cho đăng liền 13 số báo. Đây là một niềm vinh hạnh không dễ gì có được đối với một cây bút trẻ và dấu mốc này đã khích lệ Nguyễn Xuân Sanh trong suốt cuộc đời sáng tác.

Tác phẩm đầu tay của ông đã phá vỡ những chuẩn mực thơ truyền thống, phá vỡ sự liền mạch của Thơ mới, với những câu đầy ấn tượng:
Gió trắng se mùa thơm dáng liễu
Xa vời nẻo nhạt xanh buồn xanh...
Sau một năm có thơ in báo, Nguyễn Xuân Sanh tiếp tục trình làng bài thơ Xây mơ gửi tặng Chế Lan Viên - người bạn hàng xóm thuở ấu thơ.

Khuynh hướng siêu thực, tượng trưng của tác giả thể hiện đậm nét trong tác phẩm này:
Tay sương lam mờ đương buông tơ
Nghe sương lam mờ đường giăng mơ…
Chưa thả bờ yêu ra đón má
Môi xa vây người nơi xa xôi.
Ngay lập tức, bài thơ đã được đăng trên báo Tiếng địch ở Huế và năm 1940, nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát đã phổ nhạc thành ca khúc cùng tên nổi tiếng.

Năm 1939, khi đã thành danh trên văn đàn, Nguyễn Xuân Sanh cùng 5 văn nghệ sỹ (Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung và Nguyễn Xuân Khoát) thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập, với mơ ước xây dựng một đôi công trình tốt đẹp cho văn chương nghệ thuật và cho đời.

Có lẽ cũng chịu ảnh hưởng của người bạn học, người hàng xóm sát vách thuở ấu thơ ở Quy Nhơn là Chế Lan Viên - người coi “làm thơ là một sự phi thường” - mà Nguyễn Xuân Sanh và nhóm Xuân Thu nhã tập cho rằng “Thơ không phải để hiểu mà là để cảm. Thơ chính là một cách tri thức cao cấp, mang tính hàm súc, u uẩn và huyền ảo.”

Đây là một hướng tìm tòi mới được giới văn chương đương thời coi là một hiện tượng văn học độc đáo, sự tiếp nối của phong trào Thơ mới ở chặng đường cuối cùng của nó. Ở đây tình yêu, sự cô đơn, nỗi buồn với mọi cung bậc màu sắc đã được khai thác đến vỉa cuối cùng.

Theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý: “cuộc chạy tiếp sức của thơ Việt vào hiện đại còn chậm chạp và phải qua nhiều chặng,” nhưng người khởi động chặng đầu không ai khác là Nguyễn Xuân Sanh với Buồn xưa - một ngôi đền đơn độc và kỳ bí. Nó hiện ra vẻ đẹp toàn bích và kỳ ảo của chủ nghĩa tượng trưng và “phá vỡ tính liên tục của dòng cảm xúc và mạch liên tưởng trong thơ”:
Lẵng xuân
Bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
… Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa….
Có thể nói, Buồn xưa như tiếng nhạc trầm buồn của hoa lá cỏ cây, của nhịp hải hà đầy quyến rũ đưa đẩy con người vào thế giới của siêu thực trong sáng mà say đắm. Để cuối cùng chợt nhận ra rằng sau những quỳnh hoa và ngọc quế ảo não trong nỗi buồn không sao giũ được, không thể thiếu được bóng dáng của người xưa yêu dấu. Đó là chàng hoàng tử nghiêng mái tóc buồn đượm một làn mưa giữa ngàn mây tràng giang buồn muôn thuở. Và có lẽ, chàng hoàng tử đó chính là Nguyễn Xuân Sanh - người đã viết Buồn xưa khi mới 19 tuổi.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, những thể nghiệm của nhóm Xuân Thu nhã tập đã kích thích tìm tòi, không để thơ ngủ quên trên thành công của dòng lãng mạn trước đó. Mặt khác, Nguyễn Xuân Sanh cung cấp thêm cho thơ những năng lực khêu gợi tiềm ẩn độc lập trong từng chữ. Tận dụng năng lực này sẽ tạo cho thơ sức lôi cuốn mê đắm, kỳ ảo, là điều rất cần với thơ, nhất là thơ chúng ta hôm nay. Sự mở đường cách tân rất đáng trân trọng này đã tạo tiền đề cho các nhà thơ sau này tiếp tục đổi mới, sáng tạo.

Mở đường cho sự cách tân và sáng tạo

Trong những năm 1940-1941, Nguyễn Xuân Sanh viết tập Đất thơm, thể nghiệm thể thơ văn xuôi, bằng cách tổ chức đặc sắc một bài thơ văn xuôi với những tiêu đề nhỏ và những suy tưởng thơ rộng mở của tác giả bằng những vần thơ tươi sáng và mới lạ:
Chiều nay ta chỉ yêu đồng xanh
Ta mộng cánh đồng vàng
... Đồng mọi nơi sắp chín
Sắp gặt vụ mùa
Chùm bông nặng chưa chín nghiêng nhành lúa trong hạt đã gần căng
Hương đặc lùa ra bờ ruộng cỏ
… Ta dành buổi chiều nhớ cánh đồng vĩnh viễn.
Với Đất thơm, có thể nói Xuân Sanh là nhà thơ đi tiên phong về thơ văn xuôi trên thi đàn Việt Nam hiện đại. Sự mở đường cách tân rất đáng trân trọng này đã tạo tiền đề cho các nhà thơ sau này tiếp tục đổi mới, sáng tạo.

Các nhà văn đương thời, như Tế Hanh, Trinh Đường, Nguyễn Bao, Mã Giang Lân, Đỗ Lai Thuý… không chỉ một lần cho rằng Nguyễn Xuân Sanh là người bắc nhịp cầu đầu tiên từ Thơ Mới sang thơ hiện đại, một hướng đi mới của Thơ mới ở chặng cuối con đường của nó. Tuy nhiên, sau Buồn xưa, dường như Nguyễn Xuân Sanh không đi tiếp con đường đổi mới thi ca mà nhường việc ấy cho những người trẻ như Nguyễn Đình Thi, Hồng Nguyên, Chính Hữu…

Gần 10 năm sau, bằng một nhịp điệu mới của thơ không vần, bằng những hình ảnh lấy nguyên từ cảm giác đời sống, bằng một ngôn ngữ thuần khiết đời thường, Nguyễn Đình Thi đã làm nốt những điều Nguyễn Xuân Sanh bỏ lại, đưa thơ Việt tiến thêm một bước...

Năm 1964 ở miền Nam, Thanh Tâm Tuyền đã cho ra đời tập thơ văn xuôi: Liên - Đêm - Mặt Trời nhìn thấy. Thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu 21, một số nhà thơ trẻ cũng sáng tác thơ văn xuôi như Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh… Cứ thế, thơ văn xuôi tiếp tục con đường khai mở của Nguyễn Xuân Sanh trên hành trình đi tìm cái mới.

Và Cách mạng Tháng Tám không chỉ mang sức mạnh chuyển đổi to lớn thay đổi cuộc sống con người mà còn mang đến nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca, đặc biệt là các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới. Nguyễn Xuân Sanh đã nhanh chóng bắt nhịp, đi theo cách mạng và chuyển sang phản ánh hiện thực. Ông làm chủ bút tuần báo Gió Mới của Tổng hội sinh viên cứu quốc và tham gia lãnh đạo văn nghệ kháng chiến liên khu 4.

Đến giữa năm 1949, ông về công tác ở Trung ương Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc và làm chủ bút tờ báo Sáng tạo. Từ 1954 đến 1989, ông liên tục tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1957, tại Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông giữ cương vị Phó Tổng Thư ký; Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn các khoá I, II và III.

Vừa làm công tác quản lý, ông vừa cho ra đời những tác phẩm được đông đảo độc giả yêu thích. Các tập thơ Tiếng hát quê ta (1947-1954), Sáng thơ (1956-1960), Nghe bước vào xuân (1956-1960), Đất nước và lời ca (1970-1977), Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh (1936-1990)... là cả một đường thơ được ông nhẫn nại đắp nên để đi tới và được người đời trân trọng.

Hai bài thơ của ông là Nhớ dừaCô giáo lớp em, đã được đưa vào chương trình môn tiếng Việt phổ thông, gắn liền với nhiều thế hệ học sinh hơn 60 năm trước:
Em nhớ trái dừa tròn
Của quê em Bình Định
Lấy ngón tay em tính
Ngày trở lại vườn dừa
(Nhớ dừa)
Dịch giả thơ có uy tín

Quý… là một thế hệ vàng trong việc chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt nhiều bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng cả ở 5 châu lục, như Heinrich Heiner, G.Apollinaire, Paul Éluard, Adam Mikiewicz, Petofi Sándor… Ông nổi tiếng với những tập thơ dịch, như Thơ Victo Hugo (1986), Tuyển tập thơ Pháp (3 tập, 1989-1994), Toàn tập 11 tác phẩm của nhà thơ Thuỵ Điển Tomas Tranströmer (1995)…

Nguyễn Xuân Sanh dịch thơ nước ngoài rất bình dị và dễ hiểu. Hai trăm bài thơ dịch của ông đã góp phần vào việc xây dựng nền tảng cho văn học dịch ở lĩnh vực thơ ca.

Từ năm 1966 đến 1975, ông được bầu làm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn Trẻ và làm Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch.

Với những đóng góp to lớn cho văn học nước nhà, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001; Giải thưởng ngoại hạng Hội Nhà văn Việt Nam (1951-1952). Năm 1982, ông được Nhà nước Ba Lan tặng Huân chương công trạng.


Hoàng Yến, báo Vietnam+, ngày 22-11-2020.
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook