Gần 40 năm trước, tiếng kêu cứu của những em bé Campuchia mồ côi cha mẹ cần sự chở che trước nạn diệt chủng Khmer Đỏ lay động Nguyễn Trọng Tạo, khiến ông viết nên bài thơ nổi tiếng "Hát ru em bé Campuchia".

Ngày 19/7, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đăng trên facebook của ông tác phẩm mang tên Hát ru em bé Campuchia. Bài thơ nhanh chóng nhận được gần một nghìn lượt bấm yêu thích từ bạn đọc, hơn 50 trang cá nhân cùng chia sẻ lại sáng tác này. Rất nhiều bạn đọc gửi lời bình luận trên trang cá nhân của nhà thơ để bày tỏ sự xúc động khi những vần điệu của Hát ru em bé Campuchia chạm sâu sắc vào nỗi đau chiến tranh mà người dân xứ sở Chùa Tháp từng gánh chịu.

Với một tứ thơ đẹp và trầm buồn, bi hùng, từng khổ nhỏ của sáng tác này xoáy đi xoáy lại hình ảnh người lính Việt Nam hát ru cho em bé Campuchia mồ côi cha mẹ, phải ly tán sang đất nước Việt Nam để lánh nạn. Câu hát ru như lời thủ thỉ, tâm tình nhưng cũng chất chứa, dồn nén tiếng nấc nghẹn của nỗi đau về mất mát, chia ly và nỗi buồn về cuộc chiến. Để từ đó, tác giả gửi gắm một khát vọng về hoà bình, lòng nhân ái, chở che.

Tác phẩm này vốn được Nguyễn Trọng Tạo viết vào năm 1978. "Đã gần bốn mươi năm trôi qua, đọc lại bài thơ này, tôi còn nhớ như in một vùng trời lửa cháy với tiếng nổ chát chúa của bom đạn và tiếng khóc thét của trẻ con phía biên giới Tây Nam ngày nào vẫn còn vang vọng đến hôm nay. Là một người lính, một người cha, tôi không bao giờ muốn nhìn thấy cảnh đau thương đó nữa…", tác giả hồi tưởng.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng từng là một người lính. Ông kể, thời chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, khoảng 1977-1978, quân Khmer đỏ (Pol Pot – Ieng Sary) không chỉ tràn sang lấn chiếm đất đai và tàn sát dân Việt mà còn tàn sát cả thường dân Campuchia, gây ra hoạ diệt chủng. Nhiều người dân Campuchia chạy sang Việt Nam lánh nạn và được quân dân Việt Nam bao bọc, che chở. Hồi đó, một số nhà văn của "Trại viết văn quân đội" từ Hà Nội đi vào biên giới Tây Nam để viết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của quân dân. Nhiều bài bút ký, truyện ngắn và bài thơ đã ra đời trong giai đoạn này.

Khi tận mắt chứng kiến và nghe thấy những tiếng kêu cứu của các em bé Campuchia được bộ đội Việt Nam cứu sống, Nguyễn Trọng Tạo viết bài thơ Hát ru em bé Campuchia. Những ý thơ cứ tuôn ra trên đầu ngọn bút khi ông dành tình yêu thương của mình cho những em bé mồ côi cha mẹ trong cuộc chiến, và cho cả một dân tộc với nền văn minh Angkor rực rỡ đang bị đe doạ bởi sự tàn ác của Khmer Đỏ.

Bài thơ được in trên báo Văn Nghệ 1978, liền sau đó được nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha phổ nhạc và ca sĩ Kim Oanh thu thanh cùng dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (bản phối khí của Phạm Khắc Vinh). Bài hát được chọn vào băng ca nhạc gửi hội đồng Liên Hiệp Quốc trong hồ sơ tố cáo tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ.

Năm 1988, Nguyễn Trọng Tạo còn đi theo phái đoàn giám sát việc rút quân tình nguyện Việt Nam ra khỏi đất nước Campuchia. Đến lúc đó, ông mới thực sự biết về đất nước Chùa Tháp và những em bé có nụ cười Bayon hồn hậu. "Khi đó, tình cảm của tôi vẫn là tình cảm của một người lính: thương xót và sẵn sàng bảo vệ", ông nhớ lại cảm xúc của hàng chục năm trước.


VnExpress - 21/7/2015
tửu tận tình do tại