LỜI BÌNH CỦA KIM DIỆU HƯƠNG ( TRÍCH TRONG BÀI: HẠT GẠO ĐỒNG TRỜI- NHỮNG TRẦM TÍCH THĂNG HOA TRONG THƠ NGUYỄN TẤN VIỆT)


  Với bài thơ Trời cũ ngày xưa trong tập thơ Hạt gạo đồng trời, theo tôi ,đây là bài thơ hay vào bậc nhất của Nguyễn Tấn Việt.Anh viết về người mẹ đã khuất của mình với lời lẽ trang trọng, thành kính, thao thiết nữa .Cách lập ngôn khúc triết, câu chữ  sáng trong như ánh trăng, như nắng trời.Hình tượng người mẹ bình dị, gần gũi vừa huyền bí, linh thiêng: “Mẹ là người thiên cổ, con mới hiểu buổi chiều /Mẹ gọi sao hôm /Mẹ là ngôi sao lưu lạc/Mẹ là cơn mưa tha phương/Ông bà nuôi cùng  nỗi buồn không có tháng giêng/Đón mẹ từ suối khô/Qua mấy làng quê, qua mấy thị thành/Mẹ trụ lại giữa làng ba mặt sóng”nhưng “Hôm nay mẹ đã về trời/Con bước núi chạy sông /Con dầm mưa trải gió/ Nếu còn sao mẹ lại về trời/Con làm sao tìm được quê người/Con làm sao tìm ra quê mẹ/Bốn phương trời không có mây để hỏi/Bốn phương trời không có gió đưa tin/Mẹ về trời rồi con mới nhận ra/Mẹ không giống một ai trên mặt đất/Trong dòng họ không biết buồn” và đây nữa : “Mẹ không như bóng tre, mẹ không hệt bóng đa/Mẹ không bao giờ giàu sang/Mẹ không bao giờ nghèo khó/Nhưng mẹ khác người/Nỗi buồn tìm về trời cũ ngày xưa/Nỗi buồn làm đông lạnh cả dải sương mù/Nỗi buồn đọng lại cả dòng thác đổ/Mẹ lạc ngay trên Tổ Quốc/Mẹ tha phương ngay ở trái tim mình/Con lớn lên nào biết đâu dòng lệ/Bâng khuâng mãi khi được khen giống mẹ/Nhưng con sao lại giống được người/Cái dáng đứng như tạc trên dốc nắng/Cái dáng đi mất hút cánh đồng sương/Nỗi buồn làm cho mẹ/Chỉ sống đời một nửa/Mẹ không sống cuộc đời hai mặt/Mẹ không sống cuộc đời hai chiều/Nửa đời mẹ chẳng ghét được ai/Nửa đời khóc nào có ai thù hận/Nghe cả họ/Nghe cả làng/Khen mẹ sống có sau có trước/Mẹ càng buồn hơn/Càng thương họ hơn/Giọt giọt lệ rơi vào đời giọt ngọc/Nỗi đau buồn thắt lại hoá kim cương”, anh đã khơi mở vào cái điều thiêng liêng của mẹ: “Không biết những ngày sống với nhau, bố đã khóc những gì với mẹ/Bố đã hát những gì với mẹ/Con không dám chạm đến những điều thiêng liêng/Con không dám chạm đến điều bí ẩn...Mẹ phong kín khoảng trời xưa cũ” và anh thảng thốt: “Không biết ngày sinh con mẹ khóc hay mẹ cười/.../Mẹ lảng tìm phía trước ở sau lưng/Giọt sữa đầu tiên lại là giọt lệ/Tiếng ru con đầu tiên lại là tiếng kêu trời/Con không biết mẹ vui hay mẹ buồn/ấm ủ niềm tin hay vô vọng/Con hai mươi còn bé bỏng/Lời ru nào cầm lại cuộc đời con/Con giật mình nhận ra sao hôm sau ngày tang mẹ” Người mẹ ấy cũng thật khác thường: “Hai mươi năm mẹ không dạy con một điều gì”, thực ra mẹ không dạy con nhưng lại là một cách dạy đấy. Mẹ lấy im lặng, lấy việc làm, lấy việc ăn ở đức độ...để dạy con nên người. Và anh cũng đã hé mở: “Mẹ không dạy con giàu/Mẹ không dạy con nghèo/Mẹ không dạy con thương thân/ Mẹ không dạy con yêu người khác/Mẹ không dạy con nên người (ai mà chẳng nên người/Không tao nhã thì thành người thô ráp/Không giàu sang thì thành kẻ bần cùng/ Không làm thiện tự dưng làm ác/ Có gì đâu mà chẳng nên người). Mẹ chỉ dặn con một điều: "Là con người không được quên trời cũ” và ...
   Với bài thơ trời cũ ngày xưa, Nguyễn Tấn Việt đã tạc nên một tượng đài về thơ thật kỳ vĩ về người mẹ. Người mẹ ấy vừa kim vừa cổ, vừa truyền thống vừa tân tiến, vừa thực vừa ảo. Người mẹ ấy vừa có tư tưởng, tâm hồn vừa có dáng vóc thật đẹp đẽ, sang trọng và kiêu sa nữa. Nhà thơ đã tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống bằng một bút pháp linh diệu. Rất may, khi nhập đồng làm thơ nhà thơ không bị lạc trong mê lộ của các thủ pháp thơ mà thung thăng trong cõi minh triết của lẽ đời./.


                                        K.D.H