Cơm Độc lập, nước Tự do
(Tôn Nữ Hỷ Khương)

Vào khoảng 1950-1953, tòa Khâm sứ ở Huế là chỗ giam tù của Pháp, mà tù nhân phần nhiều là những người dân vô tội bị bắt trong các cuộc bố ráp ở thôn quê, đem về giam tại đây. Một buổi chiều đi ngang qua đó, thầy tôi dừng xe lại hỏi thăm một người đàn bà, tay ôm một gói cơm bới, tay xách một hủ nước chè đang đứng trước cửa tòa Khâm thì được biết bà ta từ thôn quê, cách thành phố mấy chục cây số lên đây bới cơm cho chồng. Chồng bà là một nông dân chất phác, hiền lành, vừa bị Tây "đi lùng" bắt về thành phố và giam nơi đây. Mủi lòng và chua xót trước cảnh tượng này, thầy tôi viết đôi câu hò trên làm ký sự.

Câu hò này đã một thời ở Huế làm cho nhiều người xúc động qua sự việc vừa kể trên mà lúc đó mọi người dân ở Huế ai cũng biết rất rõ. Nhưng điều làm tôi ghi nhớ nhất là sau năm 1975, một hôm bỗng dưng tôi nhận được thư của một người bạn thơ từ Đà Nẵng, nói với tôi rằng: "Thi sĩ Vũ Đình Liên vào thăm đất Hàn, tình cờ đọc cuốn "Tiếng hát sông Hương" rất lấy làm thích thú, và tiên sinh tâm đắc nhất là bài "Cơm Độc lập, nước Tự do". Nhà thơ họ Vũ, tác giả bài thơ "Ông đồ" mà có lẽ trong thế hệ chúng ta không ai là không thuộc. Riêng tôi rất đỗi kính phục. Do đó, sự việc này làm cho tôi càng thêm cảm kích.

Rồi một hôm cũng khoảng thời gian 1975-1976, thi sĩ Hà Thượng Nhân đưa thi sĩ Hữu Loan đến thăm tôi. Tôi hết sức vui mừng và cảm động. Bao nhiêu năm qua vẫn thuộc nằm lòng bài thơ "Màu tím hoa sim" mà bây giờ bỗng nhiên được gặp tác giả, một người mình hằng ái mộ quí phục, niềm vui này được nhân lên gấp bội. Anh Hà Thượng Nhân yêu cầu tôi ngâm bài thơ "Màu tím hoa sim" cho anh Hữu Loan nghe. Khi bài thơ vừa dứt lời ngâm, tác giả tỏ vẻ xúc động tột cùng. Và để đáp lại chút tình văn nghệ, chút nghĩa tri âm, anh đã sốt sắng viết tặng cho tôi bài thơ trên với đầy đủ toàn bài. Tôi nói toàn bài vì trong bài thơ này có một đoạn không có trong bài "Màu tím hoa sim" suốt thời gian dài đã lưu hành ở miền Nam. Tôi cầm trên tay bài thơ vừa chính tác giả trao tặng cho, cảm thấy mình thật hạnh phúc. Trong niềm vui chợt đến nhẹ nhàng mà sâu lắng này, tôi vội xin phép lên lầu lấy tập "Tiếng hát sông Hương" viết đề tặng anh gọi là đáp tạ mối tình tri ngộ hiếm quí. Anh vui mừng đón nhận và lật xem qua, gặp bài "Cơm Độc lập, nước Tự do", anh dừng lại, đọc cho anh Hà Thượng Nhân và tôi cùng nghe. Anh gật gật đầu nhỏ nhẹ nói lên niềm xúc cảm... Tôi bâng khuâng chạnh nhớ thầy tôi. Đó là một kỷ niệm rất sâu sắc của một buổi chiều cuối xuân năm xưa, thật khó phai mờ trong ký ức.


Nam Đô, tháng 11-2004
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê