53.20
54 bài thơ
3 bình luận
Tạo ngày 13/11/2008 09:55 bởi Vanachi
Tập thơ Điệp ngữ tình (NXB Hội Nhà văn, 2007).

 

 

Ảnh đại diện

Sóng tình cuộn mãi

Tác giả: Trung Thu


Nhiều người từng ví thơ là nhiệt năng toả ra do lực ma sát giữa thi nhân và cuộc sống. Khi trái tim không còn nặng nợ với cõi đời, cõi người, sức ấm nóng, lan toả và cộng hưởng của thơ sẽ hết. Có lẽ vì thế, những cung bậc tình cảm xoay quanh một hợp âm chủ đạo là những biến thái vi diệu của chữ "tình" mà Nguyễn Lãm Thắng trân trọng gửi đến người đọc trong tập thơ đầu tay của anh đã tạo được sự đồng cảm thực sự ở độc giả. Như những lớp sóng trên đại dương tình cảm - càng đằm thắm, lắng sâu càng cồn lên, va đập, cái tình của tập thơ có sự biến điệu và thăng hoa qua nhiều miền xúc cảm. Đó là tình cố hương, tình du lãng, tình xót xa trước những phận người, và đậm đặc nhất vẫn là tình yêu - lẽ thường của những ai đã vướng "nòi tình". Cảm giác như người thơ suốt đời mắc nợ quê nghèo; nơi đó "con gái lúa chết trong ruộng hạn", "hạt giống nảy mầm lũ lụt cuốn trôi". Những bài chòi, hò khoan, những gương mặt bạn bè, người thân lam lũ, khổ nghèo của một thời xa cũ cứ hằn lên thành kí ức, thành máu thịt trong anh. Nặng lòng thế nên quê hương hiện lên trong miền nhớ của Lãm Thắng cũng có một gương mặt riêng: Bóng quê là ruộng đồng khi khát khô nước mát, lúc lũ lụt trắng trời; là dáng mẹ khô gầy trong khói bếp hoàng hôn ngóng chờ con đỏ mắt, là dáng chị "hai mươi tuổi nằm mơ kẹp tóc - trong chiêm bao mẹ sắm áo quần", là những lớp học trường làng "mái rạ vẹo xiêu, bờ phên phân trâu rách thủng", những phiên chợ quê nhàu nhĩ những mặt người,... Đồng hành cùng anh trên "chuyến xe kí ức", sẽ thấy nét riêng trong ngôn ngữ thơ thẫm đẫm nỗi hoài hương của tác giả Điệp ngữ tình: nhớ ruộng, vọng làng, nụ cười mồ hôi sẫm nắng cay cay, dòng sông quê "đã ngậm sương cuối mùa", mưa đã lạ nắng thì càng lạ: mưa mồ hôi và nắng đất thiêu thân: Núi núi đồi đồi héo cỏ trâu ăn Con châu chấu quỵ chân bên gốc ớt Lũ ve réo mùa tiếng than đổ ngược Từ cành khô rớt xuống râm ran Khác với nhiều người, dáng quê từ tâm tưởng bao giờ cũng đẹp, Lãm Thắng vẽ cố hương không phải bằng những mảng màu tươi vui, ấm nóng mà bằng những gam màu tối, đượm buồn. Giọng thơ vì thế mà lắng xuống, câu chữ như vỡ oà trước rất nhiều thương nhớ, xót xa, để lại những day dứt, khắc khoải nơi người đọc. Theo tôi, đó là một nghịch lí dễ chấp nhận của con tàu tình cảm: Hành trình tìm về với "ruộng đồng ca dao" là dịp tiếp năng lượng để tiến lên phía trước: Che ngày gian nan - tuổi thơ úp nón quên đời gieo neo - người lớn ra đồng uống ngụm nước sông mạnh tay cày cuốc cơn mưa chợt về - cơn mưa mồ hôi... Cái tình trong anh cũng trang trải cho bao phận người. Đó là sự đồng cảm, ngậm ngùi trước bể dâu của nhân tình thế thái khiến bao tài hoa phải chịu sự chơi khăm của con tạo vô tình. Nỗi đoạn trường của tiền nhân họ Nguyễn đã không ít thi nhân cảm tác, nhưng đến Lãm Thắng, những chiêm nghiệm về nhân sinh của anh khi đối diện trước người xưa vẫn đánh động được lương tri người đọc: Đàn Kiều mấy khúc oan khiên nghìn sau nước mắt còn liên luỵ đời gục đầu trên nấm mộ Người mà nghe nhân thế khóc lời Tố Như (Cuối năm viếng mộ Nguyễn Du) Đó cũng là tiếng thơ sũng nước mắt trước lẽ vô thường của tạo hoá: Lá vàng khóc tiễn lá xanh. Là lòng trắc ẩn khi diện kiến những cảnh đời thua thiệt như bà lão bán hột vịt lộn giữa đêm đông rét mướt, "chong đèn khuya thắp đời mình - gió xô hiu hắt bóng hình gầy tom - áo mưa chừ đã rách tươm- phong phanh che một nỗi buồn già nua". Đây là một trong những bài thơ có sự giao hoà tinh tế giữa hai lớp nội dung: Bức tranh chân thực của hiện thực cuộc sống và những ngân rung trong trái tim đa cảm của người viết. Chính vì thế, nó là một phát hiện đáng trân trọng của anh cho đề tài "thân phận con người" của văn học hôm nay. Cùng với những khoảnh khắc tâm trạng đa dạng ghi lại sau mỗi bước chân lãng du "Qua Ba Khe", "Qua dốc Mẹ bồng con", "Thoáng hạ Long", "Quy Nhơn", "Với cao nguyên", "Nhớ một chiều Hà Nội", "Hồ Tây chiều tháng giêng", "Ở Côn Sơn đọc Nguyễn Trãi nhớ bạn",... một miền đất được anh dành nhiều tình cảm hơn cả là núi Ngự sông Hương. Dễ hiểu thôi, đó là tình cảm tự nhiên của chàng trai xứ Quảng không cầm lòng trước mảnh đất và con người xứ Huế đẹp và thơ. Chẳng vì cái bóng của tiền nhân mà rợn ngợp hay gác bút, Lãm Thắng đến với Huế bằng sự nặng lòng, nặng nợ chân thành. Vì thế, qua lăng kính thẫm đẫm yêu thương, gắn bó của người viết, Huế cũng có gương mặt riêng, một sức hấp dẫn riêng: Đó là dòng Hương - dòng trăng huyền ảo, mê mải "chảy qua lòng thành phố - chảy qua triền môi em - sông hoá trăng từ độ - quẫy sóng tình vào tim" (Sông trăng). Là Kim Long tràn nhựa sống nhưng cũng rất e ấp, gợi tình như tính cách của người con gái Huế, là những con đường, những đền đài, lăng tẩm chìm trong bảng lãng khói sương,... Giống như mảng đề tài về cố hương với sự giao hoà giữa kí ức và thực tại, Huế trong thơ Lãm Thắng là một phức điệu của hiện tại và quá khứ, thực và hư vì thế có sức ám gợi như điệu hò mái nhì man mác mà bền dai níu giữ hồn người: Thời gian vỡ ngực mình ra tường thành tách vỏ xót xa gạch nhàu vương triều áo mão nào đâu? chừ mênh mông chỉ một màu sương giăng! (Viết trong mù sương Huế) Đã mang nghiệp dĩ thi nhân, ai chẳng vướng nợ tình. Lãm Thắng cũng không là ngoại lệ. Chiếm ưu thế trong tập thơ là những sắc màu đa dạng của đề tài tình yêu. Khu vườn tình ái của Điệp ngữ tình cũng khá thi vị với nhiều hương sắc, thanh âm: sự e ấp, dỗi hờn dễ thương của "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" (Thưa em), những tình xa giờ đã thành hoài niệm, thành luyến nhớ một thời nông nỗi, dại khờ (Tự hỏi, Đêm trắng), những hạnh phúc đơn sơ mà thắm đượm tình đời (Biết đâu, Ngày xuân nâng cốc cùng em),... Cái duyên của tác giả là đã làm mới một đề tài ngỡ như là đã cũ bằng ngôn từ khi mang âm hưởng ca dao: "Cau gầy trầu vẫn cứ leo - trót thương nhau lấy chữ nghèo làm tin - thuỷ chung là của chúng mình - chăm lo cho lá khẳm cành trĩu bông", "Vợ chồng như bống kho tiêu - càng kho càng thắm, càng nhiều thơm tho"; khi giàu tính triết luận: "Hai cánh cửa tình mở, khép - gió đời không đứng yên đâu - cứ chạm vào nhau... thật đấy! - mới hay ý hợp tâm đầu", "Điều có thể và không có thể - cứ đan xen trong nếp nghĩ cuộc tình", "Bờ năm tháng sóng buồn xô mòn mỏi - cánh hoa yêu trôi dạt bến sông nào?"; khi trăn trở nghiệm suy về cái hữu hạn, vô thường của đời người : "Một ngày rụng một gót chân - tóc xanh rồi cũng bạc dần tháng năm - một ngày rụng một nỗi câm - tuổi lên đầy ắp vết chân chim buồn". Giọng điệu thơ cũng khá đa dạng: Khi hồn nhiên, chân chất, "tưng tửng" (Anh, Em ơi, Thưa em!, Biết đâu, Ngày xuân nâng cốc cùng em,...); khi điệu đà một chút làm duyên (Điệp ngữ tình, Áo trắng mùa thu, Kim Long); khi trầm lắng, xót xa trong tình nhớ, tình buồn (Tự hỏi, Lối về, Tiếng đêm, Đêm trắng, Cạn đêm, Muộn, Về xưa)... Nếu nhà văn có phong cách nghĩa là phải đa giọng điệu, thì ở phương diện này, Lãm Thắng đã tạo được nét riêng cho thơ mình. Trải nghiệm qua những biến điệu đa dạng của cõi tình trong Điệp ngữ tình, người đọc cũng dễ dàng nhận ra "chân dung tự hoạ" của tác giả. Anh đưa người đọc cùng hành hương về miền xanh thắm của tuổi thơ bằng những chuyến tàu là "những đường gân xanh" trên "đôi chân cong vòng của mẹ", bằng chuyến xe kí ức lèn chặt nỗi buồn. Nơi đó, trái tim nhạy cảm của chàng trai quê đã sớm đập những nhịp buồn đầu tiên trong "những câu Kiều kẽo kẹt tao nôi - người cha mù loà một tay đưa đẩy - cha nghe âm thanh cái đói con mình". Khung trời tuổi nhỏ thiếu những niềm vui đuổi bướm bắt chim lại rất thừa cái đói, cái rét; chúng như một điệp khúc, một khoảng lặng ngân dài trong suốt cả tập thơ. Đến cả giấc mơ cũng không thoát được chữ nghèo: "Cơn mê gánh bộn bề than củi - gió đồng sau thổi rát mặt đường". Để rồi khi "gồng gánh tuổi thơ... đi biền biệt xa bờ tre xanh", chốn quê núi rậm sâu sâu với "niềm vui hoang dã" vẫn không thôi hiển hiện, kết thành chất đề kháng hữu hiệu để chàng trai quê ấy vượt lên bao quăng quật của cõi đời, để chuyến xe thân phận chở anh qua bao truông dốc cuộc đời với bao nghịch cảnh vẫn sẵn lòng sẻ chia, trang trải: Chừ xa nương rẫy ruộng đồng cái chân quê ấy phập phồng trong anh trêu em, trêu nụ cười lành nửa quê nửa phố nửa mình nửa ta" (Anh) Dẫu hơn một lần tự nhủ lòng "tội gì buồn bã...? không vui?", nhưng rồi cái vui ngắn chẳng tày gang, còn cái buồn thì đọng mãi. Có lẽ vì thế, khép lại tập thơ, nhiều người sẽ không sao dứt được cảm giác bùi ngùi. Cũng dễ hiểu thôi, khi người viết chủ tâm vẽ mặt mình bằng "bột màu cõi lạ" với những gam màu kí ức nâu trầm "miên trường nỗi buồn cuốn tóc thời gian". Giữa không ít vui gắng, cười gượng, sống gấp gáp, yêu vội vàng của những người thất cước với cả... chính mình trong đời sống thơ trẻ đương đại, nỗi buồn rất thật, rất người của anh là một điều đáng trân trọng và đáng được chia sẻ. Sẽ có nhiều người trong chúng ta đã bắt gặp chính mình trong những câu thơ cuộn sóng tình của anh. Giữa bộn bề cuộc sống hôm nay, cần lắm những hướng thơ như thế. Chỉ với 54 bài thơ - một con số khá khiêm tốn so với gia tài thơ Lãm Thắng, nhưng trữ lượng tình cảm của người viết, những lời giãi bày bằng thơ ca của anh thì lớn hơn rất nhiều. Phải chăng đó là một cách "chọn đường" khá tinh tế của tác giả dành cho đứa con đầu lòng của mình: Lời hữu hạn mà ý vô cùng - ấy là thơ. Khác với một số nhà thơ cùng thế hệ đôi khi chủ tâm đánh động thị hiếu của độc giả bằng những thủ pháp hiện đại hoặc gia tăng yếu tố nhục thể, những trò đỏng đảnh của câu chữ, tác giả Điệp ngữ tình chinh phục người đọc bằng cái duyên từ một phong cách chân mộc, đằm sâu của một trái tim không thôi day dứt, trở trăn về tình đời, tình người. Đó là thơ không chỉ để ngâm nga mà là để ngẫm ngợi bằng chính sự trải nghiệm của mỗi người. Dẫu đôi chỗ còn chưa thoát khỏi cái bóng của người đi trước hoặc còn thiếu sự tỉnh táo của lí trí, sự khu biệt giữa ngôn ngữ thơ ca và ngôn ngữ đời thường nhưng nhìn chung, lời giãi bày tự nhiên như hơi thở cuộc đời của Điệp ngữ tình đã tìm được đường đến với công chúng yêu thơ hôm nay. Với quỹ thời gian còn khá lớn, lại trang bị một hành trang thi ca phong phú nhường ấy, tôi tin Nguyễn Lãm Thắng sẽ đi xa hơn nữa trên hành trình chinh phục độc giả của mình.

Trung Thu


(Bài đã đăng Bản tin Đại học Huế Xuân 2008)

Đọc "Điệp ngữ tình", tập thơ của Nguyễn Lãm Thắng, NXN Hội Nhà văn, Hà Nội, 2007.
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Điệp ngữ tình

Tác giả: Vi Anh


Cũng là viết về tình yêu nhưng có những người viết khi đang yêu cùng cực tựa như đời, có những người yêu như chết là hạnh phúc, có những người viết về tình yêu sau bao lăn lóc, bầm dập, bao thăng trầm của những cuộc phiêu lưu tình ái bất tận… Nguyễn Lãm Thắng cũng viết về tình yêu - cái chẳng bao giờ mới mà cũng không bao giờ cũ ấy bằng một giọng điệu riêng, một thứ điệp ngữ tình như một niềm nhắc nhớ. Với 54 bài thơ trong tập này, có lẽ tác giả muốn tái hiện những ký ức đã trôi qua cuộc đời mình, và trang trải những món nợ với quá khứ khi mà tuổi đời chưa quá 30 là bao…

Cả tập thơ như một sự ngoái lại, có khi thực, có khi chiêm bao, có khi hiện hữu nhưng có khi là mộng tưởng với những mắt, môi, tiếng cười, giọng nói, phút cầm tay bất ngờ, nụ hôn bắt đền… Và cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, tình yêu trong tập thơ không chỉ là chuyện của đam mê nam nữ, nó còn là điệp ngữ của tình bạn, tình cảm gia đình, sự trìu mến với thiên nhiên, sự nâng niu những tháng ngày thơ ấu một đi không trở lại… tình cả với những gì gần gụi, thân thương, với những vùng đất đã đi vào nỗi nhớ, tình khi nói với tri kỷ tri âm, và thậm chí là tình cả khi tự họa.



Điệp ngữ tình là những bài thơ đầu tay, Lãm Thắng viết khi tuổi đời còn rất trẻ, khi những trải nghiệm chưa thật nhiều, ở đó là hình ảnh của những nhớ thương: Nắng chênh chao đến mấy lần/Sóng xôn xao đến bội phần nôn nao/Cầm tay hôm nảo hôm nào/Mà giờ như mới lần đầu cầm tay… và qua đó có thể thấy được chất thơ của Lãm Thắng đã mang độ chín nhất định. Xen lẫn với những câu thơ trong sáng, tươi nguyên, nao nức như cái nhìn của một cậu học trò hồn nhiên là những câu mang tính suy tư, triết lý và có phần hơi già dặn:

- Qua thời chát muối chua chanh
Rông năm bảy chợ mới thành lang thang.

- Cau gầy trầu vẫn cứ leo
Trót thương nhau lấy chữ nghèo làm tin

- Thời gian trôi chỉ cho người thêm tuổi.

Một nhà thơ không chuyên nghiệp, ngoài làm thơ là sự nghiệp, là công việc, là học hành, nhưng thơ với anh như một nhu cầu không thể thiếu. Đọc tập thơ, ta có cảm giác như Lãm Thắng không cố lên gân, không quá cầu kỳ, không nhiều băn khoăn trong cách viết. Làm thơ với anh có lẽ không phải để thành thi sĩ. Độc giả thưởng thức nó, có lẽ, hãy cảm nhận mỗi đoản khúc ấy như những trang đầu tiên của một bản thảo, sẽ gặp những bất ngờ luôn dần được mở ra ở những trang tiếp sau: Em như thế và không như thế/ hệ quả cuối cùng là em-thuộc-về-anh; Ngoài kia loài mưa vẫn hát/Trong phòng khuya anh nhốt một chỗ ngồi; Sông hóa trăng từ độ/Quẫy sóng tình vào tim… Những dòng thơ chân tình, thành thực, có những yêu thương khắc khoải này không phải dễ viết. Có những câu thơ viết mà chúng ta biết chắc rằng đó là “khi người ta trẻ” và viết để dành cho người trẻ tuổi. Ta bắt gặp những cách kết hợp từ để tạo hình ảnh rất duyên: cơn mưa mồ hôi, vướng nợ một dòng sông, lỡ hẹn một nhịp cầu, hái một lời thề xót xa, nghe gió đêm lang thang, se sắt chờ những nỗi niềm phôi pha đã vỡ, vốc thơ mà uống, tự vẽ chân dung bằng những giọt trăng ngàn, bằng bàn tay ký ức, và hong chân dung bằng hơi rượu nóng, bằng khói thuốc bồng bềnh mở cõi thiên di… Lãm Thắng như đang đi giật lùi trước thời gian, thấy phía sau còn bao điều chưa đi hết, bao thứ điệp ngữ chưa vẹn tròn… Đọc tập thơ ta không bị cảm giác nặng trĩu suy tư đeo đuổi, dù vẫn là nỗi buồn của tiếc nuối, chia tay, giận hờn, nhung nhớ, và cả những dại dột, ngờ nghệch rất tuổi thơ…

Tên tập thơ khá đặc biệt, lạ và có thể hiểu theo nhiều cách. Mỗi bài là một kỷ niệm khắc ghi, một rung cảm của riêng anh. Tất cả hòa chung để tạo thành một điệp ngữ của tình yêu cuộc sống, dù tình yêu ấy nhiều khi dang dở, không vẹn tròn… Tên Điệp ngữ tình đủ để bao quát những bài thơ được tuyển tập, trong số đó có đến phân nửa là thơ lục bát (26 trên tổng số 54 bài) và phần nào cảm nhận được cái hồn vía, cái điêu luyện, tinh tế:

- Em đi, không một lối về
Đưa tay anh hái lời thề xót xa.

- Chim chiều hót khúc ví von
Tình người còn ấm là còn ca dao.

- Em về hun hút nẻo xa
Ta về sông trắng chảy qua đời buồn.

- Quờ tay đêm trắng mỏng manh
Bóc chiêm bao lại thấy mình ở trong.

Ta có cảm giác như Lãm Thắng đang một mình lặng lẽ, cần mẫn góp nhặt, chắt chiu những kỷ niệm, rất dễ để người đọc hình dung ra hình ảnh “những kỷ niệm vẫn hứng được đầy lòng tay” khi ngắm nhìn một miền mây trắng chở tình bay đi, để thảng thốt cầm tay níu một khoảng trời… Độc giả sẽ dễ dàng bị chinh phục khi gặp những câu khá tài hoa đó.

Tuy nhiên, đâu đó bên những câu thơ, bài thơ hay của tuyển tập, đôi chỗ có những cách viết hơi sáo mòn, không phải quá dễ dãi nhưng nhiều khi cầu kỳ không cần thiết. Vẫn còn khoảng thời gian rất dài phía trước cho anh khẳng định và cũng cần phải có thời gian để nói rằng Lãm Thắng có phải là một nhà thơ thực thụ hay không. Còn nhiều điều kiện để đi tiếp vào làng thơ, vào địa hạt của nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất này chứ không chỉ qua vài bài, mà tôi dám chắc sẽ được bạn đọc yêu thích và nhiều bài, nhiều câu đứng được với thời gian.

Hành trình của thơ bắt đầu đã khó, để đi cho trọn vẹn cung đường lại càng khó thay, và tôi đã ngờ rằng chẳng một ai về được đích trên cái hành trình kiếm tìm bất tận ấy. Lãm Thắng vẫn miệt mài viết và dấn thân, viết cho chính mình, cho thế hệ mình, viết cho bè bạn, cho cuộc sống giản dị xung quanh như một sự sẻ chia nỗi lòng, một cách đền ơn, một thái độ đáp trả: Dường như trong vô thức/Người bảo người thương nhau…
                                                                                              Vi Anh (Hà Nội)


Tập thơ của Nguyễn Lãm Thắng, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2007.
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Tôi đa mang giữa tháng ngày mong manh

Tác giả: Hà Linh


Điệp ngữ tình của Nguyễn Lãm Thắng không hẳn tập thơ là xuất sắc, có nhiều bài bình thường, nhưng cũng không khó tìm thấy bài hay trong đó. Tôi khá quan tâm và dành nhiều thiện cảm cho những vần thơ lục bát. Có đến một nửa số bài trong Điệp ngữ tình là lục bát. Có thể xem nó như một tuyển tập của thơ lục bát với những câu rất điêu luyện, tài tình, khá chỉn chu và cổ điển thì phong phú:

- Em về hun hút nẻo xa
Ta về sông vắng chảy qua đời buồn.

- Cau gầy trầu vẫn cứ leo
Trót thương nhau lấy chữ nghèo làm tin...

nhưng cũng thể hiện khá nhiều những cách tân mới mẻ:

- Quờ tay đêm trắng mỏng manh
Bóc chiêm bao lại thấy mình ở trong.

- Mù sương chen lối sương mù
Cao nguyên chén tạc chén thù tìm nhau.

Tác giả đã làm một cuộc hành trình "tôi đi tìm tôi", vẽ lại chân dung tự hoạ của mình trước cuộc đời rộng lớn, đó là một miền yêu thương, một khúc điệp ngữ, là tình cảm giao hoà với cuộc sống - truân chuyên, gai góc cũng có, mà hạnh phúc, ngọt ngào cũng có. Điệp ngữ tình khắc họa hình ảnh một con người ở độ tuổi 30 đang cố "cầm tay níu một khoảng trời" để rồi có lúc thấy mình "đa mang giữa tháng ngày mong manh".



Lãm Thắng viết không phải để cho người khác đọc, dù có sự sẻ chia và giãi bày tâm sự, như Maiacốpxki nhấn mạnh: "Thơ chưa bao giờ là nghệ thuật của đại chúng". Chắc chắn khác truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch... nó không phải món ăn dành cho số đông, dù hiện nay, trong xã hội, có "số đông" làm thơ, in thơ. Thơ anh hướng nội, ưu tiên cho cái riêng - điều ấy không xa lạ với thơ hôm nay nhưng điều đáng ghi nhận và đáng để đọc tập thơ này là những cái độc thoại với riêng mình như một sự trang trải, ta thấy rõ cái ý định viết không phải cho "công chúng" cùng đọc: "Gần ba mươi năm... vướng nợ dòng sông/Gió xa lắc cứ vọng về thủa nhỏ/Nỗi nhớ ngập ngờm hồn hoa gạo đỏ/Vu Gia ơi! cuồn cuộn đến nao lòng". Và viết như thế hệt như một sự giải thoát cho những cảm xúc, nỗi lòng. Đa số là không màu mè, kiểu cách nhưng cũng có những chỗ cầu kỳ, hơi gượng ép về ngôn từ như trong bài: Tự hỏi, Anh,...

Danh hiệu nhà thơ thực sự vẫn rất cao sang, theo đúng nghĩa của nó, Lãm Thắng viết hồn nhiên như không có bất cứ sự dụng công nào, nhưng có thể tìm thấy những dấu ấn của sự vay mượn trong thơ anh; dư vị của những câu thơ ấy không gây khó chịu cho người đọc, bởi trong văn chương, chuyện ảnh hưởng và học tập người đi trước âu cũng là thường. Quan trọng là anh đã tạo ra cái gì của riêng anh từ những "bắt chước" đó. Một vệt nắng trong, một màu hoa, một tiếng gà trưa, một con đường gió bụi, một chiếc lá rụng, một dòng suối trôi, một sông trăng chảy qua lòng thành phố, một ngọn gió xuân thì, một màu áo trắng, một cái ngõ trưa im lìm, một tấm ảnh hoen màu thời gian, một tiếng còi tàu năm tháng gọi nhau... tất cả đều đi vào thơ anh, như một niềm thương nhớ. Tập thơ có rất nhiều hình ảnh mùa thu với lá vàng, nắng, gió, trăng... là mùa của miền tiếc nuối, khác với mùa hạ rừng rực một màu đỏ tươi của hoa vông, hoa gạo... và mùa xuân - mùa mà anh gọi là cõi nhớ.



Đặc biệt là những bài về Huế với chất giọng rất riêng, thấy cái hồn của Huế, cái tâm của người viết và thấy được cái đồng cảm của người tiếp nhận. Không nam ai, nam bình, mô, tê, răng, rứa... nhưng cảnh ấy, người ấy, tình ấy đậm chất Huế; thấy sự gắn bó tới mức máu thịt, nếu không thì sao có được những vần thơ ấn tượng, rung cảm tận đáy sâu tâm hồn khi viết về mưa Huế, mùa thu Huế, sương mù Huế... Ta thấy Huế đẹp và buồn với biết bao hồi ức:

- Kỷ niệm ùa về trong nẻo nhớ
Mềm như hơi thở của ngày xa
Mềm như cánh phượng hồng trong vở...

- Ngày mai vắng những con đường
Bóng người khuất nẻo mù sương bẽ bàng
Gió mùa rụng những hoang mang
Chiều đi bỏ lại tiếng đàn buồn tênh...

Cả tập thơ hướng về quá khứ đã qua, nhưng điều làm tôi ấn tượng là cái "đức tin" toát lên từ những con chữ, mơ ước "cho tình miên viễn cho hồn nguyên sơ", niềm tin vào tình yêu thương, tin vào cuộc sống vốn không thể mất và không thể khác:

Chim chiều hót khúc ví von
Tình người còn ấm là còn ca dao.

Tên những bài thơ có lúc rất ngắn, có khi lại dài - như những xúc cảm đan xen, những ký ức lồng ghép mà không chồng chéo, dẫm đạp lên nhau, ta có cảm giác có thể gộp thành những mảng đề tài riêng... nhìn ở đâu cũng đậm chất thơ. Cái lồng ghép ấy như một giả thiết tác giả đặt ra trong bài thơ cùng tên khá thú vị với cách khơi mở vấn đề rất ấn tượng:

Cứ yên lặng như bồ thóc
Cứ nhìn nhau như nước qua cầu
Như gió chiều cứ lướt qua nhau
Như ly cà phê không đường đắng nghét...

Rồi có một ngày bồ thóc nảy mầm hoài niệm
Rồi có một ngày nước xoáy chân cầu
Rồi có một ngày gió bão thành mùa ngâu
Rồi có một ngày giọt cà phê trên đầu môi ngọt lịm.

để cuối cùng đi đến một kết luận - cũng là một ao ước:

em như thế và không như thế
hệ quả cuối cùng là em-thuộc-về-anh...

Trong tập thơ có những bài viết giản dị, mộc mạc mà sâu sắc, dành tặng những con người lam lũ: Vọng làng, Chuyến xe ký ức, Tình ca nỗi nhớ, Thoáng chợ quê, Thăm làng, Nhớ ruộng... của một người con xa nặng lòng thương nhớ. Một điểm nữa dễ nhận ra trong tập thơ là có lúc anh bộc lộ cảm nghĩ với những con người thuở trước như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du để từ đó thể hiện "cái nhìn của con người bây giờ" để thấy được sự tri ân, chia sẻ và để tự nhủ rằng: "giữ tâm cho vững mà trèo non thiêng".

Mở đầu tập là bài Điệp ngữ tình, kết thúc là Chân dung tự hoạ, Lãm Thắng đã đi một chặng đường, một hành trình tìm lại mình trong quá khứ, hoạ lại mình bằng nét vẽ của sự nhớ nhung, của yêu thương, của tình cảm gia đình, bạn bè trong sáng, bình dị - tạo nên một điệp ngữ thiết tha. Cái đáng mến của Điệp ngữ tình là những xúc cảm duyên dáng, tươi nguyên, nhiệt thành mà hồn hậu, mê đắm; có cái tinh tế, nhẹ nhàng như một thoáng mưa bay trên kinh thành Huế mù sương; có sự đáng yêu, dại khờ, hồn nhiên của một cậu học trò lần đầu phấp phỏng hẹn hò, có cái nuối tiếc xa xôi của những mối tình dang dở; có cái chân chất của tình quê dù bao bươn trải, dãi nắng dầm mưa và có cả chất trí tuệ của những triết lý, suy tư, bộc lộ qua những vần thơ chiêm nghiệm lẽ đời và khả năng tạo dựng hình ảnh thơ độc đáo: Trong phòng khuya anh nhốt một chỗ ngồi; Con đường ngợp gió, gầy thua dáng người; Sông hóa trăng từ độ/ Quẫy sóng tình vào tim...

Thơ của Điệp ngữ tình không phức tạp, không quá phong phú và bộn bề hình ảnh của cuộc sống. Nó giản dị, gọn nhỏ, dung lượng vừa phải, nhiều bay hay nhưng không phải là không có nhược điểm. Cái chân thật, không ồn ào của tấm lòng người viết khiến ta biết những xúc cảm ấy không giả tạo, đưa đẩy. Nó là những cảm xúc nhẹ nhàng, đôi chỗ viết tài tình như được thăng hoa và hơn hết là sự gợi mở. Anh lặng lẽ, cần mẫn đi theo một hướng riêng, chắt chiu từng "chút vốn" cuộc đời để tìm tòi, khẳng định, không sáo rỗng, không sa vào hình thức chủ nghĩa và cũng không để mình khô khan:

Một người xa, một cõi tìm
Một ngày bỏng nắng nổi chìm bùa mê.
Em đi, không một lối về
Đưa tay anh hái lời thề xót xa...

Phía sau những con chữ ấy là "phản quang" của đời sống, đời sống của cá nhân tác giả và đời sống của thế hệ trẻ ngày nay. Đã cho in, ấy là chấp nhận sự phán xét của bạn đọc, của xã hội, của sự khen chê. Tôi không phán xét gì, chỉ cảm nhận khi bắt gặp một tâm hồn, biết chắc thơ ấy không phải viết cho mình nhưng cũng phần nào tìm thấy mình trong đó.

Hà Linh (Viện Văn học)


(Đọc tập thơ Điệp ngữ tình của Nguyễn Lãm Thắng, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2007)
Chưa có đánh giá nào