Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh ấy mới hời!
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật, hoá đồ chơi!


Rút từ Quốc văn tùng ký (AB.383), Nam âm thảo (VHv.2381). Tiêu đề trong Nam âm thảo chép là Ông nghè tháng tám.

[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Soạn bài Tiến sĩ giấy - Ngữ văn 11

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Tiến sĩ giấy là bài thơ thuộc chùm thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến. Sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học, từng đỗ đạt làm quan với các triều đình phong kiến nhưng đứng trước hiện thực điên đảo của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XIX, ông đã rơi vào tình trạng bi quan, mất hết niềm tự hào về chữ nghĩa thánh hiền. Vì vậy ông đã viết nhiều bài thơ có giọng điệu trào phúng để thể hiện thái độ và tâm trạng của mình trước hiện thực. Tiến sĩ giấy là bài thơ mang giọng điệu ấy. Mượn chuyện vịnh về một thứ đồ chơi của trẻ em, nhà thơ vừa phê phán những kẻ mang danh tiến sĩ nhưng vô dụng với đất nước, vừa là lời tự trào chua chát của chính tác giả, một nho sĩ đang thấy mình bất lực trước cuộc đời.

II. RÈN KĨ NĂNG

1. Đối tượng được miêu tả trong bài thơ là hình ông tiến sĩ bằng giấy – một thứ đồ chơi rất quen thuộc của trẻ con thời xưa. Các bậc cha mẹ mua đồ chơi ấy cho con để mong muốn bọn trẻ học hành đỗ đạt và ra làm quan. Đối tượng châm biếm là những ông tiến sĩ bằng xương bằng thịt, những ông tiến sĩ hữu danh vô thực, có danh tiến sĩ nhưng hoặc là bất tài vô dụng hoặc lực bất tòng tâm. Nguyễn Khuyến đã mượn hình ảnh đồ chơi ấy để nói về thời cuộc. Triều đình vẫn mở các khoa thi để tuyển chọn nhân tài giúp nước. Vẫn có nhiều người đỗ tiến sĩ, nhưng họ đã giúp gì được cho đất nước. Đội ngũ tiến sĩ ấy có thể chia làm hai hạng. Hạng 1, có tài chữ nghĩa thực sự, nhờ chính tài năng của mình mà đỗ đạt. Nhưng họ là là những con người có lòng tự trọng dân tộc. Họ không xoay chuyển được tình thế bằng sức lực của mình nên học buồn chán, quay về ở ẩn lánh đời. Từ đó cảm thấy mình vô dụng như một thứ đồ chơi. Hạng thứ hai, đỗ đạt nhờ đồng tiền. Đó là những kẻ bất tài nhưng lại sẵn sàng ra để làm quan, để vơ vét của cải, để hưởng vinh hoa phú quý. Đó là một đám tiến sĩ giấy không những vô dụng mà còn có hại cho dân tộc. Hình ảnh tiến sĩ giấy trong tác phẩm của Nguyễn Khuyến, có bóng dáng của cả hai hạng tiến sĩ ấy.

2. Bốn câu thơ đầu phác hoạ nên hình ảnh ông tiến sĩ với kiểu nói rất ỡm ờ, thực giả lẫn lộn. Tác giả có một cách bắt đầu rất độc đáo. Tác giả đã sử dụng điệp từ “cũng” để nhấn mạnh sự đầy đủ bộ lễ của ông tiến sĩ giấy. Những chính từ “cũng” ấy làm nên cái bất ngờ cho toàn bài thơ. Nó nửa vời và bất thường. Tất nhiên, đã là ông tiến sĩ thì phải có đủ cả cờ, biển, cân đai, và cũng được gọi là ông nghè. Đến hai câu tiếp thì tính chất nửa vời ấy tăng tiến đến độ ỡm ờ: với sự xuất hiện của hai cặp đối lập: Mảnh giấy / thân giáp bảng; Nét son / mặt văn khôi. Mảnh giấy, nét son có thể hiểu là bài thi của các ông nghè, phải có bài thi ấy mới trở thành ông tiến sĩ. Song mảnh giấy, nét son ấy cũng có thể là những thứ dùng để mua danh tiến sĩ. Tính chất trào phúng được thể hiện ở sự đối lập những thứ thật đơn giản, nhỏ bé (mảnh giấy, nét son) với một thứ vốn rất đáng trân trọng (thân giáp bảng, mặt văn khôi). Trong thời hoàng kim của nho học, một người đỗ đạt mang danh thơm về cho cả làng cả tổng. Nó là kết quả của cả đời dùi mài kinh sử. Miêu tả ông nghè giấy nhưng để nói lên chuyện khoa cử, chuyện quan tước. Nhìn bề ngoài, bốn câu thơ đầu vẫn dừng lại ở việc miêu tả và bình luận về ông tiến sĩ – đồ chơi.

3. Cách kết thúc bất ngờ, đột ngột những rất tự nhiên ở câu thơ cuối cùng đã tạo nên tính chất trào phúng và giá trị phê phán cho tác phẩm. Cả 7 câu thơ trước đều tập trung miêu tả hình thức của một ông tiến sĩ nhưng đến câu kết tất cả đã được lật tẩy. Cách thể hiện đầy bất ngờ ấy đã tạo nên hai lớp nghĩa cho bài thơ. Mượn việc vịnh một thứ đồ chơi của trẻ con mà châm biếm loại tiến sĩ rởm đồng thời cũng tự trào sự bất lực của mình.

4. Bài thơ còn là lời tự trào của chính Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến cũng là tiến sĩ, ông đã phải cáo quan về quê sống cuộc sống thanh nhàn để giữ trọn khí tiết của nhà nho nhưng vẫn canh cánh trong lòng nỗi niềm dân tộc. Ông đã từng bao năm dùi mài kinh sử, từng ôm mộng khoa danh để phò vua giúp đời. Nhưng thời cuộc đã đẩy ông vào tình trạng bất lực. Nhìn thời thế đảo điên, chứng kiến bao nhiêu điều ngang tai trái mắt mà không thể làm gì được. Tâm trạng ấy đã khiến Nguyễn Khuyến tự coi mình cũng là một tiến sĩ giấy.

5. Bài thơ đã mang đến cho người đọc những suy nghĩ sâu sắc về cái danh và cái thực, về thái độ cần có của người có học trong thời cuộc. Sống ở trên đời không nên coi trọng hư danh. Điều quan trọng là làm được gì có ích cho đời chứ không nên theo đuổi hư danh hão huyền. Người có học phải ý thức được vị trí và trách nhiệm của mình trước cuộc đời. Phải sống sao để không trở thành kẻ vô tích sự với cuộc đời.

III. TƯ LIỆU THAM KHẢO

Chẳng biết từ lúc ào hễ cứ đến Tết trung thu thì trong vô số đồ chơi trẻ em như kỳ lân, đèn sao, đèn kéo quân... có hình nộm ông tiến sĩ, tiến sĩ giấy. Chắc chắn không phải vì không ưa học vị Tiến sĩ mà biến ông thành đồ chơi; trái lại, dân ta vốn hiếu học, trọng khoa bảng, mà những người đậu đại khoa thì rất hiếm, do đó muốn cổ vũ và khích lệ việc học người đời mới dựng hình Tiến sĩ để nghinh rước trong kỳ Tết vui vẻ này? Đã hàng mấy trăm năm, phần lớn các vị đậu đại khoa đều có công với nước, với dân, trở thành mơ ước của các thế hệ nhà nho cửa Khổng sân Trình.

Vào cuối thế kỷ trước, dưới chế độ thực dân, nho học lụi tàn, các kỳ thi chỉ là cảnh chợ chiều để cho bọn mua quan bán tước tha hồ thao túng. Bi hài kịch này đã được đôi câu đối sau đây miêu tả sinh động:

Con nên khoa giáp cha mòn trán,
Em được công danh chị nát trôn!
(Vô danh)
Danh nho Nguyễn Khuyến viết bài này cũng bao hàm dụng ý như vậy.

Ngòi bút tác giả thống kê một loạt biểu tượng như: cờ dương danh Tiến sĩ, biển ân tứ vinh quy, mũ mãng cân đai... toàn của vua ban và cả cái tên quen thuộc; ông nghè tháng tám. Ông này là ông nghè đấy, có đủ cả lễ bộ không chút lép vế so với bất cứ ông nghè thật nào khác. Có điều là điệp từ cũng dày đặc được dùng như nhãn tự tạo cho giọng điệu thơ một cách ấn tượng hơi là lạ khang khác. Nó hao hao giống như bức tranh đám rước chuột dân gian. Tưởng thực mà lại là giả: ông tiến sĩ giấy đó thôi. Quả là hài hước.

Phần còn lại của bài thơ Nguyễn Khuyến lột tả cái tính hài ấy bằng nhiều nét tiêu biểu.

Trước hết, ông nhấn mạnh: sản xuất ông tiến sĩ không khó, không rườm rà, chỉ cần những mảnh giấy vụn với một ít màu điểm chỗ này, tô chỗ khác là có ngay một ông tiến sĩ. Dân làm nghề hàng mã có thể cho xuất hiện hàng loạt ông nghè vào dịp tết trung thu đem bày bán khắp hàng quán ở chợ quê hay ở chợ tỉnh. Phố Hàng Mã, gần chợ Đồng Xuân, Hà Nội hẳn là cái lò nổi tiếng sản xuất tiến sĩ giấy.

Tiếp đến, tác giả cất tiếng than về thân phận của những ông nghè giả bằng giấy ấy: cũng xiêm áo khoa danh đủ cả nhưng chẳng hiểu vì sao lại bị người đời coi rẻ đến thế, dùng tiến sĩ (dù là giấy) làm trò tiêu khiển và kiếm lãi như vậy? (Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ; Cái giá khoa danh ấy mới hời?). Ai là người nấu sử sôi kinh, thông kim bác cổ, danh xứng bảng vàng bia đá- Tiến sĩ đích thực- lại không đau lòng?

Cuối cùng Tam Nguyên Yên Đổ rút ra nhận xét đầy chua chát với nhiều suy tư: thời này, hầu hết ông nghè đang chễm chệ trên ngôi cao đều là bọn “Tiến sĩ giấy” cả, chúng chính là những thằng hề không hơn không kém; người đời bày ra trò “tiến sĩ giấy” có chi là đáng trách! Chả thế mà ông đã có lần trực tiếp phê phán tên đốc học Hà Nam bằng những vần thơ đích đáng:
Ai rằng ông dại với ông điên,
Ông dại sao ông biết lấy tiền?
Cậy cái bảng vàng treo nhị giáp
Khoét thằng mặt trắng lấy tam nguyên!...
(Đốc học Hà Nam)
Lời lẽ bài Tiến sĩ giấy không nặng nề, sát phạt nhưng vẫn nặng trĩu ưu phiền. Tác giả không khỏi ngậm ngùi vì thân danh ông nghè đã biến thành đồ chơi trẻ con! Phải chăng bọn “đậu lạy quan xin” này ít nhiều cũng mang tính tự trào của chính tác giả; trước cảnh non nước đầy vơi mình đành cam chịu bó tay!
Cờ đương dở cuộc không còn nước,
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng!
Thâm thuý và cảm động thay ông già Yên Đổ!

tửu tận tình do tại
25.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Tiến sĩ giấy” của Nguyễn Khuyến

Tam nguyên Yên Đổ cũng là người có nhiều bài thơ mang ý vị tự trào vào loại hay và tiêu biểu nhất trong văn học dân tộc. Tiến sĩ giấy chính là một trong những tác phẩm như vậy. Bài thơ thể hiện tài năng nghệ thuật của một tác gia trào phúng bậc thầy và mang ý nghĩa thời đại rõ rệt.

Xã hội mà Nguyễn Khuyến sống là xã hội thực dân nửa phong kiến với những biểu hiện lố lăng, kệch cỡm. Ở đó mọi giá trị đạo đức truyền thống đã bị đảo lộn, còn cái mới lại mang bộ mặt của kẻ xâm lược. Ngòi bút thâm trầm mà sâu cay của Nguyễn Khuyến đã chĩa mũi nhọn vào những chỗ hiểm yếu nhất của cái ung nhọt đó. Trong Tiến sĩ giấy nhà thơ đã đem ra trào phúng, châm biếm, hạ bệ thần tượng cao nhất của cả một thể chế xã hội đã tồn tại hàng mấy trăm năm – ông tiến sĩ. Đây là một nhân vật rất quen thuộc của xã hội phong kiến Việt Nam.

Đạt đến học vị tiến sĩ là niềm vinh quang không chỉ của bản thân từng con người mà của cả một dòng họ, một địa phương, được cả xã hội vinh danh, khoác lên mình những ánh hào quang chói lọi. Đó vốn là những con người có tài năng, chứa đựng trong mình những tri thức của thời đại và tất cả những tài năng và tri thức đó sẽ được đem ra để phục vụ đất nước, phục vụ xã hội.

Đã có biết bao ông tiến sĩ trở thành trụ cột của đất nước, của dân tộc, trở thành nguyên khí quốc gia, được ghi tên tuổi, công trạng trên bia đá, sử xanh. Nhưng đến thời đại của Nguyễn Khuyến mọi chuyện đã thay đổi, những giá trị truyền thống đã dần mai một, hoặc đang từng bước đổ vỡ. Nho học, khoa cử đã xuống cấp, không còn được coi trọng, mọi thứ đã có thể dùng tiền để mua bán, đổi chác, xuất hiện trong xã hội nhiều kẻ chỉ có hư danh mà không có thực học. Kẻ có thực tài, chữ nghĩa đầy mình thì học vị tiến sĩ chỉ còn là cái danh hão, cũng đành khoanh tay ngồi nhìn thời cuộc xoay vần, kiến thức sách vở cũ rích không còn có ích lợi gì trong một bối cảnh mới. Tất cả những điều đó đã được Nguyễn Khuyến thể hiện trong bài thơ Tiến sĩ giấy bất hủ của ông.

Nhìn trên ý nghĩa bề mặt văn bản bài thơ có thể thấy đối tượng mà Tam nguyên Yên Đổ hướng tới để tạo nên tiếng cười là những đồ chơi dân gian – hình nộm ông tiến sĩ làm bằng giấy dành cho trẻ con trong những dịp tết trung thu. Làm loại đồ chơi này, các nghệ nhân dân gian muốn khơi dậy ở trẻ em lòng hiếu học và ý chí phấn đấu để đạt tới vinh quang của nền học vấn thời đại, cống hiến tài năng cho đời, đem lại niềm vui cho ông bà, cha mẹ, vinh quang cho dòng họ, tổ tiên. Như vậy, hình ảnh ông nghè tháng Tám là một hình ảnh mang tính truyền thống rất đẹp. Ở hai câu đề, Nguyễn Khuyến chưa nói thẳng cho người đọc biết rõ người được ông giới thiệu trong bài thơ là ai. Nhân vật này có đủ cờ, biển, cân, đai, lọng xanh, ghế chéo đích thị là một vị tiến sĩ oai phong mới được ghi danh đỗ đầu trên bảng rồng:

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Biển là tấm gỗ sơn son thếp vàng có khắc bốn chữ ân tứ vinh quy. Cẩn là cái khăn. Đai là cái vòng đeo ngang lưng ở ngoài áo chầu. Hết thảy đều là những thứ cao quý vua ban cho người đỗ tiến sĩ để vinh quy bái tổ. Nhân vật có vẻ bề ngoài vừa uy nghi, vừa phô trương tự đắc. Tuy nhiên, điệp từ cũng xuất hiện với mật độ dày đặc và ẩn chứa ý vị mỉa mai bắt đầu bộc lộ thái độ của tác giả, khiến cho ta thấy có điều gì đó bất thường ở vị tiến sĩ này. Từ cũng được nhấn mạnh, được đưa lên đầu câu, chỉ sự giống nhau, lặp lại của hiện tượng, kết hợp với ba từ có kém ai khiến cho con người có học vị cao này có cái vẻ của sự giả dối, học đòi. Đến hai câu sau mọi việc đã trở nên rõ ràng hơn. Nhân vật cũng biển cũng cân đai kia hoá ra chỉ là một ông tiến sĩ giấy, bề ngoài giống hệt như tiến sĩ thật nhưng thực chất bên trong lại rỗng tuếch chẳng có gì. Cái chất liệu làm nên con người ông đơn giản chỉ là từ mấy mảnh giấy và một ít son diêm dúa:
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Trong hai câu thực này, nghệ thuật đối được Nguyễn Khuyến sử dụng hết sức đắc địa. Mảnh giấy đối với thân giáp bảng, nét son đối với mặt văn khôi. Giáp bảng là bảng công bố kết quả thi cử ngày xưa, còn được gọi một cách trang trọng là bảng rồng. Thân giáp bảng là người đỗ đạt cao nhưng thực chất ở đây chỉ được chế tác từ một mảnh giấy vụn. Còn chỉ bằng vài nét son là có thể tạo nên mặt văn khôi – chỉ người đứng đầu làng văn. Nguyễn Khuyến đã đặt những sự vật có giá trị khác hẳn nhau vào trong một kết cấu song hành, đối lập, cho mọi người thấy được việc tạo ra một ông tiến sĩ giả bằng giấy thực chẳng khó khăn gì, qua đó thể hiện tính chất rẻ mạt, vô nghĩa của danh hiệu tiến sĩ thực của cái thời cuối phong kiến đầu thực dân này.

Ông nghè tháng Tám có diện mạo bên ngoài giống hệt như tất cả các ông tiến sĩ thật nhưng cái thực học chỉ nhẹ hều như mảnh giấy và vết son mà thôi. Nhà thơ đã mượn hình ảnh của ông tiến giấy để nói về ông tiến sĩ thật đương thời, vạch trần bản chất giả dối của đối tượng bằng cách chỉ ra mâu thuẫn giữa hình thức bề ngoài lộng lẫy, hào nhoáng được che giấu hết sức tinh vi và cái thực chất bên trong sáo rỗng, đáng thương hại của nhân vật.

Đối với kẻ theo đòi chuyện học hành thì danh hiệu tiến sĩ là niềm vinh quang mà muốn đạt được nó thì người quân tử phải không ngừng tự học hành rèn luyện, có tri thức thông kim bác cổ, có tài năng xuất chúng để ra giúp dân, giúp nước. Có biết bao người đã theo đòi học hành chăm chỉ suốt đời mà vẫn không đạt được vinh hạnh đó. Nhưng nay thì đã khác, cái danh hiệu ấy đã bị người đời coi thường, khinh rẻ:
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,
Cái giá khoa danh ấy mới hời.
Đến hai câu luận này, Nguyễn Khuyến dường như đã chuyển từ việc mô tả khách quan sang việc đánh giá chủ quan. Chỉ qua hai cụm từ cảm thán: sao mà nhẹ, ấy mới hời dường như giá trị của ông nghè đã có thể mang ra cân đo, đong đếm. Ngày xưa kẻ lao tâm khổ tứ để đỗ đạt khoác trên thân tấm áo vua ban mà cảm thấy trách nhiệm nặng nề, thì nay kẻ mua danh bán tước khoác lên mình tấm áo ấy mà sao lại thấy nhẹ bẫng. Đơn giản bởi nó là thứ giả. Không phải ngẫu nhiên khi mô tả một ông tiến sĩ bằng giấy nhưng nhà thơ vẫn phải luôn gắn vào đó từ thân (thân giáp bảng) hoặc tấm thân (tấm thân xiêm áo), chính để tạo nên sự so sánh. Nhưng sao những lời lẽ tưởng như chủ quan chế giễu, mỉa mai trên lại như cũng đang nhuốm những ngậm ngùi, chua chát, cảm thán thời thế và nhà thơ dường như đang buồn cho chính mình vậy?

Sáu câu thơ trên như một chiếc đòn bẩy để hai câu thơ cuối buông ra một lời kết luận khiến người đọc bàng hoàng:
Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Tưởng rằng đồ thật hoá đồ chơi.
Ở đây, thêm một lần nữa tác giả tiếp tục khắc hoạ sâu thêm sự đối lập, tương phản gay gắt giữa cái bên ngoài và bản chất thật của ông tiến sĩ. Cụm từ ghế chéo lọng xanh vẫn gây cho người đọc ấn tượng về dáng vẻ oai vệ vốn có của nhân vật có học vấn cao nhất đương thời. Nhưng lần nâng lên cuối cùng này cũng sẽ là lần Nguyễn Khuyến giáng cho đối tượng trào phúng đòn hạ bệ chí mạng nhất. Giọng điệu mỉa mai, hài hước của hai chữ bảnh choẹ đã giết chết, đã vạch rõ cái oai phong của vị tiến sĩ kia thực chất chỉ là cái mẽ giả dối bên ngoài:
Tưởng rằng đồ thật hoá đồ chơi.
Thật là một hình ảnh thảm hại! Cái kẻ mà ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh choẹ ấy hoá ra là một thứ con rối chịu để kẻ khác giật dây mà thôi. Cái xã hội bát nháo ấy, cái thứ triều đình bù nhìn toàn những quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề ấy nhất định chỉ có thể sản sinh ra cái thứ hàng mã này. Mà cái kẻ đứng đằng sau giật dây tất cả lũ rối người ấy từ trên xuống dưới không ai khác chính là bè lũ thực dân cướp nước. Nguyễn Khuyến đã nhìn thấy tất cả điều đó và ông kín đáo đưa ra trào phúng đại diện ưu tú nhất nhưng đã trở nên lỗi thời của cái thể chế đó.

Tam nguyên Yên Đổ đã táo bạo đưa vào trong thơ mình những hư từ, lời nói khẩu ngữ kiểu như: cũng...cũng, kém ai, sao mà nhẹ, ấy mới hời, tưởng rằng..., đưa chất văn xuôi, chất thế tục vào trong một thể thơ có tính ước lệ, tượng trưng cao như thơ Đường luật, khiến cho thể thơ này trở nên gần gũi hơn, giàu giá trị hiện thực hơn. Nhà thơ phát hiện mâu thuẫn đáng cười ở đối tượng qua những nét đối lập của sự đồng dạng, giống nhau, (tiến sĩ thật – tiến sĩ giấy). Đó là những mâu thuẫn, những điều lố bịch gây cười có ngay trong bản thân đối tượng mà chính nó không hề ý thức được.

Lối trào phúng của ông già Yên Đổ là lối trào phúng gián tiếp, kín đáo và thâm thuý, ý định trào phúng của người viết không bộc lộ trên bề mặt văn bản mà chìm sâu sau những hình ảnh và từ ngữ. Muốn hiểu được tiếng cười của ông, buộc phải qua những bước “giải mã”, suy đoán, bóc tách từng lớp ngôn từ, ẩn ngữ với những ẩn dụ, phúng dụ... Để nhận ra thực chất của loại tiến sĩ thật dưới chế độ nửa thực dân phong kiến thì phải có tri thức về thứ đồ chơi trung thu của trẻ nhỏ – hình nộm ông nghè tháng Tám; hay muốn biết về thân phận vua hề, quan nhọ dưới chế độ thực dân nô lệ thì phải hiểu nghệ thuật chèo, đặc biệt là hề chèo (bài thơ Lời vợ người hát phường chèo) v.v...

Rõ ràng, để có được sự thành công khi sử dụng lối trào phúng này, tác giả phải là người trong cuộc, phải am hiểu đối tượng, nếu không sẽ tạo nên những cú đánh trượt. Nguyễn Khuyến hiểu đối tượng sâu sắc như vậy chính vì ông là con đẻ của chế độ khoa cử triều Nguyễn và là người đạt đến đỉnh cao vinh quang của học vấn đương thời. Nhưng con người ấy đã dần đánh mất niềm tin vào chế độ, vào triều đình, vào vốn học vấn của mình trước thực tế lịch sử, khi mà tất cả vũ khí vật chất và tinh thần, tất cả thế ứng xử truyền thống tồn tại hàng ngàn năm của dân tộc đã bị kẻ thù mới bẻ gãy một cách dễ dàng.

Ông cũng cảm thấy nghi ngờ cả tài năng, sức lực của lớp người đại diện cho tinh hoa của chế độ ấy và nghi ngờ chính bản thân mình. Bởi trong số những ông nghè tháng Tám hết thời ấy có cả bản thân Nguyễn Khuyến nhưng tất nhiên ông Tam nguyên phủ Yên Đổ hoàn toàn khác với những kẻ hữu danh vô thực đương thời. Điều ấn tượng và độc đáo ở đây là cái hài hước ấy xuất phát từ trong lòng đối tượng bị phê phán. Sự phủ định rõ ràng còn có thêm màu sắc tự phủ định. Tính bi hài của hình tượng văn học nhờ vậy càng trở nên sâu sắc gấp bội.

Tính tự trào của bài thơ cũng hé mở cho ta nhận thấy, nghe thấy, chứng kiến một cuộc đối thoại và một cuộc tự đối thoại của nhà thơ với chính mình – tiếng nói phản tỉnh của một người trong cuộc. Đó cũng chính là tiếng nói phản chính thống, một hành vi tưởng như là nói ngược nhưng thực chất lại phản ánh một cách chính xác nhất bản chất của xã hội và sự tha hoá của lớp người đại diện cho tinh hoa của thể chế đương thời.

Tiến sĩ giấy là biểu hiện rõ nhất của tiếng nói tự trào. Nguyễn Khuyến đã lấy việc khách thể hoá bản thân để bộc lộ tâm trạng mình. Tiếng nói lưỡng phân đa chiều, vừa hướng nội, vừa hướng ngoại này chỉ có được khi con người tự ý thức được tình trạng bi hài của mình trước thực tế lịch sử, nó bộc lộ những day dứt, trăn trở, những mâu thuẫn trong chính bản thân nhà thơ, bỏ xa kiểu con người đơn nhất trong văn chương trung đại. Trong văn học trào phúng, phê phán và phủ định điều này cũng chính là để khẳng định, bảo vệ một chân lí nào đó. Nguyễn Khuyến châm biếm, đả phá cái giả Nho, cái vô dụng, chính là để khẳng định cái chân Nho, khẳng định những giá trị truyền thống của dân tộc, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của riêng mình để tự phản tỉnh trước thực tế của sự khủng hoảng các giá trị đạo đức đương thời.

Mỹ học về cái hài dường như không bao quát hết những sắc thái đa diện của thi tài Nguyễn Khuyến. Trong Tiến sĩ giấy nói riêng và trong thơ tự trào của ông nói chung, cái hài thường bị cái bi lấn át. Điều đó cũng khiến cho tính trữ tình, sự kết hợp giữa hai phẩm chất trào phúng và trữ tình trong các bài thơ trào phúng của ông trở nên nhuần nhuyễn, ý thơ như còn đọng mãi trong lòng người đọc. Vì vậy, Nguyễn Khuyến tự trào, tự giễu cợt mình, về mặt khách quan, cũng chính là đang trào phúng cả một tầng lớp đại diện cho một xã hội thối nát, một nền học vấn đã hết thời, và một giai cấp đang từng bước chấm dứt vai trò lịch sử. Danh vị tiến sĩ nay đã trở thành trò hề, trở thành thứ đồ chơi để dứ thằng cu, mà mỗi lần nhìn thấy thứ hình nộm ấy, vị Tam nguyên lừng lẫy một thời, vị quan đại thần của triều đại đương thời lại cứ tưởng như người ta đang đem mình ra để bỡn cợt:
Rõ chú hoa man khéo vẽ trò
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
(Vịnh tiến sĩ giấy, I)
Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng.
(Tự trào)
Có lẽ Nguyễn Khuyến là người trí thức đầu tiên trong thời đại ông có được cái nhìn tỉnh táo như vậy. Không phải người trí thức nào trong cơn phong ba của lịch sử cũng nhận ra được những hạn chế tất yếu của giai cấp mình, thừa nhận sự bất lực của nó trước thực tế lịch sử. Nguyễn Khuyến lớn chính vì ông đã sớm nhận ra tất cả những điều đó.

Rõ ràng, bên cạnh màu sắc bi, hài, tự trào thấm đẫm chất trữ tình, thơ trào phúng Nguyễn Khuyến còn mang tính triết lý sâu sắc về nhiều vấn đề xã hội, trong đó nổi bật là triết lý về thân phận của người trí thức, của lớp nho sĩ cuối mùa tầng lớp mang trong số phận của mình bi kịch có tính chất nhân loại ở buổi giao thời dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Nguyễn Khuyến đã tự phản tỉnh mình, tự ý thức được thân phận con người thừa của mình, thấy mình là một hủ nho trong thời buổi mới. Mặc cảm con người thừa, con người vô tích sự phải đến Nguyễn Khuyến và đặc biệt Tú Xương sau này mới thật sự rõ nét. Tuy nhiên về chủ đề này giữa hai nhà thơ có những khác biệt cơ bản. Tú Xương cũng có bài thơ Tiến sĩ giấy nhưng hình tượng nhân vật của ông không có lớp nghĩa tự trào, không có màu sắc bi kịch và ít chi tiết khắc hoạ mang tính điển hình. Con người không có duyên phận với khoa cử này đứng ở thế đối lập với những kẻ mang danh khoa bảng mà không phải là người trong cuộc, người ở trên nhìn xuống như Nguyễn Khuyến. Vì vậy ông Tú có thể chửi thẳng mà không e dè và cũng không hề có chút chua xót cho đối tượng bị trào phúng:
Ông đỗ khoa nào, ở xứ nào?
Thế mà hoa hốt với trâm bào?
Mỗi năm ngày tết trung thu đến
Tôi vẫn quen ông chẳng muốn chào.
Có thể thấy, hình tượng tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến mang tính đa nghĩa, giàu liên tưởng và cũng là hình tượng có tính điển hình và tính khái quát cao độ hơn. Điểm chung giữa hai tác giả chính là tấm lòng ưu ái suốt đời trăn trở vì dân, vì nước được thể hiện phong phú qua những bài thơ giàu giá trị nghệ thuật.

Tiến sĩ giấy không chỉ là thành tựu nghệ thuật tiêu biểu của thơ Nguyễn Khuyến mà còn là một trong những hình tượng điển hình có giá trị nhất của văn học trào phúng Việt Nam ở giai đoạn đỉnh cao. Tiến sĩ giấy cũng không chỉ có ý nghĩa nhất thời, chỉ diễn ra trong thời đại của Tam nguyên Yên Đổ mà còn là hình tượng nghệ thuật mang giá trị phổ biến, chỉ những kẻ bề ngoài mang danh của người có học thức cao nhất nhưng thực chất bên trong lại không tương xứng với cái nhãn mà mình đang mang. Những nhân vật đó thời nào cũng có, đặc biệt trong những giai đoạn mà những giá trị thật giả lẫn lộn, đồng tiền lên ngôi, thời kỳ mà con người được định giá bằng đủ thứ danh hiệu hình thức thì loại người đó càng nhiều. Họ có thể là những kẻ mua danh bán tước, những tiến sĩ giả, nhưng họ cũng có thể là những người đi học thật nhưng tài năng kém cỏi và Nguyễn Khuyến chính là người đầu tiên đã tổng kết hiện tượng xã hội đó thành một hình tượng nghệ thuật điển hình tượng trưng cho mọi thời đại. Điều đó đã khẳng định giá trị sáng tạo và sức sống bền vững muôn đời của thơ ca Tam nguyên Yên Đổ.

tửu tận tình do tại
25.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bình giảng bài thơ Tiến sĩ giấy - bài 2 của Nguyễn Khuyến

Nguyễn Khuyến có đến trên 50 câu đối và bài thơ trào phúng; câu đối nào, bài thơ nào cũng hóm hỉnh, đầy ý vị sâu xa:

Vua chèo còn chẳng ra gì,
Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”.
(Lởi vợ anh phường chèo)
Bồ chứa miệng dân chừng bật cạp,
Tiên là ý chú muốn vòi xu.
(Bỏ tiên thi)
Trời đất khéo thương chàng bạch quỷ,
Giang san riêng sướng ả hồng nhan.
(Lấy Tây)
Bài “Tiến sĩ giấy” (bài 2) cũng là một bài thơ trào phúng độc đáo của Nguyễn Khuyến, được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật:
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh ấy mới hời
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi!
“Tiến sĩ giấy” còn được gọi là “Ông nghè tháng Tám” - một thứ đồ chơi trong dịp Tết Trung thu của trẻ em. Bài thơ có hai lớp nghĩa: vịnh Ông nghè tháng Tám, qua đó, Nguyễn Khuyến châm biếm những tiến sĩ giấy - hư danh, bất tài, vô dụng - trong xã hội thực dân nửa phong kiến.

Hình ảnh Ông nghè tháng Tám, thứ đồ chơi của trẻ em được tác giả miêu tả cụ thể, sinh động và hay bằng nhiều chi tiết: cờ, biển, cân đai, mảnh giấy, nét son, xiêm áo, ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh choẹ. Câu thứ tám rất hóm hỉnh. Ông nghè tháng Tám chỉ là một thứ đồ chơi nhưng lại làm cho mọi người tưởng lầm là đồ thật:
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi
Sắc phục rực rỡ, tư thế “ngồi bảnh choẹ” rất buồn cười. Một thứ đồ chơi của trẻ em mà làm được như thế phải nói là khéo tay. Vì thế trong bài “Tiến sĩ giấy” (bài 1), Nguyễn Khuyến mới viết:
Rõ chú hoa man khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu mặt đó chừng bao tuổi,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu...
Lớp nghĩa thứ hai của bài “Tiến sĩ giấy” thể hiện cái nhìn sâu sắc của tác giả về thân phận các ông nghè giữa thời buổi “Nào có ra gì cái chữ nho” (Tú Xương).

Hai câu đề, chữ “cũng” được điệp lại bốn lần đã làm cho giọng điệu giễu cợt cất lên cùng với cái cười mỉm về cờ biển, cân đai... của các ông nghè. Trang phục ấy, cờ biển ấy... đều là của vua ban cho “có kém ai”. Cách so sánh để hỏi ấy cũng hàm ý giễu cợt:
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai?
“Có kém ai” về mặt “ân tứ vinh quy”, hay “có kém ai” về mặt tài đức?

Hai câu thực nói về “thân giáp bảng” và “mặt văn khôi” của ông nghè. “Thân giáp bảng” chỉ là “mảnh giấy” mỏng manh được “làm nên”. “Mặt văn khôi” chỉ là “nét son”, được “tô vẽ”, được “điểm rõ”. Câu 3 và câu 4 đối chọi nhau tài tình. Ngôn từ và giọng điệu gợi cho người đọc nghĩ về sự tầm thường của những tiến sĩ giấy trong cái xã hội thực dân nửa phong kiến. Cái danh giá hão của ông nghè chỉ là “mảnh giấy dễ rách, chỉ là “nét son” dễ nhoè mà thôi!
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Cũng nói về cái hư danh của những ông nghè, có lúc nhà thơ giễu cợt:
Mày râu mặt đó chừng bao tuổi,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu!
(Tiến sĩ giấy - bài 1)
Cặp câu luận là sự bình phẩm, đánh giá về xiêm áo, về khoa danh của ông nghè: “sao mà nhẹ”, “thế mới hời”. Hời là tiếng cổ, nghĩa là dễ dãi, giá rẻ. Nhẹ và hời vì tầm thường. Không phải là thực tài, thực danh nên mới nhẹ, nên mới hời. Nhẹ và hời vì vô dụng và chỉ là hư danh, hư vị mà thôi. Tác giả sử dụng câu nghi vấn và câu cảm thán khẳng định, đối chọi nhau rất tài tình để châm biếm, để giễu cợt; giọng điệu thơ nhẹ nhàng mà mỉa mai:
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh ấy mới hời.
Hai câu kết,tác giả sử dụng nghệ thuật tương phản thật sắc sảo:
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi.
Cái tư thế ngồi rất oai: “ngồi bảnh choẹ” trên “ghế tréo”, “dưới lọng xanh”. Ra vẻ vênh vang và tự đắc, hợm mình về sự cao sang phú quý. Nhưng “chỉ là đồ chơi”. Tương phản ý ở câu 7 và câu 8, tương phản giữa “đồ thật” với “đồ chơi”. Tương phản để châm biếm cái hư danh, hư vị của những tiến sĩ giấy dưới thời Pháp thuộc.

Trong gần một nghìn năm, chế độ khoa cử của nước ta đã đào tạo được hàng nghìn tiến sĩ. Có biết bao ông nghè đã đem đức tài làm rạng danh đất nước và dân tộc, lưu danh sử sách. Dưới thời Pháp thuộc, cả dân tộc là vong quôc nô, thì “ông nghè, ông cống cũng nằm co”, hoặc thì trở thành hư danh, hư vị mà thôi. Nguyễn Khuyến là một nhà nho thực tài, ba lần đỗ đầu thi Hương, thi Hội, thi Đình. Thế nhưng trong cảnh ngộ đất nước bị ngoại bang thống trị, có lúc ông cảm thấy “thẹn”:
Sách và ích gì cho buổi ấy,
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.
(Ngày xuân dặn các con)
Có lúc ông lại tự cười mình, cười cái hư danh của mình:
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng.
(Tự trào)
“Tiến sĩ giấy” là bức tranh biếm hoạ chế giễu, châm biếm những ông nghè trong thế kỉ XIX ở nước ta, tuy “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai” nhưng chỉ là thứ “đồ chơi” của bọn Toàn quyền, Khâm sứ, Công sứ - những ông Tây bụng phệ mà thôi.

Tiếng cười trong “Tiến sĩ giấy” là tiếng cười trong nước mắt. Bài thơ cho thấy nghệ thuật dùng từ, các đối xứng, tạo giọng điệu rất điêu luyện, đúng là cụ Tam nguyên Yên Đổ xuất khẩu thành thơ.

Ngày nay, trong xã hội đã và đang xuất hiện không ít những tiến sĩ giấy mà báo chí từng nói đến. Đọc bài thơ này, ta càng cảm phục tài thơ Nguyễn Khuyến.

tửu tận tình do tại
25.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời