Tảng mai Hầu trở ra về
Hồn tương tư hãy còn mê giấc nồng.
Cơi trầu chưa kịp tạ lòng,
Tỉnh ra khách đã non sông mấy vời.
Trời làm chi cực bấy trời,
Cơi trầu này để còn mời mọc ai.
Tím gan đổ hắt ra ngoài,
Trông theo truông Hống đò Cài thấy đâu.
Khi lên đổ rối cho nhau,
Khi về trút một gánh sầu về ngay.
Xua buồn từ nấy đến nay,
Nào ai mó đến xa quay xin thề.
Ngại ngùng đường cưởi đi về
Chân ngừng bàn đạp tay e soi chuyền.
Vảnh tai nghe tiếng ác truyền,
Đượng sầu cuộn trúc, tấm phiền đổ hoa.
Chẹ chuyền dằng lại tháo ra,
Gần nhau cách quạng vành xa mấy hồi.
Liều bằng khổ một go đôi.
Liều như bông đã bắn rồi bong bong.


Bài thơ này tác giả mượn lời người con gái ở phường vải (tức làng Trường Lưu, có nghề làm vải) gửi cho Nguyễn Du. Nguyễn Du cũng có bài Thác lời trai phường nón (tức làng Tiên Điền, có nghề làm nón) đáp lại bài này. Tuy nhiên, thời gian và hoàn cảnh sáng tác của hai bài này và bài Văn tế Trường Lưu nhị nữ hiện còn nhiều tranh luận.

Theo tài liệu sưu tầm thì tác giả bài thơ này là của cụ nghè Nguyễn Huy Quýnh, nhưng cụ Hoàng Xuân Hãn cho rằng không phải vì Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785) hơn Nguyễn Du (1765-1820) tới 31 tuổi. Nguyễn Huy Quýnh mất khi Nguyễn Du mới 20 tuổi khi đang tập ấm chức quan võ ở Thái Nguyên. Cho nên bài này có thể là văn của Nguyễn Huy Hào (hơn Nguyễn Du 4 tuổi) con cụ Quýnh hoặc của Nguyễn Huy Phó (cùng tuổi với Nguyễn Du) là anh Nguyễn Huy Hổ. Hai người này gần tuổi Nguyễn Du, cũng đều là người hay chữ, đậu tứ trường (cử nhân).