Bên cạnh nhiều tác gia văn học lớn ở thế kỷ XVI như Nguyễn Dữ, Nguyễn Hàng, Hà Nhậm Đại, Phùng Khắc Khoan, Hoàng Sĩ Khải..., Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi lên như một hiện tượng văn hoá tiêu biểu, một “cây đại thụ” văn hoá dân tộc thế kỷ XVI. Tư cách tác gia văn học - “cây đại thụ văn hoá” thể hiện trước hết trên phương diện số lượng tác phẩm, mức độ thâu thái các giá trị văn hoá tinh thần thời đại cũng như khả năng kết hợp giữa việc tinh lọc, nâng cấp vốn tri thức bác học với việc phổ cập, tạo ảnh hưởng trong toàn bộ đời sống xã hội.

Nguyễn Bỉnh Khiêm được gọi là Trạng Trình vì đã từng thi đậu Trạng nguyên, từng được phong Trình Tuyền hầu rồi lại được gia phong Trình Quốc công. Nhãn quan của ông Trạng - nhà chính trị với tầm nhìn xa rộng đã cho phép ông phơi bày hiện thực, tố cáo mặt trái sự khốn cùng của đời sống dân chúng và một thời loạn lạc. Nối tiếp giai đoạn phát triển cực thịnh dưới triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497), ngay sau đó nhà nước phong kiến Đại Việt đã từng bước bộc lộ dấu hiệu suy thoái, rõ nét nhất là tệ quan liêu, bè phái, nội bộ lục đục. Bước sang thế kỷ XVI, việc xuất hiện những loại “vua quỷ” Lê Uy Mục (1505 - 1509), “vua lợn” Lê Tương Dực (1510 - 1516) hay Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng nối nhau bị giết đã phản ánh sâu sắc quá trình suy vong của nhà Lê. Tiếp theo biến cố Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê vào năm Đinh Hợi (1527) thì đất nước tiếp tục bị chia năm xẻ bảy, kéo theo những mâu thuẫn nối dài thế kỷ và không thể dung hoà giữa các phe phái Lê - Mạc, Lê - Trịnh, Trịnh - Mạc, Trịnh - Nguyễn... Đặt trong bối cảnh mấy thập niên đầu thế kỷ XVI mà Nguyễn Bỉnh Khiêm chứng kiến, trải nghiệm thì thấy nhà Mạc đã đóng một vai trò thực sự quan trọng. Rõ ràng khi nội bộ giai cấp phong kiến xảy ra sự tranh giành, chuyên quyền, thoán đoạt và xung đột giữa các phe phái, giữa hoàng tộc và triều thần với nhau; khi mà lòng người bất bình, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân xuất hiện và phát triển, lớn nhất là cuộc nổi dậy của Trần Cao (1516 - 1521) thì chính lúc đó “lòng người đều hướng về Mạc Đăng Dung” (Đại Việt sử kí toàn thư), “lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Mạc Đăng Dung, đều ra nghênh đón về kinh đô” (Lê triều thông sử). Không thể không thừa nhận rằng dưới triều Mạc - đặc biệt trong khoảng vài ba thập kỷ đầu - đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Vì thế, ngay cả các nhà viết sử đứng trên lập trường chính thống cũng phải thừa nhận một sự thật “trong khoảng mấy năm trộm cắp biệt tăm, súc vật nuôi đến tối không phải dồn vào chuồng, cứ một tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn” (Lê triều thông sử). Những điều này có thể là cách nói khoa trương nhưng cũng chứng tỏ nhà Mạc chủ trương nới rộng một số chính sách, tạo nên một khoảng thoáng nhất định sau cả thời kỳ rối ren kéo dài đã tạo được mối thiện cảm cho ngay cả giới nho sĩ cựu thần nhà Lê và các tầng lớp nhân dân.

Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, có lẽ là sau rất nhiều đắn đo trước thời cuộc, phải đến năm Giáp Ngọ (1534), ông mới đỗ đầu kỳ thi Hương, liền năm sau đỗ Trạng nguyên và chính thức tham dự triều chính. Vào năm ấy ông đã ngoài bốn mươi tuổi - lứa tuổi đã định hình cả bản lĩnh, nhận thức, tài năng, tính cách, sở trường sở đoản - không còn dễ bị uốn cong, thay đổi. Đến bây giờ tầm quan sát của ông cũng trở nên sâu sắc, nhạy cảm, đi sâu hơn vào những mặt bản chất cốt yếu của đời sống. Trước hết, ông phê phán thời buổi loạn lạc, có phần cách biệt, đứng cao hơn mọi phe phái:
Tiếu tha thù tặc hỗ tương tranh,
Thiên hạ phân phân hận vị bình. (1)
(Cười bọn giặc thù cứ tranh giành lẫn nhau,
Thiên hạ rối bời giận chưa dẹp yên
- Cảm hứng)
Yếm khan nghịch tặc cửu xương cuồng,
Hỗ chiến giao tranh bán sát thương.
(Ngán xem lũ giặc rông rỡ đã lâu,
Đánh lẫn nhau chết một nửa
- Cảm hứng thi - bài 2)
Thái hoà vũ trụ bất Ngu, Chu,
Hỗ chiến giao tranh tiếu lưỡng thù.
(Cảnh tượng vũ trụ chẳng được thái hoà như đời Ngu, đời Chu,
Đáng cười thay cho hai kẻ thù đánh lẫn nhau
- Ngụ ý)
Nguyễn Bỉnh Khiêm hiểu được phần nào cuộc huynh đệ tương tàn là sự sát phạt giữa các thế lực Lê - Mạc - Trịnh - Nguyễn, ở đó nhân dân không được lợi gì, đất nước không được lợi gì. Việc Nguyễn Bỉnh Khiêm lựa chọn thái độ hợp tác với nhà Mạc là bởi ông vừa chấp nhận vừa cũng là chịu sự qui định chung của thời thế và dòng chảy lịch sử. Mặt khác ông lại có phần đứng cách biệt, “siêu việt” lên trên các phe phái cụ thể là bởi ông nhìn ra được quyền lợi chung của dân tộc, nhìn ra được những ước vọng của nhân dân về cuộc sống no đủ, thanh bình. Ông không chỉ đã chứng kiến mà còn nghiệm sinh, suy tư một cách sâu sắc về thời thế, thậm chí bày tỏ rõ sự thất vọng đến mức chán đời loạn lạc, chán việc nhìn các thế lực tranh chấp lẫn nhau, chán nhìn đời ô trọc, chán cả những cuộc vui vầy hưởng lạc vốn là cỗi mầm của nạn đao binh:
Yếm khan trọc thế đấu phù vinh,
Tân quán thâu nhàn ngã độc thanh.
(Chán nhìn cái đời ô trọc chen vinh hoa hão huyền,
Hưởng cảnh nhàn trong quán Trung Tân, riêng ta trong sạch
- Ngụ hứng - bài 5)
Đảo huyền dân cửu ly hung ngược,
Yếm loạn thiên tương khải trị bình
(Bị treo ngược, lâu nay dân sa vào tay bọn hung tàn,
Chán ghét loạn lạc, trời sẽ mở ra cảnh thịnh trị
- Tòng Tây chinh)
Hảo tuỳ kích khánh quan cầu gián,
Yếm tác thôi hoa tự triệu binh.
(Muốn theo người gõ khánh để xem việc can ngăn,
Chán điệu “giục hoa”, chỉ chuốc lấy nạn binh đao
- Cổ thi)
Chính vì hiểu rõ thời thế và chán ghét cuộc chiến huynh đệ tương tàn mà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm vang vọng những khát khao về một thời thịnh trị, hoà bình, an lạc. Ông loại trừ giải pháp chiến tranh, đề cao lòng nhân, khẳng định sức mạnh của đức nhân, gián tiếp phủ nhận xã hội đương thời và mơ ước đến ngày thái bình:
Cổ lai nhân giả tư vô địch,
Hà tất khu khu sự chiến tranh.
(Từ xưa đến nay người có nhân không ai địch nổi,
Việc gì phải khư khư theo đuổi chiến tranh
- Cảm hứng thi, bài 3)
Hà thời tái đổ Đường Ngu trị,
Y cựu càn khôn nhất thái hoà.
(Bao giờ lại được trông thấy cảnh trị bình như đời Đường, đời Ngu,
Trời đất như xưa, một vẻ thái hoà
- Ngụ hứng, bài 2)
Hà nhật tái phùng Nghiêu Thuấn thế,
Thái bình thiên tử thái bình dân.
(Ngày nào lại gặp được đời Nghiêu Thuấn,
Vua đời thái bình, dân đời thái bình
- Ất Sửu tân xuân hý tác)
Thực tế lịch sử cho thấy thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm đang sống vốn hết sức phức tạp, hình thành nhiều phe phái mà dường như phái nào cũng có được một vài phần chân lý, lẽ phải khiến nhiều người như Nguyễn Thiến, Lê Bá Ly, Nguyễn Khải Khang, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn... mất phương hướng chao đảo giữa hai nhà Mạc và Lê - Trịnh. Trong hoàn cảnh cụ thể, về cơ bản Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn gắn bó nhiều hơn với vương triều Mạc, từng nhiều lần theo quân Mạc đánh dẹp các phe phái mà ông gọi là “địch”, “tặc”, “nghịch tặc”, “tặc nô”, “hung đạo”, “xâm cương”, “gian nguỵ”... Đồng thời với tâm thế tôn phù triều chính “vương sư”, “quân vương”, “ngô quân”, “thần kim thánh võ”..., Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng bày tỏ ước vọng thống nhất cõi bờ, vãn hồi hoà bình “tố triển an biên sách”, “hảo triển an biên sách”, “trù biên sách” dựa trên cơ sở nhận thức mang lại cuộc sống no ấm cho chúng dân - những “tiểu dân”, “ngô nhân”, “cận ách”:
Tằng phù công thất lý nguy gian,
Chung hiệu trì khu lực cánh nan.
Thâm mẫn tiểu dân ly đống nỗi,
Thuỳ dương đại nghĩa thủ hung tàn.
Liên niên chinh phạt vương sư lão,
Luỹ thế chinh thâu quốc dụng đàn.
Nhân giả túng năng suy bất nhẫn,
Căng linh bản vị nhất phân khoan
(Giúp vua phò nước dấn gian nguy,
Gắng gỏi xông pha há quản gì.
Quặn xót dân con vòng đói rét,
Ai đương nghĩa lớn diệt gian phi.
Bao năm chinh phạt quân vua rạc,
Mấy độ trưng thu của nước suy.
Nhân giả nào ai người chẳng nỡ,
Xót thương khoan giảm bớt phân ly.
- Cảm hứng thi - bài 6, Hữu Thế dịch)
Tặc đình cửu hãm mẫn ngô nhân,
Chủng cứu thuỳ năng thể chí nhân.
Thương cập cốc ngưu hình võng giới,
Hoạ diên Côn ngọc hoá câu phần.
Thế vô kham loạn tri binh tướng,
Vọng uất lai tô hễ hậu dân.
Thử tuế hựu tao cơ cận ách,
Lưu ly hà địa khả dung thân.
(Thương dân lành hãm lâu đất giặc,
Cứu vớt người ai bậc chí nhân.
Bạo hình tàn vật hại dân,
Hoa lan núi cũng ầm ầm lửa thiêu.
Giỏi dẹp loạn, lược thao chẳng thấy,
Cứu sống dân, mong cậy thánh vương.
Gặp nên cơ cận tai ương,
Lưu ly khốn đốn không đường dung thân.
- Cảm hứng thi - bài 7, Hữu Thế dịch)
Khi treo mũ từ quan trở về quê cũ, Nguyễn Bỉnh Khiêm thực hiện tiếp chí nguyện lập quán xây chùa, mở trường dạy học, dựng am Bạch Vân, lấy đạo hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Và đó cũng là tên của tập thơ chữ Hán Bạch Vân am thi tập, tập thơ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi. Chao ôi, Bạch Vân! Đám mây trắng ấy sau khi đã trôi nổi khắp chốn hoạn lộ kinh kỳ, bây giờ neo lại nơi bến gốc quê hương. Có lẽ cũng phải đến lúc này, cái vốn kinh lịch trải đời, suy nghiệm mọi lẽ đời mới đủ độ kết tinh trong những vần thơ thế sự và triết lý thế sự của ông:
Làm người có dại mới nên khôn,
Chớ dại ngây si chớ quá khôn.
Khôn được ích mình đừng rẻ dại,
Dại thì giữ phận chớ tranh khôn.
Khôn mà hiểm độc là khôn dại,
Dại đến như vầy ấy dại khôn.
Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại,
Gặp thời, dại cũng hoá nên khôn.
(Thơ Nôm - bài 94)
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dù ai vui thú nào.
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến cội cây ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
(Thơ Nôm - bài 73)
Xem ra, phải sau thời Nguyễn Trãi, và đẩy thành vấn đề trung tâm trực diện hơn Nguyễn Trãi, chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đặt đạo đức thành vấn đề đạo lý, triết lý về đạo đức. Dường như trước những biến thiên dữ dội của thời cuộc, ông thấy các giá trị đạo đức truyền thống bị đảo lộn, thấy con người trở nên vị kỷ hơn, vụ lợi hơn. Ông đau đời, ông phê phán thế thái nhân tình, đạo lý suy vi:
Thế gian biến cải vũng nên doi,
Mặn lạt, chua cay lẫn ngọt bùi.
Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử,
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.
Xưa nay đều trọng người chân thật,
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi?
Ở thế mới hay người bạc ác,
Giàu thì tìm đến, khó thì lui.
(Thơ Nôm - bài 71)
Đời này nhân nghĩa tựa vàng mười,
Có của thì hơn hết mọi lời.
Trước đến tay không, nào thốt hỏi,
Sau vào gánh nặng, lại vui cười.
Anh anh, chú chú, cười hơ hải,
Rượu rượu, chè chè, thết tả tơi.
Người, của lấy cân ta thử nhắc,
Mới hay rằng của nặng hơn người.
(Thơ Nôm - bài 74)
Cái nhìn của ông có phần cách biệt với thường nhân, đứng trên tầm cao của một nhà tư tưởng, một triết nhân mà soi rọi, phê phán con người hám lợi giàu sang, khinh miệt đồng tiền: “Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền”, “Thớt có tanh tao ruồi đậu đến - Ang không mật mỡ kiến bò chi”, “Nhị kết, hoa thơm, ong đến đỗ - Mỡ bùi, mật ngọt, kiến nào đi”, “Cơm áo bỗng xui người hoá quỉ - Oản xôi dễ khiến bụt nên ma”... Ông bị dằn vặt, giằng xé trong thực tại đắng cay, bất lực trước cái xu thế nhãn tiền: Bần cư trung thị vô nhân vấn - Phú tại sơn lâm hữu khách tầm. Phần nhiều những suy tưởng triết lý đó được ông đúc kết, lược qui về thước đo thế sự, hệ qui chiếu kinh nghiệm thế sự. Đã nhiều lần ông lên tiếng phê phán, chối bỏ lối sống đô hội thị thành trên các phương diện thế sự, đạo lý, lối sống:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người đến chốn lao xao.
(Thơ Nôm - bài 73)
Bạc vàng là của trữ tiêu dùng,
Thành thị vốn đua tranh giành giật.
(Thơ Nôm - bài 79)
Vật vờ thành thị làm chi nữa,
Ít tiếng khen thì vắng tiếng chê.
(Thơ Nôm - bài 61)
Đường lợi há theo thị tỉnh,
Cảnh thanh chiếm hết giang sơn.
(Thơ Nôm - bài 142)
Đối lập lại, ông đề cao lối sống dân dã, thanh đạm, kiệm cần, đề cao “đạo thường”, rất mực coi trọng tinh thần “tự tại”, thực hiện sự hoà giải bằng ảo tưởng với chính mình, đắp tai cài trốc, để “lòng vô sự”:
Thế sự ngoài tai biếng nói năng
(Thơ Nôm - bài 16)
Làm chi đo đắn nhọc đua tranh
(Thơ Nôm - bài 26)
Dửng dưng mọi sự gác bên ngoài,
Dầu được, dầu thua, ai mặc ai.
(Thơ Nôm - bài 40)
Mặt khác, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đi sâu khai thác đề tài đạo lý, răn dạy đạo đức từ mức độ phổ quát đến cụ thể, chẳng hạn ở các bài Cương thường tổng quát, Răn đầy tớ thờ chủ, Khuyên nàng dâu thờ cha mẹ chồng... Tất cả những bài thơ đó nhằm nêu cao yêu cầu “tu thân”, tu rèn đạo đức cá nhân, hướng về bảo toàn khí tiết lối “đồ nho” hơn là vươn tới hành động; bảo vệ các quan hệ đạo đức lễ nghĩa Nho giáo hơn là đi tìm lối thoát mới cho cuộc mưu sinh; bảo vệ các tín điều đạo đức xưa cũ hơn là bắt nhịp với thực tế lối sống mới đang nảy sinh; hoặc có phê phán cũng là nhằm để sửa chữa và khẳng định trật tự cũ, không nhàm khám phá, lý giải bản chất các quan hệ xã hội, không nhằm phê phán để đổi thay; đồng thời lại cự tuyệt đời sống thị thành, chối bỏ mọi sự nhập cuộc, thực hiện phê phán đồng tiền, phê phán mọi biểu hiện có tính xu thế của xã hội mà ông lược qui vào cái gọi là “thói đời”; khinh mạn lối sống giàu sang, phú quý, công danh; tự mình rút lui và bằng lòng với giá trị thanh cao tưởng tượng, một sự thanh cao “không làm gì cả” - đó là những phương diện đạo đức nho giáo căn bản ở Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đương nhiên nó có sự hấp dẫn bởi vẻ đẹp đạo lý, cách biệt với “thói đời” - khác hẳn với cái nhìn phân tích của dòng văn học hiện thực phê phán sau này - và bộc lộ thái độ kẻ cả, đo nhìn cuộc sống theo quan niệm đạo đức nhà nho một chiều, không dễ chấp nhận những mầm mống lối sống mới, sự phát triển và đổi mới của toàn bộ đời sống tinh thần xã hội. Phải chăng đó là mối mâu thuẫn giữa nhận thức xã hội và lý tưởng, giữa khát vọng nhân văn và thực tại đời thường, giữa những tiêu chí đạo đức qui phạm và dấu hiệu cái mới đang vận động, nảy sinh. Nguyễn Bỉnh Khiêm buộc phải trả giá cho bản tính thi sĩ và những ước vọng đầy tính ảo tưởng của mình: ý thức bảo vệ chuẩn mực đạo đức truyền thống không đồng hành với thực tiễn đời sống xã hội đang đòi hỏi được đổi thay, phát triển. Ở đây nhiều vấn đề đạo đức có ý nghĩa tiêu biểu cho một thời kỳ mới mà đương thời Nguyễn Trãi trước đây chưa hình thành rõ nét, và chỉ thấy xuất hiện đậm đặc từ thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm; chẳng hạn các vấn đề về nội chiến phong kiến, vai trò đồng tiền, lối sống thị thành... Và một cách không tự giác, trong khi phê phán những yếu tố khác lạ đang nảy sinh trong lòng xã hội như một xu thế tất yếu thì chính ông lại tỏ bày thái độ cản phá bước tiến của lịch sử nói chung. Từ đây có thể nói Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hiện diện như một cây đại thụ của văn hoá phong kiến, thiên về phê phán để khẳng định chuẩn mực đạo đức cũ, khác xa lối phê phán đồng tiền, phê phán lối sống thị thành và phê phán xã hội kiểu Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương sau này(2)...

Đặt trong xu thế khẳng định chuẩn mực đạo lý phong kiến, một mặt Nguyễn Bỉnh Khiêm phê phán mạnh mẽ thời cuộc điên đảo, chinh chiến liên miên nhưng mặt khác lại vẫn kỳ vọng vào vương triều sẽ mang lại hoà bình, an lạc cho đất nước. Ông có đặt lòng tin vào một ông “vua ta” cụ thể nhưng lại ước mong nhiều hơn những bậc hiền tài trong thiên hạ sẽ đứng ra đảm đương trọng trách phò vua giúp nước. Điều này cũng có nghĩa là trong cách cảm nhận của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì bản thân nhà vua chưa thật hội đủ khả năng và uy tín để đảm đương vai trò “thế thiên hành đạo”. Đã hơn một lần ông trực diện bày tỏ tâm trạng thất vọng: Sinh chăng gặp thuở Đường Ngu (Thơ Nôm - bài 105).Vì thế mà Nguyễn Bỉnh Khiêm thường có cách nói ngụ ý mong ước, khuyên can nhà vua cần biết dựa vào nhân nghĩa, chính nghĩa và sức mạnh của muôn dân:

Tối thị đế vương nhân nghĩa cử,
Sự công ưng khả tiểu Đinh, Lê.
(Quan trọng nhất là bậc đế vương phải nêu cao nhân nghĩa,
Được thế thì sự nghiệp có thể lớn hơn triều Đinh, Lê.
- Đóng doanh trại ở Liệt Khê)
Thánh chủ chí kim nhân thắng bạo,
Cứu dân vụ tại quảng chiêu hàng.
(Thánh chúa ngày nay chỉ lấy nhân nghĩa để thắng bạo tàn,
Cứu dân cốt ở chỗ mở rộng việc chiêu hàng
- Qua sông Hữu - bài 1)
Một mặt khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rõ rằng thân mình già yếu mà vẫn phải gắng gỏi theo quân nhà vua vừa khuyến khích, kêu gọi các bậc anh tài theo giúp vua, tham dự chính sự và công cuộc cứu dân cứu nước:
Ngô tào nhược hữu trù biên sách,
Ưng vị ngô quân nhất phạm nhan.
(Bọn chúng ta nếu có kế sách trù hoạch bờ cõi,
Hãy vì vua ta mà mạnh dạn can ngăn
- Hộ giá đi miền tây qua châu Lục Yên, cảm khái hoạ vần của Lễ Độ Bá)
Biên phương cứu uất lai tô vọng,
Thuỳ vị quân vương nhất phủ tuy?
(Cõi xa mong đợi người đến cứu đã từ lâu,
Ai đó vì quân vương mà ra sức vỗ yên
- Theo đánh miền tây - bài 2)
Cửu trùng chính cấp cầu nhân tướng,
Chửng cứu ưng tô thử nhất phương.
(Cửu trùng đang gấp tìm một vị tướng nhân đức,
Ra tay cứu vớt, làm sống lại một phương này
- Qua sông Hữu - bài 4)
Thất vọng trong việc tìm được người hiền tài, có những khi Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn tin vào cõi người nữa mà phải cầu viện đến cõi siêu linh: Lòng trời nếu chẳng dung tha kẻ gian nguỵ - Thì hãy một phen trợ sức cho quân nhà vua (Qua sông Hữu - bài 2). Có thể chỉ là ngẫu nhiên hay thật sự là một nỗi ám ảnh chăng khi mà cách sử dụng cùng một điển tích ở Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn có nét khác biệt nhau như Nguyễn Tài Cẩn đã khảo sát: “Rõ ràng Nguyễn Trãi khi dùng điển tích Đường Ngu thì liên hệ nhiều đến quan hệ vua tôi. Ở Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ có thuở Đường Ngu, nói đến Đường Ngu là nói đến một thời đại”(3). Điều này có nghĩa là cách nói, cách cảm nhận ở Nguyễn Trãi biểu lộ ý thức chức năng phận vị vua - tôi, mang tính khu biệt và cụ thể hoá rõ nét hơn; còn với Nguyễn Bỉnh Khiêm lại hướng về một thời thịnh trị có phần đại thể, chung chung, thiếu tính xác định. Trong chiều sâu tâm tưởng, Nguyễn Bỉnh Khiêm khó tìm thấy và cũng không thật tin tưởng vào một bậc vua sáng nào trong hiện thực nên ông phải mơ ước về những bóng hình đế vương thuộc thời quá khứ huyễn ảo xa mờ, những Nghiêu - Thuấn - Đường - Ngu. Vẫn biết rằng tâm thức vọng cổ đã là một chiều hướng phổ biến trong cả lý tưởng chính trị xã hội cũng như ý thức thẩm mĩ văn chương, song thực tế tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm cho thấy ông thực sự gián cách với thời cuộc mà mơ về những tấm gương xưa. Dù có ý thức hay là vô thức, trước sau đó vẫn là một nỗi ám ảnh và một cách bày tỏ thái độ của Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhất là khi so sánh với Nguyễn Trãi. Đây cũng là cơ sở để chúng ta cắt nghĩa và hiểu sâu sắc hơn đặc điểm thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bối cảnh thời đại bấy giờ. Nhìn rộng ra, có lẽ ngay cái việc ông dàn xếp, chia các phe phái Trịnh - Nguyễn - Mạc về những vùng đất khác nhau cũng phần nào phản ánh thái độ không hoàn toàn tôn phục hẳn về một thế lực nào. Các nguồn tư liệu và truyền thuyết kể rằng: Khi Trịnh Kiểm đến hỏi về việc nên ứng xử với nhà Lê thế nào thì được ông khuyên “Ở chùa thờ Bụt thì ăn oản” với ngụ ý cứ tôn phù nhà Lê mà chuốc lợi; khi Nguyễn Hoàng hỏi kế sách đã được ông mách nước “Hoành Sơn nhất đới, khả dĩ dung thân” (Hoành Sơn một dải, có thể dung thân); còn khi Mạc Mậu Hợp thất bại lại cũng được ông chỉ lối “Cao Bằng tuy tiểu, sổ duyên khả thế” (Cao Bằng tuy nhỏ, có thể ở được vài đời)... Đó cũng là những nguồn chứng cứ để chúng ta suy luận về khả năng Nguyễn Bỉnh Khiêm thường trăn trở, phân vân trước hiện tình đời sống dân tộc. Ông thực sự là một nhân cách văn hoá lớn nhưng không gặp thời, suốt đời ôm mối “lo trước”: Lão lai vị ngải tiên ưu chí; Đắc táng cùng thông khởi ngã ưu (Tấm lòng lo trước thiên hạ đến già chưa thôi; Cùng thông đắc táng ta có lo chi riêng mình - Tự thuật - bài 3).

Có một điểm cần chú ý ở đây là Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ bộc lộ những xác tín ảo tưởng về đạo lý, thậm chí có thể coi ông như hiện thân, như một điển hình mẫu mực của lý tưởng Nho giáo - mà còn vươn tới khả năng thâu thái mọi nguồn tri thức đương đại, toả sáng hào quang nhân cách con người cá nhân mình qua những trang thơ. Với tư cách một nhà văn hoá lớn, một ông trạng thông minh mẫn tiệp, từng được người đời tôn xưng là Tuyết Giang phu tử, Nguyễn Bỉnh Khiêm quả đã nắm bắt sâu sắc các nguồn tư tưởng triết học thâm hậu như về Kinh Dịch, Phật giáo, Lão - Trang. Chính ông là người đạt tới tầm cao và cũng là hiện thân của dòng thơ triết lý. Ông đã nghiệm sinh sâu sắc trong sự đời, lẽ đời:
Vinh nhục một cơ hằng đắp đổi,
Ắt là từng thấy một hai phen.
(Thơ Nôm - bài 39)
Thế sự tuần hoàn hay đắp đổi,
Từng xem thua được một hai phen.
(Thơ Nôm - bài 44)
Ông hiểu rõ mối quan hệ biện chứng các mặt mâu thuẫn của sự vận động với những thăng - giáng, doanh - tổn, thừa - trừ, thịnh - suy, cương - nhu, vãng - phục... Sự am hiểu Lý học, âm dương, khí số, ngũ hành bát quái còn giúp ông soi nhìn muôn vật trong đà biến chuyển, thấy cái “khôn” nhất thời nuôi mầm cái “dại”, thấy cái ngày mai trong hôm nay, thấy cái lụi tàn tất yếu đang tiềm ẩn ở vẻ ngoài chừng như tốt tươi, khai mãn. Ngay trong thơ chữ Hán ông cũng có nhiều ý thơ vận dụng cái nhìn biến dịch tuần hoàn:
Sinh sinh dục thức thiên cơ diệu,
Nhận thử hàn mai nghiệm nhất dương.
(Muôn vật kế tiếp sinh ra, muốn biết cơ trời thần diệu,
Hãy xem hoa mai trong giá lạnh với khí dương đang sinh ra
- Trung Tân quán ngụ hứng - bài 11)
Cơ ngẫu tòng lai doanh cánh hư,
Âm dương tiêu trưởng nghiệm thừa trừ.
(Chẵn lẻ sóng đôi với nhau, đầy rồi càng vơi,
Âm và dương, tiêu và trưởng, xét lẽ đều bù trừ nhau
- Độc Chu dịch hữu cảm)
Tái nhất âm hề phục nhất dương,
Tuần hoàn vãng phục lý chi thường.
(Trở lại một âm thì lại có một dương ẩn phục,
Tuần hoàn đắp đổi nhau vốn là lẽ thường
- Trung Tân quán ngụ hứng)
Tiếp tục khảo sát 161 bài thơ chữ Nôm thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm phản ánh một cách sâu sắc biết bao những cung bậc, xu thế, trạng thái trái ngược nhau: Thăng - giáng, Ngày - đêm, Nóng - lạnh, Đại - tiểu, Duỗi - khuất, Mãn - tổn, Vũng - doi, Nhọn - tùi, Rộng - hẹp, Dài - vắn, Tới - lui, Thắm - phai, Đầy - vơi, Xuôi - ngược, Thịnh - suy, Hơn - thiệt, Lành - dữ, Khen - chê, Danh - luỵ, Khôn - dại, Được - mất, Vinh - nhục, Già - trẻ, Ở - về,... Đó không chỉ là những luận giải giàu tính triết lý mà đã chuyển hoá thành phong cách, thành tâm thức ám ảnh hầu hết các trang thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông suy nghiệm, đúc kết ở tầm mức khái quát cũng như nhập cuộc đời sống và cất lên tiếng nói tràn đầy sắc thái tư duy triết lý thế sự, thông qua nhiều chi tiết, hình ảnh, cảnh ngộ thật gần gũi, quen thuộc, gợi cảm:

Vinh nhục một cơ hòng đắp đổi,
Ắt là từng thấy một hai phen.
(Thơ Nôm - bài 36)
Thế sự tuần hoàn hay đắp đổi,
Từng xem thua được một hai phen.
(Thơ Nôm - bài 41)
Hoa càng khoe nở, hoa nên rữa,
Nước chứa cho đầy, nước ắt vơi.
(Thơ Nôm - bài 48)
Điều quan trọng cần thấy là đứng trước thực tại phong phú với hai chiều biện chứng, vừa đối lập vừa hàm chứa cội mầm tạo lập nên nhau, làm điều kiện tồn tại cho nhau, song khi hướng tới lý giải thì Nguyễn Bỉnh Khiêm lại thường lược qui về những định đề tư tưởng quen thuộc như “đạo”, “đạo trời”, “đạo thánh”, “đạo trung”, “đạo cả”, “đạo làm người”:

Đã khuất bao nhiêu thì lại duỗi,
Đạo trời lồng lộng chẳng hề sai.
(Thơ Nôm - bài 2)
Vì danh cho phải danh làm luỵ,
Được đạo thì hay đạo có mùi.
(Thơ Nôm - bài 18)
Từng xem sách cũ một hai pho,
Mến đạo thề chăng phụ nghiệp nho.
(Thơ Nôm - bài 27)
Miệng người tựa mật mùi càng ngọt,
Đạo thánh bằng tơ mối hãy dài.
(Thơ Nôm - bài 60)
Mựa hề toan lợi, mựa toan công,
Lui tới thìn cho phải đạo trung.
(Thơ Nôm - bài 119)
Kho ngọc mời khuyên nhà họp mặt,
Quyển vàng giảng giải đạo làm người
(Thơ Nôm - bài 121)
Trời phú tính ở mình ta,
Đạo cả cương thường năm mấy ba.
(Thơ Nôm - bài 145)
Tuy nhiên, khi tiến hành thống kê và so sánh thì thấy số lượng những câu thơ nhằm khẳng định chân lý, sức mạnh trường tồn của “đạo” ở Nguyễn Bỉnh Khiêm thấp hơn hẳn nếu so với Nguyễn Trãi(4). Thêm nữa, ngay cả những câu thơ thiên về khẳng định “đạo” ở Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhạt nhoà và phần lớn lại rơi vào khu vực những bài tồn nghi, chưa thật rõ là của Nguyễn Trãi hay Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đã vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn suy tôn thứ “đạo trung thường” không thái quá mà cũng không bất cập; đồng thời tỏ ý nản lòng trước lý tưởng “đạo” và phê phán, giễu cợt, chỉ rõ bản chất bọn người tham lợi giả danh mượn màu “đạo”:
Quân thân thề hết lòng thờ một,
Xuất xử cầu chưa đạo được hai.
(Thơ Nôm - bài 12)
Thấy cơ doanh mãn, cho hay chớ,
Phải đạo trung thường, mựa có qua.
(Thơ Nôm - bài 17)
Ải Tần, non Thục đường nghèo hiểm,
Cửa Khổng, làng Nhan đạo khó khăn.
(Thơ Nôm - bài 20)
Đạo nọ, nghĩa này, trăm tiếng bướm,
Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền.
(Thơ Nôm - bài 5)
Như thế có nghĩa là niềm tin vào “đạo” đến thời Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có dấu hiệu phai nhạt, con người đã biết tìm cho mình một chỗ đứng, tạo lập một cách nhìn, một cách đánh giá, “phản biện” theo lối riêng. Sâu xa trong nhận thức, Nguyễn Bỉnh Khiêm hiểu rằng cả hai nẻo đường khôn - dại quá mức đều bất lợi, và ông giác ngộ ra con đường “đạo trung”, “đạo trung thường”. Giữa thời buổi rối ren loạn lạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm thức nhận việc theo đuổi, thực hành “đạo” thật khó khăn, chẳng khác gì đi trên “ải Tần, non Thục”. Đã thế, ông còn chứng kiến biết bao những “ý đẹp lời hay” mòn sáo, biết bao những lời thuyết lý đạo nghĩa hình thức bề ngoài mà rút cuộc thực chất chỉ là “thinh thỉnh lại đồng tiền”! Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm, việc lựa chọn một thế ứng xử văn hoá như thế nào cho phù hợp với thực tế xã hội lúc bấy giờ là điều không hề đơn giản. Ông buộc phải băn khoăn, lựa chọn một trong hai con đường: nhập thế giữa các phe phái Mạc - Lê - Trịnh hoặc chấp nhận xuất thế lui về ẩn dật. Nhưng dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào, trước sau ông vẫn lựa chọn một chỗ đứng đầy tự tin - tin vào chính mình, tin vào con đường mình lựa chọn; và tự chủ - chủ động trước mọi biến động của cuộc đời, chủ động trong thế ứng xử và thái độ kiên định:

Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách,
Được thú, ta đà có thú ta
(Thơ Nôm - bài 31)
Người tham phú quý người hằng trọng,
Ta được thanh nhàn ta sá yêu.
(Thơ Nôm - bài 47)
Ít nhiều ngày tháng qua thì chớ,
Tiêu sái, ta thìn vẹn chí ta.
(Thơ Nôm - bài 120)
Ai xem, ai chẳng hay là chớ,
Lại một ta khen ta hữu tình.
(Thơ Nôm - bài 141)
Thực ra, trước sau ông vẫn không thoát khỏi sự ràng buộc, chi phối của hoàn cảnh. Trên phương diện nào cũng thấy ông phân thân giữa nhiều trạng thái tư tưởng khác nhau, thường khi và rất nhiều khi tạo nên những mâu thuẫn trong chính con người mình. Ông vừa có đối lập vừa có hợp tác, vừa tiềm tàng nội lực vừa tỏ ra bất lực, vừa ngang nhiên chấp nhận mọi sóng gió cuộc đời vừa như an phận, lánh đời, trốn đời. Trên tất cả, ông hoá giải những phức tạp nội tâm bằng tinh thần tự tại và thái độ gián cách với thế tục, đứng trên thế tục. Ông thừa biết mọi điều mà cứ vờ nhận rằng mình dại - Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ! Ông đã chứng kiến và chứng nghiệm lẽ đời, đã đi đến cùng mọi sự khôn dại - dại khôn để thấu hiểu: Khôn mà như thế là khôn dại - Dại đến như vầy ấy dại khôn! Phải trải qua tất cả cảnh đời trường đời như thế rồi Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đạt tới thế ứng xử văn hoá mang tinh thần triết lý về nhàn dật và tự tại(5). Một tinh thần nhàn dật và tự tại như thế nhiều khi biểu lộ cách nói hơn là hành động thực, một giải pháp tình thế hơn là chí hướng cả đời người, một sự độc tôn tâm trạng bất đắc chí hơn là khả năng tìm ra lối thoát tối ưu. Chính vì thế mà Nguyễn Bỉnh Khiêm tự nhủ rằng mình cần phải biết bằng lòng với chính mình, phải gián cách với thế tục song nhiều khi ông vẫn ám ảnh bởi hệ luỵ về thân phận, lời khen chê, chốn công danh:
Yên đòi phận dầu tự tại,
Lành, dữ, khen, chê cũng mặc ai.
(Thơ Nôm - bài 12)
Am quán ngày nhàn, rồi mọi việc,
Dầu ta tự tại, mặc dầu ta.
(Thơ Nôm - bài 14)
Già đã khỏi áng công danh,
Tự tại, nào âu luỵ đến mình?
(Thơ Nôm - bài 15)
Song hiên ngỏ cửa ngồi xem sách,
Tự tại ngày qua mấy kẻ bằng.
(Thơ Nôm - bài 66)
Xét cho cùng, chính hoàn cảnh lịch sử và cuộc đời riêng đã đổ bóng lên trang thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm hết sức rõ nét. Trong cuộc đời thực, Nguyễn Bỉnh khiêm từng xây am Bạch Vân, quán Trung Tân và chúng trở thành những hình ảnh, biểu tượng nghệ thuật sống động trở đi trở lại trong thơ ông. Chí hướng của ông cũng được bày tỏ rõ ràng trong Bài tựa tập thơ Am Bạch Vân: “Ôi, nói tâm là nói về cái chỗ mà chí đạt tới vậy, mà thơ lại là để nói chí. Có kẻ chí để ở đạo đức, có kẻ chí để ở công danh, có kẻ chí để ở sự nhàn dật. Tôi lúc nhỏ chịu sự dạy dỗ của gia đình, lớn lên bước vào giới sĩ phu, lúc về già chí thích nhàn dật, lấy cảnh núi non sông nước làm vui, rất là vụng về trong nghề thơ...”. Như vậy là phù hợp với diễn biến trong cuộc đời và quan niệm về thơ ca, sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng bao gồm đủ các phương diện đạo đức - công danh - nhàn dật và theo sát các chặng đường đời, khi hành đạo nhập cuộc cùng giới sĩ phu, khi xuất thế với triết lý nhàn dật, tự tại, vui cùng núi non sông nước. Chính nhờ sự phong phú trong cuộc đời như thế mà thơ ông thật sự giàu sắc thái triết lý (gắn với uy danh nhà tiên tri, nhà Lý học và những yếu tố của khoa học dự báo), vừa có phong cách hàn lâm vừa có phần gần với đời thường, tạo lập một tiếng thơ triết lý thế sự dựa trên căn bản kinh nghiệm cuộc sống đời thường. Trong tập thơ chữ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi, Nguyễn Bỉnh Khiêm vận dụng thuần thục các thể thơ Đường luật song vẫn thực hiện những bước phá cách, mở rộng biên độ sáng tạo về mặt hình thức bằng lối thơ Đường luật xen lục ngôn. So sánh trong tổng số thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì thấy số lượng bài thất ngôn pha lục ngôn chiếm một tỉ lệ khá lớn: 97/161 (trên 60%)(6). Tuy rằng mọi sự phá cách này trước sau vẫn phải dựa trên nền tảng thơ Đường luật nhưng việc duy trì hình thức câu thơ thất ngôn xen lục ngôn (vốn đã phát triển từ Nguyễn Trãi và hưng thịnh dưới triều Lê Thánh Tông) cũng là một cố gắng đáng kể của Nguyễn Bỉnh Khiêm trên tiến trình vận động, tìm tòi, đổi mới hình thức thơ ca. Xét trên phương diện ngôn từ nghệ thuật thì thấy hệ thống từ vựng thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm thiên về khái niệm triết lý và đặc biệt phản ánh rõ tính chất đăng đối, chuyển hoá giữa các trạng thái, ý tưởng. Việc tác giả lựa chọn, thể hiện hệ thống ngôn từ theo cấu trúc đăng đối khiến cho ngay cả những từ ngữ có vẻ thông dụng thường ngày như Khôn - dại, Khen - chê, Đầy - vơi, Hơn - thiệt... cũng trở nên lấp lánh sắc màu triết lý. Mặt khác, bên cạnh tiếng nói trích dẫn kinh sách uyên bác, hàn lâm đòi hỏi vốn tri thức ở trình độ cao, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn vận dụng nhuần nhuyễn hệ thống từ vựng của tầng lớp bình dân, nếp cảm nếp nghĩ bình dân. Nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao được biến cải, tái cấu trúc trong một hình thức sinh động, mới mẻ(7). Nhà thơ sử dụng nhiều cách thức biến cải khác nhau, có chỗ chỉ lấy ý mà không lấy từ, có chỗ lấy cả ý cả từ, có chỗ lấy trọn cả ý và thêm vài từ cho thành câu thơ, có khi dựa vào chính triết lý dân gian rồi chuyển hoá, sáng tạo, nâng cấp thành hình tượng thơ ca phù hợp với nội dung toàn bài:
Giàu ba bữa khó hai niêu
(Thơ Nôm - bài 3)
Cờ đến tay ai, ai mới phất
(Thơ Nôm - bài 69)
Gần son thì đỏ, mực thì đen,
Sáng, biết nhờ ơn thuở bóng đèn.
(Thơ Nôm - bài 64)
Lưỡi thế gẫm xem mềm tựa lạt,
Miệng người toan lại sắc như chông...
(Thơ Nôm - bài 127)
Như vậy là đồng thời với việc tiếp thu và hoá giải nguồn văn liệu Hán học, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn thâm nhập và vận dụng một cách uyển chuyển nguồn tri thức thi ca dân gian, thu hút và nâng cấp khả năng sáng tạo văn hoá quần chúng lên một trình độ cao. Xoay quanh quĩ đạo triết lý thế sự, triết lý trữ tình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kết hợp hài hoà giữa tư duy bác học và bình dân, từ đó tạo nên một phong cách thơ triết lý thế sự độc đáo, không dễ trộn lẫn với ai ngay cả dưới thời trung đại.

Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc kiểu nhân cách nhà nho mang chí hướng hành đạo nhưng không gặp thời. Tác phẩm văn chương của ông in đậm dấu ấn tinh thần thời đại mất phương hướng, loạn lạc, nhiều đổi thay. Chính bởi thế mà các sáng tác của ông hàm chứa tính phức hợp của nhiều thế ứng xử văn hoá, nhiều phương án lựa chọn, nhiều cung bậc tâm trạng khác nhau(8). Ông đã đưa ra thật nhiều cách thức hình dung về cuộc đời, soi nhìn cuộc sống từ nhiều góc cạnh và tự đặt mình trong mỗi tình huống cụ thể ấy. Điều này khiến cho thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa có tính thống nhất nhưng cũng bao hàm nhiều mặt dường như mâu thuẫn, đối lập, phủ định lẫn nhau. Như thế, việc tiếp nhận thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm cần được xem xét trong tính tổng thể song cũng phải chú tới mối liên hệ giữa các đường hướng tâm trạng phù hợp với từng cảnh đời và chặng đường đời cụ thể.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là sản phẩm văn hoá điển hình của thế kỷ XVI - một thế kỷ nặng về chinh chiến và nhiều biến động nên phải lựa chọn một phương thức ứng xử văn hoá khả dĩ có thể đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần vốn muôn phần phức tạp. Trên nhiều phương diện, ông trở thành thước đo thực trạng đời sống tinh thần dân tộc ở một chặng đường lịch sử, cây đại thụ văn hoá toả bóng xuống cả thế kỷ. Một mình ông buộc phải đóng nhiều vai diễn. Đồng thời với vốn kiến thức cao siêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm lại vẫn bộc lộ cái nhìn nhân ái, dân dã, hoà đồng với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, làng thôn, trăng trong gió mát. Điều này góp phần giải hoà dòng thơ duy lý, khơi mở nguồn cảm hứng nghệ sĩ thanh cao. Điều cũng rõ ràng là mặc dù mang trong mình đầy những lẽ bất cập do hoàn cảnh thời đại qui định song Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn hiện diện như một nhân cách lịch sử chói sáng, một cây đại thụ văn hoá chính bởi sự kết tinh vốn kiến thức sâu rộng trên cơ sở một tấm lòng chính trực, gắn bó sâu sắc với cội nguồn văn hoá dân tộc. Ông là hiện thân của mĩ học phong kiến cả trên phương diện nhân văn lẫn mặt hạn chế của nó. Ông lớn lao ở những đóng góp tích cực và cũng vĩ đại giống như không ít danh nhân khác ở chính cái phần lý tưởng mang màu sắc không tưởng, ở chính cả những nỗi bất lực, đau đời và thương cảm cõi đời. Ông nói tiếng nói cao sang, cao đạo nhưng trung thực, chân thành như chính tiếng nói của lương tâm thời đại: Lão lai vị ngải tiên ưu chí (Tấm lòng lo trước thiên hạ đến già chưa nguôi). Trên nhiều phương diện, không ai nói được như ông, càng không thể thay thế được tiếng nói kiểu như ông, vì thế mà ông trở thành vĩ đại, toả sáng, thành danh nhân văn hoá lớn của dân tộc.

Hà Nội, sơ hạ 2002
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn học

(1) Phần trích dẫn tác phẩm đều theo Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm (Đinh Gia Khánh chủ biên, giới thiệu; Đinh Gia Khánh - Bùi Duy Tân - Hồ Như Sơn soạn dịch). NXB Văn học, H, 1983, 340 trang.
(2) Xin xem Nguyễn Lộc: Nhìn nhận lại thực chất thái độ phê phán của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua thơ văn, trong sách Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hội đồng Lịch sử Hải Phòng và Viện Văn học xuất bản, Hải Phòng, 1991, tr. 298 - 305.
(3) Nguyễn Tài Cẩn - N. V. Stakêvits: Thử phân định thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong sách Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd, tr. 224.
(4) Tham khảo Nguyễn Hữu Sơn: Khảo sát cái nhìn đạo lý trong văn học cổ điển dân tộc. Tạp chí Văn học, số 6 - 1990, tr. 60 - 65; Về con người cá nhân trong thơ Nguyễn Trãi. Tạp chí Văn học, số 9 - 1995, tr. 44 - 47.
(5) Xin xem Trần Đình Hượu: Triết lý và thơ ở Nguyễn Bỉnh khiêm, trong sách Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại. NXB Văn hoá - Thông tin, H, 1995, tr. 131 - 154.
(6) Nguyễn Hữu Sơn: Góp phần tìm hiểu hình thức câu thơ lục ngôn trong thơ Nôm Nguyễn bỉnh Khiêm. Tạp chí Văn học, số 3 - 1987, tr. 79 - 86. In lại trong Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd, tr. 357 - 361; Nguyễn Bỉnh Khiêm - danh nhân văn hoá. Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Viện Khoa học xã hội Việt Nam xuất bản, H, 1991, tr. 194 - 205; Phê bình văn học (Lý Tế Xuyên... Nguyễn Bỉnh Khiêm). NXB Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 221 - 232. Nguyễn Bỉnh Khiêm - về tác gia và tác phẩm. NXB Giáo dục, H, 2001, tr. 598 - 606...
(7) Bùi Văn Nguyên: Âm vang tục ngữ, ca dao trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong sách Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd, tr. 372 - 376.
(8) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - đời và thơ. Văn nghệ quân đội, số 10 - 1991, tr. 105 - 108. In trong Tạp chí Đất nước (Cơ quan Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga xuất bản), Mátxcơva, số 6, tháng 12 - 1990, tr. 38 - 39. In lại trong Điểm tựa phê bình văn học. NXB Lao động, H, 2000, tr. 262 - 274; Kỷ niệm trọng thể 500 năm năm sinh nhà thơ - danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1991). Tạp chí Văn học, số 6 - 1991, tr. 77...