Thi phẩm mang âm hưởng của vẻ đẹp cổ điển và độc đáo bởi sự xuất hiện của 12 chữ “trắng” trải khắp tám câu thơ. Chúng tôi được nghe một giới thiệu về xuất xứ của nó qua nhạc sĩ trẻ Dương Trọng Nghĩa, hiện đang ở Vĩnh Tuy (Hà Nội).

Trong những năm 1945 - 1954, nhà thơ Nguyễn Bính tham gia công tác kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, trong Hội Văn nghệ cứu quốc tỉnh Rạch Giá và là Phó Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tại Rạch Giá. Trong thời gian này, một trong những người bạn say mê văn chương cùng công tác với ông là Nguyễn Văn Hiếm, người Quảng Ninh. Trước khi chia tay nhau để Nguyễn Bính tập kết ra bắc nhận công tác mới tại Hội Văn nghệ Việt Nam, chính thi sĩ đã viết tặng bài thơ này vào sổ tay cho người bạn của mình.

Bài thơ cùng cuốn sổ đã được ông Nguyễn Văn Hiếm luôn mang theo và gìn giữ qua bao nhiêu năm tháng chiến tranh. Nhiều năm sau này, trở lại quê hương, ông giao cuốn sổ có bài thơ của Nguyễn Bính cho con trai mình là Nguyễn Văn Bình cất giữ. Thập niên 80 của thế kỷ trước, ông Bình ra Hà Nội làm việc, mang theo cuốn sổ. Bài thơ Trắng nhắc tới ở trên được chia sẻ với nhiều bè bạn, trong đó nghệ sĩ guitare Dương Mạnh Trung (đã mất năm 2010).

Ông Bình nay đã về Quảng Ninh sinh sống, rất tiếc thủ bút của Nguyễn Bính về bài thơ đã không còn.

Chúng tôi có liên lạc với nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, con gái của nhà thơ Nguyễn Bính, người đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết biên soạn bộ sách Nguyễn Bính toàn tập (bản in lần đầu năm 2008, NXB Văn học; bản in lần hai năm 2017, NXB Hội Nhà văn). Tôi kể toàn bộ câu chuyện với chị Hồng Cầu và gửi bài thơ cho chị. Vừa đọc xong bài thơ, chị đã nói ngay: Đúng hơi hướng của cụ Bính đây rồi!

Chị nhận xét: Cái độc đáo của bài thơ nằm ở chữ trắng, rất nhiều thi ảnh trong bài thơ đều gắn với mầu trắng. Và điều thú vị là những chất liệu này hầu hết đã đều được sử dụng trong các bài thơ khác của Nguyễn Bính…

“Sương trắng” từng xuất hiện trong bài Bên hồ: “Sương mai đây có trắng mờ/Như còn lưu luyến đôi bờ cây xanh”. Hình ảnh “cò trắng” từng xuất hiện trong bài “Hai buổi chiều”: “Vạn chài mái có xiêu xiêu/Một đàn cò trắng bên đèo bay sang”. Hình ảnh “trâu trắng” từng xuất hiện trong bài Không đề: “Có chiếc thuyền nằm trên cát mịn/Có đàn trâu trắng lội ngang sông”...

Theo quan sát của chúng tôi, chỉ duy có “mộng trắng” là chưa từng xuất hiện trong bài thơ nào và có lẽ cũng là điểm nhấn đặc biệt nhất ở bài thơ có 12 chữ trắng này. Mầu trắng không chỉ nhuốm trên tất cả các vùng không gian, từ xa tới gần, từ hẹp tới rộng, từ dưới lên trên, cả mặt nước và bầu trời với mọi sinh thể. Mà mầu trắng ấy hình như còn thăm thẳm nhuốm vào tận tâm linh con người, đi cả vào trong giấc mộng thi nhân như thể gửi gắm một nỗi niềm, một giấc mơ yêu thương chưa có hồi trọn vẹn.

Người viết bài này bước đầu nhận định đây là bài thơ của Nguyễn Bính còn bởi lý do, Nguyễn Bính là thi sĩ lãng mạn duy nhất tự ví mình với bướm trong nhiều bài thơ, và tinh thần ấy lại được tái hiện trong bài Trắng này: “Thuở trước loài hoa chửa biết cười/Vô tình con bướm trắng sang chơi/Khác nào tôi đã sang chơi đấy/Rước bướm dừng chân. Hoa hé môi” (Hương cố nhân), “Ai đem rắc bướm lên hoa/Rắc bèo xuống giếng rắc ta vào nàng” (Rắc bướm lên hoa).

Âm điệu của những câu thơ trong bài Trắng còn có sự tương đồng với những câu thất ngôn khác của Nguyễn Bính. Chẳng hạn có thể so sánh câu thứ nhất và thứ tư của Trắng với một số câu trong bài Hoa với rượu: “Sương trắng chiều nay phủ trắng đồng/Hoa trắng nhà ai nở trắng vườn” với “Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà”. Ba câu thơ có sự trùng hợp về vị trí bằng trắc và thanh điệu của tất cả các âm tiết.

Trở lại với bài thơ tám câu mang tựa đề Trắng, chúng tôi thầm mong trong một ngày không xa, thi phẩm sẽ được thu thập, xác minh và có thể ghi nhận một cách chính thức. Và những cảm nhận ban đầu mà con gái nhà thơ, chị Nguyễn Bính Hồng Cầu chính là một gợi mở.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.