Trường ca

 

 

Ảnh đại diện

Trường ca Trường Sơn - những điểm nhấn

Tác giả: Đoàn Minh Tâm


(Đọc Trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông, Nxb Văn học, 2009)

Nhà thơ viết trường ca giống nhà văn viết tiểu thuyết. Rất nhọc nhằn, vất vả vì cả hai thể loại đều đòi hỏi người viết có vốn sống dày dặn, tầm hiểu biết sâu rộng, tư duy vừa khái quát vừa phân tích cao và trên hết là khả năng sáng tạo nghệ thuật phong phú để làm sao bạn đọc có thể thưởng thức cả ngàn câu thơ mà không dội lên cảm giác “bội thực”. Viết trường ca khó là vậy, viết trường ca về Trường Sơn càng khó, trong đó chỉ riêng việc phải vượt qua “cái bóng” từ hàng hà sa số tác phẩm của thế hệ đi trước cũng khiến không ít người viết hiện nay cảm thấy…ngại. Vượt lên trạng thái tâm lý đó, Nguyễn Anh Nông đã thai nghén và cho ra đời đứa con tinh thần của mình: trường ca Trường Sơn. Là người đi sau, Nguyễn Anh Nông một mặt kế thừa những giá trị cốt lõi mà các thế hệ đi trước đã khai thác như tình đồng đội thiêng liêng, khát vọng hòa bình, nỗi đau chiến tranh… một mặt anh chú ý dụng công tạo cho mình một hướng tiếp cận đề tài riêng. Hướng tiếp cận riêng ấy nằm ở khía cạnh thời gian. Khi sử dụng thời gian trong trường ca viết về chiến tranh nói chung và viết về Trường Sơn nói riêng, đa phần các tác giả đều sử dụng thủ pháp đồng hiện xen kẽ quá khứ với hiện tại, từ hiện tại nghĩ tới tương lai. Đây là một giải pháp hợp lý, nếu không muốn nói là tối ưu với thể loại trường ca. Sự  thay đổi, hoán vị về thời gian cho phép người viết chuyển mạch cảm hứng một cách dễ dàng, từ đó kéo theo hàng loạt sự thay đổi về điểm nhìn, nhân vật, không gian… Mặt khác, những “độ vênh” được tạo ra giữa hai khoảng thời gian khác nhau có tác dụng gợi nên những suy tưởng, liên tưởng trong bạn đọc. Ở trường ca Trường Sơn Nguyễn Anh Nông cũng lựa chọn giải pháp thời gian đó, song có một chút thay đổi. Sự thay đổi này thể hiện ở phần đầu bản trường ca, phần có tác dụng định hướng cho toàn tập trường ca. KHởi đầu bằng điểm nhìn thời gian hiện tại
Trường Sơn
ai lại về đây
lặng nhìn hôm nay
Nguyễn Anh Nông đã quy chiếu thời gian về ba mốc khác nhau với ba cảm hứng khác nhau. Thứ nhất là thời gian của quá khứ, của truyền thuyết. Trường Sơn trong cái nhìn này hiện lên đầy thi vị, đầy sức sống. Trường Sơn là nơi:
Vạm vỡ ngực trần Đam San
Dịu dàng ánh mắt Hơ Nhí
Mái nhà rông ngân nga tiếng chiêng
Uốn lượn dốc đồi mái núi
Đôi trai gái tuổi trăng tròn tình tự
Rượu cần vít cong niềm vui
Lời khan ủ men thấp thỏm
Sau thời gian quá khứ, Nguyễn Anh Nông hướng bạn đọc Trường Sơn của những năm tháng kháng chiến. Mạch cảm hứng theo đó cũng thay đổi, thay thế cho một Trường Sơn đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc là một Trường Sơn mịt mù khói lửa bom đạn, bao nhiêu người đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Cảm hứng cảm thương chiếm vai trò chủ đạo
Tọa độ nào bom đạn chất chồng ngổn ngang đất đá
Giờ xanh cây lá
Tiếng bom tiếng mìn găm thân cây thân người nhức nhối ngày trở gió
Tiếng suối thét gào hay tiếng anh em vùi trong cỏ
Máu xương hòa đất đai xứ sở
Linh thiêng hồn Trường Sơn nắng gió sương sa.
Cuối cùng, là thời gian hiện tại. Đất nước thanh bình, bước vào hội nhập đổi mới.. Cảm hứng cảm thương được thay thế cảm hứng hòa bình, yên ấm no đủ.  Trường Sơn đang ngày ngày thay da đổi thịt. Bầu không khí đậm đặc ám mùi khói súng năm nào giờ đây được thay thế bằng khung cảnh
Tung tăng đàn em quàng khăn đỏ
Trang vở mới thơm tho
Bên cô giáo trẻ
Người con gái Tây Nguyên
Viết lên bảng đen
Những điều mới mẻ
Như viết vào quyển sách đời cô
ngọn đuốc sáng soi vào thâm u rừng già núi thiêng
Ba điểm nhìn thời gian, ba cảm hứng này hòa quyện đan cài vào nhau không chỉ ở phần mở đầu mà trong từng phần của toàn bộ bản trường ca. Không hề có sự riêng rẽ phần này là thời gian quá khứ, phần kia là hiện tại, phần tiếp là tương lai. Sự thay đổi nho nhỏ trong cách sử dụng thời gian đồng hiện của Nguyễn Anh Nông là ở chỗ đó. Cứ vậy, ở các phần tiếp theo, chúng ta bắt gặp hình ảnh những cô gái xe xung phong, những người chiến sĩ công đồn đan xen với tâm sự của nhà thơ, bắt gặp tâm sự của người tư lệnh cùng những nghĩ suy của người thanh niên sinh ra trong thời bình…Lối đan cài này giúp Nguyễn Anh Nông tạo được hình ảnh “phức hợp” về Tây Nguyên ngay trong từng phần và trong toàn trường ca song đôi lúc cũng khiến cho bạn đọc cảm giác lễnh loãng. Tuy nhiên đây là điều không thể tránh khỏi khi kết cấu thời gian theo dạng thức này.
Nét riêng thứ tiếp trong trường ca này nằm ở cách xây dựng nhân vật. Bên cạnh những nhân vật “không thể thiếu được” như vị tư lệnh, người chiến sĩ, cô gái giao liên mở đường… Nguyễn Anh Nông đã đưa vào trường ca của mình nhiều nhân vật khá đặc biệt. Đó là một người lính đào ngũ với lời tâm sự “thành thật”:
Ngày ấy, nếu tôi…không còn
Buồn đau, thống khổ đổ dồn vào ai?
Đêm đêm thao thiết thở dài
Ngày ngày tức tưởi, thân trai bẽ bàng
Cúi đầu đi giữa xóm làng
Thấm bao vinh - nhục, khẽ khàng nỗi đau  
Những vật dụng vô tri vô giác, những chứng tích của chiến tranh như căn hầm dã chiến, cây cầu tạm, con đường…những hiện tượng thiên nhiên như chòm mây trắng, bầu trời được Nguyễn Anh Nông đưa vào trường ca với dụng ý khai thác Trường Sơn theo hình thức “bảo tàng” để cho “sử vật” tự bản thân lên tiếng. Lời căn hầm là lời oán thán về chiến tranh
Tôi chứa vào lòng bao số phận
Núi non lá chắn vững vàng chưa?

Núi toác, gục, hoang tàn, đá lở
Người với người hay thú dữ
Lời cây cầu tạm là khát vọng vui sướng khi hòa bình
Bây chừ, bể lặng trời êm
Tôi thành cục sắt ngước xem… mây trời
Một điểm khá đặc biệt trong trường ca Trường Sơn là nhân vật dẫn chuyện liên tục thay đổi. Nếu ở phần mở đầu là một nhân vật trữ tình quay về Trường Sơn tìm lại ký ức một thời oanh liệt thì ở các phần sau nhân vật này hóa thân vào nhiều nhân vật lúc đóng vai nhà thơ, lúc là lời chiến sĩ giao liên, lúc hóa thân vào đồ vật…. Có thể nói trường ca Trường Sơn không có một nhân vật dẫn chuyện xuyên xuốt như nhiều trường ca khác, mà đến phần mình, các nhân vật tự mình làm MC. Xây dựng theo kiểu này, trường ca Trường Sơn có sự linh hoạt, cơ động tuy nhiên tình bền vững, độ “kết dính” giữa các phần không cao. Đây là điểm làm cho bạn đọc khó có cái nhìn tổng thể về toàn bộ trường ca.
Trên đây là một vài nét đáng chú ý trong trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông.  Điểm thành công sau cùng của trường ca Trường Sơn là ở chỗ nếu đọc trường ca này trong mối so sánh với thơ Nguyễn Anh Nông giai đoạn trước thấy rằng anh đang nỗ lực cách tân làm mới chính bản thân mình.  Thật đáng quý, đáng trọng.

Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Trường ca Trường Sơn - ngọn lửa và tiếng hát

Tác giả: Nguyễn Bao


(Đọc Trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông, Nxb Văn học, 2009)                                              

Một trong những con đường đưa nhân dân ta đến Đại thắng Mùa Xuân: quét sạch bóng xâm lược, giành trọn vẹn đất nước thống nhất là con đường huyền thoại Trường sơn
Trong trường kỳ lịch sử bốn ngàn năm không có nơi nào thể hiện ý chí sắt đá giải phóng dân tộc và chồng chất máu xương để mở lối đi đến độc lập, tự do như con đường Trường Sơn hùng vĩ.

Hai tiếng “Trường Sơn” sẽ vang vọng mãi trong tâm khảm các thế hệ mai sau và sừng sững một tượng đài ý chí dân tộc, sánh ngang với những Bạch Đằng, Điện Biên.. năm xưa.
Khao khát tái hiện chiến tích lẫy lừng ấy, biết bao văn nghệ sĩ đã đem hết tâm lực trút vào những trang viết về đề tài Trường Sơn. Lẽ dĩ nhiên, mỗi người ở một góc nhìn riêng cũng chỉ mới phác họa được một khía cạnh nhỏ của Trường Sơn rộng lớn.
Đến lượt mình, nhà thơ quân đội Nguyễn Anh Nông cũng muốn thử sức dựng lại bức tranh lớn Trường Sơn bằng tầm nhìn và cảm xúc của riêng mình.
Với vốn sống trực tiếp từ những  năm tháng với những rung động từ chính trái tim mình, nhà thơ mặc áo lính này đã góp một bản giao hưởng nhiều cung bậc, nhiều màu sắc với hy vọng chân thành là ghi lại những cảm xúc trước Trường Sơn hùng vĩ.

Chúng ta đều biết thể loại Trường ca đòi hỏi một vốn sống phong phú, một kết cấu chặt chẽ, một cảm xúc đa dạng, với dung lượng lớn của không gian và tâm trạng, thể loại này đòi hỏi khắt khe đối với người viết trước yêu cầu: Phong phú mà không dàn trải, bề thế mà không vụn vặt. Nó không phải là một gốc cây đơn lẻ mà là cả một khu rừng với nhiều loại cây, nó cũng là một giàn bầu, một dây mướp dài, qua mỗi nhánh lá lại xòe nở một bông hoa, điểm tô cho màu xanh của chỏm lá.
Đặc điểm ấy làm cho Trường ca có thể cuốn hút người đọc, bồi đắp liên tiếp cho độc giả những cảm xúc mới vừa đa dạng vừa mới mẻ, để có thể đi suốt chiều dài của trường ca.

Đối chiếu mới những tiêu chí ấy, “Trường ca Trường Sơn” của Nguyễn Anh Nông đã phần nào đáp ứng được đòi hỏi của bạn đọc hôm nay.
Về cấu trúc, ta gặp ở đây hai mươi đoản khúc và một vĩ thanh . Với những bè cao, bè trầm, với những nhân vật đại diện cho nhiều thế hệ, với những chứng tích lịch sử như cây cầu tạm, căn hầm dã chiến, với cả những cánh bướm tượng trưng cho những liệt sĩ- trinh nữ…tất cả góp phần tạo nên sự hoành tráng, bề bộn, quyết liệt..cuả hiện thực Trường Sơn.

Với vố văn học dân gian, tác giả cũng sử dụng khá nhuần nhuyễn và có biến hóa các chất liệu ngôn ngữ đa dân tộc, từ đồng Bằng bắc bộ đến rừng núi Tây Nguyên.
Trong rất nhiều hình ảnh của Trường ca này, tôi cứ thấy ẩn hiện bóng dánh những cô gái Trường Sơn, những hồn trinh nữ đã hóa thành cánh bướm chập chờn ảo ảnh, gợi nhớ thương cho bao người lính từng đi qua những cánh rừng xác xơ vì chất độc và đạn bom

“Trường sơn đằng đặc niềm khắc khoải
Ngày tháng găm đầy những vết thương”
Và cả áng mây cũng:
“…Đã cùng ta bạn tri kỷ
Nguyện mãi song hành bước thủy chung
…Mây trắng ngàn năm cứ phập phồng…”

Nguyễn Anh Nông cũng đã khoắc họa khá rõ nét chân dung các thế hệ   ”Xẻ dọc Trường Sơn”  nối tiếp nhau vào trận:
“Ngọn đèn soi dấu chân mở lối
Gặp bước chân người xưa đi mở đất..”

Và:
“Hôm nay
Con vượt Trường Sơn
Cha không còn trên mặt đất
Bước chân con lần theo bóng cha….”

Cái khốc liệt của chiến tranh cùng với niềm quyết tâm của người Trường Sơn đã được tác giả tô đậm bằng những hình tượng khá sinh động, đủ sức khơi gợi cảm xúc cho người đọc, lôi cuốn người đọc hòa vào bản trường ca của Nguyễn Anh Nông.

Những nụ hoa vàng rải rác chốc chốc lại bừng nở dọc theo chiều dài của Trường ca, bồi đắp cảm xúc thẩm mỹ cho độc giả. Và đây là một bông hoa của Tây Nguyên duyên dáng:
“Rượu cần nghiêng ché nghiêng chum.
Mái nhà rông ngân tiếng hát..
Cồng chiêng rạo rực
núi non nhón gót
rừng xanh kiễng chân..”

Dĩ nhiên có những đọan, những chương có thể cô đọng hơn nữa, dắt dẫn tự nhiên hơn nữa…để trường ca Trường Sơn này xứng đáng là một đóng góp mới, phát hiện mới vào kho tàng văn học đương đại khi muốn tái hiện một phần lịch sử chưa xa của dân tộc ta.
Với Trường ca này, Nguyễn Anh Nông đã góp một khúc ca có âm điệu, phong cách riêng của mình vào bản đại hợp xướng Trường Sơn hùng tráng.


23/6/2009
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Đối thoại với Trường Sơn

Tác giả: Hoài Dương


(Đọc trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông -NXB Văn Học,2009)                               

Ấn tượng ban đầu của tôi về Trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông là không thích, thứ nhất vì ngay cái tên mà theo tôi, lẽ ra chỉ cần hai tiếng Trường Sơn là đủ(*), thêm vào hai chữ Trường ca vừa lặp âm (trường) vừa mất đi tính hàm súc gợi mở cần thiết; thứ hai vì đọc ở mục lục thấy có lời cầy cầu, lời con đường... là không sáng tạo bởi ở trường ca Biển của Hữu Thỉnh cũng đã có lời của sóng, lời của đảo?và gần đây. trong tiểu thuyết Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn cũng có các tên chương là lời của dòng sông,lời của gió?rồi. Nhưng càng đọc kỹ vào bên trong thế giới hình tượng của tác phẩm thì ấn tượng ấy dần mất đi, mặc dù nó có lý. Điều gì đáng đọc, đáng suy ngẫm ở trường ca này?

Thi phẩm là bản hợp âm của lời. Viết về Trường Sơn đã có quá nhiều người đi theo lối tả thực, lối tả hiện thực khách quan của một điểm nhìn. Cứ viết theo cách này sẽ không tránh khỏi lặp,mòn sáo, Nguyễn Anh Nông chọn cách bộc lộ cảm xúc của nhiều người, tức có nhiều trường nhìn cùng hướng về một đối tượng. Do vậy tác phẩm là sự đa giọng, tôi gọi là sợ hợp âm của lời. Năm chương đầu là lời của người lính trở về Trường Sơn thăm chiến trường xưa, giọng hồi tưởng tự hào vẫn là chủ âm nhưng xen nỗi ngậm ngùi nhớ tiếc: Con đường dang dở hôm nao/Em ơi, gồng gánh biết bao vui buồn/ Bài ca mưa nắng xanh tuôn/ Máu xương đồng đội mạch nguồn núi sông.Không nhớ sao được vì kỷ niệm sống chết của một thời trai trẻ, không tiếc sao được vì mình thì còn sống mà bao đồng đội chung một chiến hào chung một niềm vui.. đã nằm lại. Đến chương VI là sự tái hiện bước hành quân của người lính thời đánh giặc, được diễn tả qua câu thơi hai chữ và cách sử dụng rất nhiều thanh trắc với âm vực cao để nói về sự khó khăn vất vả mệt nhọc.có đoạn toàn thanh trắc: Gió thốc/Nắng sém/ Tóc cứng/ Miệng khát / Họng rát/ Mắt chói/ Bụng đói...Rồi tiếp đó là lời một người con, lời một nhà thơ, lời căn hầm dã chiến, lời cây cầu tạm, có cả lời của kẻ đào ngũ..kể về ngày hôm qua và lời một em bé, lời một già làng ở ngày hôm nay. Rất nhiều giọng vang lên mang sắc thái quan niệm suy nghĩ khác nhau nhưng điều châu tuần về một Trường Sơn thiêng liêng, không đơn thuần là một địa danh, mà đó là lịch sử, là ý chí, là niềm tin...của một thời đánh giặc, để tạo lên một tổng phổ về Trường Sơn. Chính đặc điểm này đã tạo ra chất đối thoại rất rõ của tác phẩm.

Điểm tự chủ yếu của cảm xúc là văn hóa đại ngàn Trường Sơn. Đây là trường ca về chiến tranh nhưng không trực tiếp nói đến chiến tranh nên âm hưởng anh hùng ca không phải là âm hưởng chủ đạo. Nó không thể lấy những trận đánh, những cảm hứng đầy dũng khí đánh giặc làm cái tứ để triển khai hình tượng và biết tìm đến một điểm tựa vững chãi thích hợp là văn hóa. Đây là một lựa chọn thông minh. Chúng ta thắng giặc, có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân cơ bản, chủ yếu là nhờ chúng ta có một nền văn hóa rất đáng tự hào. Không chỉ nhờ sức mạnh hôm nay để chiến đấu mà còn được tiếp sức từ Vạm vỡ ngực trần Đam san/ Dịu dàng ánh mắt Hơ Nhí..từ Mái nhà rông ngân nga tiếng chiêng... từ rượu cần vít cong niềm vui/ Lời khan ủ men thấp thỏm... hình như nhờ được dinh dưỡng từ văn hóa ấy mà con người khỏe mạnh , sống giữa thiên nhên:Quờ tay gặp ánh trăng/ Vơ vào lòng gió nắng...

Có chất thơ, cảm xúc, có dư âm. Thể loại trường ca là một cuộc hôn nhân đẹp của thơ và truyện, thơ thì phải có chất thơ (không nên đổi mới quá đà như có trường hợp hôm nay đưa văn xuôi vào quá nhiều làm mất đi chất thơ), truyện tức là có câu chuyện, cốt là truyện.Xương sống của trường ca là truyện, thịt da của trường ca là thơ. Chất thơ trong thơ Nguyễn Anh Nông thường thấy ở câu thơ bảy chữ: Trường Sơn dằng dặc xôn xao nắng/ Mây trắng nghìn năm cứ phập phồng... không mới, không đặc sắc nhưng có duyên. Gợi được cảm xúc từ trường ca là hình ảnh nén hương trầm của người yêu còn sống trong ngày giỗ người yêu đã chết, là hình ảnh cánh bướm hồn trinh nữ... dư âm ở những chi tiết gợi nhớ về quá khứ, đừng quên quá khứ như lời cây cầu ngậm ngùi vì hôm nay chỉ là cục sắt chơ vơ chẳng ai để ý trong khi ngày hôm qua là anh hùng...

Đây là một trường ca gợi nghĩ tuy nó vẫn còn vụng về ở cách dùng chữ, đặt câu thông thường. Có cái gợi nghĩ của nó là nhờ đề tài, nhớ cái tình của người viết và nhất là nhờ cách biết tạo ra một hợp âm của lời vọng vào người đọc.


Bài đăng tạp chí Văn nghệ Quân đội(703) 10.2009

(*) Trường ca của Nguyễn Anh Nông có tên là Trường Sơn, chứ không phải là "Trường ca Trường Sơn" có thể do cách trình bày bìa, hoạ sĩ trình bày chưa tách bạch, nên tác giả Hoài Dương suy luận "nhầm lẫn" chút chăng?

Người chú thích: Kim Diệu Hương
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào