Tác giả: Lê Thi Hữu


Tình cờ "Bàn tay lá cỏ"của anh "hút" tôi bởi những bàn tay lá cỏ vươn dài, đan quấn nhau ẩn sau những thân cây trực chỉ ảo mờ tạo nên thế -cương - nhu hoà phối đẹp mắt.
Đọc "Bàn tay lá cỏ" suốt đêm trời trở lạnh trong vòm quê yên tĩnh. Chỉ còn lại những tiếng động - những tiếng động bổng trầm từ phía thơ anh. bất giác như đang đối ẩm với anh, uống với anh những giọt thơ ngọt ngào kì diệu.


Hình như đồng hồ vừa điểm chuông hai giờ sáng.

Gấp cuốn sách lại mà giai điệu thơ còn ngân mãi với những âm hưởng cuộc đời...

"Bàn tay lá cỏ" chiếm tôi bằng lối viết gây ấn tượng khá mạnh. Đó là cách biểu đạt nghệ thuật ngôn từ, là ý, tứ thoáng đạt vừa thắm tình người, vừa pha trộn tính triết lí hóm hỉnh, đáng yêu!

"Bàn tay lá cỏ" như một tập thơ phát hiện những màu sắc, góc cạnh cuộc sống bằng tư tưởng khát khao vươn tới giữa bao nhiêu day dứt, trăn trở đời thường.

Trong thơ anh: Tình yêu vừa hồn nhiên mơ mộng, vừa pha chú nuối tiếc buông bắt, chập chờn như thực, như ảo. tập thơ gồm 36 bài, 36 góc nhìn không giống nhau để tập hợp thành một áng thi ca nhân văn. hợp thanh "bàn tay lá cỏ " với những âm ba réo rắt lòng người.
Hai trạng thái ngược lý "tĩnh và động" mở đầu cho tập thơ được tác giả miêu tả như sự hợp phối nhịp nhàng. cái không gian đa chiều ấy (trong "tĩnh" có "động" trong "động"có"tĩnh") là màu xanh - cây. Là kiểu dáng - hòn non bộ. Là chấp chới cánh chim. Là vô thức trái rụng...

Nếu đó là cảnh thực của trần gian? của cõi người? thì "cõi người " cũng đáng yêu lắm chứ!
Chả đáng yêu sao tiên lại rung động cả hồn:
"Nghìn năm trầm mặc tiên đứng đấy
Có thấy hồn rung tận cõi người "
(Tĩnh và động)

Ơ hay! " cây đa đôi" rõ là hai gốc thế mà hai ngọn sao quấn quýt nhau thành một.
Tình cây còn khăng khít, gắn bó huống hồ lứa đôi:
"Cây được gần nhau còn quấn quýt
Trách gì trai gái cứ thành đôi"
(Cây đa đôi)

Cách sử dụng ngôn từ theo lối ví von là thi pháp thường gặp ở thơ anh, "Em - cây lúa" "Anh - mưa" tạo ra vẻ ý nhị, mềm mại của thơ ca:
"Em như cây lúa đồng khô cạn
Khao khát mưa- anh - đến cháy lòng"
(Cây lúa và giọt mưa)

Trước cái không còn gì để mất trong vườn thưa nhặt tiếng chim, niềm tin vẫn bật ra như tiếng reo: "Rất may, rất may - em ơi, chưa mất". Tôi đồng cảm với thái độ tự tin của anh, chỉ tiếc rằng chưa bao giờ tôi reo được tiếng "Rất may" tiếng "Rất may" của tái ông trong cổ tích...!

Khi cùng bè bạn:
"Tuý luý cái tình cái nghĩa" mà lời thơ vẫn kịp nhận ra:
Gió mưa đổ hột trong người "
(Thủ thỉ với Bằng Giang)

Phải rồi! đa tình là vướng khổ! anh trách anh hay nhắn gửi cuộc đời:
"Tình ơi, sao như chú bướm
Gặp hoa nào cũng xao lòng
Tơ vương trăm hương sắc lạ
Trách gì lắm nỗi long đong"
(Với hoa)

Đưa con "đom đóm" vào goc nhìn của thơ... hoá ra đó là những tàn lửa "Cháy hoài, cháy mãi chẳng tàn tro". Lối biểu đạt này làm thơ anh trẻ hơn, ngồ ngộ, đáng yêu hơn!
Cách so sánh: giống "như " giữa "cỏ tía" và" hoa" - ẩn trong góc khuất một ý "gợi" kín đáo, gây cho ta cảm giác tò mò - khám phá:
"Cỏ tía như là hoa tím pha..."

ừ, "Giống hoa" chứ đâu phải là hoa- vì cái "giống" đó mà cỏ tía mơ hồ chăng:
"Cỏ tía như là hoa tím pha..."

Giống hoa" chứ đâu phải là "Hoa" giữa thực ảo nhạt nhoà này là điều gì muốn nói???
"Tiễn" thật dễ xúc độngvới ngôn ngữ mộc mạc qua những lời thơ không khóc mà đằm nước mắt. Cuộc chia tay của anh có gì khang khác ư?

Vâng! "Anh đã quen" điệp ngữ ấy giấu trong đó những giọt nước mắt rất người:
"Anh đã quen cô đơn rồi
Anh đã quen với mưa nguồn gió núi
Anh đã quen hoang lạnh mỗi đêm đêm"
(Tiễn)

Viết về nỗi đau âm thầm của người vợ lính, của dư âm chiến tranh, sự ngắt nhịp trong câu thơ anh như dao cắt lòng người:
"Từng nhát chổi
lia ngang
tơi tấp gió
Những nhát chổi trong chiều
nào có bớt cô liêu?"
(Nhát chổi trong chiều)

ở "Tản mạn nghĩa trang" nỗi đau không bộc trực mà ẩn kín trong:
"Se se ngọn gió hồng hoang"
"Ngẩn ngơ lạc mất lối về"
Và: " Mấy người lỗi hẹn biệt ly.."
(Tản mạn ở nghĩa trang)

Trước dòng sông sóng bạc và chiều loay xoay bóng lá, niềm vui và nỗi buồn của người đi câu, của cá mắc câu là hình ảnh đối lập:
"Niềm vui-
Cắn câu rồi
rung rinh chiếc cá
Nỗi buồn-
vướng câu rồi-
tong tả rác rong"
(Câu)

Viết đến đây tôi nhớ Lê Liêu- một bạn thơ ở tỉnh N.B - anh đi câu nhưng khi câu được cá anh lại thả cá ra- lạ nhĩ! có phải đó là tính" nhân ái' của thơ chăng?
Kỷ niệm "Đêm rừng", Những tháng năm ở rừng là nỗi hoài niệm da diết quê hương:
"Ngày mấy bận ngóng thư
Đêm bầu bạn với trăng trời mây gió"

Là nỗi niềm chia xẻ buồn vui:
"Con kiến lửa đốt lòng nhoi nhói
Tin quê: bão bùng lụt lội..."
(Những tháng năm ở rừng)

Anh bạn lính và quả bom câm là hai hình ảnh tương phản, nao lòng:
"Bom câm còn có tiếng
Mà bạn tôi âm thầm"

Sen? hay biểu tượng quê nghèo vươn lên từ bùn đất, ngan ngát hương thơm:
"Bông sen tựa trái tim
Trái tim hồng như lửa
Lửa ngan ngát hương thơm"

Với chất ngụ ngôn nghộ nghĩnh trong" Anh bạn tôi hành nghề câu ếch" tạo ra một tứ thơ dung dị lạ lùng- tứ thơ Nguyễn Anh Nông:
"Riêng tôi rất sợ
Nếu bỗng một hôm
Em- cô ếch cốm
Trong giỏ bạn tôi".

Đôi khi ta bắt gặp những vần thơ thực ảo, nhạt nhoà ẩn hiện giữa mông lung hơi thu, giữa ảo mờ sương tuyết trong dáng dấp vừa đường nét, vừa sương khói chập chờn:
Hình như mắt như mi và như tóc
Giàn giụa thu- cõi lẹ- sương tan"
(Hát dưới trăng vàng)

Đằng sau vẻ đẹp huyền ảo của cảnh vật, đằng sau sự tinh khiết của hương hoa là hình ảnh của mẹ càn cù, lam lũ:
"Run run rứt ngọn cỏ gà" quên cả" Chiều sập buông rồi" vì... chưa đầy gánh cỏ. Câu kết bài thơ khúc ca bên cỏ bật ra từ lời rao ứa lệ;
"- Ai thương cỏ với không?"

Đọc tới đây tôi nhớ tới thơ lê trí viễn trong câu:
"Mẹ nghèo buồn ế giỏ cua.."
(Quê nghèo)

Thơ Nguyễn Anh Nông có nhiều câu gợi, dễ cảm động:
"Chim câu trắng vừa bay vừa khóc
(Với chim câu trắng)

Hoặc gọi về hoà nhập cố hương:
"Mưa như buổi đầu ta xa nhà nhĩ"
"Tôi tìm lại một khoảng trời ngơ ngác

Đến lời bà ru thời thơ ấu:
"Cái cò cái vạc..." để kết lại những hình ảnh giếng làng và cô thôn nữ:
"Đây giếng làng như một mảnh hương trời
Em gái nhỏ chiều chiêu gánh nước
Em gánh cả bồng bềnh mây thổn thức
Chùng chình sóng sánh - nỗi đầy vơi"
(Về chốn cũ)

Anh viết: thơ anh như "Tạc vào đá vào hoa rừng", "Gõ vào cồng vào chiêng" (Thơ trên đá) -Quả không ngoa ngữ.

Đọc thơ anh tôi yêu cái tính bướng bỉnh "Cóc sợ ai - kể cả trời" (Sợ)
Vì ngay cả ông trời cũng chỉ: "Lơ ngơ như cây cỏ thôi mà". Thì có gì mà đáng sợ?
Vâng! "Bàn tay lá cỏ" đã vươn tới độ chín của người cầm bút, nhiều bài, nhiều câu đã gây được ấn tượng, tuy chưa đạt đến "ý- cảnh- thần" nhưng lối biểu đạt nghệ thuật khá đa dạng, dễ cảm, dễ mến dù ở một số bài lối viết còn buông thả, cảm xúc còn lờ mờ đôi khi ngôn ngữ nặng về kiểu dáng, sắp xếp khiến chất thơ không thoát ra được:
"Trong- mù- mây -giáo -điều" (Sám hối).
"Loảng xoảng
Em cười
Gương rơi"
(Em cười)

Vâng! ra một tập thơ để chiếm được cảm tình của bạn đọc như " Bàn tay lá cỏ" không phải dễ dàng gì. Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng tập thơ đã để lại trong tôi, trong bạn đọc một ấn tượng khó quên, một phong cách Nguyễn Anh Nông, để rồi càng đọc anh càng thấy say, thấy yêu như sắt bị hút vào cực nam châm vậy.
Cuối cùng tôi cũng học ở anh cái bướng bỉnh rất thơ:
"Cóc sợ ai
Kể cả trời"
Và ngồi viết dòng cảm nhận quê kệch này.


Ninh Bình, 24/11/1997

Lê Thi Hữu
Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình