Chỉ có một lần thôi,
Em hỏi anh im lặng,
Thế mà em hờn giận,
Để chúng mình xa nhau.

Biết đi đâu về đâu,
Con thuyền không bến đợi?
Ôi cây xanh tình đời,
Có nghe lòng ta gọi?

Những mùa xuân đã qua,
Tiếng ve về thổn thức,
Gió thổi vào đêm hè,
Kể chuyện mười năm trước.

Chỉ có một lần thôi,
Em hỏi anh im lặng,
Thế mà em hờn giận,
Để chúng mình xa nhau.

Nơi tình yêu bắt đầu,
Cũng là điều khó nhất!
Trái tim dù biết hát,
Nhưng tình đời dễ đâu!

Những đôi lứa yêu nhau,
Có nghe tôi kể lại,
Chỉ một lần trót dại,
Thế mà thành chia phôi.

Chỉ có một lần thôi,
Em hỏi, anh im lặng...


Bài thơ này được tác giả Nghiêm Thanh viết khoảng năm 1971-1972 khi ông đang sắp kết thúc khoá học tại Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, có nhiều bạn được lệnh nhập ngũ và vào các cơ quan thông tấn đi chiến trường, để tặng nhau làm lưu niệm. Theo tác giả, do là đảng viên, làm lớp trưởng, ngại mang tiếng là “lãng mạn”, ông đã không dám ký tên, nên mượn nhân vật đa tình Bét-xô-nốp trong tiểu thuyết Con đường đau khổ của A. Tôn-xtôi làm bút danh, bịa ra người dịch là một học giả Việt Nam sống ở nước ngoài. Bài thơ sau đó đã được lưu truyền rộng rãi và trong thời gian dài, nhiều người lầm tưởng đây là tác phẩm dịch của một nhà thơ Nga.

Trong bài báo “Bài thơ Chuyện tình mười năm trước và cái tên Bét-xô-nốp” trên báo Phụ nữ thủ đô tháng 3-2017, Nghiêm Thanh đã lên tiếng khẳng định là tác giả của bài thơ. Bài thơ sau đó đã được ông tuyển chọn và in trong tập thơ Khúc tự tình (NXB Văn học, 2017) của mình.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Nghi quá!

Tôi rất nghi đây lại là một trường hợp bài thơ người Việt được đem gán cho nhà thơ nước ngoài (như bài "Em đi tìm em trên bán đảo Ban Căng" mà người ta từng in ra sách và bảo là của Olga Berggoltz)...
Giọng thơ của Kornolov không trau truốt nuột nà thế này. Hình ảnh quá Việt Nam với những tiếng ve, những đêm hè...

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Về bài thơ Chuyện mười năm trước

Đúng như HXT viết, bài thơ này không có cơ sở gì để coi là của B.C.
Có bản viết cho là của Bessonov viết gửi tăng O.B., Xuân Diệu dịch, nhưng cũng chẳng ai biết Bessonov là ai, và có đúng là Xuân Diệu dịch không.
Do vậy, đay là 1 bài thơ thuộc diện tồn nghi. Nếu ai có tài liệu hoặc bằng cứ nào liên quan đến bài thơ, xin cho mọi người cùng biết.

Cảm ơn bạn đã đọc bài của Geo
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bài viết về sự tồn nghi này của Thuỵ Anh

@Chú Geo:
Cháu đã có viết một bài về việc này, nhưng do quên không link vào đây nên chú chưa đọc được.
Chúng cháu tạm thời chưa chuyển bài thơ này đi nơi khác vì muốn tìm hiểu thêm, nhưng 99% là không phải của Kornilov. Link toàn bộ bài viết của cháu ở đây:
http://www.nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=903
và ở đây nữa ạ:
http://thivien.net/viewwriting.php?ID=556

Do bài viết dài nên HXT xin trích ở đây một vài đoạn liên quan đến bài thơ này:

" [...]

Trên nhiều diễn đàn, thậm chí tuyển thơ, người ta thường ghi chú rằng đó là tác phẩm của một tác giả Bessonov nào đó, người yêu Olga! Nhưng thông tin này cũng có cơ sở để bác bỏ, vì trong tất cả các ghi chép, hồi ký của Olga và của những người đương thời, chưa ai nhắc đến nhân vật kỳ lạ này. Rất có thể do một sự nhầm lẫn nào đó từ phía người Việt. Người Nga hẳn không thể ngờ rằng nhà thơ nữ Olga Berggoltz của họ đã có thêm một mối tình nữa, mối tình do những người yêu quý Olga ở Việt Nam “thêu dệt” nên! Cho đến khi, một số người lại gán bài thơ ấy cho Kornilov, người chồng đầu tiên của Olga.

[...]

Âm hưởng bài thơ, theo tôi, rất gần gũi với cách viết của người Việt Nam: những “con thuyền không bến đợi”, những “tiếng ve”, “đêm hè”… khiến tôi chạnh nghĩ, phải chăng đây là thi phẩm của người Việt?

[...]


Trích dẫn những câu thơ trên để thấy rằng, giọng thơ của Boris Kornilov không êm ả như những gì ta đọc được trong “Về bài thơ cuộc đời” và “Chuyện mười năm trước”. Cái lý “gặp gỡ, chia phôi… nhắc lại làm chi”… không nằm trong “logic thơ” của ngòi bút sắc sảo này. Hơn nữa, cũng để thấy rằng, Olga Berggoltz  và Boris Kornilov có thời gian sống chung rất ngắn ngủi, nhưng chuyện hai người chia tay không đơn giản là “một lần trót dại: anh hỏi, em yên lặng”. Lý do họ chia tay, cho đến tận bây giờ vẫn được những nhà nghiên cứu tiểu sử phân tích và phỏng đoán. Một trong những giả thiết đặt ra, đó là sự khó hòa hợp giữa hai con người tài hoa, nhạy cảm trong khi cuộc sống sinh hoạt khi ấy đầy rẫy những khó khăn…
 
Qua những “nghi án” vừa nêu trên đây, tôi nghĩ: chúng ta may mắn được sống trong một thời đại “mở” về thông tin, có điều kiện tiếp xúc với thông tin nhiều chiều. Song, nếu không có bản lĩnh tiếp nhận và xử lý thông tin, không sàng lọc, so sánh, đã vội tin theo, và, thậm chí còn tiếp tục góp phần “dĩ ngoa truyền ngoa” thì thật là nguy hiểm.
Như trong trường hợp này, còn thật đắc tội với hai nhà thơ mà chúng ta yêu mến! (***)

(***) Để có thêm thông tin và "rộng đường dư luận", người viết bài này đã xin thỉnh giáo nhà thơ, dịch giả Bằng Việt về những dịch phẩm được coi là của ông kể trên. Ông cho biết: hai bài thơ trên chắc chắn không phải của Olga Berggoltz và cũng không phải của một Bessonov nào cả. Và, cũng không phải ông đã dịch các bài đó.

Thụy Anh, từ LB Nga.

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Một ý kiến nhỏ

Mình cũng có bài thơ này với tựa đề "Câu chuyện mười năm", và được ghi tác giả là Bessonov gửi O.B. Người dịch là Xuân Diệu. Giá mà bác Xuân Diệu còn sống để hỏi xem có phải bác đúng là người dịch không nhỉ ? Như thế cũng là để góp phần sáng tỏ thêm "nghi án" này...
Tuy nhiên, mình cũng hoàn toàn đồng ý với HXT về luận điểm : Giọng điệu bài thơ này quá nuột nà, trau chuốt, không phải của B.Kornilov. Tuy nhiên, bởi vì đây chỉ là bản dịch, chúng ta chưa có bản gốc trong tay nên cũng không rõ thực hư thế nào... Bản dịch rất hay (nếu là đúng nội dung như vậy), tuy nhiên, như đã nói, vẫn chưa ai biết tác giả chính xác của bài thơ này, kể cả bản gốc của nó và người dịch..., vì thế, cũng chưa thể kết luận được gì.
Tóm lại, "nghi án" vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn... Mình hy vọng một ngày nào đó, có lẽ trong số hàng chục ngàn thành viên của TV như hiện nay, thể nào cũng có ai đó sẽ cung cấp được thêm manh mối nào chăng ???

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Tác giả bài thơ Chuyện mười năm trước

Tác giả Nghiêm Thanh đã xác nhận đây là thơ của mình.
http://baophunuthudo.vn/a...oc-va-cai-ten-bet-xo-nop/

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bài thơ “Chuyện tình mười năm trước” và cái tên “Bét-xô-nốp”

LTS: Sau khi Báo PNTĐ đăng bài: “Ai là tác giả bài thơ tình nổi tiếng “Chuyện tình mười năm trước?” của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại trên số 6 (ra ngày 8/2/2017) khẳng định bài thơ mang tên tác giả Bét-xô-nốp này thực ra là của một người Việt Nam – nhà báo Nghiêm Thanh. Ngay lập tức, Toà soạn nhận được bài của nhà văn Bùi Việt Thắng với nhiều chứng cứ khẳng định bài thơ không phải của nhà báo Nghiêm Thanh (bài đã in trên số 7 - PNTĐ ra ngày 15/2/2017).

Người trong cuộc - nhà báo Nghiêm Thanh đã “lên tiếng”. Kính mời bạn đọc cùng “rộng đường dư luận”.


1 Ngày 8/2/2017, báo Phụ nữ Thủ đô đăng bài “Ai là tác giả bài thơ tình nổi tiếng Chuyện tình mười năm trước” của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại. Đúng ra, bài viết có tiêu đề “Sự kỳ lạ của thơ” (đã lược bớt và sửa một vài chỗ), vốn là một trong ba Lời bạt cùng các bài của nhà thơ Hữu Việt và nhà báo Vũ Thanh Nhàn cho tập Khúc tự tình - thơ và bình thơ của tôi hoàn chỉnh bản thảo cuối năm 2016 và chuẩn bị xuất bản. Nguyễn Sĩ Đại thuật lại việc chép Chuyện mười năm trước (không có chữ tình) và đinh ninh là của Bét-xô-nốp cùng Mùa hè rớt của On-ga Béc-gôn như một cặp đôi. Sau đó, dẫn cuộc trao đổi giữa tôi và Thanh Vũ - sinh viên khoá 14, khoa Ngữ văn, đại học Tổng hợp Hà Nội, học sau tôi một khoá, nguyên là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, Giám đốc VOV Cần Thơ trên Facebook ngày 19/8/2016 nói về chi tiết xuất xứ Chuyện tình mười năm trước. Nguyễn Sĩ Đại nhắc thêm bài thơ Chiều xanh của tôi bị thất lạc, Thanh Vũ còn giữ và gửi tặng tôi.

Từ không tin tới kiểm định thực tiễn, Nguyễn Sĩ Đại nhận ra “tác giả, một người trung thực trong chuyện bút mực, một người đã được rèn luyện trong mấy chục năm làm báo, không thể không tin được”. Anh viết “Ở khoa Ngữ - Văn, trường đại học Tổng hợp những năm 60, 70 thường chép tặng thơ cho nhau. Và có hiện tượng để dễ lưu truyền thơ mình – hoặc vì những lý do khác, phải mượn tên một nhà thơ nổi tiếng nào đó. Như trường hợp bài thơ Bông huệ trắng:

Bông huệ trắng và bức tường cũng trắng
Sao bóng hoa trên tường lại đen…
được phổ biến là của Hen-rích Hai-nơ; sau này được khẳng định là của Bế Kiến Quốc.

Rồi tôi đọc lại văn bản bài thơ Chuyện tình mười năm trước. Đọc kỹ, tôi thấy có một số hình ảnh và ngữ liệu văn học hoàn toàn thuần Việt, không thể là ở nước ngoài, vậy mà bao nhiêu năm nay mình đọc không ra. Đó là “Con đò không bến đợi”; là cả một khổ nói về mùa hè Việt Nam:
Năm tháng đã đi qua
Tiếng ve về thổn thức
Gió thổi vào đêm hè
Kể chuyện mười năm trước…
2 Về việc viết bài thơ Chuyện tình mười năm trước, tôi mới kể sơ lược với Thanh Vũ và Nguyễn Sĩ Đại, nay xin bày tỏ tường tận. Sự thật là có lần, trong những phút nghỉ giữa hai tiết học, tôi ngồi chiêm nghiệm chuyện tình yêu thời trai trẻ. Ký ức bỗng hiện về những kỷ niệm êm đẹp và khờ khạo, nuối tiếc sự vụng dại trong ứng xử làm lỡ làng mối tình đầu, ngẫu hứng phóng bút viết bài thơ Chuyện tình mười năm trước.

Là cán bộ đi học, hơn các em trong lớp chục tuổi, đã lập gia đình và là đảng viên, làm lớp trưởng, ngại mang tiếng “lãng mạn”, tôi không dám ký tên, liền nghĩ cách mượn nhân vật đa tình Bét-xô-nốp trong tiểu thuyết Con đường đau khổ của văn hào A. Tôn-xtôi làm bút danh, bịa ra người dịch là một học giả Việt Nam sống ở nước ngoài. Bài thơ làm rất nhanh, tôi chuyển lên bàn trên cho Đoàn Thị Hương (sau du học Liên Xô, là tiến sĩ Văn học) và ra hiệu đưa cho một bạn gái cùng lớp ngồi phía trái. Cũng là trêu đùa thôi, thử xem liệu cô ta có phân biệt được thật, giả hay không và câu chuyện được giữ kín. Chẳng ngờ, bài thơ nhanh chóng lưu truyền và không hiếm người tưởng rằng Chuyện tình mười năm trước là của một nhà thơ Nga. Năm 2008, tôi sửa lại, ghi đúng tên mình dưới bài thơ và in trong kỷ yếu Dấu ấn một thời nhân kỷ niệm 40 năm ngày tựu trường khoá 13 khoa Ngữ Văn (1968-2008), trường đại học Tổng hợp Hà Nội thay lời đính chính.

3 Trước khi Báo PNTĐ đăng bài “Ai là tác giả bài thơ tình nổi tiếng Chuyện tình mười năm trước” của Nguyễn Sĩ Đại, các báo mạng đã có nhiều phán đoán, truy tìm nguồn gốc của tác phẩm, tôi chưa đọc hết, chỉ nêu hai trường hợp.

Do suy luận, ngày 4/4/2002, NH gửi dhunluna trên Trái tim Việt Nam online: “Bài Chuyện tình 10 năm trước thì chắc chắn là của Ôn-ga Béc-gôn đó”. Ngày 24/7/2015, Thư Hoàng trong Web Đất Đứng ở Tây Ninh khẳng định Chuyện mười năm trước của Bô-rít Coóc-ni-lốp và dành những lời bình về bài thơ.

Nhưng cũng có những phản hồi trái chiều.

Ngày 10/2/2005, tại http://www.thivien.net/Boris Korilov/Chuyện mười năm trước/ đăng bài của Vanachi, sửa lần thứ ba ngày 22/8/2006 trong mục Thơ Nga - Boris Kornilov ghi là bài thơ “Chưa có nguyên tác, xin mời xem bản dịch (ghi là của Xuân Diệu)” với tồn nghi “Bài thơ này có rất nhiều khả năng không phải của Bô-rít Coóc-ni-lốp.

Ngày 23/5/2007, Hoa Xuyên Tuyết cũng viết trên Web Thi Viện: “Tôi rất nghi đây lại là một trường hợp bài thơ người Việt được đem gán cho nhà thơ nước ngoài (như bài Anh đi tìm em trên bán đảo Ban Căng mà người ta từng in ra sách và bảo là của On-ga Béc-gôn). Giọng thơ của Coóc-ni-lốp không trau chuốt, nuột nà thế này. Hình ảnh quá Việt Nam với những tiếng ve, những đêm hè”…

Hoa Xuyên Tuyết trích đăng một số nhận xét của Geo và những người khác, khảo sát lối viết, âm hưởng, lô-gích thơ cho là Chuyện tình mười năm trước không phải của Bô-rít Coóc-ni-lốp - người tình và chồng đầu tiên của Ôn-ga Béc-gôn, cũng không thấy trong các ghi chép, hồi ký của Ôn-ga Béc-gôn nhắc tới cái tên kỳ lạ Bét- xô-nốp và liệu có đúng Xuân Diệu dịch không? Đặc biệt, Hoa Xuyên Tuyết trích thư của Thuỵ Anh, từ Liên bang Nga.

“Để có thêm thông tin và “rộng đường dư luận”, người viết bài này đã xin thỉnh giáo nhà thơ, dịch giả Bằng Việt về những dịch phẩm được coi là của ông kể trên. Ông cho biết: hai bài thơ trên (Về Bài thơ cuộc đờiChuyện mười năm trước) chắc chắn không phải của Ôn-ga Béc-gôn và cũng không phải của một Bét-xô-nốp nào cả. Và, cũng không phải ông đã dịch các bài đó”.

Đáng chú ý là, ngay sau bài viết của Nguyễn Sĩ Đại, nhà văn Bùi Việt Thắng đăng trên số 7/2017 báo Phụ nữ Thủ đô bài “Nào, chúng ta cùng đi tìm tác giả bài thơ Chuyện mười năm trước”. Bùi Việt Thắng cẩn trọng và khách quan. Dù là một trong những cộng tác viên mật thiết với trang Văn học báo Nhân Dân mà tôi phụ trách lúc đương nhiệm nhưng anh tuân thủ lý tính trong tiếp cận vấn đề. Bùi Việt Thắng dày công tìm kiếm và được nhà văn Nguyễn Đăng Bẩy hướng dẫn đọc bài O. Berggoltz - Những nhầm lẫn đã trở thành huyền thoại của Thuỵ Anh ở Tienphong online. Van nghe.18/5/2010, có đoạn cuối: “Cái họ Bét-xô-nốp vô tình được đưa vào tiểu sử của Ôn-ga Béc-gôn có thể do một sự nhầm lẫn nào đó của người Việt”.

Cẩn thận hơn, Bùi Việt Thắng trực tiếp hỏi nhà thơ Bằng Việt và được lời đáp dứt khoát: “Tôi chưa bao giờ dịch bài thơ Chuyện mười năm trước” và “… người có tên Bét-xô-nốp chưa bao giờ xuất hiện trong cuộc đời của nữ thi sĩ tài danh Ôn-ga Béc-gôn”. Đi sâu tiếp, Bùi Việt Thắng băn khoăn và hồ nghi là trong sổ tay Văn học của anh chép năm 1971 đã có Chuyện mười năm trước mà tôi kể với Nguyễn Sĩ Đại lại nói là viết năm 1972, sau một năm!

4 Như vậy có mấy điểm cần lý giải:

- Thứ nhất, những ý kiến của nhà thơ Bằng Việt nói với Thuỵ Anh và Bùi Việt Thắng, những phân tích của Vanachi, Hoa Xuyên Tuyết và kèm các đoạn trích, của hoadongnoi… thì bài thơ Chuyện tình mười năm trước không có liên quan gì tới Bô-rít Coóc-ni-lốp, Ôn-ga Béc-gôn và không phải của Coóc-ni-lốp, của Ôn-ga Béc-gôn. Bởi vậy, không thể có nguyên tác Tiếng Nga và cố nhiên không có chuyện dịch thuật. Những bản chép ghi Bằng Việt hay Xuân Diệu dịch là sai lạc.

- Thứ hai là, ngày 19/2/2017, hồi 9 giờ 45, tôi đã liên hệ điện thoại với Tiến sĩ Văn học Đoàn Hương. Chị đang ở xa Hà Nội nhưng qua đàm thoại, tôi nhắc lại chuyện cũ là có đưa bài thơ Chuyện tình mười năm trước tôi viết - không hàm ý nhờ khẳng định thơ là của tôi mà chỉ xác nhận sự việc Hương chuyển giúp cho bạn gái cùng lớp ngồi bên cạnh làm minh chứng. Chị nói là có nhớ. Khoảng 20 giờ cùng ngày, Đoàn Hương vốn thận trọng và chắc cũng không muốn làm mếch lòng bạn, điện lại, ngỏ lời là “cây ngay không sợ chết đứng”, thơ của anh, ai bảo thơ Nga thì lấy bản Tiếng Nga ra làm bằng cớ, chị làm chứng cũng vô nghĩa.

Thật tình, chỉ đôi người thân thiết trong lớp biết việc trêu đùa bằng thơ của tôi và vì tế nhị, đã giữ kín. Nhà báo Trương Cộng Hoà viết trên Facebook “Tương truyền, bài thơ là của anh Nghiêm Thanh” là vì thế. Còn sự tự thân lan toả của Chuyện tình mười năm trước khiến tôi cũng bất ngờ.

- Thứ ba, bài thơ Chuyện tình mười năm trước Bùi Việt Thắng chép trong sổ tay năm 1971 nhưng theo tôi kể với Nguyễn Sĩ Đại lại sáng tác vào năm 1972, lệch nhau một năm và đặt nghi vấn! Nguyên do là bài thơ làm tại chỗ và chuyển liền tay, không đề năm viết, không giữ được bản gốc. Về sau, tôi chỉ thuộc và ghi lại theo trí nhớ. Thời gian quá lâu, tính từ năm 2008 - khi lục tìm, chỉnh sửa và in trong kỷ yếu Dấu ấn một thời ngược về trước, đã gần 40 năm, cho nên có thể nhầm lẫn. Khoá 13 khoa Ngữ - Văn chúng tôi học 4 năm - từ năm 1968 tới năm 1972. Năm 1971 là năm thứ ba, có nhiều bạn được lệnh nhập ngũ và vào các cơ quan thông tấn đi chiến trường. Đấy là bối cảnh tương đồng với lúc kết thúc khoá học, là dịp ghi lưu niệm và chép thơ tặng nhau. Chuyện tình mười năm trước tôi viết vào lúc sắp diễn ra chia tay, có thể là năm 1972 hoặc 1971. Tôi nhớ không chính xác, nghiêng về lúc mãn khoá, cho nên ghi năm 1972 dưới bài thơ in trong kỷ yếu Dấu ấn một thời.

- Thứ tư, là người học văn, người làm báo, được giao chuyên trách mảng lý luận, phê bình Văn hoá - Văn nghệ của báo Nhân Dân trong nhiều năm, tôi nghiệm thấy thi ca là lĩnh vực rất khó và cao quý, chịu sự sàng lọc nghiệt ngã. Yêu chuộng và âm thầm, lặng lẽ làm thơ nhưng tôi không lạm dụng vị thế và các mối quan hệ nhằm quảng bá thơ mình. Trong các cuộc vui với bạn hữu, thi thoảng, tôi có đọc thơ. Về hưu năm 2005, mới xem xét và tìm chọn, sửa chữa những bài viết đưa in sách, trong đó có cơ hội tiết lộ Chuyện tình mười năm trước trong kỷ yếu Dấu ấn một thời năm 2008 và Khúc tự tình dự kiến in năm 2017.

Những bộc bạch trên đây nhằm chia sẻ trung thực và chân thành cùng bạn đọc gần xa. Trong thế giới mở của công nghệ thông tin, tôi sẵn sàng lắng nghe và chịu trách nhiệm trước dư luận về những dòng viết trên đây.

Tôi thành thật xin lỗi về cái bút danh “Bét-xô-nốp” đã gây lầm tưởng, làm tốn trí lực của những người yêu thơ. Tôi trân trọng và cảm ơn nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, nhà văn Bùi Việt Thắng có các bài viết về Chuyện tình mười năm trước và báo PNTĐ đăng tải công khai, góp phần làm rõ một tồn nghi văn chương.


Nghiêm Thanh

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời