Tôi đang ngủ thì nghe điện thoại Nguyễn Đình Toán gọi, giọng hơi hoảng hốt: “Ông Lê Đạt mất rồi, lúc 3h 15 sáng nay”. Tin “Ông Phu Chữ” mất quá đột ngột. Tối qua ông vừa bay từ Tây Nguyên về Hà Nội. 10 giờ đêm ông trượt ngã ở nhà mình, đưa ngay đến bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ tập trung cấp cứu cho ông nhưng không thể cứu nổi nhà thơ mà họ yêu quí. Vậy là Người Phu Chữ ấy đã ra đi, hưởng thọ 80 tuổi ta.

Ông tuổi Mùi, sinh ngày 10.9.1929 tại bến Âu Lâu, Yên Bái, quê gốc xã Á Lữ, Bắc Giang. Tham gia kháng chiến chống Pháp rồi trở thành một “nhân vật” của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm. Nổi tiếng bằng những bài thơ hô hào cho một xã hội mới, cũng đồng nghĩa với tinh thần làm mới thi ca nghệ thuật lúc bấy giờ. Suốt 30 năm “vắng bóng” trên thi đàn, Lê Đạt đã trở lại trong thời kỳ Đổi Mới với nhiều bài thơ, truyện ngắn và tiểu luận về thơ đầy ấn tượng. Ông đã cho xuất bản các tập sách: Bài thơ trên ghế đá (chung với Vĩnh Mai, 1958), 36 bài thơ tình (chung với Dương Tường, 1990), Thơ Lê Đạt - Sao Mai (chung với Sao Mai, 1991), Bóng chữ (1994), Hèn đại nhân (1994), U75 từ tình (2007), Mi là người bình thường (2007), và nhận giải thưởng Nhà Nước về VHNT năm 2006.

Trong những nhà thơ cùng trang lứa, Lê Đạt (cùng với Trần Dần) là nhà thơ vị chữ. Ông đề cao tinh thần lao động chữ của nhà thơ đến mức ông gọi nhà thơ là “Phu Chữ”. Phu hay cu-li cũng vậy, đều cực nhọc muôn phần. Ông ghét thứ thơ đơn nghĩa và gọi nó là “thơ lộ thiên”. Vì vậy ông chủ trương đào sâu vào chữ để tìm ra nhiều vỉa từ nhằm làm cho thơ đa nghĩa, cô đúc và sâu sắc. Và ông muốn những con chữ ấy phải mang dấu ấn riêng của nhà thơ. Trong một bài tiểu luận viết cho báo Thơ theo “đặt hàng” của tôi, ông đã nắn nót viết hai chữ tựa đề là “Vân Chữ”. Ông nói “Vân chữ cũng quan trọng như vân tay ấy mà, có thể làm dấu ấn vào giấy thông hành của nhà thơ”. Thời kỳ chín muồi của thơ ông chính là thời ông cho ra mắt tập thơ Bóng chữ gây xôn xao dư luận, khen chê “toé lửa” trên văn đàn. Nhưng sau tất cả những tranh luận về thơ ông, người ta thấy ông có lý. Vậy là sự tìm kiếm sáng tạo mới của nhà thơ đã có tác động đến sự phát triển nền thơ của ta những năm cuối thế kỷ XX.

Tôi gặp ông không nhiều, nhưng lần nào gặp cũng thấy ông cười rất sảng khoái. Ông bảo ông có bệnh cười. Ngay cả trong cuộc họp nghe ai đó phát biểu sai về mình là tự nhiên ông bật cười phá lên. Vì thế mà hồi Nhân Văn Giai Phẩm, có người cho ông là ngông. Nhưng thực ra cái tính ông thế. Năm ngoái tôi đưa mấy nhà thơ hải ngoại đến Phó Đức Chình thăm và phỏng vấn ông, thì cứ sau mỗi câu hỏi là ông lại cười. Ông cười thoải mái rồi mới trả lời. Có ý gì mạnh, ông cũng cười, khiến mọi việc đều nhẹ nhàng, thoải mái. Nhưng những điều ông nghĩ, ông nói thì vô cùng nghiêm túc và sâu sắc.

Tôi là người thế hệ sau, nhưng khi trò chuyện với ông hình như không có khoảng cách. Ông chú ý đọc kỹ từng nhà thơ lớp sau, và yêu mến những gì ông thích. Đấy là tính bình đẳng của một nhà thơ luôn đi tìm cái Mới. Nhớ lần tôi ghi tặng ông tập thơ Đồng dao cho người lớn, nhà thơ Võ Thanh An bảo tôi: “Mày ghi tặng Sư Phụ đi”, nhưng ông cười rất vui: “Tớ với Tạo là Thi Hữu thôi”, nhưng tôi đã ghi “Quý tặng Thi Huynh Lê Đạt”, và ông rất vui. Chỉ một chi tiết nhỏ ấy khiến tôi rất ấn tượng và yêu quí ông hơn.

Vâng, một nhà thơ mà cuộc đời đầy sóng gió như Lê Đạt, mà vẫn kiên trì đi tới đích, cũng không phải dễ hiểu với nhiều người. Tôi nghĩ đơn giản là vì ông có niềm tin vào cái Đẹp mà thơ ông luôn hướng tới. Chỉ có khám phá, sáng tạo đúng lương tâm của mình, đúng cách riêng của mình, đúng tài năng của mình thì ông sẽ gặt được niềm vui chính thơ ca mang lại. Vì thế mà khi nghe tin ông đột ngột qua đời, những câu thơ rất đẹp, rất Lê Đạt cứ vang vọng trong trí nhớ của tôi:

Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
                   mây mấy độ thu
Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu
Chiều Âu Lâu
                  bóng chữ động chân cầu.
Và giờ đây người Phu Chữ Lê Đạt đã ra đi, nhưng ông vẫn còn đó trong Bóng Chữ của chính ông.

21.4.2008
Nguyễn Trọng Tạo