Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 15/07/2014 07:27, số lượt xem: 377

Người thương binh trở về.
Thấp thoáng trên đường quê.
Dép mòn quai.
Bạc màu manh áo trận.
Trước mặt anh, cánh đồng lúa trải dài xanh bất tận.
Bừng lên sức sống quê hương.
Anh trở về với làng xóm thân thương.
Bằng hình hài không nguyên vẹn.
Xoa vết thương mà nghe lòng xót nghẹn.
Nhớ đồng đội hy sinh nằm lại chiến trường.
Bảo vệ biên cương, chủ quyền Tổ quốc.

Buổi ấy ra đi, bất chấp hiểm nguy.
Gian khổ chẳng sờn.
Tiến bước dưới quân kỳ thề bảo vệ giang sơn.
Đem nhiệt huyết tuổi xuân với kẻ thù quyết chiến.
Thân làm trai khi sơn hà nguy biến.
Phận nam nhi phải trả nợ tang bồng.
Trông giặc thù gây đau thương xương trắng máu hồng.
Nhìn Ba Chúc(*) điêu linh hoang tàn cơn khói lửa.
Căm hờn chất chứa.
Tiếng đạn nổ vang rền.
Cái chết bất thần sau trước, hai bên.
Đồng đội ngã máu thắm vào đất mẹ.
Các anh nằm xuống khi tuổi đời rất trẻ.
Để mẹ già mòn mỏi ngóng mong con.
Có người vợ, người yêu chờ đợi héo hon.
Đừng trách, mẹ ơi! Con đền xong nợ nước.
Có chiến thắng nào không hy sinh, mất mát!
Đừng buồn, em ơi! Chẳng thể nào làm khác.
Khi biên cương vẫn còn bóng giặc thù.
Qua bão dông, cây non rồi sẽ mọc.
Đất nước thanh bình lại dịu ngọt lời ru.

Chiến tranh đã lùi xa.
Ngày tháng đi qua theo dòng lịch sử.
Đời người chỉ sống một lần.
Có tuổi tên trở thành bất tử.
Những chiến công mãi mãi âm vang.
Mặc đời sau thiên hạ luận bàn.

Người thương binh về lại với quê hương.
Giữa những bon chen, toan tính tầm thường.
Nhân ngày thương binh liệt sĩ.
Xin thắp một nén hương:
Kẻ còn lại, áo hồ thỉ dãi dầu vương cát bụi.
Người hy sinh, chí tang bồng chưa thoả ngậm ngùi thương.

(*) Thị trấn Ba Chúc thuộc huyện Tri Tôn tỉnh An Giang, nơi bọn Khmer Đỏ - Pôn Pốt thảm sát 3.157 người dân Việt Nam vô tội vào tháng 4 năm 1978. Phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ em.