Bài ca dao “Đêm qua ra đứng bờ ao” còn là một kỉ niệm đối với tôi thời thơ bé. Lớn lên, tôi vẫn khẽ đọc lúc nhớ lúc buồn. Ông nội mất đã gần mười năm rồi...; ông dã dạy chị em tôi học thuộc lòng bài ca dao ấy:
Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.
Buồn trông con nhện chăng tơ,
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai,
Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà,
Chuôi sao Tinh Đẩu đã ba năm tròn
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ
Vần thơ lục bát với những thanh bằng liên tiếp, với các động từ biểu cảm: “trông”, “buồn trông”, “chờ”, “tưởng”, kết hợp với những tiếng gọi: “nhện ơi! nhện hỡi, “sao ơi, sao hỡi” đã tạo nên âm diệu thiết tha, mong nhớ, chờ trông... Điệu thơ thấm buồn man mác bâng khuâng như níu giữ lấy hồn ta. Mỗi câu ca, mỗi vần thơ là một nét tâm trạng buồn nhớ, cô đơn. Khách ly hương càng “đứng” càng “trông”, càng buồn càng nhớ, càng hỏi càng sầu. Nơi đất khách quê người, giữa tạo vật mênh mông, xa mờ, nỗi buồn nhớ cô đơn biết ngỏ cùng ai?...

Thao thức, lẻ loi, chỉ biết ra đứng bờ ao, nơi vắng vẻ ở cuối sân, sau vườn, hay cạnh ngõ. Cứ trông gần rồi trông xa, trông cá, trông sao, nhưng nào thấy, vì “cá lặn, sao mờ” tự bao giờ. Các điệp từ (trông, cá, sao) gợi lên sự chơi vơi trong lòng:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
Nỗi niềm ấy chỉ mới diễn ra “đêm qua” còn đầy vơi trong lòng. Chữ “qua” vần với chữ “ra”, chữ “ao” vần với chữ “sao”, cũng với 2 vế tiểu đối cân xứng: “Trông cá, cá lặn // trông sao, sao mờ” là nhạc thơ cũng là nhạc lòng xao xuyến, vương vấn, triền miên...

Hỏi trông cá, trông sao, nhưng “cá mờ” nên giữa đêm khuya trống vắng, không một người thân thương, chỉ còn biết “buồn trông” và khẽ hỏi:
Buồn trông con nhện chăng tơ,
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Nhện cỏn con, bé tí. Nhện sao thấu hiểu nỗi buồn nhớ cô đơn của kẻ xa quê. Nhện mắc chăng tơ, hay nhện cũng đang “chờ mối ai”?

Đêm đã về khuya, sao mai đã “chênh chếch” nằm nghiêng nghiêng trên bầu trời. Rồi “sao mờ” sắp tàn canh. Vẫn chỉ có một mình li khách. Cô đơn và trơ trọi. Lại “buồn trông” lên bầu trời, rồi khẽ hỏi sao mai, để trang trải nỗi lòng:
Buồn trông chênh chếch sao mai,
Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
Nhện và sao, vật thì nhỏ bé, vật thì xa mờ, nhện thì còn “chờ mối ai” sao thì còn “nhớ ai”. Khách thể (tạo vật) được nhân hoá cũng có tâm hồn, tâm tư. Nhưng sau lời gọi tha thiết: “nhện ơi, nhện hỡi”, “sao ơi, sao hỡi” vẫn không một tiếng vọng, một lời an ủi. Nỗi buồn nhớ cô đơn của kẻ tha hương không thể nào kể xiết! Sau lời cảm thán: “nhện ơi, nhện hỡi”, “sao ơi, sao hỡi” là những tiếng khẽ thở dài cất lên, những giọt lệ rưng rưng rơi xuống.

Nỗi nhớ quê nhớ nhà, không chỉ mới “đêm qua” mà là đã diễn ra triền miên “đêm đêm”, không chỉ mới một tháng, một năm, mà là đã “ba năm tròn” một thời gian dài. Không chỉ “buồn trông” mà là “tưởng”, là nhớ, là mộng, day dứt, triền miên, khôn nguôi. Dải Ngân Hà vẫn chiếu sáng trên bầu trời. Sao Bắc Đẩu vẫn định vị trên bầu trời. Đã ba năm rồi, trong đêm đêm li khách vẫn hướng về dải Ngân Hà, về sao Bắc Đẩu mà tường nhớ cố hương. Chữ “tưởng” là một nét tâm trạng buồn nhớ, ngóng trông vô cùng da diết:
Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà,
Chuôi sao Tinh Đẩu đã ba năm tròn
Hai câu cuối, nhà thơ dân gian dùng biện pháp nghệ thuật tương phản rất đặc sắc; tương phản giữa “đá mòn” với “dạ chẳng mòn” tương phản giữa “đá mòn” với dòng Tào Khê “nước chảy hãy còn trơ trơ”. Con sông Tào Khê ở huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh), hay con sông Tào Khê ở bên Tàu là biểu tượng cho tấm lòng son sắt thuỷ chung của người lữ khách đối với gia đình quê hương:
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn.
Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ.
Lúc nào đọc bài ca dao “Đêm qua ra đứng bờ ao” tôi vẫn thấy hay, vẫn thấy nhớ và vô cùng xúc động. Các điệp ngữ, câu hỏi tu từ, câu cảm thán, biện pháp nghệ thuật nhân hoá và phép tương phản đã góp phần tạo nên những câu ca giàu nhạc điệu, đẹp mượt mà, thiết tha, in sâu vào trí nhớ và tâm hồn tôi. Bài ca dao thấm thía bao nỗi buồn thương nhớ và cô đơn, nhưng đó là nỗi buồn đẹp: tấm lòng thương nhớ và thuỷ chung đối với quê nhà.

Ca dao là tấm lòng. Khi còn sống, mỗi lần đọc bài ca dao “Đêm qua ra đứng bờ ao”. Ông tôi vẫn nhắc cha mẹ tôi, chị em tôi: “Loạn lạc kéo dài, nhà ta đã ba đời xa quê. Các con các cháu đừng có bao giờ quên nguồn cội”...

“Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ” là tấm lòng của nhân dân, của những ai xa gần, của ông tôi, của cha mẹ tôi, chị em tôi... Tấm lòng son sắt thuỷ chung đối với gia đình quê hương toả sáng bài ca dao và hồn người.