Tác giả: Thuỵ Anh


Những ngày cuối tháng 1-2010, không khí lễ hội bao trùm toàn bộ thành phố Smolensk (LB Nga). Lễ hội ấy liên quan đến một nhà thơ Nga được yêu mến không chỉ ở Nga và còn nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đó là nhà thơ Mikhail Vasilievich Isakovsky (1900-1973). Dân chúng Smolensk kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà thơ. Dưới chân tượng đài ông, bên trong và bên ngoài Nhà văn hóa thành phố, ngoài đường, khắp nơi, người ta hát những bài ca nổi tiếng phổ thơ ông: “Đàn phong cầm cô độc”, “Nghe thấy anh không, bé xinh”, “Ôi kim ngân hoa nở”, “Bầy chim di cư bay qua”, “Ngọn lửa nhỏ”, “Anh vẫn như xưa”, “Lại lặng phắc cho đến bình minh”, và đặc biệt là… Ca-chiu-sa.


Ca-chiu-sa, bài ca không của riêng ai

"Đào vừa ra hoa, cành theo lá đưa vờn trăng tà
Ngoài dòng sông, màn sương trắng buông lững lờ
Từ bến sông thoáng bóng ai in trên màn sương mờ
Cất cao lời ca, làm rung cỏ cây ven bờ..."

Trong rất nhiều buổi giao lưu với các chiến sĩ biên phòng Việt Nam, lời hát này được các chiến sĩ cùng hòa giọng, với nhiều xúc động. Ca-chiu-sa, cô thôn nữ Nga, dường như đã là người thân đối với người lính Việt.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Xô Viết Iu.E.Biryukov đã kể trong nhiều bài báo của mình về lịch sử ra đời của Ca-chiu-sa như thế này: Ban đầu, nhà thơ M.V.Isakovsky, lúc ấy đã rất nổi tiếng với những ca khúc “Chia biệt”, “Đi dọc làng quê”, “Liubushka”…, viết được một khổ thơ về cô gái Ca-chiu-sa “bước ra bờ sông khúc khuỷu và hát”. Rồi ông bí, chẳng biết viết gì tiếp, và bỏ đoạn thơ sang một bên. Cho đến khi gặp nhạc sĩ M.I.Blanter. Tình cờ nhà thơ nhắc đến ý tưởng dang dở về cô gái Ca-chiu-sa ở chốn làng quê đứng hát, và nhạc sĩ rất đồng cảm. Blanter sốt sắng “ép” Isakovsky hoàn thành nốt bài thơ của mình. Theo như lời Blanter, sau khi gặp Isakovsky về, trong đầu ông chỉ toàn vang lên đoạn nhạc tương lai của Ca-chiu-sa. Ông nhận xét, thơ Isakovsky có âm điệu đặc biệt độc đáo, có trò chơi biến ảo của các trọng âm, vì thế rất gần với kiểu thơ hát đối vui nhộn trong dòng âm nhạc dân gian Nga. Thể loại cho Ca-chiu-sa đã được xác định! Dễ hiểu vì sao Ca-chiu-sa được hát nhiều đến thế trong các buổi lễ hội dân gian ở các thành phố cổ và làng quê Nga. Nó mang âm điệu tha thiết của dân ca, đặc biệt là lúc người hát cố tình cao giọng luyến láy với những âm vực cao gắt đáng yêu, thì bài ca mang lại cho người nghe niềm hưng phấn khó tả, khiến họ không thể không cất giọng hát theo, cho dù là người già hay người trẻ, nam thanh hay nữ tú. Điều này vẫn xảy ra trong những năm tháng chiến tranh, hậu chiến, và cả thời hiện đại bây giờ.

Nhưng, nét độc đáo của Ca-chiu-sa còn ở chỗ, đó là ca khúc có cốt truyện. Và cốt truyện được “cặp đôi sáng tác” dựng nên bằng chất liệu thực của cuộc sống. Ca khúc trữ tình, nhưng là chất trữ tình dữ dội của cái thời mà xung quanh đang ngập tràn những dự cảm đáng sợ về một cuộc chiến khốc liệt. Isakovsky sau này hồi tưởng lại: “Chúng tôi cảm thấy chiến tranh đang đến gần, dù không biết chắc nó sẽ nổ ra khi nào và ở đâu. Nhưng không chỉ tiên cảm về chiến tranh, tất cả chúng tôi khi ấy đã bắt đầu trải qua cảm xúc đang đằm mình trong cuộc chiến, bởi năm 1938 vẫn đang có chiến sự ở Tây Ban Nha, rồi cuộc va chạm của Hồng Quân với những samurai Nhật Bản bên hồ Hasan, rồi những tin tức bất an ở biên giới phía Tây nữa…”

Đề tài chiến tranh, nhưng chất trữ tình vẫn là chủ đạo. Tình yêu giữa các cô gái với những người lính, chia tay và chờ đợi – đó là điều tất yếu phải có trong mọi cuộc chiến. Thời bấy giờ đã có những bài ca về đề tài này, nhưng thường là buồn. Còn Ca-chiu-sa thì ngược lại, những lời thơ giản dị trong sáng, rành mạch rõ ràng, đem đến cho người hát và người nghe niềm hy vọng sáng suốt. Hậu phương hướng về tiền tuyến, tiền tuyến lại hoàn toàn tin tưởng ở hậu phương. Đây là điểm khiến Ca-chiu-sa mang âm hưởng hiện đại so với tất cả những bài ca trước đó nói về sự chia biệt trong loạn lạc. Và ngay cả khi so sánh với bài thơ được viết sau đó vài năm của Simonov, bài thơ nổi tiếng đối với bạn đọc Việt Nam qua bản dịch của Tố Hữu “Đợi anh”, thì sự chờ đợi của Ca-chiu-sa cũng khác rất nhiều. Nó không day dứt đau khổ, không vò võ âm thầm, nó giản dị, nó nhẹ như không, như với cuộc sống này, sự đợi chờ người chinh chiến “nơi biên thùy” là chuyện đương nhiên, với niềm tự hào vô biên trong trái tim cô gái. Thầm so sánh như vậy, tôi càng hiểu vì sao các chiến sĩ biên phòng của chúng ta lại yêu thích bài ca này đến thế!


Ca-chiu-sa, nàng là ai?

Trên tờ Severnyi Kavkaz, tác giả Semion Tsastlivtsev đã kể về xuất xứ của bài ca, cho rằng nguyên mẫu ngoài đời của nhân vật chính trong bài hát là cô gái Ekaterina Philippovna, sinh năm 1911 ở Vladivostok. Cô rất đẹp và có giọng hát trong vắt tuyệt vời. Năm 1938, khi diễn ra trận chiến trên hồ Hasan với quân Nhật, Ekaterina đã cùng chồng tham chiến và nhận được huân chương Sao Đỏ vì lòng quả cảm. Nhà thơ Mikhail Isakovsky đã biết câu chuyện về cô gái bé nhỏ gan dạ này, bắt tay viết những dòng thơ về cô.

Có vẻ như câu chuyện trùng khớp với lời tâm sự của nhà thơ. Tuy nhiên, với người dân và những người lính Nga, thì câu chuyện đó không phải là… sự thật duy nhất! Tôi đọc được rất nhiều thông tin về “nhân thân” của Ca-chiu-sa. Đó là những cô gái Nga từ các miền quê khác nhau, cùng tên Ekaterina mà khác họ, thậm chí, người ta kể về những nhân vật từng tham gia chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, về những cô gái du kích, giao liên, y tá quân y, bất chấp một điều rằng, bài hát được viết năm 1938! Song, nếu lắng nghe các “khảo dị” của bài ca, mới biết, Ca-chiu-sa đã không còn là của riêng Isakovsky nữa. Những người lính, ai cũng muốn nhìn thấy cô gái của mình trong đó, vì thế mà có hẳn một phong trào viết lại lời cho Ca-chiu-sa, thay đổi một số chi tiết để một nàng Ca-chiu-sa gần gụi hiện ra.

Ngoài ra, lại có một “nàng Ca-chiu-sa” khác, không chờ đợi dịu dàng mà sẵn sàng nã đạn vào đối phương. Câu chuyện về một thứ vũ khí mới thời ấy của Liên Xô, giàn pháo phản lực được mang tên Ca-chiu-sa hẳn chúng ta đều biết. Người ta hát về những Ca-chiu-sa ấy, đồng thanh cất lên bài ca dữ dội khiến kẻ thù kinh hãi trên các mặt trận, như thế này:
Những trận chiến diễn ra trên biển cả và đất liền
Xung quanh tiếng đạn pháo gầm lên oai dũng
Đó là “Ca-chiu-sa” của ta đang hát
Này Kaluga, này Tula, này Oriol...

Một chi tiết rất ngộ là, một lần tôi được nói chuyện với một bà cụ Nga. Bà khẳng định rằng, đã từng nghe lính Đức hát bài Ca-chiu-sa bằng cả tiếng Nga và tiếng Đức! Sau đó ít lâu, một năm, vào ngày lễ 9-5, tôi lại đọc được trên báo Nga câu chuyện của một cựu chiến binh về cảm xúc của ông và đồng đội khi tình cờ nghe được Ca-chiu-sa vọng ra từ doanh trại lính Đức, trong giờ tạm ngừng bắn. Lính Đức tua đi tua lại đĩa hát, nghe mãi Ca-chiu-sa, dường như không chán. Điều ấy khiến lính Nga nổi giận. Họ bảo nhau: Ca-chiu-sa không hát cho quân Đức nghe! Và cuối cùng, họ bất thần tấn công chỉ để... giành lại đĩa hát, lấy lại Ca-chiu-sa của mình.

Cũng theo lời kể của nhà nghiên cứu âm nhạc Biryukov, bài hát Ca-chiu-sa của Isakovsky và Blanter vượt qua biên giới Liên Xô để đến với thế giới bắt đầu từ những cuộc Festival của tuổi trẻ. Đến với Việt Nam cũng bằng con đường ấy từ năm 1955, với sự giới thiệu và biên dịch lời của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Anh Cường. Mùa hè năm 1985, tại Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ XII, một cô gái Nga mang tên Ca-chiu-sa, đã đón chào các đoàn đại biểu quốc tế với nụ cười trên môi, trên nền khúc ca quen thuộc. Thanh niên các nước đã cất giọng hát theo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Cuối cùng, họ kêu lên: “Xin chào Ca-chiu-sa!”. Ông Biryukov cho rằng, đó là một trường hợp hi hữu, khi nhân vật của thơ nhạc đã trở thành con người của đời thực. Isakovsky thật là một nhà thơ hạnh phúc !


Isakovsky và duyên phận với thi ca – âm nhạc

Người cha tinh thần của Ca-chiu-sa, công dân thành phố cổ Smolensk, nhà thơ M.V.Isakovsky đã thực sự mang lại vẻ vang cho thành phố của mình. Không chỉ là tác giả của hơn chục tập thơ, người nhiều lần đoạt giải thưởng Quốc gia Liên Xô, anh hùng lao động XHCN, Isakovsky còn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu thơ ca về phương diện lý luận, dịch giả chuyển ngữ nhiều thi phẩm của Ukraine, Belorussia, Hungary ra tiếng Nga.

Hàng năm, nhiều người vẫn tìm đến Smolensk để chiêm ngưỡng quê hương của tác giả phần lời của những ca khúc Xô Viết nổi tiếng và thăm viện bảo tàng độc đáo – viện bảo tàng ca khúc Ca-chiu-sa với hàng trăm hiện vật liên quan đến bài ca, được thành lập vào năm 1985, từ bấy đến nay đã trở thành địa chỉ văn hóa nổi tiếng cả nước. Nhưng trong số những người hâm mộ Ca-chiu-sa và Isakovsky, không nhiều người biết rằng ông có một tuổi thơ nghèo khó. Sinh ra trong gia đình nông dân có 13 đứa con, cậu bé Mikhail sớm phải làm việc quần quật, gần như không được đến trường, tự học từ nhỏ cùng sự giúp đỡ của người coi sóc nhà thờ làng. Bù lại, Trời cho Isakovsky một tố chất trí thức- nghệ sĩ mạnh mẽ. Độc đáo nhất là cậu bé mê mẩn tiếng… esperanto và đã tiết kiệm tiền để mua nguyệt san  «La ondo de Esperanto». Năm 14 tuổi, cậu bé nông dân Nga đã viết thư sang tận Pháp và Ý theo địa chỉ ghi trong nguyệt san. Hồi âm là món quà vô giá của một nữ sĩ người Pháp: một lá thư kèm bông hoa khô. Bông hoa làm bừng lên niềm mơ mộng của chú bé về nghệ thuật. Từ Ý, chú bé nhận được thư của một nhạc sĩ kèm một bản nhạc. Mikhail đã … viết lời cho bản nhạc ấy và gửi ngược lại Ý.
Dường như đó là định mệnh. Mười bốn tuổi, bài thơ đầu tiên được đăng báo và từ bấy giờ, Isakovsky đã trở thành nhà thơ mà những vần thơ được biết đến hầu như đều qua âm nhạc!


Nhà thơ không hiện đại nhưng không bao giờ lạc hậu!

Từ nhỏ, Isakovsky mắc căn bệnh về mắt, thị lực mờ đi và vì thế càng về sau, chữ của ông ngày càng phải to ra mới nhìn được. Cuối đời, Isakovsky hầu như chỉ dùng bút dạ để viết những bài ca của mình, và viết rất to.

Isakovsky từng là một hiện tượng văn học khiến các nhà phê bình tranh cãi và… chê bai. Tập thơ đầu tiên của nhà thơ 28 tuổi từng được chính M.Gorky lên tiếng bênh vực trên tờ “Tin tức” (Izvestya). “Thơ không mới, bình bình, không say đắm!” – nhiều người nói về thơ ông như thế, và giải thích điều ấy bằng một nguyên nhân, rằng Isakovsky vì căn bệnh thị giác chưa hề tham chiến trong từng ấy năm đất nước trải qua bao nhiêu biến động binh đao.

Tác giả Elena Yampolskaya trên tờ “Tin tức” số ra ngày 19-1-2010 đã kể về nhà thơ như một người khiêm nhường và... khéo sống: “Ông kết bạn với Tvardovsky, kính trọng Phadeev, có cảm tình với Surkov.” Nghĩa là, không vào hùa “đàn áp” bất kỳ bạn văn nào vào cái thời phức tạp và đau khổ của văn nghệ Liên Xô, không ngại công khai chào hỏi những người đối địch với Stalin, nhưng cũng không ngại viết những lời ca ngợi: “Chúng tôi đã tin Người, đồng chí Stalin, ngay cả khi không tin vào bản thân mình…”

Người ta biết đến thơ Isakovsky chủ yếu qua các ca khúc. Có điều, ông chưa hề đề nghị nhạc sĩ nào phổ nhạc thơ ông. Chính âm nhạc nội tại trong ngôn từ của nhà thơ đã là một điều kiện cần cho thành công của ca khúc. Vì thế mà các nhạc sĩ thường nói, họ may mắn khi chọn thơ ông phổ nhạc. Những câu chữ có độ ngân, nhưng lại rất giản dị. Chính điều này khiến thơ ông không bao giờ lạc hậu trong thế giới này, cho dù “không mới” như người ta vẫn nói. Bởi thiếu sự giản dị thì không có sự vĩ đại - Lev Tolsstoy chẳng từng nói vậy sao?

Tuy nhiên, Isakovsky đôi lúc cũng từng đi trước bạn thơ, trong những diễn đạt mới mẻ và bạo liệt. Chẳng hạn, khi Simonov kêu gọi: “Giết chúng!” trong bài thơ của mình được đăng ngày 19-67-1942, thì trước đó ít lâu, Isakovsky có những câu thơ mà, nếu lính Đức đọc được, hẳn cũng rợn tóc gáy, hơn cả khi đối mặt với lời hịch trực diện kia: “Cơn gió đã hát lên cho các người nghe bài ca lui quân với hàng ngàn giọng hát/ Giá băng đang bước ra trong buổi bình mình để khiển binh đội quân tử thi….”. Thế đấy, ở đất nước này không chỉ có những đội quân đang sống chiến đấu lại với quân thù, mà những người chết cũng sẵn sàng đứng dậy. Cách viết có chất ma quái ảo diệu này Isakovsky là người đầu tiên trong các nhà thơ Xô Viết sử dụng trong những vần thơ chiến tranh của mình.

Một bài thơ- ca khúc nữa được coi là « cac-vidit » của nhà thơ, là bài “Giặc đã đốt nhà”. Isakovsky viết về anh lính trở về sau chiến thắng, khi không còn nhà, không còn người thân, đứng khóc trước mộ vợ. Những dòng rất đơn giản, dễ hiểu của nhà thơ chứa đựng nỗi đau hậu chiến, khiến người nghe cảm nhận sâu sắc đến cùng cực sự vô nghĩa và tàn bạo của chiến tranh, thậm chí, đến chiến thắng vẻ vang cũng không xua tan được cảm nhận bi kịch ấy:
Anh đi bốn năm trời để về với em
Anh đã chinh phạt ba cường quốc…

Lệ chảy tràn, người lính say khướt,
Nước mắt của niềm hy vọng không thành
Mà rực sáng trên ngực anh
Tấm huân chương cho cuộc chiến vì Budapest.

Vì bài thơ này mà Isakovsky bị rắc rối và bài hát bị cấm lưu hành. Nhiều năm qua đi, niềm vui chiến thắng lắng lại, bài ca này năm 1960 một lần nữa được ca sĩ Mark Bernes trình diễn và từ đó trở thành ca khúc dẫu buồn đau nhưng không thể thiếu mỗi ngày lễ Chiến Thắng mùng 9-5. Và hình như, với thời gian, nó cũng sẽ không bao giờ cũ!

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."