Bô lão Diên Hồng (1) tiếng dội vang
Hoài Văn nén giận bến Bình Than (2)
Chiêu Minh phá giặc Chương Dương độ (3)
Nhật Duật sát thù Hàm Tử quan (4)
Địa chiến hào hùng Tây Kết trận (5)
Thuỷ công lừng lẫy Bạch Đằng giang (6)
Đánh lùi Mông Thát (7) quân cường bạo
Khả Hãn (8) thiên triều rất nể nang.

Tuy Hoà, 19/8/2017
(1) Là hội nghị được tổ chức năm 1284 tại kinh thành Thăng Long do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các bô lão trong cả nước về trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hoà hay đánh khi quân Nguyên-Mông sang xâm lược Đại Việt lần thứ 2.

(2) Hội nghị Bình Than là một hội nghị quân sự do vua Trần Nhân Tông triệu tập vào năm 1282 để bàn phương hướng kháng chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Chính tại hội nghị này, Hoài Văn hầu-Trần Quốc Toản vì quá trẻ tuổi nên không được dự đã bóp nát quả cam đang cầm trong tay rồi về tập trung hơn một nghìn gia nô và thân thuộc tham gia kháng chiến.

(3) Trận Chương Dương độ là một trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam diễn ra tại bến Chương Dương (nay thuộc địa phận xã Chương Dương, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Tại đây, vào khoảng tháng 5, 6 (âm lịch) năm 1285, các lực lượng quân Trần đã tập kích phá tan căn cứ thuỷ quân Nguyên, tạo mở ra thời cơ đánh úp đại bản doanh của quân Nguyên, tái chiếm kinh thành Thăng Long trong Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2 dưới sự chỉ huy trực tiếp của Chiêu Minh vương-Trần Quang Khải.

(4) Trận Hàm Tử này thời chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt (1285) do Chiêu Văn vương-Trần Nhật Duật (1253 – 1330) chỉ huy đã đánh tan cánh quân Mông Cổ do nguyên soái Toa Đô chỉ huy.

(5) Trận Tây Kết là 1 trong những chiến công oanh liệt của quân và dân Đại Việt, đã xoá sổ 1 đạo quân quan trọng của giặc Nguyên-Mông và góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.

(6) Trận Bạch Đằng năm 1288 xảy ra trên sông Bạch Đằng là một trận đánh quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên- Mông trong lịch sử Việt Nam do Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng với Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chỉ huy.

(7) Tức quân Nguyên-Mông.

(8) Trong ngôn ngữ Mông Cổ, tước hiệu Khả hãn được phân biệt rất rõ với tước hiệu Hãn. Chỉ có Thành Cát Tư Hãn và con cháu thừa kế của ông ta mới được sử dụng tước hiệu Khả hãn. Các thủ lĩnh Mông Cổ khác chỉ được dùng tước hiệu Hãn mà thôi (Khả hãn đây chỉ Hốt Tất Liệt).