Thường Kiệt thuộc dòng dõi tập quan (1)
Chuyên cần học hỏi chóng thành nhân
Bình Chiêm, Địa Lí tù dâng hiến (2)
Phá Tống sông Cầu giặc vỡ tan (3)
Phụ chính trung thành phò ấu chúa (4)
Kinh tài hiếu đạo cứu dân nan
Anh hùng đất Việt ngàn năm cũ (5)
Danh tánh xưa còn tiếng dội vang (6).

Tuy Hoà, 19/5/2017
(1) Theo nhận xét của sách Đại Việt sử ký toàn thư, nhà của ông nối đời làm quan theo thức thế tập, tức là truyền chức này vĩnh viễn qua các đời, do đó có thể thấy gia đình của ông là một nhà quan lại có gốc gác bền vững. Từ nhỏ Lý Thường Kiệt đã tỏ ra là người có chí hướng và nghị lực, chăm học tập, rèn luyện cả văn lẫn võ, từng nghiên cứu về binh pháp.
(2) Năm 1069, sau trận chiến với Đại Việt, vua Chiêm là Chế Củ bị bắt đem về Thăng Long. Để được tha về nước, Chế Củ đã dâng 3 châu phía bắc Chăm Pa cho Đại Việt mà Địa Lý là một trong ba châu đó. Sau khi sáp nhập châu Địa Lý vào lãnh thổ Đại Việt, đến năm 1074 nhà Lý đã đổi tên Địa Lý thành châu Lâm Bình.
(3) Sông Cầu (còn gọi là sông Như Nguyệt, sông Thị Cầu, sông Nguyệt Đức hay mỹ danh dòng sông quan họ), là con sông quan trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình, sông nằm lọt trong vùng Đông Bắc Việt Nam.
(4) Năm 1072 Lý Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức mới 7 tuổi lên ngôi (tức Lý Nhân Tông), Lý Thường Kiệt giữ vai trò phụ chính trong triều đình Đại Việt.
(5) Ông được xếp trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất Việt Nam.
(6) Trận chiến ở ba châu Khâm, Ung, Liêm (1075-1076) đã khiến tên tuổi của Lý Thường Kiệt vang dội ra khỏi Đại Việt và được biết đến ở nước Tống.