Nguyễn Trãi quê miền huyện Chí Linh (1)
Anh hùng tụ nghĩa chống quân Minh (2)
Văn chương tỏ rạng lòng trung ái
Công nghiệp dư đầy áng sử kinh (3)
Chốn hậu cung kia bày kế bẩn (4)
“Lệ Chi Viên” nọ chuốc oan hình (5)
Nhân tài đứt mạch dòng tôn quý (6)
Tuy được Đế Thuần chiếu phục danh (7)!

Tuy Hoà, 19/9/2017
(1) Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
(2) Ông được Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch xếp trong danh sách 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam theo công văn ngày 21/6/2013.
(3) Ngoài công trạng trong cuộc kháng Minh ra thì ông để lại cho đời nhiều tác phẩm quý cả chữ Hán (Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng, Văn loại, Dư địa chí) và chữ Nôm (Quốc âm thi tập).
(4) Theo một số sử gia thì khả năng lớn nhất là do Thần phi Nguyễn Thị Anh gây ra.
(5) Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư:
Ngày 27 tháng 7 (âm lịch) năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4 tháng 8 (âm lịch) vua về đến Lệ Chi viên thuộc huyện Gia Định (nay thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã vào tuổi 40 được vua Lê Thái Tông yêu quý vì sự xinh đẹp, có tài văn chương, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất.
Các quan bí mật đưa về, ngày 6 tháng 8 (âm lịch) mới đến kinh sư, nửa đêm vào đến cung mới phát tang. Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Ngay sau khi Thái tử Bang Cơ mới 2 tuổi lên nối ngôi (tức là Lê Nhân Tông), triều đình bắt Nguyễn Trãi tru di tam tộc vào ngày 16 tháng 8 (âm lịch) năm này.
(6) Ông ngoại Nguyễn Trãi là quý tộc họ Trần (quan Tư đồ Trần Nguyên Đán)
(7) Năm 1464, Lê Thánh Tông (Thuần Hoàng đế) chính thức ban chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán Trù bá (sau 22 năm oan khuất).