Tổ tiên lánh nạn chín đời hơn (1)
Lý Bí thành “Giao Chỉ thổ nhân” (2)
Đánh bọn nhà Lương chuồn thoát mạng (3)
Đuổi người Lâm Ấp chạy nương thân (4)
Ngôi xưng tột bậc làm Nam Đế
Nước gọi lâu dài muốn Vạn Xuân
Bước đệm cho thời kỳ tự chủ
Dựng nền độc lập với minh quân.

Tuy Hoà, 17/10/2017
(1), (2) Nhiều sách sử cho biết tổ tiên của Lý Nam Đế (503-548) là người tỉnh Sơn Tây vào cuối thời Tây Hán thì tránh sang ở Giao Châu để lánh nạn loạn Vương Mãng. Qua hơn chín đời, đến đời Lý Bí thì dòng họ Lý đã ở Việt Nam được hơn năm thế kỷ. Chính sử Trung Quốc đều coi Lý Bí là “Giao Châu thổ nhân” (tức là người Giao Châu, lúc này Giao Chỉ thuộc Giao Châu). Ông nằm trong danh sách 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.
(3) Cuối năm 541, Lý Bí chính thức khởi binh chống nhà Lương, khí thế rất mạnh. Theo sách Lương thư của Trung Quốc, Tiêu Tư liệu thế không chống nổi quân Lý Bí, phải sai người mang của cải đến đút lót cho Lý Bí để được tha chạy thoát về Quảng châu. Quân của Lý Bí đánh chiếm lấy thành Long Biên.
Tuy Tiêu Tư đã bỏ chạy nhưng Lý Bí mới kiểm soát được vùng Bắc Bộ Việt Nam hiện nay, các châu phía nam vẫn trong tay nhà Lương. Tháng 4 năm 542, Lương Vũ Đế sai Thứ sử Việt châu là Trần Hầu, thứ sử La châu là Ninh Cự, thứ sử An châu là Uý Trí, thứ sử Ái châu là Nguyễn Hán cũng hợp binh đánh Lý Bí. Nhưng Lý Bí đã chủ động ra quân đánh trước, phá tan lực lượng quân Lương ở phía nam, làm chủ toàn bộ Giao châu.
(4) Tháng 5 năm 543, vua Lâm Ấp mang quân xâm chiếm quận Nhật Nam và tiến đến quận Cửu Đức. Lý Nam Đế sai Phạm Tu cầm quân vào nam đánh Lâm Ấp.
Sử sách không mô tả rõ diễn biến trận đánh này, chỉ ghi sơ lược: Phạm Tu tiến quân vào Nam đánh tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức khiến vua Lâm Ấp phải bỏ chạy.