Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thất ngôn bát cú
Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
2 bài trả lời: 2 thảo luận
2 người thích

Đăng bởi Vanachi vào 26/09/2008 04:43

Lại nghe hãy có cảnh thanh,
Nhà ngư Rạch Vược sánh in nguồn Đào.
Nỗi âm hao bây giờ mới tỉnh,
Kẻo gió truyền bán tín bán nghi.
Lao xao lời chúng thị phi,
Thế non thế nước thanh kỳ hoá hai.
Dẫu có bài địa linh nhơn kiệt,
Hội ý đây mới biết chẳng vu.
Bên sông có mấy nhà ngư,
Xa xem bóng ngỡ bức đồ đan thanh.
Sánh thị thành lấy làm nhân mã,
Cũng nợ thần cũng trả ơn vua.
Trối ai lợi chuốc danh mua,
Vui nghề chày lưới tôm cua tháng ngày.
Khi ra tay một nghề một khác,
Ai ai đều mặc sức hoan ngu.
Đây đà bao buộc năm hồ,
Một mùi đồ sử bốn mùa thảnh thơi.
Câu lộng khơi thích tình khơi lộng,
Bút linh ngao nước động kiền khôn.
Đăng nò hai loại một môn,
Lừa kình nhử ngạc sóng cồn lao xao.
Thiếp ba đào kia người đóng đáy,
Tóm trăm loài một đãy lược thao.
Chia nhau lớn bé thấp cao.
Cá rồng mệt mắt, kình ngao lẫn tròng.
Đã càn sông lại càn tới rạch,
Chờ cạn cồn mỗi cách mỗi hay.
Khi về hiệp mặt dang tay,
Rước xuân rượu cúc lại vầy tiệc vui.
Biết phân ngôi, biết phân chủ khách,
Tuy giang thôn nào khác Trường An.
Trong ca nghe có tiếng vang,
Cũng lời mặc khách cũng trang cao bằng.

Thơ rằng:
Bến Vược nhà ngư chật mấy từng,
Trong nhàn riêng có việc lăng xăng.
Lưới chài phơi trải đầy trời hạ,
Gỏi rượu say sưa toại nghiệp hằng.
Nghề Thuấn hãy truyền bền trác trác,
Dân Nghiêu còn thấy đủ rằng răng.
So đây mười cảnh thanh hoà lạ,
Hoạ cảnh Đào Nguyên mới sánh chăng.


Đông Hồ phiên từ chữ Nôm.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Lư Khê ngư bạc

Lư Khê ngư bạc (chữ Hán: 鱸溪漁泊), có nghĩa thuyền đánh cá đỗ bến Vược, là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh.

Cả hai bài đều nói đến cảnh thuyền đánh cá đỗ bến Vược, nơi Rạch Vược; nay thuộc phường Thuận Yên, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.

Giải thích từ đầu bài: Lư là cá vược (còn được gọi là cá chẽm. Tên khoa học: Lates calcarifer). Khê là khe nước. Ngư bạc là thuyền câu hay thuyền chài đỗ bến.

Khi khởi xướng mười đầu bài trong Hà Tiên thập vịnh, Mạc Thiên Tứ đã chọn tên bài thơ là Lư Khê ngư bạc, để sóng đôi với 'Lộc Trĩ thôn cư, vì cả hai đều nói đến cảnh sinh hoạt nghề nghiệp của nhân dân Hà Tiên.
Sau, vì thích cảnh Lư Khê quá, ông đã sai cất một tiểu đình để làm nơi buông câu thư giãn. Không chỉ vậy, ông còn mượn cảnh trí này, làm thêm 32 bài thơ Đường luật, gọi là Lư Khê nhàn điếu tam thập thủ, và một bài phú dài hơn trăm câu, có tên là Lư Khê nhàn điếu tam thập nhị phú. Số thơ và phú này, về sau được khắc bản in thành một tập, có tên là Minh bột di ngư (Ông chài còn sót lại ở đất Minh bột)(1).

Sách Gia Định thành thông chí chép:
"Khe Lư Khê ở cách trấn về phía đông 7 dặm rưỡi, lại cách về phía đông núi Tô Châu 4 dặm rưỡi. Phía nam thông với biển cả, phía tây có điếu đình (nhà ngồi câu) là di tích của Mạc Quận công khi rảnh đến ngồi câu.
Khe rộng 2 trượng rưỡi, sâu 5 thước ta, dài 5 dặm rưỡi, dòng khe uyển chuyển lên bắc chảy quanh ra Đông Hồ. Bờ phía đông có dân cư thôn Tiên Thuận ở đấy. Thỉnh thoảng có người dắt bạn (đêm), chèo thuyền đi dưới bóng cây sạch mát, rượu thịt ê hề, hừng đông tỉnh giấc Tô Tử; canh gỏi tươi ngon, hơi thu động niềm Trương công. Dân địa phương hay khách lạ tạt qua đều vui cảnh ấy, nên trong 10 cảnh ở Hà Tiên, có cảnh Lư Khê nhàn điếu (rảnh câu Lư Khê) ấy là ghi chép một việc lạc thú vậy".

Rạch Lư Khê, xưa có hai nhánh trổ, một nhánh đổ ra biển, một nhánh thông với vũng Đông Hồ. Nơi hợp lại của hai dòng nước tạo thành một ao rộng, nước sâu trong vắt và nhiều cá. Ngược dòng Lư Khê, hai bên là những ngọn núi nhỏ nhấp nhô cùng với những túp lều tranh lúp xúp của dân chài. Về sau, khi quốc lộ 80 được xây dựng, cửa rạch Lư Khê thông ra biển đã bị lấp, con rạch chỉ còn một nhánh trổ ra vũng Đông Hồ.

Bài thơ Lư Khê ngư bạc
(bài chữ Nôm)
Bài Lư Khê ngư bạc trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, gồm một khúc vịnh dài 34 câu (301-334) và kết bằng một bài thơ Đường luật như sau:

Bến Vược nhà ngư chật mấy từng,
Trong nhàn, riêng có việc lăng xăng.
Lưới chài phơi trải đầy trời hạ,
Gỏi rượu hê ha toại nghiệp hằng.
Nghề Thuấn hãy truyền bền trác trác,
Dấu Nghiêu còn thấy đủ răng răng.
Sao đây, mười cảnh thanh hoa lạ,
Hoạ cảnh đào nguyên mới sánh chăng?[2]

Tác giả đã khéo chọn lư (cá vược) đối với lộc (nai), khéo mượn cảnh thuyền chài về đỗ bến đối lại với nghề canh tác ở chốn nông thôn (Lộc trĩ thôn cư); để chứng minh rằng vùng đất mới Hà Tiên, chẳng những đồng ruộng phì nhiêu mà sông biển cũng rất phong phú. Tất cả làm cho người dân có được một cuộc sống ấm no, an lạc và thái bình như thời Nghiêu, Thuấn.


Chú thích

1. Trải qua bao biến cố, số thơ phú đã kể trên thất lạc gần hết. Bởi vậy, sau này có người lầm rằng Lư Khê ngư bạc là Ngư Khê nhàn điếu (鱸溪閑釣). Xét nội dung Lư Khê ngư bạc (bài Hán và Nôm), thì chỉ thấy Mạc Thiên Tích nói đến cảnh sinh hoạt, lao động của dân thuyền chài, không hề nói gì về việc “buông câu” của ông. (Xem thêm bài viết riêng về Ngư Khê nhàn điếu).

2. Chú thích từ khó hiểu: Trác trác: giữ chắc chắn vững bền, không thay đổi. Răng răng: còn nguyên vẹn, chưa mất mát chút nào.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

thắc mắc

Sao ở trên ghi là:Dấu Nghiêu còn thấy đủ răn răn.
Ở dưới ghi:Dấu Nghiêu còn thấy đủ răng răng.
mình dùng răng hay răn ạ???

Chưa có đánh giá nào
Trả lời