珠岩落鷺

綠蔭幽雲綴暮霞,
靈岩飛出白禽斜。
晚排天陣羅芳樹,
晴落平崖寫玉花。
瀑影共翻明月岫,
雲光齊匝夕陽沙。
狂情世路將施計,
碌碌棲遲水石涯。

 

Châu nham lạc lộ

Lục ấm u vân xuyến mộ hà,
Linh nham phi xuất bạch cầm tà.
Vãn bài thiên trận la phương thụ,
Tình lạc bình nhai tả ngọc hoa.
Bộc ảnh cộng phiên minh nguyệt tụ,
Vân quang tề táp tịch dương sa.
Cuồng tình thế lộ tương thi kế,
Lục lục thê trì thuỷ thạch nha.

 

Dịch nghĩa

Bóng râm mây tối vá kết lại từng mảng ráng chiều,
Ở chỗ non linh núi đẹp, đàn chim chiều bay trắng.
Buổi chiều bày thế trận giữa trận, la liệt trên ngàn cây thơm,
Lúc lạnh, đáp xuống chỗ cảnh núi bằng như rót bông hoa ngọc.
Bóng thác cùng bay chấp chới trên đầu ngọn núi trăng sáng,
Bóng mây vòng quanh liền với bãi cát chiều tà.
Sốt sắng hăng hái trên đường đời, thi hành mưu này kế nọ,
Kế tiếp nối đuôi nhau về nghỉ ngơi trên bờ nước bờ đá.


Bản dịch nghĩa của Đông Hồ.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Đông Hồ

Bóng rợp mây dâm phủ núi non,
Bay la bay lả trắng hoàng hôn.
Góc trời thế trận giăng cây cỏ,
Đoá ngọc hoa rơi khắp bãi cồn.
Trăng dãi non treo làn thác đổ,
Chiều tà cát lẫn ánh mây tuôn.
Trên đường bay nhảy bao xuôi ngược,
Nghĩ cảnh dừng chân bến nước còn.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Giới thiệu Châu Nham lạc lộ

Châu Nham lạc lộ (Cò về núi ngọc), là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh[1]. Cả hai bài đều mô tả cảnh đẹp của núi Châu Nham, một trong mười thắng cảnh của đất Hà Tiên (Việt Nam) xưa.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả núi Châu (Chu) Nham như sau:
Châu Nham tục gọi là Bãi Ớt, cách trấn về phía đông 22 dặm rưỡi. Đỉnh núi tròn trịa, sườn đá lởm chởm, chạy thẳng đến bờ biển; có những gành đá chênh vênh, vũng sâu bùn cát, quanh bọc 2 bên tả hữu. Trong đó có đá tinh quang, ở dưới nhiều sò vằn đỏ. Tương truyền khi Mạc Cửu còn hèn mọn đến dưới Châu Nham nhặt được viên ngọc đường kính gần cả tấc ta (gần 3,3 cm) quý vô giá, ông kính dâng lên chúa. Bên bờ Châu Nham có vực sâu, là nơi hang ổ của cá tôm, chim cò bơi lội kiếm ăn từng bầy. Đây là cảnh Châu Nham lạc lộ, một trong 10 cảnh ở Hà Tiên.
Hai sách khác là: Đại Nam nhất thống chí - Lục tỉnh Nam Việt (1865-1882)[2], Nam Kỳ lục tỉnh Địa dư chí của Duy Minh Thị (1872)[3]đều chép tương tự.
Riêng cuốn Monographie de la Province d’Hatien do người Pháp biên soạn năm 1901, chép vắn tắt hơn, dịch: Đồi Châu Nham trong cụm Bãi Ớt, xưa che giấu một viên ngọc trai vô giá [4]

Mặc dù các sách trên đã nói rõ "Châu Nham tục gọi là Bãi Ớt", nhưng hiện nay vẫn tồn tại hai ý kiến khác nhau về núi Châu Nham.

*Ý kiến thứ nhất: Châu Nham là núi Đá Dựng.
Đây là một dãy núi đá vôi cao gần 100 m nằm chơ vơ giữa đồng bằng, theo hướng Tây Bắc, cách trung tâm thị xã Hà Tiên khoảng 6 km. Ý kiến này do thi sĩ Đông Hồ nêu ra trong bài Bút ký chơi Châu Nham, đăng trên Đông Pháp thời báo năm 1926.
Chung quan điểm trên, tác giả Huỳnh Công Tín, viết:
Có ý kiến cho "Châu nham lạc lộ" là vùng "Bãi Ớt" vì nơi đây cũng có nhiều chim cò về trú ngụ. Nhưng nếu xét trong tương quan của một cặp cảnh thì "Châu nham lạc lộ" có lẽ thích hợp với vùng núi Đá Dựng hơn. Hơn nữa, trong bài khúc vịnh "Châu nham lạc lộ", Mạc Thiên Tích có nói về sự gần gũi địa lí của hai cảnh đẹp này:
Luôn đường trở gót đi ra,
Chân còn Thạch Động, mặt là Châu Nham...[5]

*Ý kiến thứ hai: Châu Nham là tên một ngọn núi ở Bãi Ớt.
Đây là một ngọn núi thuộc bãi Nam Phố, nằm ở phía Nam thị xã Hà Tiên. Ý kiến này do Trương Minh Đạt nêu ra sách Nghiên cứu Hà Tiên.
Sau khi trích dẫn các sách (đã nêu ở phần mô tả), ông Đạt còn cho biết ở trong bài thơ chữ Hán Châu Nham lạc lộ của Mạc Thiên Tứ và bài hoạ của Nguyễn Cư Trinh, có những chữ như: bãi cồn, cát, bến nước, trên sóng, chài, nước triều lên xuống...thì rõ ràng Châu Nham phải nằm sát bờ biển, chớ không thể ở chỗ đồng bằng.
Thêm nữa, núi Đá Dựng đã được Gia Định thành thông chí biên chép với cái tên là Bạch tháp sơn (Hòn Bạch Tháp):
Ở cách phía bắc Vân Sơn 5 dặm. Thế núi quanh co, cỏ cây xanh tốt, có nhà sư ở Quy Nhơn (Bình Định) là đại hòa thượng Hoàng Long vân du dừng gậy trụ lại đó. Đến đời Túc Tông Hiếu Ninh hoàng đế (Nguyễn Phúc Chú) năm thứ 13 là năm Đinh Tỵ (1737), hòa thượng viên tịch, đồ đệ của ông dựng tháp 7 cấp để trân tàng xá lợi; mỗi khi đến tiết Tam nguyên và Phật đản thì sáng có con hạc đen đến chầu, con vượn xanh cúng quả, lưu luyến bồi hồi như có ý muốn tham thiền nghe pháp; đáng gọi là cõi tịnh độ tiêu sái của vườn Kỳ viên vậy.

Sách Hoàn Vũ Ký của Tĩnh Sơn Nguyễn Thu, Đại Nam nhất thống chí - Lục tỉnh Nam Việt của Quốc sử quán nhà Nguyễn, Nam kỳ Lục tỉnh địa dư chí của Duy Minh Thị đều chép tương tự, và không có sách nào nói núi Bạch Tháp (núi Đá Dựng) là Châu Nham cả.
Sau khi phân tích, đối chiếu, Trương Minh Đạt kết luận rằng:
Do trước kia ở miền Nam sách vở thiếu thốn, mười cảnh đẹp của Mạc Thiên Tứ không được biết rõ ràng, khiến thi sĩ Đông Hồ đã nhầm lẫn trong khi viết. Và hai chữ Châu Nham trong tựa bài thơ của Mạc Thiên Tứ, không phải chỉ có ý nghĩa thuần túy văn học mà còn là một địa danh có thật thời xưa. Châu Nham chính là Bãi Ớt, thuộc xã Dương Hòa, thị xã Hà Tiên, chứ không phải là núi Đá Dựng. Ngày nay, sự lầm lẫn này đã trở thành dấu ấn sâu đậm trong xã hội và trong sách báo.[6]

Thơ chữ Hán (xem bên trên)

Thơ chữ Nôm
Đây là một khúc vịnh được Mạc Thiên Tứ viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát gián thất (Song thất lục bát), mà cuối đoạn gắn liền với một bài thơ luật. Thể thơ này rất thịnh hành thời cuối Lê.
Luôn đường trở gót đi ra,
Chân còn Thạch động, mặt là Châu Nham.
Thế đã cam thơ nào mạc (1) đặng,
Hình thể này mới bạn họa danh (2).
Đỉnh kia tháp nọ đã đành,
Sói hùm lộn lạo, yến oanh dần dà.
Non chẳng già ai xưa khéo đặt,
Nảy chồi thu vẫn sắc kiều nhiêu (3).
Dọc dò (4) đá mọc cheo leo,
Đã quen quyến nhạn, lại nhiều rủ loan.
Cò đâu kể số muôn ngàn,
Truông mây vén ngút man man (5) bay về.
Đầy bốn bề kêu la tở mở,
Lượn rồng rồng (6) như vỡ chòm ong.
Rơi ngân rớt phấn (7) giữa không,
Sương ken đòi cụm, tuyết phong khắp hàng.
Ví Hành dương (8) nhạn phân chủ khách,
Trắng hòa ngàn (9), chẳng khác trời dông.
Chen nhau giáp cánh dửng lông,
Vật tranh thể ấy, non lòng biết bao.
Sắc phau phau đã nên trong sạch,
Đối thái hư hắc bạch càng phân.  
Bỏ ngày khác chốn giang tân,
Cá tôm giỡn mặt, xa gần ỏi tai.
Xót cõi ngoài doi le bãi hạc,
Nhớ đầm xưa lại nhắc ngặt ngào (10).
Chi bằng cây cả tán cao,
Co tay một giấc, ba sào chưa hay (11).
Dẫu chẳng tày (12) sẽ toan thế khác,
Ai chẳng cho ưu lạc (13) làm chi.
Đã hay có chỗ về đi,
Người lành chưa dễ mất khi đỗ đình (14).
Một chữ tình lại thêm chữ kiểng (15),
Chạnh lòng này mấy tiếng trường ngôn. [12]
Thơ rằng:
Biết chỗ mà nương ấy mới khôn,
Bay về đầm cũ mấy mươi muôn.
Đã giăng chữ nhất dài trăm trượng,
Lại xấp bàn vây trắng mấy non.
Ngày giữa ba thu ngân phấn vẽ,
Đêm trường chín hạ tuyết sương còn.
Quen cây chim thể người quen chúa,
Dễ đổi nghìn cân một tấm son.

Thi sĩ Đông Hồ có lời bình:
Đây là cảnh thứ sáu trong Hà Tiên thập cảnh, đối lại với cảnh thứ năm là Thạch Động thôn vân (Động đá nuốt mây). Cũng là cảnh động đá, nhưng ở Thạch Động thôn vân càng mơ màng diễm ảo, thì ở Châu Nham lạc lộ càng sáng sủa, phân minh. Cảnh Thạch Động, chú trọng ở điểm “thôn vân”, thì cảnh Châu Nham, chú trọng ở điểm “lạc lộ”. Nhất là trong nền tối hoàng hôn, sắc trắng của cánh chim càng thêm nổi rõ, khiến sắc minh bạch lại càng thêm minh bạch. Ở bài thơ này, tác giả mượn cảnh đàn chim về núi mà ví với cảnh ngộ, với cảm tình của con người đối với gia hương tổ quốc.
Tương tự, GS. Lê Đình Kỵ cũng đã viết:
Châu Nham lạc lộ là nói núi Đá Dựng, nơi những đàn cò trắng sáng đi ăn ở các đầm vũng gần xa, ở bãi biển mé gành, tối bay về nghỉ trong núi. Tác giả mượn cảnh đi về của chim để nói lên tấm lòng son gắn bó với dân với nước...

BÙi Thuỵ Đào Nguyên, giới thiệu.


Chú thích
1. Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh có sau Hà Tiên thập vịnh (1737), và tập thơ này chưa được khắc in. Bản hiện nay do thi sĩ Đông Hồ sưu tập được.
2. Đại Nam nhất thống chí do Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ Khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn xuất bản, 1973, tr. 57.
3. Nam Kỳ lục tỉnh Địa dư chí in trên Đại Việt tạp chí số 52 ra ngày 1 tháng 12 năm 1944, tr. 95.
4. Monographie de la Province d’Hatien, Saigon-Imprimerie L. Ménard, 1901, tr. 59.
5. Từ thị xã Hà Tiên, đi một đoạn đường khoảng 7km theo quốc lộ 80 về hướng cửa khẩu Xà Xía, đến ngọn Thạch Động thì gặp một con đường rẽ phải. Theo con đường này đi khoảng 1km nữa là đến núi Đá Dựng. Danh thắng này nằm cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 4 km.
6. Theo bài viết: Châu Nham Lạc Lộ, cảnh xưa thật sự nơi đâu? Và bài Nơi phát tích bài thơ Châu Nham Lạc Lộ không phải là núi Đá Dựng. Cả hai bài đều in trong Nghiên cứu Hà Tiên, sách dẫn ở mục tham khảo.

7. Đông Hồ giải thích từ khó hiểu: (1) Mạc: phỏng để vẽ lại. (2) Mới bạn họa danh: ý nói cảnh tượng kỳ tuyệt, không có ai phỏng theo mà vẽ cho được. (3) Kiều nhiêu: non mởn tươi đẹp. (4) Dọc dò: sâm si không đều nhau, có hình thể kỳ lạ cheo leo. (5) Man man: vạn vạn, chỉ số nhiều. (6) Rồng rồng: tả hình dáng uốn khúc như hình rồng. (7) Rơi ngân rớt phấn: Ví đàn cò bay đáp xuống từng đợt, ở xa nhìn như ngân rơi phấn rớt giữa không gian. (8) Hành dương: bãi biển Hành Dương. (9) Trắng hòa ngàn: trắng khắp cả ngàn núi, ngàn cây. (10) Ngặt ngào: biến âm của ngặt nghèo. (11) Ba sào chưa hay: mặt trời lên cao ba sào mà chưa thức. (12) Dẫu chẳng tày: dầu chẳng được như ý mong muốn (13) Ưu lạc: thong dong nhàn hạ vui vẻ. (14) Mất khi đỗ đình: mất những lúc đậu, lúc ngừng, lúc nghĩ. Đỗ đình có nghĩa là nơi căn cứ vững chắc, nơi gốc gác. (15) Kiểng: biến âm của cảnh (Văn học Hà Tiên, tr. 233-236).

Tham khảo
*Trương Minh Đạt, Nghiên cứu Hà Tiên, Nxb Trẻ & Tạp chí Xưa & Nay hợp tác ấn hành, năm 2008.
*Đông Hồ, Văn học Hà Tiên, Nxb Văn Nghệ TP. HCM, 1999.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Bóng râm ráng tối kết mây chiều,
Chim trắng non linh chiều lượn nhiều.
La liệt cây thơm bày thế trận,
Rơi đầy hoa ngọc núi cô liêu.
Sáng trăng bóng thác bay đầu núi,
Liền với bóng mây bãi cát chiều.
Sốt sắng đường đời bao mưu lược,
Nối đuôi về nghỉ chốn non chiều.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đất Văn Lang

Tàng xanh mây xám ráng chiều đan
Vách núi chim ra lượn trắng đàn
Chiều xuống rừng thêu ngàn lá đẹp
Mưa ngừng núi rụng vạn hoa lan
Thác đem trăng sáng soi triền núi
Mây lượn bãi thơm tiễn xế tàn
Dọc nẻo cuồng si đầy cạm bẫy
Dừng chân ghềnh nước sống an nhàn

Đất Văn Lang
Chưa có đánh giá nào
Trả lời