卜算子-梅

驛外斷橋邊,
寂寞開無主。
已是黃昏獨自愁,
更著風和雨。

無意苦爭春,
一任群芳妒。
零落成泥碾作塵,
只有香如故。

 

Bốc toán tử - Mai

Dịch ngoại đoạn kiều biên,
Tịch mịch khai vô chủ.
Dĩ thị hoàng hôn độc tự sầu,
Cánh trước phong hoà vũ.

Vô ý khổ tranh xuân,
Nhất nhiệm quần phương đố.
Linh lạc thành nê niễn tác trần,
Chỉ hữu hương như cố.

 

Dịch nghĩa

Bên ngoài dịch, bên cạnh cây cầu gãy,
Lặng lẽ nở khoa không ai hay.
Lẻ loi tự sầu lúc hoàng hôn xuống,
Lại chịu mưa và gió.

Không có ý khổ tranh giành xuân,
Phải chịu các loài cây cỏ ghen ghét.
Héo rụng thành bùn, tan ra bụi,
Chỉ có hương như vẫn còn nguyên.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo

Ngoài trạm bên đầu cầu,
Lặng lẽ nở không chủ.
Trời lúc chiều vàng một gợi buồn,
Lại gặp mưa cùng gió.

Phải đâu khổ giành xuân,
Mọi hoa ghen đủ thứ.
Khi rụng thành bùn hoá bụi bay,
Vẫn có hương như cũ.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Huy Liệu

Ngoài trạm bên cầu gãy
Vắng ngắt hoa không chủ
Gặp lúc hoàng hôn một mình buồn
Lại thêm mưa với gió!

Đâu có muốn giành xuân
Mặc trăm hoa ghen ghét
Dù khi rụng xuống thành bụi, bùn
Vẫn thoảng hương thơm ngát.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Nhắn nhủ của Cao Tự Thanh tiên sinh

Gởi annonymous

(...)

Không phải ngẫu nhiên mà từ nhân Trung Hoa ngày xưa dùng chữ “điền từ”. Điền ở đây tức điền lời vào một cái khung âm nhạc đã được quy định, tương tự các soạn giả cải lương Việt Nam vẫn viết các “bản nhỏ” vậy. Trong các vị ở quý thi viện chắc có nhiều người biết cải lương, xin nêu một ví dụ để minh họa.

Điệu Lý con sáo (cả ba lớp) đều mở đầu bằng ba tiếng, trong đó tiếng cuối nhất định phải là thanh bằng, còn điệu Sơn Đông hướng mã cũng mở đầu bằng ba tiếng, nhưng tiếng cuối nhất định phải là thanh trắc. Ai mà viết ngược lại thì không những người hát chửi mà bọn thầy đàn cũng sẻ rượt đánh, chứ viết ca từ bản nhỏ như thế thì ai mà đàn mà hát được. Từ khúc cũng thế, nó được viết để hát, tức biểu diễn, âm nhạc Trung Quốc cổ thì hiện nay ngay ở Trung Quốc cũng không có bao nhiêu người hiểu, ở Việt Nam càng ít hơn, nhưng người dịch từ phải ý thức được điều đó, tức ít nhất cũng phải mô phỏng được cái khung âm nhạc mà trước hết là luật bằng trắc để giúp người đọc mà nhất là những người hiểu biết âm nhạc cảm nhận được chỗ hay của từ. Tôi chỉ là một kẻ dịch mướn kiếm cơm, không dám nói là giỏi, nhưng cũng đã được lãnh giáo trình độ của vài người đọc qua bản dịch bài Trầm giang trong Lộc Đỉnh ký. Chuyện cũ không cần nhắc lại làm gì, có điều với một mặt bằng người đọc có hiểu biết đáng buồn về từ khúc như vậy mà người dịch không có ý thức hay năng lực thể hiện – tái tạo chính xác cả nội dung ngữ văn lẫn nội dung nhạc luật của từ khúc, thì sự say mê tao nhã của các vị trong quý thi viện, xin lỗi cho tôi nói thẳng, chỉ là làm chuyện tào lao.

Ở đây xin nói qua về bài Bốc toán tử, Mai của Lục Du, chỗ quý thi viện có mấy bản dịch, những bản dịch thành thơ không bàn, chỉ nói về hai bản dịch ra từ khúc.

Dịch ngoại đoạn kiều biên, Tịch mịch khai vô chủ. Dĩ thị hoàng hôn chúc tự sầu, Cánh trước phong hòa vũ.
Vô ý khổ tranh xuân, Nhất nhiệm quần phương đố. Linh lạc thành nê nghiễn tác trần, Chỉ hữu hương như cố.

Ngoài trạm bên đầu cầu, Lặng lẽ nở không chủ. Trời lúc chiều vàng một gợi buồn, Lại gặp mưa cùng gió.
Phải đâu khổ giành xuân, Mọi hoa ghen đủ thứ. Khi rụng thành bùn hoá bụi bay, Vẫn có hương như cũ. (Nguyễn Xuân Tảo dịch)

Ngoài trạm bên cầu gãy, Vắng ngắt hoa không chủ. Gặp lúc hoàng hôn một mình buồn, Lại thêm mưa với gió!
Đâu có muốn giành xuân, Mặc trăm hoa ghen ghét. Dù khi rụng xuống thành bụi, bùn. Vẫn thoảng huơng thơm ngát (Trần Huy Liệu dịch)

Phân tích khung nhạc luật chuẩn của điệu Bốc toán tử, có thể thấy nó gồm hai đoạn giống nhau hoàn toàn, mỗi đoạn phối hợp hai thể thơ ngũ ngôn và thất ngôn theo thứ tự 5-5-7-5, gieo vần trắc ở các câu chẵn, nhưng khác thi luật ở chỗ câu đầu chỉ phá trắc và tất cả các câu sau đều có chữ thứ hai mang thanh trắc (dĩ nhiên cũng có khi chữ thứ hai trong các câu mang thanh bằng hay câu cuối mỗi đọan có 6 tiếng, ngắt thành nhịp 3/3, nhưng đó là những ngoại lệ), tức lời là thơ nhưng luật thì khác, không tuân thủ quy định niêm luật của thơ Đường luật, nhịp điệu do đó nhịp nhàng nhưng vẫn gấp gáp. Cho nên nếu so với nguyên tác của Lục Du thì bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo không chuẩn ở đoạn sau (Mặc trăm hoa ghen ghét thì chữ trăm thanh bằng), còn bản dịch của Trần Huy Liệu không chuẩn ngay từ chữ cuối câu đầu (Ngoài trạm bên cầu gãy thì chữ gãy thanh trắc), nói chung đều khó cho người đàn người hát. Cần nói thêm là cả hai vị ấy còn hiểu sai hoàng hôn là buổi chiều, chứ thật ra hoàng hôn ở đây là vàng vọt tối tăm mới ăn khớp với chúc (nến, đuốc) và liền mạch với câu “... phong hòa vũ” ở dưới.

Xin gởi kèm một bản dịch của tôi về bài Bốc toán tử, Mai nói trên để anh xem chơi, thích thì dùng không thích thì thôi, cũng chẳng hay ho gì nhưng chắc chắn là gần với nội dung ngữ văn và nhạc luật hơn tất cả các bản đang được giới thiệu bên quý thi viện.

Ngoài dịch trạm bên cầu, Lặng lẽ hoa không chủ. Như nến gần tàn đã tự sầu, Lại khổ mưa cùng gió.
Không có ý giành xuân, Ganh ghét tùy hoa cỏ. Rơi rụng ngày sau hóa đất bùn, Chỉ biết thơm như cũ.

(...)

Tháng 2. 2009

------------------------------------

Định nói thêm kỹ hơn, mà thời gian không có nên vắn tắt cho anh khỏi chờ.
1. Khác với các ngôn ngữ như Pháp Anh Nga Đức, tiếng Hán cổ và tiếng Việt hiện đại trong đó khoảng 2/3 là từ Việt Hán có rất nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là về nhạc tính thì tiếng Việt hiện đại còn đủ 6 thanh, có thể chuyển tải tất cả thanh điệu âm vận tiếng Hán thời Đường Tống, điều mà ngay tiếng Hoa hiện đại cũng không làm được. Cho nên trước nay tôi vẫn chủ trương dịch một đổi một, và những câu loại Hoa rơi người đứng lẻ, Mưa nhỏ én bay đôi đã chứng minh đó là điều khả thi. Nói thêm là với những người dịch nghiệp dư, đường lối này tạo ra một cơ hội bằng vàng cho họ trau dồi tiếng Việt.
2. Khác với thơ Đường luật, từ khúc mang tính âm nhạc cao, nói khác đi âm nhạc cũng là một yếu tố biểu đạt của từ khúc. Cho nên với từ nên đọc bằng miệng chứ không nên chỉ xem bằng mắt, khi dịch cũng phải cố gắng cho dòng âm thanh đi ngang dòng ý nghĩa chứ không chậm hay yếu hơn.
3. Nhiều người không hiểu chính xác từ ngữ nguyên bản nên dịch sai, vụ hoàng hôn trên đây là một ví dụ về cách hiểu (hay từ điển) không tương thích mà có lần tôi đã nói với anh trong blog này, anh nên lưu ý.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
14.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Về nguyên tác và bản dịch

Có một bản khác như sau:

驛外斷橋邊,
寂寞開無主。
已是黄昏獨自愁,
更著風和雨。

無意苦爭春,
一任群芳妒。
零落成泥碾作塵,
只有香如故。

Dịch ngoại đoạn kiều biên,
Tịch mịch khai vô chủ 。
Dĩ thị hoàng hôn độc tự sầu,
Canh trước phong hòa vũ 。

Vô ý khổ tranh xuân,
Nhất nhậm quần phương đố 。
Linh lạc thành nê niễn tác trần,
Chỉ hữu hương như cố 。

Hai bản khác nhau ở 2 chữ "độc" và "chúc" .
1- 燭 chúc thuộc bộ hỏa 火, phoenetic là chữ thục 蜀 (bộ trùng)
2- 獨 độc thuộc bộ chó 犭, phoenetic là chữ thục 蜀 (bộ trùng)

So sánh 2 chữ thì thấy gần giống nhau cách viết cho nên rất có thể 1 bản sao chép lại bị sai. Bản nào đây ?

"Dĩ thị hoàng hôn chúc tự sầu" nếu ví cành mai buồn như nến tàn thì hơi đột ngột về chuyển ý vì từ ngoại cảnh (ngoài trời) đột nhiên vô nhà (nến). Hơn nữa cành mai lạnh lẽo và cô đơn chứ đâu có chết (nến tàn) đâu? Trong bản ghi là "dĩ thị hoàng hôn độc tự sầu " (rồi thì chiều tối lo một mình) hình như đúng với tâm trạng của cành mai hơn.

(Mvp từ hdc group)

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Độc/chúc

Mình tra lại trong 1 cuốn "Lục Du tập" thì ghi là Độc, tìm trên mạng thì hầu hết cũng ghi là Độc, chỉ vài chỗ chép là Chúc (chắc là do nhìn nhầm rồi gõ nhầm rồi).

Bản ở TV trước cũng ko nhớ copy từ trang nào nữa. Hic, đúng là tùm lum quá. Thanks nhiều nhé :D

PS: bài dịch của CTT tiên sinh, mình đã hỏi lại và tiên sinh bảo xoá :(. Đồng thời mình cũng tạm xoá 2 bài dịch của Cammy và Phụng Vũ Cửu Thiên, sorry, nếu 2 người dịch lại thì bổ sung sau.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Cao Tự Thanh

Ngoài dịch trạm bên cầu,
Lặng lẽ hoa không chủ.
Riêng giữa chiều buông đã tự sầu,
Lại thêm mưa với gió.

Không có ý giành xuân,
Ganh ghét tuỳ hoa cỏ.
Rơi rụng ngày sau hoá đất bùn,
Chỉ biết thơm như cũ.

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Đương Tịnh

Ngoài trạm bên cầu gãy
Âm thầm mai nở ho
Chiều xế một mình coi ủ rũ
Lại còn gió với mưa

Nào dám tranh vẻ đẹp
Mặc muôn hoa ghét chửa
Tan nát thành bùn rồi hoá bụi
Mà hương vẫn như xưa

tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Trả lời